Chức Vụ Linh Mục Trong Giáo Hội Công Giáo

22/01/20207:52 SA(Xem: 1982)
Chức Vụ Linh Mục Trong Giáo Hội Công Giáo

Chức Vụ Linh Mục Trong Giáo Hội Công Giáo


 Nhà xuất bản Fe-Medienverlag đã chấp thuận cho nhật báo (công giáo) Tagespost tại Đức phổ biến trước bài viết “Chức Linh Mục Trong Giáo Hội Công Giáo“ của Biển-đức XVI. Phạm Hồng-Lam dịch từ Đức ngữ.Der emeritierte Papst Benedikt XVI.


unnamed

 

1. Sự hình thành chức linh mục trong Tân Ước qua chú giải ki-tô và thần linh học

 

Phong trào hình thành chung quanh đức Giê-su ở Nazareth – dĩ nhiên trước thời phục sinh – là một phong trào giáo dân. Nó cũng giống như phong trào của những người Pha-ri-sêu, do đó những đụng độ đầu tiên của nó chủ yều là đối với phong trào pha-ri-sêu. Chỉ sau ngày lễ Vượt Qua (Pascha) cuối cùng, lúc đó đức Giê-su có mặt ở Giê-ru-sa-lem, thì giới quý tộc linh mục nơi Đền Thờ - những người Sa-đu-zê – mới để ý tới Người và phong trào của Người, và từ đó dẫn đến việc giết Người. Cũng vậy, những chức vụ trong cộng đoàn chung quanh đức Giê-su không thể sánh được với chức tư tế của Cựu Ước: vốn mang tính gia truyền. Ai không thuộc gia đình tư tế, thì không thể trở thành tư tế. Ta hãy nhìn sơ vào các cấu trúc chức vụ quan trọng trong cộng đoàn tiên khởi thời đức Giê-su. 

 

1)    Tông đồ (Apostolos)

Trong thế giới hi-lạp chữ Tông Đồ là một terminus technicus (từ kĩ thuật) của ngôn ngữ nhà nước (ThWNT, I, Tr. 406). Do-thái Giáo thời tiền ki-tô đã dùng từ này cho mình với nghĩa vừa đời vừa đạo: một sứ giả đời có trách nhiệm đối với Thiên Chúa. Từ đây nó cũng mang nghĩa là một sứ giả được Thiên Chúa ủy quyền.

 

2)    Giám mục (Episkopos)

Tiếng Hi-lạp ám chỉ những trách vụ có liên quan tới kĩ thuật và tài chánh, nhưng đồng thời cũng có một nội dung tôn giáo, vì Episkopos thường được dùng để gọi các thần linh, đó là những vị thần bản mệnh. “Bản dịch (Kinh Thánh) 70 dùng từ Episkopos với cả hai nghĩa, vừa là từ để gọi Thiên Chúa theo đặc tính ngôn ngữ và văn hóa ngoại giáo của Hi-lạp, vừa là từ mang nghĩa thế tục chung chung: kẻ giám sát mọi lãnh vực” (ThWNT, II, Tr. 610, hàng 16-19).

 

3)    Linh mục (Presbyteros)

Danh xưng Episkopos chỉ người mang trách vụ thường được dùng trong thế giới ki-tô giáo và dân ngoại. Trái lại, cũng để chỉ người mang chức vụ đó, trong thế giới do-thái giáo người ta lại thường dùng từ Presbyteros. Truyền thống do-thái giáo coi hội đồng các trưởng lão (presbyter) là một thứ cơ quan lập hiến. Truyền thống này ở Giê-ru-sa-lem đã sớm trở thành một cấu trúc chức vụ trong cộng đoàn ki-tô hữu. Từ đó đã hình thành nên trong Giáo Hội ban sơ gồm người Do-thái và dân ngoại ba loại chức vụ: giám mục, linh mục và phó tế (Diakon). Vào cuối thế kỉ thứ I. ba chức vụ này đã phát triển rõ nét nơi Ignatius ở Antiochia; nội dung cũng như ngôn từ sử dụng của chúng đã tạo ổn định cho cấu trúc chức vụ trong Giáo Hội của đức Giê-su Ki-tô từ đó tới nay.

Qua những gì đã nói, ta thấy rõ, tính cách giáo dân của phong trào sơ khai thời đức Giê-su cũng như tính cách không liên quan tới việc tế tự và linh mục của các chức vụ xưa không nhất thiết dựa trên một quyết định chống lại tế tự và chống lại Do-thái Giáo, nhưng được hình thành từ hoàn cảnh đặc biệt của chức tư tế cựu ước, theo đó chức tư tế gắn liền với nhà A-a-ron và Lê-vi. Tương quan đối với chức linh mục được hiểu cách khác nhau nơi hai “phong trào giáo dân” khác thời đức Giê-su. Trên nguyên tắc, những người Pha-ri-sêu xem ra tán đồng với phẩm trật của Đền Thờ, trừ những cãi cọ của họ về việc thân xác sống lại. Còn tình hình nơi những người Et-xê-nê của phong trào-Qumran quả khó hiểu hơn.

Rõ ràng, một phần của phong trào-Qumran thẳng thừng chống lại Đền Thờ của Hê-rô-đê và chức tư tế trong đó, nhưng không phải để phủ nhận chức tư tế, mà để tái lập nó cách thuần khiết và đúng đắn hơn. Cả phong trào-Giê-su cũng không đơn giản chủ trương “giải thiêng”, phá luật và phủ nhận chức tư tế lẫn phẩm trật, nhưng xem ra họ đã chấp nhận những phê phán của các tiên tri về việc tế tự và đã đưa chức tư tế và việc tế tự vào một thể thống nhất cách bất ngờ; điều này chúng ta sẽ phải cố gắng tìm hiểu. Trong cuốn sách “Der Geist der Liturgie” (Tinh thần của phụng tự) của tôi, tôi đã trình bày đường hướng phê bình việc tế tự của các tiên tri; đường hướng này đã được Stê-pha-nô đón nhận và được thánh Phao-lô nối vào với truyền thống phụng tự của bữa tiệc li. Chính đức Giê-su đã đặc biệt quan tâm tới những phê bình của các tiên tri về việc diễn giải ngày Sa-bát sao cho đúng và đã tán đồng với những phê bình đó (so sánh Mt 12,7).

Trước hết ta hãy xem thái độ của đức Giê-su đối với Đền Thờ. Người coi Đền Thờ là dấu chỉ hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa giữa dân riêng của Người và là nơi thờ phượng theo luật Mô-sê. Câu truyện đức Giê-su lúc mười hai tuổi cho thấy, gia đình của Người thuộc vào giới giữ luật và Người đương nhiên tham dự vào truyền thống đạo đức gia đình đó. Câu Người nói với mẹ “Con có bổn phận ở nhà của Cha con” (Lc 2,49) cho thấy xác tín của Người: Đền Thờ là nơi ngự đặc biệt của Thiên Chúa và như vậy đó là chỗ cư trú đích thật của người Con. Cả trong thời gian tại thế ngắn ngủi đức Giê-su cũng hành hương tới Đền Thờ như bao người Do-thái, và sau khi Người phục sinh, cộng đoàn của Người rõ ràng vẫn tiếp tục tụ họp tại Đền Thờ để nghe giảng và cầu nguyện.

Nhưng qua hành động làm sạch Đền Thờ Người đã trao cho nó một ý nghĩa nền tảng (Mc 11,15tt; Ga 2,13-22). Bảo rằng, Người chỉ chống lại những kẻ lạm dụng buôn bán và qua cử chỉ đó Người đã xác nhận Đền Thờ, thì không đủ. Theo tin mừng Gio-an, hành động đó là điềm báo cho việc phá đổ Đền Thờ bằng gạch đá, và thay vào đó thân xác Người sẽ xuất hiện như là Đền Thờ mới. Câu nói ám chỉ này của đức Giê-su trong Tin Mừng nhất lãm được nói lên qua miệng của những người chứng gian trong tường thuật phiên tòa xử án (Mc 14,58). Lập luận của họ quá bất nhất, nên không thể dùng cho việc kết thúc phiên tòa. Nhưng chắc chắn đức Giê-su đã nói một câu như thế, mà nội dung của nó đã không thể xác định đủ vững cho phiên tòa. Vì thế Giáo Hội đang hình thành lúc đó đã có lí, khi công nhận câu tường thuật của Gio-an là lời thật sự của đức Giê-su. Điều này có nghĩa là đức Giê-su coi việc phá đổ Đền Thờ là hậu quả do thái độ và hành vi sai trái của các cấp tư tế quản trị Đền Thờ. Nhưng Thiên  Chúa đã dùng sự sai trái của con người, như đã xẩy ra trong mọi thời điểm bản lề của lịch sử cứu độ, như một cách thế thể hiện tình yêu lớn hơn của Người. Do đó đức Giê-su rốt cuộc coi việc phá đổ Đền Thời này rõ ràng là một bước tiến cứu độ của Thiên Chúa và Người xem đó là cuộc tái tạo chung quyết về việc thờ phượng. Trong ý nghĩa này việc làm sạch Đền Thờ là việc báo trước cho một hình thức thờ phượng Thiên Chúa mới, và như vậy, nó liên quan trực tiếp tới bản chất việc tế tự và bản chất chức linh mục.

Điểm quyết định để ta biết được đức Giê-su muốn gì và không muốn gì về việc phụng tự dĩ nhiên là bữa ăn chia tay với việc trao mình và máu của Người. Đây không phải là chỗ để ta tranh luận về chuyện diễn giải đúng hay không đúng về biến cố đã xẩy ra và về những lời của đức Giê-su, những đề tài vốn được dấy lên trong thời gian qua. Điều quan trọng ở đây là, một mặt đức Giê-su chấp nhận truyền thống Si-na-i, và vì thế Người tự coi mình là một Mô-sê mới, nhưng mặt khác Người đặc biệt chấp nhận niềm hi vọng về giao ước mới do Giê-rê-mi-a trình bày, và như vậy Người cho thấy có sự vượt qua truyền thống Si-na-i; và tâm điểm của truyền thống mới này là chính Người, vừa xuất hiện như một vị tư tế vừa như một hiến lễ. Tư tưởng quan trọng để suy nghĩ ở đây là cũng một đức Giê-su đang hiện diện giữa các môn đệ đó đã trao thịt và máu mình cho họ và như thế đã báo trước cho họ về thập giá và phục sinh. Không có phục sinh thì mọi chuyện là vô nghĩa. Việc đóng đinh thập tự đức Giê-su tự nó không phải là một hành vi tế lễ, và những quân lính rô-ma thực hiện việc đóng đinh không phải là những tư tế. Họ thi hành một án tử, mà chẳng nghĩ xa xôi đó là một hành vi tế tự. Việc đức Giê-su tự hiến mình trong nhà tiệc li làm của ăn cho mọi thời có nghĩa là việc thể hiện trước cái chết và sự phục sinh của Người và việc biến một hành vi man rợ của con người thành một hành vi tự hiến và yêu thương. Như thế, chính đức Giê-su đã làm mới việc tế tự từ nền tảng; việc tế tự này sẽ là khuôn thước cho mọi thời: Người biến tội lỗi con người thành một hành vi tha thứ và yêu thương, để mọi môn đệ tương lai có thể tham gia bước vào quỹ hội  của đức Giê-su. Đó cũng là điều mà An-tịnh (Augustinus) nói về sự chuyển tiếp từ bữa tiệc li tới việc hiến tế mai ngày trong Giáo Hội. Bữa tiệc li là sự tự hiến của Thiên Chúa cho ta qua tình yêu tha thứ của đức Giê-su Ki-tô và nó giúp cho nhân loại, về phía họ, có thể đón nhận cử chỉ tình yêu Thiên Chúa và trao trả nó lại cho Người.  

Trong mọi diễn tiến đó chẳng có gì trực tiếp nói về chức linh mục. Nhưng rõ ràng truyền thống a-a-rôn cũ, như vậy, đã bị vượt qua và chính đức Giê-su giờ đây là thầy cả thượng phẩm. Và điều cũng quan trọng, là qua đó việc phê bình tế tự của các tiên tri và truyền thống tế tự xuất phát từ Mô-sê đã hòa tan vào trong nhau: Tình yêu là của lễ hi sinh. Trong sách „Đức Giê-su ở Nazareth“ (tập II, 54-56) của tôi, tôi trình bày việc thánh Phao-lô đã làm cách nào để hoàn tất quá trình hình thành nền phụng tự mới này và như vậy cũng là việc thành lập chức linh mục mới. Đó là một sự hợp nhất nền tảng được tạo nên bởi cái chết và phục sinh của đức Giê-su, một sự hợp nhất rõ ràng đã không có được đồng thuận giữa lời loan báo của Phao-lô và các đối thủ của ngài. 

Với Thiên Chúa, việc phá hủy tường thành Đền Thờ do lỗi con người gây ra mang nghĩa tích cực: Không còn những bức tường ngăn cách nào nữa, nhưng giờ đây đức Giê-su Ki-tô phục sinh trở thành nơi chốn để con người thờ phượng Thiên Chúa. Như vậy việc phá đổ Đền Thờ của Hê-rô-đê cũng có nghĩa là giữa hai thế giới ngôn ngữ và đời sống của bộ luật Mô-sê và phong trào-Giê-su không còn có gì cách ngăn nhau nữa. Các chức vụ ki-tô giáo (giám mục, linh mục, phó tế) và các chức vụ do luật Mô-sê đề ra (thượng tế, tư tế, trợ tế) giờ đây đứng song hành bên nhau và có thể mở cửa thông giao và thay thế cho nhau. Trong thực tế, sự tương ứng từ ngữ (giám mục = thượng tế, linh mục = tư tế, phó tế = trợ tế) đã diễn ra tương đối sớm. Chúng ta gặp được sự kiện này trong giáo lí rửa tội của thánh Am-brô-si-ô, và chắc chắn là ngài cũng đã dựa trên những tài liệu khác sớm hơn. Đấy đơn giản là chuyện diễn giải Cựu Ước của Ki-tô Giáo, cũng có thể gọi được là lối diễn giải thánh linh, với chiều hướng coi Cựu Ước trở thành Kinh Thánh – và mãi mãi là như thế - của Ki-tô hữu. Nếu việc diễn giải ki-tô và thánh linh học này có thể cũng được phía lịch sử văn chương gọi là „diễn giải biểu tượng“, thì cái mới nội tại cũng như lối lập luận minh bạch của việc hiểu cách mới về Cựu Ước của Ki-tô Giáo quả đã rõ: Ở đây biểu tượng chẳng phải là một thủ thuật văn chương nhằm lái văn bản đi theo nhu cầu và mục đích của mình, nhưng đó là chỉ dấu của một bước tiến lịch sử phù hợp với lô-gích nội tại của bản văn.

Thập giá của đức Giê-su Ki-tô là hành vi tình yêu triệt để, qua đó diễn ra thật sự sự hòa giải giữa Thiên Chúa và thế giới tội lỗi. Vì thế, thập giá này tự nó hoàn toàn không phải là một hành vi tế tự, nhưng là sự thờ phượng Thiên Chúa cách cao cả nhất. Qua thập giá con đường hạ mình đi xuống của Thiên Chúa đã hòa lại với con đường hiến thân đi lên của nhân loại hướng tới Thiên Chúa thành một hành vi độc nhất, nhờ hành vi này mà đền thờ mới của thân xác của Người đã có thể hình thành trong biến cố phục sinh. Mỗi lần cử hành thánh lễ Giáo Hội và nhân loại luôn luôn được đưa vào trong diễn tiến đó. Sự phê bình phụng tự của các tiên tri đã đạt đích của nó một lần cho tất cả nơi thập giá của đức Ki-tô. Nhưng đó đồng thời cũng là nền tảng của nền phụng tự mới. Sự hiện diện mãi mãi tình yêu của đức Ki-tô trong thánh thể là hành vi thờ phượng mới. Cũng vậy, các chức vụ tư tế của Israel đã được „nâng lên“ vào trong công tác phục vụ tình yêu, vốn đồng thời cũng có nghĩa là việc thờ phượng Thiên Chúa mãi mãi. Sự hợp nhất mới này giữa tình yêu và phụng tự, giữa sự phê bình phụng tự và việc vinh danh Thiên Chúa qua việc phục vụ tình yêu, rõ ràng là một nhiệm vụ đặc biệt mà mỗi thế hệ trong Giáo Hội phải thực thi cho bằng được.

Bước diễn giải nhằm vượt qua câu chữ của Cựu Ước để phục vụ Giáo Ước mới, như vậy, đòi hỏi luôn phải có cuộc lên đường mới xuyên qua câu chữ để vươn tới Thánh Linh. Trong thế kỉ 16. Luther đã có một lối đọc Cựu Ước hoàn toàn khác lạ, nên đã không còn có thể có được bước vượt qua đó. Vì thế ông đã có thể nhìn thấy việc tế tự cựu ước và chức tư tế cho việc tế tự đó chỉ như là một dấu chỉ của „lề luật“, nên chức tư tế này đối với ông không phải là một phần của con đường trao ban ân sủng của Thiên Chúa, mà là vật cản của con đường này. Vì thế ông đã phải nhìn thấy một mâu thuẫn cực đoan giữa các chức vụ thừa tác trong Tân Ước với chính chức linh mục. Vấn đề này cũng đã trở nên hết sức cấp bách đối với Giáo Hội trong thời công đồng Vaticano II. Người ta đã chẳng còn hiểu „biểu tượng“ như là bước vượt tâm linh từ Cựu Ước qua Tân Ước nữa. Nhưng Tuyên Ngôn về chức vụ và đời sống linh mục gần như đã chẳng đề cập tới khía cạnh này. Vì thế, sau Công Đồng, nó đã dồn dập ập tới trên chúng ta và đã khiến chức linh mục rơi vào khủng hoảng cho mãi tới ngày nay. 

Tôi muốn làm rõ thêm qua hai ghi nhận cá nhân. Tôi không thể nào quên được chuyện người bạn chuyên gia Ấn-độ Học Paul Hacker của tôi đã mê say tìm hiểu đề tài này, khi ông từ một tín hữu tin lành xác tín trở thành một tín hữu công giáo xác tín. Ông coi „Sacerdoten“ trong Tân Ước là một thực tại đã được vượt qua một cách dứt khoát, và ông thoạt tiên đã giận dữ và quyết liệt chống lại việc người ta đương nhiên coi chữ Priester (linh mục) trong tiếng Đức, vốn thoát thân từ chữ Presbyter (trưởng lão) tiếng Hi-lạp, mang nghĩa là Sacerdos. Tôi chẳng còn nhớ, rốt cuộc ông đã giải quyết vấn nạn này như thế nào.

Chính tôi, trong một bài thuyết trình ngay sau khi Công Đồng bế mạc, đã tin rằng, Presbyter trong Tân Ước có nghĩa là người suy tư về Lời chứ không có nghĩa là „người thợ tế tự“. Mà việc suy tư về Lời Chúa thật ra là một nhiệm vụ lớn và nền tảng của các linh mục của Chúa trong Giao Ước mới. Nhưng Lời này đã trở thành xương thịt và suy tư cũng luôn có nghĩa là để cho xương thịt đó nuôi mình, và xương thịt này là bánh từ trời được ban tặng cho ta qua bí tích Thánh Thể. Suy tư Lời Chúa trong Giáo Hội của Giao Ước mới cũng có nghĩa là luôn luôn mở lòng ra đón nhận xương thịt của đức Giê-su Ki-tô; và việc mở lòng đón nhận này cũng đồng thời có nghĩa là sự sẵn sàng để cho thập giá biến đổi cái tôi của mình. 

Tôi sẽ trở lại vấn đề này một lần nữa. Trong lúc này ta hãy ghi nhận một vài bước tiến trong lịch sử cụ thể của Giáo Hội đang trên đường hình thành. Bước tiến thứ nhất biểu lộ qua việc lập một chức vụ mới: Công Vụ Tông Đồ tường thuật cho ta hay về gánh nặng quá tải của các tông đồ; các ngài vừa có nhiện vụ rao giảng và cầu nguyện cho Giáo Hội vừa phải mang trách nhiệm chăm lo những người nghèo. Điều này dẫn tới việc thành phần tín hữu nói tiếng Hi-lạp trong Giáo Hội sơ khai cảm thấy bị bỏ rơi. Do đó các tông đồ quyết định, chỉ còn chú trọng tới việc cầu nguyện và công tác Lời Chúa mà thôi. Các ngài lập ra nhóm bảy người, về sau gọi là các phó tế, để thi hành công tác bác ái. Chức vụ này dĩ nhiên không chỉ chuyên lo việc bác ái thực hành, mà còn đòi hỏi cần có ơn Chúa, đức tin và cả khả năng rao giảng Lời Chúa: một thí dụ của mẫu chức vụ này là thánh Stê-pha-nô.

Vấn đề tâm điểm ở đây cho mãi tới ngày nay là các chức vụ này không dựa vào xuất xứ gia đình, mà dựa trên việc tuyển chọn và ơn gọi. Sự liên tục phẩm trật tư tế của Israel được chính Thiên Chúa bảo đảm, vì những người con trai trong gia đình rốt cuộc là do Thiên Chúa ban tặng. Trong khi đó các chức vụ mới, trái lại, không đặt nền trên xuất xứ gia đình, mà trên một ơn gọi do Thiên Chúa trao ban và được con người nhận ra. Do đó trong cộng đoàn tân ước ngay từ đầu đã đặt ra vấn đề ơn gọi. „Hãy cầu xin Chúa, để Người gởi thợ tới cho mùa màng“ (Mt 9,37). Tìm ơn gọi là niềm hi vọng và nỗi âu lo cho mỗi thế hệ của Giáo Hội. Ta quá hiểu, đây là nhiệm vụ và âu lo to lớn chừng nào đối với Giáo Hội ngày nay. 

Một câu hỏi khác gắn liền với vấn đề này. Việc cử hành thánh lễ thường đều và ngay cả mỗi ngày đã hình thành rất sớm trong Giáo Hội; ta không biết chính xác từ lúc nào, nhưng rất sớm. Bánh „siêu nhiên“ cũng đồng thơi là bánh „thường ngày“ của Giáo Hội. Nhưng điểm này lại dẫn tới một hệ quả quan trọng gây khó khăn cho Giáo Hội hôm nay.

Nói chung, dân Israel nghĩ rằng, trong những thời gian các tư tế thi hành việc phụng tự, nghĩa là khi họ đụng chạm tới nhiệm tích của Thiên Chúa, họ phải giữ chay tịnh tình dục. Liên quan giữa việc chay tịnh tình dục và việc tế lễ quá rõ ràng trong í thức chung của Israel. Tôi chỉ nêu lên một thí dụ ở đây, khi Đa-vít chạy trốn Sa-ul và tới xin tư tế A-hi-mê-lech bánh ăn: „Vị tư tế trả lời Đa-vít: Tôi không có sẵn bánh thông thường trong tay, mà chỉ có bánh thánh; nhưng các nam thanh niên phải tránh xa phái nữ. Đa-vít trả lời vị tư tế: Chúng tôi đã không gần gũi phụ nữ từ hôm qua và từ hôm trước“ (1 Sm 21,5t). Vì các tư tế cựu ước chỉ thi hành việc phụng tự trong những thời gian nào đó mà thôi, nên hôn nhân và chức tư tế rõ ràng có thể song hành với nhau.

Với các linh mục của Giáo Hội Chúa Giê-su Ki-tô thì hoàn cảnh trở nên hoàn toàn khác: họ dâng lễ thường đều và có khi mỗi ngày ở nhiều nơi. Cả cuộc đời của họ đụng chạm với nhiệm tích linh thiêng, nên đòi hỏi họ hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và từ chối một cuộc sống đong đầy trói buộc khác, như cuộc sống hôn nhân. Vì việc dâng lễ hàng ngày và vì công việc phục vụ Thiên Chúa bao trùm, nên đời sống linh mục tự nó không thể nào phù hợp với một cuộc sống hôn nhân song hành. Ta có thể nói, việc chay tịnh vì nhiệm vụ tự nó đã trở thành việc chay tịnh mang tính bản thể. Như vậy, tự nội tại, nền tảng và ý nghĩa của nó đã khác. Ngày nay, vấn đề này trái lại thường bị đổ cho là vì đánh giá thấp thân xác và tình dục. Lời tố cáo, theo đó việc độc thân linh mục xuất phát từ thế giới quan của phái Ma-ni-kê, đã được người ta đưa ra trong thế kỉ thứ 4.; nhưng nó đã bị các giáo phụ nhất mực phản đối ngay, khiến cho nó cũng đã im tiếng trong một thời gian. Sự chẩn đoán đó sai, vì ngay từ đầu Giáo Hội coi hôn nhân là một quà tặng của Thiên Chúa nơi vườn địa đàng. Nhưng hôn nhân đòi hỏi sự dấn thân của toàn thể con người, và công việc phục vụ Thiên Chúa cũng đòi hỏi toàn thân như thế, nên hai ơn gọi này không thể thực thi song hành cùng một lúc. Vì thế, khả năng từ bỏ hôn nhân, để hoàn toàn dấn thân cho Thiên Chúa, đã trở thành một tiêu chuẩn cho tác vụ linh mục. 

Cần phải thêm một ghi chú nữa về hình thái cụ thể của đời sống độc thân trong Giáo Hội. Các linh mục có gia đình đã có thể lãnh nhận chức linh mục, nếu họ chấp nhận sống chay tịnh tình dục, nghĩa là họ đồng ý bước vào một hôn nhân như kiểu nơi thánh Giu-se. Điều này xem ra hoàn toàn bình thường trong các thế kỉ đầu. Rõ ràng đã có khá nhiều người chấp nhận cuộc sống như thế, để cùng nhau dấn thân hết mình cho Thiên Chúa.  

 

2. Ba diễn giải văn bản

 

Để kết thúc những suy tư này tôi muốn diễn nghĩa ba đoạn Kinh Thánh, qua đó ta thấy rõ bước vượt từ đá trở thành thịt, và như vậy thấy rõ sự thống nhất nội tại giữa Cựu và Tân Ước. Nhưng đây đơn giản không phải là một sự thống nhất máy móc, mà là một bước tiến tới, trong đó ý hướng nội tại của Lời ban đầu được hoàn bị nhờ bước chuyển từ câu chữ trở thành thần linh. 

 

1)    Tv 16, 5: Lời về việc đón nhận ứng sinh vào hàng giáo sĩ trước Công Đồng

Trước hết tôi muốn diễn giải câu Tv 16,5, một câu trước công đồng Vaticano II. vốn được dùng cho việc đón nhận một ứng sinh vào hàng giáo sĩ. Câu này được giám mục đọc trước, rồi được ứng sinh lập lại, và như vậy là người này được nhận vào hàng giáo sĩ trong Giáo Hội. Câu đó như thế này: „Dominus pars hereditatis meae et calicis mei tu es qui restitues hereditatem meam mihi.” „Chúa là phần gia sản của con. Vâng, Ngài là phần số mệnh của con. Con hài lòng về phần gia sản của con.“  Quả thật Thánh Vịnh của Cựu Ước nói lên đúng điều muốn nói trong Giáo Hội: việc đón nhận vào trong hàng ngũ các tư tế. Thực tế là mọi chi tộc Israel, mỗi một gia đình, là kẻ thừa tự gia sản lời hứa của Thiên Chúa đối với Áp-ra-ham. Lời hứa đó thể hiện cụ thể qua việc mỗi gia đình nhận được một phần đất hứa như là gia sản thừa tự của mình. Việc thủ đắc một phần đất thánh giúp cho mỗi người biết chắc rằng, mình đang dự phần vào lời hứa, và nó cũng đương nhiên có nghĩa là họ đang được chu cấp cụ thể. Mỗi người nhận một phần đất đủ cho mình có thể sống. Gia sản thừa tự này có tầm quan trọng cụ thể đối với mỗi người như thế nào, điều đó ta có thể thấy qua câu truyện của Na-bốt (1 V 21). Na-bốt hoàn toàn không chịu giao vườn nho cho vua, dù vua sẵn sàng đền bù đầy đủ cho ông. Đối với ông, vườn nho là cái gì đó còn trọng hơn mảnh đất quý: Đó là phần riêng của ông trong lời hứa của Thiên Chúa đối với Israel. Như vậy, trong khi mỗi người dân Israel có được phần đất giúp mình đủ sống, thì chỉ có chi tộc Lê-vi là chi tộc đặc biệt, chẳng nhận được phần đất thừa tự nào. Người Lê-vi không có đất, và như vậy không có được một nền tảng sống trực tiếp nào tại thế. Họ chỉ sống bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Cụ thể là họ sống nhờ vào những của lễ của dân Israel dâng cho Thiên Chúa theo đúng luật dạy. 

Hình tượng cựu ước này được hiện thực một cách mới và sâu xa hơn nơi các linh mục của Giáo Hội: Họ cần hoàn toàn sống vì Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Muốn hiểu điều này có nghĩa cụ thể ra sao, hãy đọc kĩ thánh Phao-lô. Ngài sống nhờ những gì tín hữu cung cấp, vì ngài trao cho họ Lời Chúa là thứ bánh thật và là sự sống thật của chúng ta. Hình ảnh dân Lê-vi không có đất, qua sự chuyển hóa tân ước, đã thể hiện cụ thể qua việc từ bỏ hôn nhân, để chỉ dành toàn thời phục vụ Thiên Chúa mà thôi. Giáo hội dùng từ Klerus (cộng đoàn thừa tự) để chỉ hàng ngũ giáo sĩ là với ý nghĩa đó. Bước vào hàng ngũ Klerus có nghĩa là từ bỏ trung tâm cuộc sống riêng tư và chấp nhận một mình Thiên Chúa là đấng cưu mang và bảo đảm cho cuộc sống của mình. 

Hình ảnh đó vẫn còn sống động trong tâm trí tôi, khi tôi suy gẫm câu Thánh Vịnh này vào chiều tối hôm trước ngày nhận phép cắt tóc, và hiểu được ngay lúc đó điều Chúa muốn nơi tôi: Chính Người muốn làm chủ toàn cuộc sống của tôi và đồng thời Người tự giao mình hoàn toàn cho tôi. Do đó tôi đã có thể hiểu câu Thánh Vịnh như là số mệnh cuộc sống của mình: “Chúa trao cho con phần số của Ngài, vâng Ngài là phần số của con. Con hài lòng về phần gia sản của con” (Ps 16, 5).

 

2)    Nhận vào lời kinh tiền tụng thứ hai: Đnl 10, 8 (lặp lại nơi Đnl 18, 5 – 8):

Sứ vụ của chi tộc Lê-vi, đọc lại trên tinh thần ki-tô và thánh linh học trong liên hệ với các linh mục của Giáo Hội

Câu thứ hai tôi muốn phân tích là lời kinh tiền tụng thứ hai của phụng vụ rô-ma sau lần đổi mới phụng vụ qua công đồng Vaticano II. Bản kinh thường được coi là của thánh Hi-pô-lít (mất khoảng năm 235), chắc chắn lúc ngài đã về già. Trong đó có câu: “Chúng con cám tạ Chúa, vì Chúa đã gọi chúng con đứng trước mặt Ngài và phục vụ Ngài.” Câu này không có nghĩa rằng, khi đọc kinh tiền tụng, chủ tế và tín hữu đứng chứ không phải quỳ gối, như một số nhà phụng vụ học cố giải thích. Ta hiểu ra nghĩa đúng của nó, khi ta biết rằng, câu này được lấy từ Sách Đệ Nhị Luật 10,8 (được lặp lại nơi Đnl 18, 5-8) và nó mô tả nhiệm vụ tế tự căn bản của chi tộc Lê-vi: “Thời ấy, đức Chúa tách chi tộc Lê-vi ra, để họ mang hòm bia giáo ước của đức Chúa, đứng trước đức Chúa, phụng sự Người và chúc phúc nhân danh Người” (Đnl 10, 8). “Thật vậy đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã chọn họ trong mọi chi tộc, để họ và con cái họ ứng trực và phụng sự mọi ngày nhân danh đức Chúa” (Đnl 18, 5). Câu văn nhằm định nghĩa bản chất tác vụ tư tế trong Sách Đệ Nhị Luật này giờ đây đã được đưa vào lời cầu của Giáo Hội đức Giê-su Ki-tô, của Giao Ước mới, và như vậy qua đó nói lên sự tiếp nối và sự mới mẻ của chức linh mục. Điều trước đây chỉ được nói cho chi tộc Lê-vi mà thôi, giờ đây được chuyển sang các trưởng lão và các giám mục của Giáo Hội. Điều này không phải là một sai lầm của cộng đoàn ki-tô giáo tân lập của đức Giê-su Ki-tô, vì họ tin vào một chức linh mục tế lễ lỗi thời và đáng bỏ, như cái nhìn từ phía Cải Cách lẽ muốn nói như thế, nhưng đây là một bước mới của Giáo Ước mới, một bước thu nhận vào mình cái cũ đồng thời chuyển hóa nó, đưa nó lên tới tầm cao của đức Giê-su Ki-tô. Chức linh mục không còn là một vấn đề tùy thuộc vào gốc gác gia đình, mà mở ra cho nhân loại bước vào. Nó không còn là việc quản trị của lễ nơi Đền Thờ, nhưng là việc đưa nhân loại vào trong tình yêu bao trùm hoàn vũ của đức Giê-su Ki-tô: tế lễ và phê bình tế tự, lễ vật và tác vụ tình yêu đối với tha nhân tất cả trở thành một. Như vậy, câu này chẳng có ý nói về một hành vi bên ngoài nào, nhưng, như là một điểm nối kết sâu xa nhất giữa Cựu và Tân Ước, nó mô tả bản chất của chính chức linh mục; chức này về phía nó không khoanh vùng vào một hạng người nào cả, nhưng rốt cuộc đưa chúng ta ra đứng trước Thiên Chúa. 

Tôi đã cố diễn giải đoạn văn này qua một bài giảng trong nhà thờ thánh Phê-rô (thứ năm tuần thánh 20.03.2008); tôi ghi lại nó ra đây:

 

“Thứ năm tuần thánh là một cơ hội, để chúng ta luôn tự hỏi mình: Chúng ta nói Vâng để làm gì? Thế nào là một linh mục của đức Giê-su Ki-tô? Lời kinh tiền tụng thứ hai trong sách lễ của chúng ta, một lời vốn hình thành vào cuối thề kỉ thứ hai ở Roma, mô tả bản chất của tác vụ linh mục với Lời, mà Sách Đệ Nhị Luật (18, 5. 7) đã dùng để nói về bản chất của chức tư tế cựu ước: astare coram te et tibi ministrare. Theo đó, bản chất của thừa tác vụ tư tế gồm có hai nhiệm vụ. Trước hết là “đứng trước Thiên Chúa”. Trong Sách Đệ Nhị Luật điểm này có liên quan với một điều đã nói trước, là các tư tế trong Đất Thánh không nhận được phần đất nào – họ chỉ sống vì Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Họ không làm những công việc bình thường cần cho việc nuôi sống mình hàng ngày. Nghề của họ là “đứng trước Thiên Chúa” – hướng nhìn về Người, hiện diện vì Người. Như vậy câu đó rốt cuộc có nghĩa là một đời sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, và như vậy cũng là một tác vụ đại diện cho những người khác. Những người khác làm ruộng, để nuôi sống cả các tư tế thế nào, thì các linh mục giữ cho thế giới hiện diện trước mặt Thiên Chúa, sống hướng về Người như thế.

Giờ đây, nếu Lời trong kinh tiền tụng thánh lễ này được đọc ngay sau việc hóa bánh, ngay sau biến cố Chúa Ki-tô bước vào cộng đoàn đang cầu nguyện, thì đối với chúng ta việc đứng trước Thiên Chúa hiện diện, nghĩa là việc cử hành thánh lễ, là tâm điểm của đời sống linh mục. Nhưng ở đây không chỉ có điều đó mà thôi. Trong bài ca của kinh nhật tụng, bài ca mở đầu phần kinh trong mùa chay, vốn một thời là kinh giờ canh thức của các tu sĩ dòng, ta thấy một trong những nhiệm vụ của mùa chay: arcitus perstemus in custodia – chúng ta nhất quyết đứng canh. Trong truyền thống tu viện ở Sy-ri các tu sĩ được gọi là những “người đứng”; ở đây Đứng là dấu chỉ của tỉnh thức. Ta có quyền coi nhiệm vụ này của tu sĩ cũng là dấu chỉ được sai đi của linh mục và là lối diễn giải đúng đắn của câu trong Đệ Nhị Luật: Linh mục cần phải là một người canh thức. Họ cần phải canh giữ không để quyền lực sự dữ len vào. Họ cần phải giữ thế giới tỉnh thức cho Chúa. Họ cần phải là một người đứng: đứng thẳng trước những trào lưu thời đại. Đứng thẳng trong sự thật. Đứng thẳng cho điều tốt lành. Đứng trước Thiên Chúa cũng luôn có nghĩa là sẵn sàng bênh vực cho con người trước mặt đức Ki-tô, và Người cũng sẽ bênh vực cho tất cả chúng ta trước mặt Cha Người. Và phải bênh vực cho đức Ki-tô, cho Lời của Người, cho sự thật của Người, cho tình yêu của Người. Người linh mục phải đứng thẳng, không sợ hãi và nếu cần sẵn sàng nhận lấy những roi đòn vì Chúa, như Tông Đồ Công Vụ chép về các tông đồ: „Họ hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh đức Giê-su“ (5,41). 

Ta hãy xét đến câu thứ hai được kinh tiền tụng nói tới qua đoạn văn từ Cựu Ước, „đứng trước Ngài và phục vụ Ngài“. Linh mục phải là một người đứng thẳng, một người canh gác, một người đứng. Nhưng thêm vào đó là việc phục vụ. Trong bản văn cựu ước lời này chủ yếu mang nghĩa tế tự: Các tư tế phải làm mọi việc thờ phụng theo luật dạy. Việc thờ phượng này quả thật được coi là công tác phục vụ, là thừa tác phục vụ, và vì thế chúng cũng được diễn giải, là phải nên được thực hiện trong tinh thần nào. Ý nghĩa phụng tự của chữ „phục vụ“, một cách nào đó – và đây là cái mới của thánh lễ ki-tô giáo – đã được chấp nhận qua việc đưa nó vào kinh tiền tụng. Điều linh mục làm trong giờ phút này đây, khi cử hành thánh lễ, là phục vụ. Phục vụ Chúa và phục vụ con người. Phụng vụ, mà đức Giê-su dâng lên Cha, là việc Người tự hiến đến cùng cho con người. Người linh mục phải đi vào trong lối phụng vụ hay phục vụ này. Như vậy chữ phục vụ mang nhiều chiều kích. Trong đó trước hết chắn chắn là việc cử hành phụng vụ, cử hành các bí tích. Chúng ta phải học để ngày càng hiểu ra toàn bộ bản chất của nền phụng vụ thánh, để sống an nhiên với nó, để làm sao cho nó trở thành linh hồn của cuộc sống hàng ngày của ta. Có như thế ta mới cử hành đúng đắn; có như thế, tự nó sẽ trở thành nghệ thuật cử hành (ars celebrandi). Trong nghệ thuật này mọi thứ phải thật, không được phép giả tạo. Nếu phụng vụ là một nhiệm vụ tâm điểm của linh mục, thì việc cầu nguyện cũng là một thực tế cấp bách đối với chúng ta, một thực tế mà ta luôn luôn mọi thời phải học tập theo gương của đức Ki-tô và của các thánh. Vì bản chất của phụng vụ ki-tô giáo cũng luôn là việc loan truyền, nên ta phải là người thân quen Lời Chúa, yêu mến và sống với Lời đó: Chỉ như thế ta mới diễn giải đúng Lời của Người. „Phục vụ đức Ki-tô“ -  sự phục vụ của linh mục cũng có nghĩa là học biết Người qua Lời Người và nói cho tất cả những ai, mà Người gởi đến cho ta, biết về Người. Cuối cùng, phục vụ còn có hai bình diện khác nữa. Không ai gần chủ mình hơn người phục vụ chủ, vốn là kẻ biết được những điều riêng tư nhất trong cuộc sống của chủ. Như vậy, phục vụ có nghĩa là gần gũi, nó đòi hỏi sự tin tưởng. Sự tin tưởng này cũng chứa đựng một hiểm nguy: Sự thánh thiêng, mà ta thường ngày chung đụng, trở thành quen thuộc. Mất sự tôn kính. Do thói quen thường ngày ta không còn nhận ra cái mới, sự cao cả, điều lạ lùng nữa, chẳng còn nhận ra sự hiện diện của Người, chẳng nghe được tiếng của Người đang nói với ta, chẳng còn vui về quà tặng của Người trao cho ta. Chúng ta phải luôn tìm cách chống lại cái thói quen làm lu mờ mắt ta, làm chai tim ta, làm ta không còn nhận ra sự yếu hèn của mình, không còn nhận ra hồng ân sự có mặt của Người trong đôi tay ta. Phục vụ là gần gũi, nhưng cũng có nghĩa trước hết là vâng lời. Người phục vụ luôn đứng trước câu: „Không phải theo ý của con, mà theo ý của Cha“ (Lc 22,42). Trong vườn cây dầu đức Giê-su đã nói lên câu đó trong cuộc chiến chống lại tội lỗi và chống lại sự phản loạn của con tim. Tội lỗi của A-đam là muốn làm theo ý mình, chứ không theo ý Chúa. Cám dỗ của nhân loại luôn là muốn được tự mình quyết định, chỉ tuân theo ý riêng của mình và cho rằng, có như vậy mình mới tự do, chỉ với tự do không rào cản đó con người mời thành người. Nhưng như thế là chúng ta chống lại sự thật.

Là bởi sự thật có nghĩa là ta phải chia sẻ tự do của mình với kẻ khác, và chúng ta chỉ có thể có tự do khi cùng chia sẻ cho nhau. Cái tự do được chia sẻ này có thể là một tự do thật, khi và chỉ khi chúng ta đặt mình vào trong giới hạn của chính tự do, vào trong ý của Chúa. Sự vâng lời nền tảng này, vốn thuộc vào bản chất con người – một bản chất không tự thân mà có cũng không chỉ cho chính nó mà thôi - còn cụ thể hơn nữa nơi người linh mục: Chúng ta không loan báo chính chúng ta, nhưng loan báo Người và Lời Người, những Lời không thể do chúng ta tự nghĩ ra. Chúng ta chỉ loan báo Lời Người đúng đắn, khi chúng ta ở trong cộng đoàn thân thể của Người. Sự vâng lời của chúng ta cũng là sự đồng hành trong đức tin, đồng hành trong suy tư, đồng hành trong lời nói với Giáo Hội. Phục vụ với Giáo Hội. Vâng lời này cũng bao gồm trong nó điều của đức Giê-su báo trước với Phê-rô: Anh sẽ bị dẫn đến nơi mà anh không muốn. Dẫn tới nơi mình không muốn là một chiều kích căn bản của sự phục vụ của ta, và chính điều này làm cho ta tự do. Trong việc bị dẫn đi đó, có thể đi ngược lại những suy nghĩ và kế hoạch của chúng ta, ta sẽ nhìn ra cái mới – sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa. 

 „Đứng trước Người và phục vụ Người“: Đức Giê-su Ki-tô, vốn là thượng tế thật của thế giới, đã tạo cho các câu đó có một chiều sâu, mà trước đó không ai có thể biết tới. Người đã và đang là người Con của Thiên Chúa; Người đã muốn trở thành nô bộc của Thiên Chúa; hình ảnh này đã được I-sai-a tiên báo trước đó.Người muốn làm kẻ phục vụ mọi người. Người thể hiện toàn bộ chức linh mục cao cả của mình qua cử chỉ rửa chân. Người dùng tình yêu rửa mãi cho tới hết những bàn chân bẩn của ta, dùng khiêm nhường phục vụ để thanh tẩy ta khỏi cơn bệnh kiêu căng. Nhờ đó giúp ta có thể ngồi chung bàn tiệc với Thiên Chúa. Người bước xuống, và bước đi lên thật sự của con người chỉ có được, khi ta cùng bước xuống để gặp Người. Thập giá là đỉnh thăng tiến của Người. Đó là đáy vực và, vì là tình yêu cho đến cùng, đó cũng là đỉnh cao nhất của việc đi lên, sự „thăng tiến“ thật sự của con người.“Đứng trước Người và phục vụ Người“ – giờ đây có nghĩa là bước theo lời Người mời gọi ta làm nô bộc cho Thiên Chúa. Thánh Thể thể hiện sự lên cao và xuống vực của đức Ki-tô. Như vậy, xuyên qua Thánh Thể, ta thấy có muôn cách phục vụ tha nhân. Ngày hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho ta lặp lại được tiếng Vâng đi theo Người với ý nghĩa đó: „Con đây, Lạy Chúa, Ngài hãy sai con đi“ (Is 6, 8). Amen.“

 

3)    Ga 17, 17t: Lời nguyện thượng tế của đức Giê-su; Ý nghĩa việc phong chức linh mục

Cuối cùng tôi muốn làm sáng tỏ thêm một chút câu trích từ lời nguyện thượng tế của đức Giê-su (Ga 17), câu đã làm tôi dao động mạnh hôm trước ngày nhận chức linh mục. Trong khi Tin Mừng nhất lãm chủ yếu trình thuật lại bài giảng của đức Giê-su ở Ga-li-lê, thì Gio-an, hẳn ngài có liên hệ bà con với giới quý tộc đền thờ, đặc biệt ghi lại lời rao giảng ở Giê-ru-sa-lem của đức Giê-su và như vậy đề cập tới vấn đề Đền Thờ và việc phụng tự. Trong mối liên quan này lời nguyện thượng tế của đức Giê-su (Ga 17) có một vị trí đặc biệt. Tôi không lặp lại những nội dung mà tôi đã trình bày trong cuốn sách về Đức Giê-su ở Nazaret (Tập 2. Tr. 93-119).

Ở đây tôi chỉ muốn suy tư lại một lần nữa nội dung câu 17 và 18; đó là những câu khiến tôi hài lòng nhất. „Hãy thánh hóa họ trong sự thật; Lời của Ngài là sự thật. Như Cha đã sai con vào thế gian thế nào, thì con cũng gởi họ vào trần thế như thế.“ Chữ „thánh“ nói lên bản chất đặc biệt của Thiên Chúa. Chỉ có Người là đấng thánh. Con người chỉ nên thánh, khi họ bước vào kết hiệp với Thiên Chúa. Kết hiệp với Thiên Chúa có nghĩa là phá bung cái tôi của mình ra để trao thân hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Nhưng việc giải tỏa cái tôi này có thể sẽ đau đớn lắm và nó sẽ chẳng bao giờ kết thúc một cách đơn giản. Nhưng từ „thánh“ cũng có thể khiến ta liên tưởng cụ thể tới việc truyền chức linh mục; đây là một đòi hỏi triệt để của Thiên Chúa sống động đặt ra cho con người trong việc phục vụ Người. Với câu „Hãy thánh hóa họ trong sự thật“ Chúa cầu xin Cha Người cũng đưa mười hai môn đệ vào trong sứ mệnh được sai đi của Người và truyền chức linh mục cho họ.

„Hãy thánh hóa họ trong sự thật.“ Ta cũng mường tượng ra thoang thoảng trong đó việc truyền chức tư tế trong Cựu Ước. Kẻ được truyền chức tắm gội mình trong bể nước và được mặc vào tấm áo mới. Cả hai động tác đó muốn nói lên rằng, kẻ được sai đi, như vậy, đã trở thành một con người mới. Điều được diễn tả bằng biểu tượng trong phụng vụ cựu ước, qua lời cầu của đức Giê-su, giờ đây đã vượt biểu tượng đi vào thực tế. Việc tắm rửa, vốn là điều duy nhất có thể làm sạch con người thật sự, chính là sự thật, là chính đức Ki-tô. Và Người cũng là tấm áo mới, tấm áo được biểu hiện bên ngoài qua các áo lễ phụng vụ. „Hãy thánh hóa họ trong sự thật.“ Có nghĩa: Hãy dìm toàn thân họ trong đức Giê-su Ki-tô, để cho họ cũng có được điều mà Phao-lô đã trải nghiệm trong sứ mạng tông đồ của mình: „Không phải tôi sống nữa, mà đức Ki-tô sống trong tôi“  (Gl 2,20). Điều ghi sâu vào tâm khảm tôi chiều tối hôm đó: việc truyền chức linh mục, vượt trên mọi nghi thức, thật ra là chuyện phải luôn luôn thanh tẩy đi thanh tẩy lại mình và để cho đức Ki-tô thấm nhập vào mình, để Người nói và hành động trong ta, và càng ngày ta càng ít nói hơn. Và tôi cũng hiểu rõ, tiến trình hòa nhập làm một với Người cũng như chiến thắng cái tôi là một diễn tiến kéo dài suốt đời; nó cũng bao gồm trong đó sự giải thoát đau đớn khỏi cái tôi và những sự đổi mới không ngừng. Trong ý nghĩa đó câu của Gio-an (17,17t) luôn là một tấm bảng chỉ đường trong suốt cuộc đời tôi. 

 

Thành Vatikan, tu viện „Mater Ecclesiae“. 

Ngày 17. 09. 2019.  Biển-đức XVI.

 

https://www.die-tagespost.de/kirche-aktuell/aktuell/Das-katholische-priestertum;art4874,204596

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC