Hãy phát triển mầm thần linh của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta

15/05/202512:40 CH(Xem: 953)
Hãy phát triển mầm thần linh của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta

 Hãy phát triển mầm thần linh

của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta

aaa

 

TIN MỪNG : Ga 13:31-33a.34-35

Những lời cáo biệt
(31) Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (33) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: «Nơi tôi đi, các người không thể đến được», bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau».
 
Suy niệm
1. Thiên Chúa được tôn vinh nơi Đức Giêsu và qua Đức Giêsu
a) Hai mặt đối nghịch nhau của mầu nhiệm vượt qua
«Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người» (Ga 13:31). Đức Giêsu nói điều này ngay trước khi chịu tử nạn. Tới giờ phải chịu tử nạn, mà Ngài lại nói đó là lúc Ngài được tôn vinh. Điều này cho thấy «tử nạn» và «được tôn vinh» là hai mặt khác nhau của cùng một sự việc. Nói cách khác, tử nạn và phục sinh, hay đau khổ và vinh quang tuy khác nhau và ngược lại nhau, nhưng lại luôn gắn liền với nhau, không thể tách rời nhau, giống như hai mặt của một tờ giấy duy nhất.
Đó là chính là nội dung và ý nghĩa của mầu nhiệm vượt qua: vì đau khổ và vinh quang, tử nạn và phục sinh không thể tách rời nhau, nên muốn đạt được cái này thì phải trải qua cái kia. Không thể phục sinh nếu không chịu tử nạn, không thể hạnh phúc hay vinh quang, nếu không trải qua đau khổ. Đời sống thực tế chứng tỏ rõ ràng điều ấy: Tôi không chịu cực khổ làm ăn, gia đình tôi không thể ấm no hạnh phúc được. Một học sinh không chịu khó nhọc học hành thì không thể đỗ đạt hay làm nên danh phận gì.
Ý thức được thực tế của mầu nhiệm vượt qua, người Kitô hữu không nên mơ tưởng có được hạnh phúc mà không phải qua đau khổ, hay có được vinh quang mà không phải chịu nhục nhã, hay sẽ phục sinh mà không cần tử nạn. Qui luật thực tế của đời sống không cho phép như thế. Muốn hạnh phúc mà không qua đau khổ, muốn vinh quang mà không chịu nhục nhã, muốn phục sinh mà không cần tử nạn, đều là những cám dỗ cho tất cả mọi người, vì những ước muốn đó thường dẫn đến tội lỗi. Thật vậy, tất cả mọi tội lỗi xảy ra trên đời đều xuất phát từ ước muốn không thực tế đó. Kẻ trộm cướp, hối lộ, kẻ giết người, gian dâm, v.v… đều là những kẻ muốn hạnh phúc mà không phải khó nhọc, vất vả. Tới đây, ta nên nhớ lại lời của Đức Giêsu: «Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người đi lại qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy» (Mt 7:13-14).
 
b) Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa và con người là một
«Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người» (Ga 13:31). Đức Giêsu và Thiên Chúa đều được tôn vinh trong cùng một con người (là chính Đức Giêsu), và trong cùng một sự việc (là cuộc tử nạn). Điều này cho thấy Đức Giêsu và Thiên Chúa liên quan với nhau mật thiết đến mức có thể nói Đức Giêsu và Thiên Chúa là hai mặt khác nhau của một thực tại duy nhất: con người Đức Giêsu. Có thể nói Đức Giêsu, một mặt là một con người yếu đuối, bị hạn chế đủ mọi mặt, mặt khác lại chính là một Thiên Chúa mạnh mẽ, vô hạn đủ mọi mặt. Hai mặt ấy tuy ngược hẳn nhau nhưng lại kết hợp và gắn liền với nhau thành một con người duy nhất.
Đức Giêsu chính là mô hình gương mẫu của chúng ta, của mọi người Kitô hữu. Cũng tương tự như Đức Giêsu, một mặt ta mang tính con người, vốn hữu hạn, yếu đuối, dễ trở nên tội lỗi, một mặt ta chính là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hạn, mạnh mẽ, thánh thiện, «được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1:4). Tính chất thần linh trong bản thân của đa số chúng ta có thể còn ở dạng mầm, chưa phát triển. Bổn phận và sứ mạng của người Kitô hữu là phải làm sao để cái mầm thần linh ấy ngày càng phát triển lớn mạnh lên. Ta càng ý thức được tính chất thần linh của mình, và cố gắng sống phù hợp với tính chất ấy, thì tính chất ấy càng có điều kiện phát triển mạnh.
Khi mầm thần linh ấy phát triển trong ta, khiến ta sống, hành động và xử sự như Đức Giêsu, thì ta có thể nói được như Ngài: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người» (Ga 13:31). Thiên Chúa chỉ được tôn vinh trong bản thân ta, khi chúng ta làm cho mầm thần linh trong ta phát triển lớn mạnh. Mầm thần linh ấy chính là Nước Trời ở trong ta. Đức Giêsu đã từng nói: «Nước Thiên Chúa ở trong anh em» (Lc 17:21). Và trong bản thân chúng ta, Nước ấy, hay cái mầm thần linh ấy, giống như một hạt cải, «là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên lại là thứ lớn nhất. Nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được» (Mt 13:32). Nhưng mầm thần linh ấy chỉ phát triển khi «cái tôi đáng ghét» của ta thật sự nhỏ đi: «Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3:30). Mầm thần linh ấy không thể được phát triển nơi một người lúc nào cũng coi cái tôi của mình quá lớn.
 
2. Yêu thương là điều kiện phát triển tính thần linh trong ta
Mầm thần linh ấy không thể phát triển được trong một con người coi cái tôi của mình là quá lớn. Sự phát triển hình ảnh của Thiên Chúa trong ta và sự trương phình bản ngã của ta là hai sự việc luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Càng coi cái tôi của mình là quan trọng, càng đặt nặng cái tôi của mình, thì cái tôi ấy càng lấn át tính chất thần linh, và làm cho nó ngày càng yếu ớt, nhỏ bé đi, và đó chính là nguyên nhân của mọi thứ tội lỗi. Trong tiếng Việt, chữ «tội» được hình thành bởi chữ «tôi» và dấu «nặng»: «tôi nặng tội». Điều ấy không phải là không có ý nghĩa. Tội lỗi được hình thành từ việc coi cái tôi của mình quá nặng. Và sự thánh thiện thì ngược lại, được hình thành từ việc coi nhẹ hay tự hủy cái tôi của mình đi. Đức Giêsu đã từng nói: «Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» (Ga 12:24). Cái tôi có chết đi, thì sự sống thần linh hay Nước Thiên Chúa trong ta mới phát triển và sinh hoa kết trái.
Yêu thương chính là quên mình, hay ra khỏi cái tôi của mình để đến với Thiên Chúa và tha nhân. Và đó chính là bản chất của sự thánh thiện, cũng là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan đã định nghĩa: «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4:8). Nếu ta là hình ảnh của Thiên Chúa, thì cách hành xử của ta phải phản ánh tình yêu. «Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4:7-8). Tình yêu chân thật chính là dấu chứng của sự thánh thiện, chứng tỏ có sự hiện diện của Thiên Chúa. Người nào càng yêu thương và càng hy sinh cho người khác thì càng là người thánh thiện, và càng chứng tỏ có Thiên Chúa ở với mình.
Chính vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để chịu tử nạn và về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu cho các môn đệ biết cái dấu hiệu quan trọng nhất để có thể căn cứ vào đó mà biết được ai là môn đệ đích thực của Ngài, đó là tình yêu thương đối với mọi người, và nhất là đối với nhau. «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13:35). Làm dấu thánh giá, đọc kinh, dâng lễ… chỉ là những dấu hiệu bên ngoài của người Kitô hữu, mà người không phải là Kitô hữu vẫn có thể giả mạo. Còn sự yêu thương – được thể hiện cụ thể bằng hành động – mới là dấu chứng thật sự của người Kitô hữu. Người yêu thương thực sự biết quên mình để hy sinh cho tha nhân vô điều kiện, cho dù chưa rửa tội, thì đã là Kitô hữu đích thực từ bên trong rồi. Còn người mang danh Kitô hữu mà sống ích kỷ, không tình thương, thì chỉ là Kitô hữu hữu danh vô thực mà rhôi (xem Rm 2:12-24).
[*] Rm 2:12-24 =>  (12) Quả thế, những người không biết Luật Môsê mà phạm tội, thì sẽ bị diệt vong không chiếu theo Luật đó. Còn những người sống dưới Luật Môsê mà phạm tội, thì sẽ bị xét xử theo Luật đó. (13) Thật vậy, người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật. (14) Dân ngoại là những người không có Luật Môsê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Môsê. (15) Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải. (16) Người ta sẽ thấy điều đó, trong ngày Thiên Chúa cho Đức Kitô Giêsu đến xét xử những gì bí ẩn nơi con người theo Tin Mừng tôi rao giảng. (17) Còn bạn, bạn mang tên là người Dothái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì có Thiên Chúa; (18) bạn được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; (19) bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù loà, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, (20) là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại, vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý : (21) Vậy, bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình! Bạn giảng : đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp! (22) Bạn nói : chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình! Bạn gớm ghét ngẫu tượng, mà bạn lại cướp bóc đền miếu! (23) Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa! (24) Thật đúng như lời chép : Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân. Mặc dầu có phép cắt bì.
o0o
Ước muốn của Đức Giêsu là muốn chúng ta trở thành «trời mới đất mới», thành Nước Trời, nơi đó, lòng chúng ta luôn luôn tràn ngập tình yêu thương, để qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa – là tình yêu – ở trong chúng ta, để chúng ta thể hiện tình yêu với mọi người chung quanh chúng ta một cách cụ thể, qua sự quan tâm, giúp đỡ và hy sinh của chúng ta.

Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18/06/2025(Xem: 75)
Đức Giêsu đến trần gian là để biến trần gian thành «Nước Trời tại Thế» chuẩn bị cho «Nước Trời tại Thiên». Nước Trời tại Thiên là nơi hoàn toàn hạnh phúc. Hạnh phúc là vì mọi người trong đó đều yêu thương nhau, tôn trọng lẫn nhau, và quan tâm làm cho nhau được hạnh phúc. Vì thế, chỉ những ai biết yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau để biến môi trường mình sống thành Nước Trời tại Thế, mới xứng đáng hay phù hợp để sống trong «Nước Trời tại Thiên».
13/06/2025(Xem: 292)
Các ngôn sứ trong Thánh Kinh từng nhấn mạnh rằng: việc thờ phượng đích thực là sự thánh thiện cá nhân và tập thể; nghĩa là trung thành với giao ước, vâng phục Thiên Chúa và thực thi công bình hơn là những nghi thức lễ tế bên ngoài (x. Is 1:13-17; Gr 7:21-26; Am 5:21-24; Hs 6:6-7). Chính vì bảo vệ quan niệm linh đạo này mà Đức Giêsu đã bị giết (Mt 26: 61), mà Stêphanô bị xử tử (Cv 6:12-14; 7:47-53) và các Tông đồ bị bắt bớ (Cv 8:1).
13/06/2025(Xem: 279)
Người có đức tin đích thực sẽ hành xử rất khác với những người không có đức tin. Một đức tin thật sự phải là một đức tin sống động, được xây dựng trên những kinh nghiệm thực tế của đời sống. Muốn có một đức tin sống động, chúng ta cần phải chứng nghiệm những gì chúng ta tin bằng chính cuộc sống cuûa mình.
12/06/2025(Xem: 318)
Chân lý về Thiên Chúa thì quá cao siêu, mà khả năng hiểu biết của con người thì quá hạn hẹp, nông cạn, làm sao trong một thời gian quá ngắn con người hiểu biết được. Vì thế, chúng ta đừng quá ảo tưởng về những điều đã được mạc khải qua Đức Giêsu, cho đó là trọn vẹn, là gồm đầy đủ tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa của chúng ta lại quá hữu hạn như thế sao?
12/06/2025(Xem: 469)
Thế giới vật chất tuy hữu hạn, nhưng con người khám phá suốt mấy chục thế kỷ mà vẫn không hết. Thế thì những gì con người biết về Thiên Chúa, Đấng vô hạn, lại càng nhỏ bé gấp triệu triệu lần hơn nữa khi so với những điều họ chưa biết về Ngài! Tuy nhiên, Ngài vẫn tiếp tục cho con người biết về Ngài. Ngài đã tự mặc khải cho con người qua vũ trụ, qua các ngôn sứ, qua Đức Giêsu, và hiện nay vẫn tiếp tục qua Thánh Thần của Ngài.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC