Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chịu «sát tế» để cứu chuộc nhân loại

21/01/20209:39 SA(Xem: 8239)
Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chịu «sát tế» để cứu chuộc nhân loại
CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên

(19-01-2020)


Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa 
bằng cách chịu «sát tế» 
để cứu chuộc nhân loại



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 49,3.5-7(6) Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta, (7) để ngươi mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.
  1 Cr 1,1-3(3) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
•  TIN MỪNG: Ga 1,29-34
Lời chứng của Gioan

(29) Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: «Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

(31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước». (32) Ông Gioan còn làm chứng: «Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. (34) Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn».
«Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian»


CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.   Việc sát tế chiên trong đạo Do Thái bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì? Sự việc ấy có liên quan gì đến danh xưng «Chiên Thiên Chúa» mà Gioan Tẩy Giả dùng để giới thiệu Đức Giêsu? 
2.   Việc Đức Giêsu làm «chiên bị sát tế» trên thập giá cho ta bài học gì? Trong lễ toàn thiêu thập giá này, có sự liên hệ gì giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và việc yêu thương nhân loại không? Phải chăng Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chết cho nhân loại?
Suy tư gợi ý:

1.  Chiên bị sát tế để hy sinh đền tội thay cho con người

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam: «Aben làm nghề chăn chiên» (St 4,2), nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, «Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng» lên Ngài (St 4,4). 
Cảnh chiên bị sát tế làm của lễ toàn thiêu trong đạo Do Thái

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x. Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên trên khung cửa, đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x. Xh 12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người

Về sau, theo sách Xuất hành (Xh 29,38-46) thì tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân. Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết, như Ngài nói qua ngôn sứ Êdêkiel: «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống» (Ed 18,23). 

Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Ngài chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để hy sinh chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.



2.  Đức Giêsu là «Chiên Thiên Chúa» bị sát tế để cứu nhân loại

Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế, nên ông giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người: «Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian». Sách Khải Huyền cũng dùng rất nhiều lần từ «Con Chiên» để chỉ về Đức Giêsu.


Đức Giêsu đã trở thành của lễ toàn thiêu trên thập giá

Thánh Phaolô viết: «Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy» (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: «Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ» (Dt 10,10), vì Ngài là «Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết» (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. «Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben» (Dt 12,24). «Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời» (Cl 1,20).



3.  Cách thờ phượng mới của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa

Lễ toàn thiêu – mà chính Đức Giêsu là của lễ, là chiên bị sát tế, đồng thời cũng chính là chủ tế, lấy thập giá làm bàn thờ – được thực hiện để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa. Trong lễ toàn thiêu này, Ngài đã chịu đau khổ tột cùng và bị giết để cứu chuộc nhân loại, để nhân loại «được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Tất cả chỉ vì yêu thương con người đến tận cùng của tình yêu (x. Ga 13,1). Trong lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu đã thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính tình yêu hoàn toàn vị tha và vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, được thể hiện cụ thể bằng cái chết thê thảm của Ngài. Đó chính là cách thờ phượng mới của Ngài.

Ngài không thờ phượng Thiên Chúa bằng những lễ toàn thiêu, trong đó chỉ có chiên bị giết chứ chủ tế hay người dâng lễ chẳng bị thiệt hại mảy may. Ngài không tôn vinh Thiên Chúa bằng những lời ca tụng, đề cao Thiên Chúa đến tận mây xanh, mà người tôn vinh chẳng phải mất mát điều gì. Ngài không thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng những thể thức vắng bóng tình yêu đối với tha nhân. Trái lại, Ngài đã bầy tỏ lòng yêu mến của Ngài đối với Thiên Chúa bằng chính tình yêu của Ngài đối với tha nhânYêu Thiên Chúa được thể hiện thành yêu tha nhânNơi Ngài, yêu Thiên Chúa và thương tha nhân chỉ là một tình yêu duy nhất, không độc lập hay tách biệt nhau. Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách phục vụ và chết cho tha nhân. Đó là cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa của Ngài.

Còn cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa của chúng ta dường như độc lập và tách biệt hẳn với việc yêu mến, hy sinh và phục vụ tha nhân. Chúng ta có thể yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa một cách hết sức nhiệt tình, sốt sắng mà không hề nghĩ gì đến những những người chung quanh chúng ta đang cần đến tình yêu, sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh của chúng ta. Ai động chạm đến quyền lợi hay tự ái của ta là ta nổi xung lên và quyết chí ăn thua đủ. Ai vượt trội hơn ta, nổi tiếng hơn ta, được mọi người đề cao hơn ta thì ta bực bội và muốn tìm cách chê bai, hạ nhục người ấy. Ai túng nghèo, khổ cực, bệnh tật, bị áp bức bất công thì ta coi chuyện ấy như không liên can gì đến ta cả. Liệu yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa như thế có giá trị gì trước mặt Ngài không?

Thiên Chúa đã trả lời cho chúng ta qua ngôn sứ Isaia: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! (…) Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm ngheVì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,11-17).

Chính Đức Giêsu cũng nói: «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mt 9,13; 12,7). Ngài đặt nặng tình yêu và sự hòa thuận đối với tha nhân hơn cả việc dâng của lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24).

Cách đây 2700 năm, ngôn sứ Isaia đã cảnh báo về kiểu thờ phượng Thiên Chúa độc lập với tình yêu tha nhân; và cách đây 2000 năm, chính Đức Giêsu cũng lập lại tinh thần ấy của Isaia. Nhưng tiếc thay, cho đến nay, sau mấy ngàn năm, rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa học được bài học của các ngài. Thật đáng tiếc! Trách nhiệm này thuộc về ai?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã trở nên «con chiên bị sát tế», đã chết cách thê thảm để cứu chuộc nhân loại cũng vì tha thiết yêu thương nhân loại. Và sự hy sinh ấy chính là cách Ngài thờ phượng và bày tỏ tình yêu đối với Cha. Xin cho con cũng biết thờ phượng và yêu mến Cha theo cách thức ấy. Nếu không thể hy sinh một cách lớn lao cho tha nhân chung quanh con thì hãy giúp con quảng đại hy sinh cho tha nhân trong những chuyện nhỏ nhặt và cụ thể của đời sống, đó là cách biểu lộ tình yêu đối với Cha mà Cha yêu thích nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05/09/2024
Sống trong cuộc đời là sống trong thời gian. Thời gian có quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ đã vuột khỏi tay ta, ta không làm chủ được. Tương lai thì chưa tới, không biết sẽ ra sao, ta cũng không làm chủ được. Ta chỉ có thể sống được trong hiện tại, và làm chủ được chính giây phút hiện tại này. Cuộc đời ta thế nào, hoàn toàn tùy thuộc vào những giây phút hiện tại ấy.
28/08/2024
Rất nhiều việc lớn lao, có vẻ như vượt quá khả năng mà chúng ta phải làm cho xong. Thật ngao ngán, phải không? Nhưng với bí quyết «Chỉ nên nghĩ tới cây số trước mặt thôi» và với s kiên trì, chúng ta có thể làm được mọi sự.
03/08/2024
Sự khác biệt trong suy nghĩ giữa hai cha con ─ Rất mong các bậc cha mẹ ý thức sự khác biệt về quan niệm, não trạng và tư tưởng giữa hai thế hệ thuộc hai nền văn hóa khác nhau. Chúng ta nên hiểu và giác ngộ sớm để cha mẹ và con cái dễ hòa hợp với nhau, và để đời sống trong mỗi gia đình sẽ đầm ấm hạnh phúc hơn.
01/08/2024
Nếu mọi thực tại đều chỉ có một mặt và không biến đổi, thì cái gì đúng sẽ mãi mãi là đúng. Nhưng khổ nỗi mọi thực tại đều có nhiều mặt khác nhau và thường thay đổi, lúc thế này lúc lại thế khác. Vì thế, người nhìn thấy mặt này, người nhìn thấy mặt khác: khi cùng nói về thực tại ấy, họ nói khác nhau mặc dù cả hai đều nói trung thực. Hai người cùng nói về một vật: một người nhìn thấy quả trứng tại một vị trí nhất định, hôm sau, người kia nhìn thấy cũng chính tại vị trí ấy một con gà con. Hai người nói khác nhau, vậy ai đúng?
01/08/2024
Trong cuộc đời, ai cũng muốn mình hạnh phúc. Rất nhiều người quan niệm phải có nhiều tiền, phải có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, v.v... mới hạnh phúc. Nhưng nếu họ còn mơ ước những gì cao hơn những gì họ đang có mà không đạt được, thì họ vẫn chẳng hạnh phúc. Trái lại, có rất nhiều người chẳng có nhiều tiền, chẳng có những thứ mà ai cũng mơ ước ấy, lại cảm thấy mình hạnh phúc. Bí quyết hay mật mã của hạnh phúc là gì?
01/08/2024
Tự ti mặc cảm là một cản trở rất lớn để ta có thể tự phát triển bản thân. Tự ti khiến ta không dám suy nghĩ độc lập, không dám dùng lương tri và lương tâm mà Thiên Chúa ghi khắc trong bản thân mình từ khi mình hiện hữu để nhận định phán đoán. Tự ti khiến mình luôn luôn cho rằng mình hèn kém hơn người khác. Tự ti không phải là khiêm nhường đích thực, mà mặt trái của nó chính là kiêu ngạo, tự tôn, vì mình vẫn quá chú trọng đến bản thân mình, mình sợ bị người khác đánh giá, trong khi người khiêm nhường đích thực thì không quá chú trọng về bản thân mình như vậy.
26/07/2024
Rất nhiều cặp vợ chồng khi mới cưới thì sống hòa thuận với nhau tương đối khá dễ dàng. Nhưng khi về già, phần nào do các hormon nội sinh kém đi khiến tình tình thay đổi khiến hai vợ chồng có nhiều điều không thuận nhau… Điều quan trọng là phải lấy lại hạnh phúc ban đầu để có thể sống hạnh phúc đến cuối cuộc đời.
24/07/2024
Trong cuộc đời, cần phân biệt giữa cái chính yếu và cái phụ thuộc, giữa mục đích và phương tiện, giữa cái quan trọng nhất và những cái ít quan trọng... để đừng bao giờ hy sinh cái chính cho cái phụ, cái quan trọng nhất cho cái ít quan trọng… Hạnh phúc hay sự hòa thuận trong gia đình quan trọng hơn tiền bạc, hơn nhà cao cửa rộng… Dừng vì quý cái phụ mà mất đi chỉ chính...
22/07/2024
Một bạn vừa sinh nhật 70 có hỏi tôi: «Khi bác 70, trong suy nghĩ bác có thay đổi gì không?» Tôi trả lời: có chứ, thay đổi chủ yếu ở 12 điều.
22/07/2024
Có một chân lý rất nghịch lý về «Cái tôi» của mỗi người: Tôi càng muốn phình to «Cái tôi» của mình, thì «Cái tôi» ấy càng kém giá trị, càng không được người khác nể trọng. Trái lại, tôi càng coi «Cái tôi» của mình nhỏ bé, thì nó càng trở nên có giá trị, và được mọi người nể trọng và khâm phục.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC