Phép màu kinh tế Tây Đức – Một ứng dụng của Giáo huấn Xã hội Công giáo

01/01/20216:42 SA(Xem: 3419)
Phép màu kinh tế Tây Đức – Một ứng dụng của Giáo huấn Xã hội Công giáo

Phép màu kinh tế Tây Đức – Một ứng dụng của Giáo huấn Xã hội Công giáo

 

Thái Bùi 

28/12/2020 

 

ĐGH Phanxico đã nói trong buổi triều yết chung ngày 05/08/2020 vừa qua rằng các nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) có thể tạo điều kiện để chữa lành thế giới. Từ kinh nghiệm riêng, người viết tin rằng GHXHCG không chỉ là những lời kêu gọi đạo đức suông, mà các nguyên tắc của nó rất có lợi cho việc kinh doanh hiệu quả nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung. Như thế, nó có thể góp phần làm giàu cho cá nhân và sự thịnh vượng xã hội.

 

Thế chiến thứ hai đã để lại trên mặt đất cho nước Đức, kẻ vừa thua một trận chiến khốc liệt, một đống tro tàn, các nhà máy bị dội bom san phẳng hoặc bị đồng minh tháo đi, tất cả như là bình địa. Hơn 2/3 người dân không nhà cửa. Dưới lòng đất thì tài nguyên rất ít. Nhưng trên hết là lòng dân cực kỳ hoang mang. Mỗi người, mỗi gia đình đều phải lo nghĩ: ngày mai ở đâu, ăn gì, mặc gì, tương lai con cái mình sẽ đi về đâu. Sau khi được đồng minh trả lại độc lập, năm 1949 Tây Đức mới bắt tay vào xây dựng lại đất nước CHLB Đức với một nền kinh tế mới, gọi là “Kinh tế thị trường xã hội” (Soziale Marktwirtschaft, Social Market Economy), là mô hình kinh tế trước đó chưa có ở đâu cả. 

 

https://giadinhdocat.com/wp-content/uploads/2020/09/frankfurt_am_main_1945-300x237.jpg     https://giadinhdocat.com/wp-content/uploads/2020/09/frankfurt_am_main_1950-300x237.jpg

Frankfurt am Main 1945 Phố cổ Frankfurt am Main-Dấu ấn của những năm 1950

 

Dù chỉ được khoảng 10% (1,4 tỉ USD/12 tỉ USD, nhiều người cho là 17 tỉ USD) tiền Mỹ cứu trợ cho các nước châu Âu theo kế hoạch Marshall, sau hơn chục năm, Tây Đức đã trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới về kinh tế. Đồng Mác Tây Đức đã từng là đồng tiền mạnh thứ nhì sau Đô la Mỹ, được ưa chuộng trên khắp thế giới. Ngày nay với tư cách là nền kinh tế lớn nhất, là đầu tàu châu Âu, (đóng góp hơn 25 tỉ Euro/năm, tức 20% vào ngân sách EU), nước Đức đứng thứ tư trên thế giới về kinh tế, sau Mỹ, TQ và Nhật.

Các nhà kinh tế trên thế giới đều đánh giá đó là một phép màu thần kỳ về kinh tế. Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) đánh giá rằng sau thế chiến II, cùng với kế hoạch tái thiết Marshall, đây là công trình vĩ đại nhất của Châu Âu.

Vậy Tây Đức đã xây dựng kinh tế xã hội của mình thế nào, làm sao họ có thể huy động được sức lực, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, cùng đồng lòng góp sức biến Tây Đức thành một công trường như thế, đưa đất nước như người vừa qua cơn bạo bệnh, chỉ còn xương bọc da, mà chỉ trong hơn 10 năm đã lớn lên như Phù đổng? Nó liên quan gì đến các nguyên tắc cơ bản của Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) ?

 

1) Triết lý xây dựng xã hội Tây Đức sau chiến tranh – Tinh thần lập quốc

Sau thế chiến thứ hai, từ 1945 đến 1949 với tư cách kẻ bại trận, nước Đức bị chiếm đóng, phía đông bởi Nga, phía tây bởi đồng minh Mỹ-Anh-Pháp. Năm 1949 ở phía đông thì nước CHDC Đức được thành lập theo phe Xã hội Chủ nghĩa do Nga bảo hộ, với nền kinh tế kế hoạch; phía tây, Đồng Minh trả lại độc lập cho Tây Đức theo phe tự do.

Người Tây Đức nhận thức rằng tham gia tiến hành chiến tranh với Hitler là một sai lầm lịch sử của dân tộc. Vì thế, để xây dựng đất nước mới, các đảng phái và những nhà tư tưởng không chỉ mong muốn xây dựng một dất nước dân chủ, có nền kinh tế hùng cường, nhưng phải tránh các lỗi thiết kế nhà nước và kinh tế, để mãi mãi các mối nguy cơ của chế độ toàn trị đã từng chà đạp nhân phẩm của con người không thể còn có thể phát triển trên đất Đức.

Vì thế, nhà nước mới nên được định hình và thiết lập theo các bản thiết kế của Thiên Chúa, các nhà lập pháp muốn đề cập đến những hạn chế của hoạt động của con người. Bản hiến pháp (được gọi là Luật cơ bản) được neo chặt vào Thiên Chúa, với lời mở đầu:

Ý thức về trách nhiệm của mình trước Thiên Chúa và con người.

Sự ràng buộc của hành động chính trị với các giá trị đạo đức, mà trung tâm là phẩm giá con người đã được khẳng định rõ ngay trong điều đầu tiên:

Điều 1: Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan nhà nước

Điều 2 qui định về các quyền cơ bản phát triển nhân cách, chính trực và tự do.

Sau đó, các quyền cá nhân bất khả xâm phạm, bảo vệ gia đình và “sự thiêng liêng của hôn nhân”, “quyền sống của trẻ em và quyền dưỡng dục tự nhiên của cha mẹ”.

Hiến pháp khẳng định sự duy trì nhân cách của từng người phải được phép, làm cho dễ dàng hơn và phải được bảo đảm. Nói cách khác: trật tự xã hội phải được bảo tồn. Thứ hai, mọi người đều được hưởng những gì thuộc về họ.

 

2) Các đặc điểm của nền kinh tế thị trường có tính xã hội, mô hình thành công như một phép màu.

 

https://giadinhdocat.com/wp-content/uploads/2020/09/frankfurt_am_main_tody.jpg

Frankfurt am Main ngày nay-Trung tâm tài chính

 

a. Quyền tự do cá nhân như một đòi hỏi của kinh tế thị trường

Hiến pháp CHLB Đức không quy định một hình thái kinh tế cụ thể, nhưng có nhiều quy định trong đó cho thấy một định nghĩa về cách thức kinh tế thị trường xã hội phải được thực hiện. Các phần chính là các quy định về quyền cơ bản (quyền tự do) trong Điều 2-19 và mô tả Đức là một “quốc gia liên bang dân chủ và xã hội” trong “Điều khoản cơ bản” 20GG. Dựa trên ý tưởng về tự do, các nhà khoa học đã tìm kiếm cho tương lai đất nước một con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tập thể (cộng sản). Họ đã tìm thấy điều này trong dạng gọi là Chủ nghĩa tự do trong kỷ cương (Ordoliberalism).

Họ cũng muốn tránh những phát triển không mong muốn trong quá khứ mà người Đức đã gặp phải cách đau đớn, bao gồm “chủ nghĩa can thiệp mất phương hướng ở các nước công nghiệp phương tây giữa các cuộc chiến tranh thế giới”, nền kinh tế bắt cưỡng bức của Đức Quốc xã và trong sự “quản lý yếu kém” quan liêu và không hiệu quả kinh tế sau thế chiến thứ hai từ 1945-1949 với sự chiếm đóng của đồng minh đã đưa nước Đức vốn đã bị tàn phá, nay thêm kiệt quệ.

Ludwig Erhard, bộ trưởng kinh tế, và sau này là thủ tướng, kiến trúc sư của nền kinh tế tái thiết tóm tắt như sau về nguyên tắc xây dựng xã hội và kinh tế:

Tôi muốn tự mình chứng minh, tôi muốn chấp nhận rủi ro của cuộc đời, muốn tự chịu trách nhiệm về số mệnh của tôi. Hỡi nhà nước, hãy làm cho tôi có khả năng đó.

Với câu nói đó, Ludwig Erhard đã nêu bật tín điều của ông và của Muller-Armack, cánh tay mặt của ông. Con người được tự làm gì đó phải là người tự do trong hành động, con người sẵn sàng chấp nhận rủi ro là người cũng chấp nhận trách nhiệm về hậu quả và nhà nước cần bảo đảm điều đó. Thiết chế kinh tế vĩ mô sẽ không phải là kinh tế kế hoạch, mà chỉ có kinh tế thị thị trường mới cung cấp cho người ta các khả năng đó.

Tự do đề cập đến cá nhân và có nghĩa là cả tự do và độc lập trong các quyết định cũng như rủi ro liên quan và ý thức trách nhiệm của cá nhân. Các cá nhân với tư cách là tác nhân của thị trường quyết định những gì họ muốn làm để kiếm sống, những gì họ muốn cung cấp và những gì họ muốn mua và tiêu thụ.

Một điều kiện tiên quyết thiết yếu cho sự tự do này của thị trường là quyền sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất được bảo đảm bởi hiến pháp. Các hạn chế có chủ ý của các điều khoản của Hiến pháp và các luật chuyên biệt của CHLB Đức cho thấy rằng tự do không phải là vô hạn và không được lạm dụng. Ví dụ, luật cạnh tranh nói trên nhằm ngăn chặn việc lạm dụng cạnh tranh tự do cho mục đích chống cạnh tranh (thỏa thuận của công ty, cartel giá, v.v.) và điều này hạn chế rõ ràng quyền tự do lạm dụng. Một hạn chế hơn nữa của quyền tư hữu có thể là nghĩa vụ xã hội, được quy định trong Điều 14 Đoạn 2 của Hiến Pháp..

Về quyền tư hữu và công ích, điều 14 của Hiến pháp qui định: “Nhà nước có trách nhiệm với quyền tư hữu, nó đồng thời cũng để phục vụ cho công ích và việc chung.”

 

 

b. Công ích – Tính nhân văn trong kinh tế Đức

Nhưng, kinh thế thị trường tự nó có thể sẽ chỉ nhấn mạnh quá đáng chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh và tự do kinh tế. Những nhà lập thuyết về một nền kinh tế mới, sau này được gọi là “NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI’ (Soziale Marktwirtschaft, Social Market Economy) được áp dụng tại Đức, là Böhm, Röpke và Eucken thuộc trường phái Freiburg chủ trương một “Chủ nghĩa nhân văn kinh tế”.

 

Sự cân đối giữa tự do cá nhân theo nguyên tắc thị trường và tính nhân văn (công ích) trong mô hình “Kinh tế thị trường xã hội” nằm chủ yếu ở nền kinh tế tự do với luật an sinh xã hội, mà trái tim của nó là mô hình bảo hiểm xã hội. Luật này qui định mọi người lao động phải mua bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm có các loại bảo hiểm cho sức khỏe, lương hưu, thất nghiệp, tai nạn, chăm sóc khi về già (sau này có qui định giới chủ và người thu nhập cao có thể tự mua bảo hiểm xã hội). Phí mua bảo hiểm bắt buộc tính lũy tiến theo lương do nhà nước định, nhưng cùng được hưởng các dịch vụ y tế ngang bằng nhau. Trong khi tất cả mọi người trong gia đình, bất kể gia đình có bao nhiêu người tùy thuộc cũng được ăn theo bảo hiểm sức khỏe, mà không phải đóng thêm tiền. Mức độ đóng thuế được tính theo gia cảnh, gia đình có nhiều người phụ thuộc thì được miễn giảm nhiều hơn biểu lộ rõ ràng tính liên đới của xã hội với cá nhân và gia đình.

Đây là mục tiêu của phân phối lại, được thực hiện thông qua việc đánh thuế lũy tiến thu nhập và lợi ích xã hội thông qua bảo hiểm xã hội theo luật định. Điều này nhằm cho phép tất cả mọi người tham gia vào đời sống xã hội và kinh tế, nhưng trên hết là một cuộc sống đàng hoàng. Khác với nhiều nước vào thời gian đó, trung tâm của sự phân chia công ích an sinh xã hội tại CHLB Đức, theo mô hình trên đây, không phải là hành vi giúp đỡ. Đó là cố gắng không chờ đợi cho đến khi gia đình các thành viên xã hội có khả năng hỗ trợ họ, đang cạn kiệt, rồi xã hội mới ra tay trợ giúp. Như thế, hệ thống an sinh xã hội của CHLB Đức đưa ra sự phân bổ cân bằng về quyền và sự bình đẳng về tiêu chuẩn cao, thay vì bình đẳng về nhu cầu tối thiểu.

Theo mô hình Bismarck được áp dụng tại Đức thì chủ hãng và người lao động mỗi bên đóng 50% phí bảo hiểm xã hội, còn theo mô hình William Beveridge thì quĩ an sinh xã hội lấy từ thuế, và nhà nước chỉ chi tối thiểu, ai có tiền thì mua bổ sung thêm (áp dụng tại Anh).

Trong tinh thần đó, Quĩ cho bảo hiểm xã hội không phải là một quĩ hỗ trợ của nhà nước, mà là một thỏa ước xã hội với nhiều thành phần kinh tế và thế hệ khác nhau, được quản lý riêng biệt. Vì thế, công ích trong an sinh xã hội được coi là công lý, thay vì bác ái. Sự giúp đỡ trên qui mô quốc gia vẫn có, nhưng được thực hiện dưới hình thức khác.

https://giadinhdocat.com/wp-content/uploads/2020/09/cong_ich_duc.jpg

 

Hệ thống an sinh xã hội được coi trọng tới mức nó có một hệ thống luật riêng biệt. Từ nhiều chục năm trước, các nhà lập pháp dự trù tổng cộng sẽ có 14 bộ luật về an sinh xã hội. Cho đến nay (2020) đã làm được 12 bộ. Còn 2 bộ nữa sẽ được hoàn thành từ nay đến năm 2024.

Kèm theo đó là mạng lưới các dịch vụ y tế chất lượng cao rất mạnh hàng đầu thế giới. 

Thống kê WHO 2017/2018, tính trên 10.000 dân [1]:

Số gường bệnh   Số bác sĩ

Đức 80 42,49

Anh 25,4 28,12

Pháp 59,8 32,67

Ý 21,8 39,8

Mỹ 27,7 26,12

Canada 21,8 23,11

Chính nền y tế này và phòng xét nghiệm trải đều trên đất nước (khi cao điểm đã cung cấp 500.000 test/tuần) đã đưa nước Đức đứng riêng ra trên bản đồ dịch Covid-19 với số người chết rất ít, so với các nước công nghiệp phát triển như Anh, Pháp, Ý, Mỹ và Canada. 

Thống kê WHO số người chết vì Covid-19 tính đến 28/12/2020 [2]. 

        Người chết           Số dân (1.000)   Tỉ lệ/10.000 dân

Đức 30.126 83.166   3,62

Anh 70.752 67.000 10,56

Pháp 62.370 67.090   9,29

Ý: 71.925 60.244 11,94

Mỹ 330.644         321.200 10,29

Canada   14.964           35.800   4,18

Mạng lưới y tế được tài trợ theo những cách khác nhau. 

Nước Đức cũng có nền giáo dục tiên tiến miễn phí từ nhà trẻ đến hết bậc đại học và sau đại học. Luật qui định rằng nền giáo dục của quốc gia phải được cung cấp cho tất cả mọi người, và tất cả mọi người đều có quyền được tiếp nhận đầy đủ. Tại Đức, nó thuộc về nhân quyền. Cho trách nhiệm giáo dục, năm 2012 ngân sách nhà nước đã chi 177 tỉ Euro, trong khi cho quốc phòng là 31,7 tỉ Euro.

c. Cân đối giữa tự do và Công lý xã hội

Trong khi khía cạnh của tự do nhấn mạnh vào quan điểm cá nhân, thì khía cạnh của công lý thu hút sự chú ý đến ý nghĩa và tầm quan trọng của cộng đồng đối với nền kinh tế thị trường xã hội. Ngay cả khi mọi người có thể và phải hành động cá nhân, họ nên trải nghiệm bản thân như một cộng đồng đoàn kết.

Kết hợp lại, tự do và công lý tạo thành nền tảng của nền kinh tế thị trường xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ pha trộn chính xác của chúng không phải là cố định cho mọi thời điểm, mà dao động sang một bên và sau đó sang bên kia tùy thuộc vào thời gian và hoàn cảnh, mà không bao giờ tồn tại ở một trong những thái cực.

Sự cam kết chia sẻ công ích được chỉ định theo luật lại là một thách thức lớn và gay go cho nền kinh tế quốc gia. (Cho năm 2020 thì chi phí bảo hiểm xã hội xấp xỉ 40% lương trước thuế, chủ hãng và người lao động mỗi bên đóng một nửa).

Nền kinh tế được vận hành theo nguyên tắc nào để hai vế đó (sự tự do và tính nhân văn) sẽ được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong thiết chế kinh tế-tài chính-xã hội tại Tây Đức ?

Người lèo lái nền kinh tế tái thiết CHLB Đức trên thực tế, thứ trưởng kinh tế Müller-Armack chủ trương rằng tăng trưởng kinh tế không chỉ là một mục tiêu trong số nhiều mục tiêu khác, mà là cơ sở để đạt được các mục tiêu khác. Müller-Armack tuyên truyền “một chính sách tăng trưởng kinh tế có ý thức” (1956), bởi vì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nền kinh tế hưng thịnh là điều kiện tiên quyết để phân phối lại và an ninh xã hội.

Müller-Armack đưa ra hai nguyên tắc:

  • Về chi phí cho an sinh xã hội, ông không ủng hộ chính sách xã hội theo cách của người bán thịt, nhưng của người chăn nuôi gia súc. Giết mổ không phải từ chuồng kho, mà từ thặng dư được tạo ra. Chỉ có điều đó tạo ra “sự thịnh vượng cho tất cả”. Nghĩa là an sinh xã hội phải phát xuất từ một nền kinh tế thịnh vượng. Đời sống vật chất càng cao thì an sinh xã hội cũng càng cao.

  • Về cách thức tiến hành, ông nêu “nguyên tắc điều chỉnh của các can thiệp xã hội”, có nghĩa là “người ta phải bảo đảm mục đích xã hội mà không can thiệp vào bộ máy thị trường” (chẳng hạn để hỗ trợ người thuê nhà, nhà nước sẽ đưa tiền cho họ, thay vì dùng luật ép buộc chủ thuê hạn tiền nhà).

  •  

Đối với Müller-Armack, mức độ của cả tự do lẫn công lý đều phụ thuộc vào sự thịnh vượng kinh tế. Theo ông, chính sách xã hội của nhà nước không bao giờ nên đi quá xa để gây nguy hiểm cho nguyên tắc kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội của nhà nước rất quan trọng đối với ông ta đến nỗi ông ta yêu cầu phải luôn tận dụng tính từ “xã hội” liên quan đến nền kinh tế thị trường để nhấn mạnh thực sự ý nghĩa thực tế của nó, hơn là sự kết hợp từ ngữ chỉ để trang trí.

https://giadinhdocat.com/wp-content/uploads/2020/09/phong-khach-google.jpg

“Không có tự do mà không với công ích” (Phòng khách Google tại Zurich, Thụy Sĩ)

3) Các đặc điểm của khung pháp lý cho nền kinh tế.

Trong khi các nguyên tắc cơ bản của GHXHCG phù hợp với các sinh hoạt xã hội nói chung, thì một số đặc điểm dẫn đưa từ các nguyên tắc này lại trở thành các nội dung chủ đạo cần thiết cho một nền kinh tế, đó là dân chủ, quyền tư hữu và sự tự do đi lại, tự do nghề nghiệp.

a. Hiến pháp nhà nước liên bang dân chủ và nền kinh tế thị trường xã hội

Như trên đã đề cập, tuy khái niệm về nền kinh tế thị trường xã hội không được đề cập trong hiến pháp Đức. Đây là một điều đáng kinh ngạc trong quan điểm về sự thành công của tác động của nó. Trong thể chế quốc gia, Điều 20 của Hiến Pháp qui định: “CHLB Đức là một quốc gia liên bang dân chủ xã hội.”

 

Trong việc diễn giải các yêu cầu cơ bản của hiến pháp này liên quan đến cấu trúc kinh tế, cách giải thích của các nhà chú giải hiến pháp nhà nước rất khác nhau. Vì vậy, điều hoàn toàn gây tranh cãi là liệu việc chỉ định Cộng hòa Liên bang Đức là một quốc gia liên bang dân chủ và xã hội trong Điều 20 của Hiến pháp có nhất thiết tạo ra một nền kinh tế thị trường xã hội theo quan điểm chung của Đức hay không. Một số người tin rằng một nền kinh tế kế hoạch không tương thích với nền dân chủ và chỉ có nền kinh tế thị trường mới, có thể bắt nguồn từ khía cạnh dân chủ. Những người khác không coi lập luận này là hấp dẫn nhưng vẫn thấy được sự cởi mở cơ bản của khung chính sách kinh tế trong hiện tại và tương lai.

Tóm lại, tuy sự diễn giải có khác nhau, nhưng các nhà kinh tế vĩ mô đều hiểu giống nhau về các qui đinh cơ bản của hiến pháp, nhất là Điều 1 về tôn trọng phẩm giá con người, sẽ dẫn đưa đến một nền kinh tế tự do phân quyền và xã hội.

Bayern là tiểu bang lớn nhất về địa lý, có số dân đông nhất (hiện nay 13 triệu), đã áp dụng triệt để nhất các giáo huấn xã hội Công giáo nói chung và các nguyên tắc nền tảng của nó nói riêng, đã thành công nhất trong việc tái thiết và bảo vệ môi trường xanh, và hiện nay giàu nhất nước Đức.

b. Quyền tư hữu

Đi từ tư tưởng rằng quyền đối với tài sản tư nhân là điều kiện tiên quyết, thiết yếu cho nền kinh tế thị trường, Điều 14 của Hiến pháp nước Đức nêu định hướng cơ bản cho kinh tế thị trường: “Quyền tài sản và quyền thừa kế được đảm bảo.”. Khái niệm “tài sản” được hiểu cả cho các phương tiện sản xuất. Khái niệm tính phổ quát của của cải trong Học thuyết xã hội Công giáo được minh định rõ ràng trong câu sau của Điều 14 này của Hiến Pháp. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, việc tham chiếu đến nghĩa vụ xã hội đã đề cập trong đoạn 2 của điều này không phủ nhận quan điểm kinh tế thị trường, nhưng hạn chế nó và nhấn mạnh trách nhiệm đối với công chúng. Đây chính xác là tính “Xã hội” của nền kinh tế thị trường.

c. Tự do đi lại và tự do nghề nghiệp

Những quyền cơ bản này (được quy định trong Điều 11 và 12) một lần nữa củng cố tính thị trường của hệ thống kinh tế và điều chỉnh quyền sống và sống bất cứ nơi nào bạn muốn (yêu cầu di chuyển của các quy định kinh tế thị trường), cũng như quyền học tập, nghiên cứu và học tập tự do chọn những gì cũng bắt buộc để tối ưu hóa vấn đề phân bổ của các nền kinh tế hiện đại. Ở đây, quyền tự do của con người và sự phân bổ, điều tiết các nguồn lực lao động trong nền kinh tế tự do tìm thấy điểm chung trong nhau.

4) Vai trò của GHXHCG trong mô hình kinh tê thị trường xã hội.

Tính chất xã hội của nhà nước Đức, trước hết xuất phát từ tinh thần xã hội của người Đức được truyền lại theo lịch sử. Các loại bảo hiểm tai nạn cho người lao động, bảo hiểm y tế, lương hưu là phát xuất từ nước Đức, vào các năm 1883, 1884 và 1887, từ thời thủ tướng Otto von Bismarck (1815-1898, thời nước Phổ cũ), và sau này các nước mới đưa vào áp dụng. Vì thế, cho đến năm 1990 thì mô hình bảo hiểm, hoặc mô hình nhà nước xã hội trước kia được gọi là mô hình Bismarck.

Một tài liệu năm 2013 của văn phòng Quốc hội CHLB Đức, khi đánh giá về sự hình thành của nền kinh tế thị trường xã hội của Đức, đã nêu ra rằng đối với nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính hàng đầu của Đức thì nền kinh tế tái thiết CHLB Đức chính là một “Giáo huấn Xã hội Công giáo trong ứng dụng”. [3]

 

Thế nên, ngay từ hồi lập quốc, người ta thảo luận rất nhiều, rằng liệu Giáo huấn Xã hội Công giáo có phù hợp với các nguyên tắc nền tảng mà Erhard và Müller-Armack, cha đẻ của từ “kinh tế thị trường xã hội” chủ trương hay không, và liệu đối với GHXHCG thì chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh và tự do kinh tế có được nhấn mạnh quá đáng không ? Nhưng khởi đi từ sườn lý thuyết của trường phái Freiburg chung quanh Böhm, Röpke và Eucken về nền kinh tế xã hội của Đức, người ta đã khẳng định những nội dung phù hợp với các tuyên bố của GHXHCG như đã trình bày ở phần trên của bài này. Với tư cách là “Chủ nghĩa nhân văn kinh tế” (Röpke), chủ nghĩa tự do trong khuôn khổ cũng chứng tỏ sự gần gũi lớn đối với tính cách riêng của GHXHCG.

Điều này cũng được thể hiện trong thực tế rằng Walter Eucken thầy về kinh tế vĩ mô của Joseph Höffner, sau này là Hồng y, một đại diện hàng đầu của GHXHCG (Hồng y Joseph Höffner là người viết cuốn “Học thuyết xã hội Công giáo”, đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam). Các quan hệ dọc ngang tới mức cá nhân này đã làm cho quan điểm phổ quát của giới kinh tế vĩ mô thắng thế, rằng nền kinh tế thị trường xã hội và GHXHCG có liên quan nhiều và rất chặt chẽ với nhau, và nền kinh tế thị trường xã hội xuất hiện như là “giáo huấn xã hội Công giáo ứng dụng”.

Các nhà đạo đức xã hội như Hồng y Josef Höffner, Wilhelm Weber, Oswald von Nell-Breuning, Anton Rauscher, Lothar Roos và Wolfgang Ockenfels, những người nhiều lần nhấn mạnh sự tương đồng (giữa GHXHCG và nền Kinh tế thị trường xã hội), có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển này. Giáo sư Hans Tietmeyer (viện sĩ Viện hàn lâm Tòa thánh về các khoa học xã hội), nguyên chủ tịch ngân hàng TƯ Đức, cơ quan quyền lực thực sự về tài chính quốc gia khi còn đồng Mác đã xác nhận trong một tiểu luận của ông rằng mô hình kinh tế xã hội của Tây Đức sau chiến tranh là một “Giáo huấn Xã hội Công giáo trong ứng dụng”. Để làm rõ quan điểm này, ông trích dẫn Thông điệp Bách Chu niên của Đức Gioan Phaollô II và nêu ra rằng ngài ủng hộ chủ nghĩa tư bản có tính xã hội (và bác bỏ chủ nghĩa tư bản hoang dã), khi ngài mô tả một hệ thống kinh tế thị trường, xác định vai trò cơ bản và tích cực của doanh nghiệp, của thị trường, của tư hữu và kết quả là trách nhiệm đối với các phương tiện sản xuất, sự sáng tạo tự do của con người trong lĩnh vực kinh tế. Thị trường tự do là công cụ hiệu quả nhất để đầu tư nguồn lực và đáp ứng nhu cầu tốt nhất. Thị trường tự do cũng là biện pháp hiệu quả biểu hiện tính liên đới vật chất và phân việc cách tích cực giữa các cá nhân và các thành phần tham gia vào nền kinh tế. Đặc biệt tầm quan trọng của sáng kiến, kết quả từ nguyên tắc bổ trợ, được nêu bật lên. Ngài cũng nhận ra vai trò của doanh nhân: “Chính khả năng nhận ra nhu cầu của người khác và sự kết hợp của các yếu tố sản xuất phù hợp nhất để họ hài lòng kịp thời là một nguồn của cải đáng kể trong xã hội hiện đại.”

Ngoài những qui định luật pháp đã nêu ở trên, các yếu tố khác của nhà nước phúc lợi Đức có nguồn gốc “rõ ràng” từ danh mục được GHXHCG giảng dạy là nhiều phúc lợi xã hội được định hướng theo gia cảnh, thủ tục chia tách thuế và yêu cầu bảo vệ hôn nhân và gia đình theo Điều 6 của Hiến pháp.

 Tóm lại, sau thế chiến II,với tinh thần Ki-tô giáo, nước Đức đã huy động được sự đồng thuận cao của toàn xã hội để ngay trong thời gian ngắn, xây dựng thành công thành một cường quốc công nghiệp. Đó là mô hình áp dụng thành công xuất sắc các tinh thần của Học thuyết Xã hội CG. Tất nhiên, các nguyên tắc cần được thay đổi ứng dụng vào thực tiễn phát triển từng thời kỳ. Xử lý mối quan hệ tự do và công lý luôn là một thử thách căng thẳng của mọi chính quyền, giải quyết mối quan hệ này thành công đến mức độ nào thì nền kinh tế và sự đồng thuận xá hội cũng thàng công ở mức đó.

 

Câu chuyện tái thiết thần kỳ của CHLB Đức một lần nữa chứng tỏ rằng nền kinh tế một quốc gia nói riêng và nhà nước nói chung có thể hiện hữu và được vận hành cách sống động, thành công khi, thay vì trung lập với các giá trị đạo đức của Công giáo và các nguyên tắc của học thuyết XHCG, nhưng rút tỉa từ đó những ứng dựng tuyệt vời. Đó chính là những điều ĐGH người Đức Beneđictô XVI đề cập đến khi nói về quan hệ Giáo hội Công giáo và nhà nước trong thời đại hiện nay, trong bài diễn văn nhậm chức của ngài ngày 24/4/2005, rồi cuối cùng, ngài kết luận:

Cần phải đưa ra một định nghĩa mới cho mối tương quan giữa Giáo hội (Công giáo) và nhà nước hiện đại.

 

Ghi chú:

[1] Về mạng lưới y tế của Đức:

  • Số giường trong bệnh viện/10.000 dân

https://apps.who.int/gho/data/view.main.GDO0801v

  • Số bác sĩ/10.000 dân 

https://www.who.int/data/gho/data/indicators/indicator-details/GHO/medical-doctors-(per-10-000-population)


[2] Số người chết vì dịch Covid-19 (đến 28/12/2020): 

      (https://covid19.who.int


[3] Katholische Soziallehre und Soziale Marktwirtschaft. Ursprünge, Entwicklung und 

      Zusammenhänge”. Abteilung W, Deutscher Bundestag, November 2013. 

      Bài này cũng lấy nhiều thông tin khác từ tài liệu đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC