Đầu Năm Gẫm Mấy Chuyện Ồn Ào Trong Giáo Hội

17/03/202412:16 CH(Xem: 465)
Đầu Năm Gẫm Mấy Chuyện Ồn Ào Trong Giáo Hội

 

Lời giới thiệu về bài viết của ông Phm Hồng Lam:

Hội Thánh do Chúa Giêsu lập ra đến nay đã hơn 2000 năm. Hội Thánh chỉ có một, Phúc Âm cũng chỉ có một, nhưng do sự hiểu biết và diễn dịch Lời Chúa của mỗi cá nhân, tạo ra những khác biệt như chúng ta thấy hôm nay. Rồi qua mỗi thời đại, ở mỗi vùng miền trên thế giới, do bối cảnh chính trị và xã hội, lại tạo ra những sự khác biệt sâu sắc hơn nữa. Chúng tôi cảm ơn tác giả đã thu thập những thông tin, những dữ kiện để cống hiến cho người đọc một ít sự kiện đang diễn ra. Dĩ nhiên nội dung không phản ảnh quan điểm hay lập trường của Phong Trào Giáo Dân, vì vậy người đọc sẽ tự mình đánh giá theo khả năng hiểu biết của mình. Vi ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, hy vọng người đọc sẽ nhận ra đâu là chân lý.

Đỗ Như Điện, Điều Hợp Viên PTGD.  

 

 

Đầu Năm Gẫm Mấy Chuyện Ồn Ào Trong Giáo Hội.

Phạm Hồng-Lam

 

Thời gian ở Mĩ vừa rồi, đi tới đâu, khi biết mình từ Đức tới, bà con cứ hỏi: Các giám mục Đức thật sự có nguy cơ li giáo, như báo chí vẫn râm ran, không? Nguy quá! Tôi sợ một vụ Reformation (Phong Trào Cải Cách thời Martin Luther trong thế kỉ 16.) thứ hai nữa ở Đức! Những tâm sự chân thành. Những âu lo thật lòng. Vì có nhiều kênh truyền thông và mạng thông tin xã hội ở Mĩ – cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh - vẫn không ngớt tung tin như thế.

Thực tình chả biết trả lời làm sao. Bảo, chẳng có nguy cơ ấy đâu, thì mấy ai tin; có khi lại làm họ thêm xốn xang. Bởi tin tức rành rành như thế! Mạng xã hội không ngớt báo động mà ông cứ nói quanh! Mà bảo có nguy cơ đó, thì mình có quá ngây thơ không?

„Con Đường Công Nghị (CĐCN)“ ở Đức là một nỗ lực của cả giáo hội tại đây, thông qua sự đồng thuận của Hội Đồng Giám Mục (phía giáo sĩ) và Uỷ Ban Trung Ương Người Công Giáo tại Đức (phía giáo dân). Chứ chẳng phải là việc làm của một „nhóm“ chủ trương cải cách, như một bài trong báo DĐGD số tháng 12 vừa rồi viết, để muốn gợi lên sự thiếu chính thống của CĐCN.

Có bốn giám mục chính toà (giáo phận Eichstett, Passau, Regensburg và Köln) bất đồng về nghị trình làm việc và về một số quyết nghị của CĐCN, đặc biệt là quyết nghị sẽ lập ra một Hội Đồng Công Nghị (Synodaler Rat) ở các cấp, để theo dõi việc thi hành các kết quả của CĐCN. Vatican chống lại việc thành lập cơ cấu mới này, vì sợ nó sẽ hạn chế quyền của các giám mục giáo phận. Vì thế CĐCN đã tạm thời cử ra một Uỷ Ban Công Nghị (Synodaler Ausschuss), để nghiên cứu và cố gắng tìm ra trong vòng hai năm một hình thái nào đó phù hợp với giáo luật cho cấu trúc Hội Đồng Công Nghị này.

Nhưng bốn giám mục trên đây vẫn tham dự các buổi họp trước đó của đại hội. Lại nữa, việc có áp dụng hay thực thi các quyết nghị của đại hội hay không trước sau vẫn là quyền riêng của mỗi giám mục giáo phận. Nếu quyết định của giám mục phù hợp với hoàn cảnh và nhận thức trong giáo phận, thì ông có được sự hỗ trợ của giáo hữu. Nếu không, có thể ông không có được sự hợp tác rộng rãi hoặc tín hữu của ông sẽ theo nhau rời giáo hội nhiều hơn. Thế thôi.

CĐCN được tổ chức dựa trên kết quả bản điều tra chung của Hội Đồng Giám Mục nước này về việc lạm dụng tình dục giới vị thành niên do các giáo sĩ và tu sĩ. Tài liệu này đã chỉ ra một số nguyên nhân về mặt cơ cấu và nhân sự cần phải cải tiến, để có thể ngăn ngừa về sau. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi một bản điều tra của các luật gia chỉ ra những nguyên nhân thuộc lãnh vực đức tin. Thành ra CĐCN đã chú trọng nhiều tới việc đi tìm lời giải nơi cấu trúc và nhân sự. Và đấy là điểm bốn giám mục trên đây phàn nàn ngay từ đầu. Và đó cũng là điểm, mà giáo tông Phan-sinh, trong lá thư gởi các tín hữu ở Đức trước khi khai mạc CĐCN, nhấn mạnh: Hãy đặt trọng tâm vào sứ mạng truyền giáo và làm sao tăng cường cuộc sống đức tin. Đừng quá xem đó là vấn đề riêng của giáo hội Đức, mà hãy nhìn ra các giáo hội khác nữa. Chớ nên nghĩ rằng, cải tổ cấu trúc là giải quyết được khủng hoảng vốn do chính Giáo Hội gây ra. Nhưng Giáo Tông đã không nói một chữ nào thêm, khủng hoảng này bao gồm những gì và do thành phần nào gây ra.

Và đấy chính là cứ điểm xuất phát khác nhau giữa CĐCN của Đức và Tiến Trình Công Nghị của Vatican. Giáo hội Đức tìm lời giải qua việc cải tổ các cơ cấu thực tế gây thuận lợi hoặc dẫn tới nạn lạm dụng, để từ đó lấy lại sự khả tín cho giáo hội và góp phần tăng cường đức tin. Còn Tiến Trình Công Nghị, ngược lại, đặt trọng tâm vào sứ mạng truyền giáo và sự tham gia rộng rãi của các thành phần dân Chúa; còn việc cải tổ cơ cấu và nhân sự chỉ là phụ. Một phía đi từ vật lí tới siêu hình; một phía từ siêu hình xuống vật lí.

 

Tóm lại, nếu có một cơ nguy li giáo, như nhiều trang mạng và kênh truyền thông vẫn loan, thì nó sẽ là vấn đề của toàn giáo hội Đức. Nhưng điều này, với thực tế hiện nay, tôi cho là chuyện không tưởng.  

 

Chuyện lạc giáo, li giáo ngày nay

 

Như vậy, trước mắt, khả năng bội giáo và li giáo ở những nơi khác và từ các nhóm khác đáng lo hơn, chứ không phải ở Đức.

Nhưng, quả chưa bao giờ chuyện li giáo, bội giáo lại được đề cập một cách ồn ào và vô tội vạ như hiện nay. Một vài giám mục Ba-lan, một vài giám mục ở Mĩ, dăm ba mạng xã hội và kênh truyền thông bảo căn đây đó không ngừng tri hô: giáo hội công giáo Đức đang muốn trở thành Tin Lành. Nghĩa là vừa lạc giáo vừa li giáo. Cựu bộ trưởng Bộ Đức Tin, giáo trụ Müller người Đức, tố cáo giáo tông Phan-sinh tội lạc giáo. Cựu trưởng Toà Án Tối Cao của Vatican, giáo trụ Burke người Mĩ, cựu sứ thần của Vatican tại Mĩ, giám mục Viganò người Ý, gm. Strickland (Texas) và gm. Schneider (Kasachstan) tuyên bố, họ đang đứng ở chính đạo, còn Vatican đang rơi vào tà giáo. Một vài giáo hội Phi châu coi giáo hội Nam Phi là bội giáo, vì giáo hội này không chống lại luật cho phép hôn nhân đồng tính của chính quyền!

Sau khi bị rút quyền giám mục chính toà, gm. Strickland cho hay trong một cuộc phỏng vấn: Trước đây, li giáo nổ ra, khi một cá nhân – chẳng hạn như Martin Luther – không đồng ý với giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng ngày nay người ta kết án ông và những người khác tội li giáo, chỉ vì họ bảo vệ sự thật. „Li giáo có nghĩa là phủ nhận giáo huấn của giáo tông. Nhưng khi Vatican, với sự hỗ trợ rõ ràng của giáo tông, dạy những điều trái với đức tin, thì chữ ‚li giáo‘ lại mang một nghĩa hoàn toàn mới“. Rồi gm. Strickland kêu gọi các giám mục Mĩ: „Chúng ta phải nhất trí với nhau cất lên tiếng „không“ của chúng ta, không chấp nhận hội nhập nó (việc chúc lành cho các đôi đồng tính, các đôi không hôn thú hoặc li dị tái hôn) vào trong đời sống của Giáo Hội“.

Mà chẳng phải chỉ có giám mục gây bão. Mới đây, ở Sacramento, Mĩ, linh mục Jeremy Lestherby đã bị dứt phép thông công, vì khi đọc lời nguyện thánh thể, ông đã không cầu cho giáo tông đương kim là Phan-sinh, mà cầu cho vị đã quá cố, Biển-đức XVI., và ông cũng chẳng cầu cho giám mục giáo phận của mình là Jaime Soto. Ông cho hay, Biển-đức vẫn là giáo tông chính thức, chứ không phải Phan-sinh. Linh mục này nguyên đã bị treo chén từ năm 2016, về nhiều chuyện, trong đó có cả chuyện quan hệ tình cảm. Nhưng ông vẫn cứ dâng lễ và ban các bí tích, và thánh lễ của ông có lúc vẫn có tới 350 người dự lận. Giám mục Soto cho biết, đã nhiều lần tìm cách liên lạc với Leatherby, nhưng ông này tránh gặp, vì ông (lời của Leatherby)„chẳng còn thích thú gì ở lại trong cái Giáo Hội với giáo tông Phan-sinh; ông muốn rời khỏi hàng giáo sĩ“.

Chuyện của Leatherby cũng chưa căng bằng chuyện của vị linh mục ở Guasticce gần Livorno, Ý. Trong thánh lễ đêm giao thừa vừa rôi, ông tuyên bố, Phan-sinh không phải là giáo tông hợp lệ của Giáo Hội, mà chỉ là một kẻ tiếm quyền bất hợp pháp! Để biện minh cho xác tín của mình, ông kể: Ngày 17.12.2023 (trùng ngày sinh nhật của giáo tông Phan-sinh) tượng thánh Phêrô gần Buenos Aires bị sét đánh bay mất vòng hào quang trên đầu và làm gẫy chiếc chìa khoá thánh nhân cầm nơi tay. Ông lí giải: Mất vòng hào quang có nghỉa là Phêrô không còn là thánh nữa; nhưng giờ đây ngài bị „một tay Tam Điểm có liên hệ với các quyền lực thế giới tiếm mất quyền giáo tông“. Còn chìa khoá gẫy, là vì „ ngài Biển-đức tốt lành“ nghĩa là cố giáo tông Biển-đức XVI., đang nắm giữ nó. Giám mục giáo phận chẳng còn biện pháp nào hơn ngoài vạ tuyệt thông trước „một hành vi công khai mang tính chất li giáo“. Không những thế, Giám Mục còn tuyên bố: kể từ nay, tín hữu nào tham dự lễ và nhận các bí tích của ông này cũng sẽ rước vào mình vạ tuyệt thông.

Ở Đức trước đây chỉ mới có một hai linh mục dám ngang nhiên công khai chúc lành cho các đôi hôn nhân ngoại luật (đồng tính, không hôn thú, li dị tái hôn) mà thôi, chứ chưa có vị nào đạt mức „anh hùng“ như hai vị trên đây.

Tình trạng làm ta nhớ lại thời khủng hoảng lớn của Giáo Hội trong cuối thế kỉ 14, đầu thế kỉ 15, khi cùng một lúc Giáo Hội có tới ba giáo tông, khiến cho nhiều linh mục, khi đọc lời nguyện thánh thể, đã chẳng biết cầu cho ai. Vì thế giám mục giáo phận có nơi đã cho phép linh mục mình cầu trống không,“cầu cho giáo tông nào hợp pháp“!

 

Nông nỗi nào?

 

Nhưng đâu là nguyên nhân gây nông nỗi? Tất cả chỉ vì ba quyết định mới đây của giáo tông Phan-sinh: hạn chế lại việc dâng thánh lễ theo nghi thức cũ; cho phép những người li dị tái hôn rước lễ trong một số trường hợp; cho phép chúc lành thông thường cho những đôi hôn nhân ngoại lệ.

Trước hết là việc hạn chế thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng Vatican II. Trước đây, với kết quả cải cách phụng vụ của Công Đồng, giáo tông Phaolô VI. ra quyết định từ nay nghi thức thánh lễ mới (không còn dùng tiếng La-tinh, linh mục quay ra phía giáo dân…) phải là nghi thức duy nhất trong Giáo Hội. Nhưng ngài còn mở ra một biệt lệ cho những linh mục già được tiếp tục nghi thức cũ, vì cả đời họ đã quen với thánh lễ này. Các thế hệ linh mục mới sẽ chỉ còn nghi lễ mới mà thôi. Thời đó đã có một nhóm chống lại, do giám mục Lefèbvre (Thuỵ-sĩ) cầm đầu, và nhóm này đã li khai lập ra „Huynh Đoàn Piô X“. Năm 2007, với hi vọng đưa nhóm „Huynh Đoàn“ về lại với Giáo Hội, giáo tông Biển-đức XVI. đã mở rộng sự cho phép dâng thánh lễ nghi thức cũ. Biển-đức XVI. đưa ra hai lập luận: Có những nơi (địa điểm hành hương, chốn du lịch đô hội…) cần nên dâng thánh lễ cũ bằng tiếng La-tinh, để mọi người thuộc các dân tộc khác nhau dễ thông công; và thánh lễ cũ hay mới không có nghĩa là cái trước sai nên phải tạo ra cái mới, để thay thế cái trước. Cả hai lập luận, nhất là lập luận sau, nghe ra hợp lí. Nhưng chúng đã mở đường cho nhiều lạm dụng. Có một số nơi trước đây chẳng có thánh lễ cũ, nay linh mục quản xứ lại bày ra. Một số linh mục quay về với thánh lễ cũ, theo chuyên gia Vatican John Allen, là để „bày tỏ một quan điểm chính trị“. Nói thẳng ra, là để chống lại giáo tông Phan-sinh. Ở Mĩ (đặc biệt giáo phận của gm. Strickland) và Pháp (giáo phận Frejus-Toulon với gm. Dominique Rey) là hai trung tâm lạm dụng. Úc và Ba-tây cũng có đôi trường hợp. Tháng 7/2021 giáo tông Phan-sinh quyết định hạn chế trở lại thánh lễ cũ; chỉ những ai và nơi nào được giám mục giáo phận cho phép mới được dâng thánh lễ cũ. Quyết định này lại là dịp cho phía bảo thủ, cụ thể là nhóm giám mục bảo thủ trên đây, chống đối. Gm. Viganò doạ, sẽ mở một chủng viện truyền thống, để đào tạo và làm nơi trú ẩn cho những linh mục nào không đồng ý với giáo huấn của Phan-sinh. Chủng viện giờ xây đã xong. Hi vọng đây sẽ không là một trường hợp Lefebvre thứ hai!

Thứ đến, chuyện chúc lành. Với Tuyên Ngôn „Fiducia supplicans“ Toà Thánh cho phép các linh mục chúc lành cho các đôi hôn nhân ở trong tình trạng „bất thường“, nghĩa là kết hợp không đúng với giáo luật, không hợp với giáo huấn đạo đức của Giáo Hội, nếu những người này thành tâm xin được chúc lành. Đó là những cặp đồng tính, không hôn thú hay những cặp li dị tái hôn. Tuyên Ngôn phân biệt rõ hai loại phép lành: loại phép lành chính thức, nằm trong khuôn khổ nghi lễ phụng vụ (litürgisch) và loại phép lành tự ý, bất chợt (spontan). Phép lành dành cho các đôi trong trường hợp này là loại phép lành sau và chỉ được ban bên ngoài mọi nghi lễ và khung cảnh phụng vụ. Nó có thể là một chúc lành khi gặp nhau trên đường, trên một chuyến du lịch hoặc hành hương, hay nhân dịp một cuộc gặp gỡ nào đó. Nó không phải là loại chính thức, vì nếu không, thì vô hình trung Giáo Hội đã hợp thức hoá cho một hành vi vốn đi ngược lại giáo huấn của mình (Giáo Hội vẫn coi việc hôn nhân của người li dị và của người đồng tính là tội). Tuyên Ngôn nhấn mạnh, đây là việc chúc lành cho hai con người, cho những gì tốt đẹp nơi họ, để những tốt đẹp này nhờ ơn Chúa tiếp tục đơm bông, chứ không phải chúc lành cho sự nối kết („bất thường“) của họ. Sự ra đời của Tuyên Ngôn là kết quả của những tranh cãi trong Giáo Hội vốn đã diễn ra từ rất lâu, kể từ khi xã hội không coi việc đồng tính là một căn bệnh nữa và các luật đời theo nhau hợp pháp hoá việc kết hôn giữa họ. Đặc biệt đó là câu trả lời cho lá thư đặt vấn đề của nhóm các giám mục bảo thủ ở trên (Burke, Vigano, Müller, Sarah…). Phía tranh đấu giờ đây bảo, phép lành này không đủ; phía chống đối thì lại bảo, đó là âm mưu che đậy của Vatican chuẩn bị cho việc chấp nhận hôn nhân đồng tính!!

Chuyện thứ ba, cho li dị tái hôn được rước lễ trong một số trường hợp. Vấn đề này đã được thảo luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục trước đó (2014/15) bàn về Gia Đình. Khi viết tông thư hậu Thượng Hội Đồng Amoris laeticia, giáo tông Phan-sinh dành cả chương 8 nói về trường hợp những người li dị tái hôn trong Giáo Hội. Một cách rất thận trọng nhưng cũng đầy cảm thông, Giáo Tông đề ra những phương cách hành xử cụ thể đối với một vấn nạn, mà Giáo Hội ngày nay không thể làm ngơ hoặc coi thường, vì mức độ phổ biến của nó đã trở nên phổ quát. Nếu không có giải pháp mục vụ tái hội nhập họ, Giáo Hội sẽ mất đi một thành phần tín hữu lớn. Trong số 305 của chương 8 có một ghi chú mang số [351] đã gây lên một cơn bão tranh luận (và kết án) cho mãi tới hôm nay. Số 305 có một đoạn nội dung như sau: „Vì do những giới hạn của các yếu tố giảm khinh […] nên dù đang ở trong một hoàn cảnh khách quan tội lỗi - hoàn cảnh này không do chủ quan gây ra hoặc không hoàn toàn do chủ quan gây ra - người ta [những cặp li dị tái hôn] có thể vẫn sống trong ân sủng của Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, nếu như họ nhận được sự trợ giúp của Giáo Hội để thăng tiến.“ Và cuối câu này là ghi chú [351] với nội dung:

[351] Trong những trường hợp nhất định có thể đó cũng là sự trợ giúp của các bí tích. Vì thế „tôi nhắc nhở [các linh mục], không được biến toà giải tội thành phòng tra tấn, song dùng nó như là chỗ cho lòng thương xót của Chúa“ (…). Tôi cũng đồng thời nhấn mạnh, là phép Thánh Thể „không phải là quà tặng cho những kẻ toàn hảo, mà là một phương tiện chữa lành rộng rãi và một của ăn cho những người yếu đuối ( …).

Nghĩa là trong một số trường hợp được linh mục và giám mục xét thấy nên, họ có thể cho những thành phần liên hệ này rước lễ.

 

Những tranh luận chẳng mấy ơn ích.

 

Ba quyết định trên đây không phải là những gì thuộc cấp tín điều. Sự quan trọng của chúng rất tương đối. Nhưng chúng đã trở thành hoặc được biến thành những đề tài gây tranh cãi đến đổ vỡ. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta đang sống trong một giai đoạn, nói như Biển-đức XVI., „giữa cơn xoắn của hai giòng nước“, trong đó „cái cũ đang qua đi mà cái mới vẫn chưa định hình“.  Và ngài đề nghị: Hãy nín thở qua sông, vì phong ba nào rồi cũng tới lúc yên lặng. Còn giáo tông Phan-sinh, trái lại, coi lịch sử đã sang trang: những biến chuyển của hôm nay đã định hình tương lai; cần phải thích ứng vào giòng sống.

Toàn cầu hoá đang san bằng mọi biên cương quốc gia. Tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt tiến bộ sinh học, đang xoá nhoà mọi ranh giới đạo đức. Những biến chuyển và đổi thay chóng mặt. Kẻ sợ thay đổi tìm cách bám vào truyền thống và quá khứ làm điểm tựa. Kẻ chấp nhận đổi thay thì đôi khi lại hoang mang trước tương lai. Tương lai vô định, nhưng truyền thống cũng chẳng cố định.

Những mâu thuẫn trên, theo tôi, chung quy cũng là một biểu hiện do mâu thẫn giữa hai quan niệm về Thiên Chúa.

Trước đây không lâu, thần học không có chỗ cho một Thiên Chúa thương xót. Người được quan niệm như một phán quan nghiêm khắc, chỉ biết luận phạt. Nay thần học đề cao một Thiên Chúa độ lượng nhân ái. Phán quan làm việc dựa trên luật lệ. Độ lượng nhân ái dựa trên nhắc nhở, đồng hành. Do đó, Bộ Giáo Lí Đức Tin ngày nay cũng đang cố gắng xoá đi cái hình ảnh một cơ quan chuyên điều tra và luận phạt, để khoác vào mình tấm áo đồng hành trong sáng. Đây là điểm mới trong Giáo Hội.

Con người luôn tìm cách lách, xé luật, nhưng lại muốn có luật, để có được cảm giác an ninh và an tâm, nhất là trước một hoàn cảnh nhiểu đổi thay.

Và khi chấp nhận một Thiên Chúa yêu thương, thì ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái giá của yêu thương: phản bội. Sẽ có những lạm dụng hay phản bội lòng thương. Nhưng sự cao cả của lòng thương là sẵn sàng chấp nhận cái giá đó, để tiếp tục yêu thương.

Augsburg, 10.01.2024.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC