Phần 2 - Bản dịch tiếng Viết sách "For Love of My People I will not Remain Silent"

08/04/20198:44 SA(Xem: 2593)
Phần 2 - Bản dịch tiếng Viết sách "For Love of My People I will not Remain Silent"
2
CÁC SỰ KIỆN CẬN TRƯỚC
              VÀ SAU BỨC THƯ

Bài thuyết trình thứ hai

20 tháng 6 năm 2017

Cuộc họp tháng hai 2007

    Vào tháng 2 năm 2007, một vài năm sau khi được bầu (2005), Đức Giáo hoàng Benedictô đã triệu tập một cuộc họp giống như cuộc họp mà Đức Hồng y Tomko tổ chức định kỳ, đó là một cuộc họp “chung” (với các quan chức cấp cao của Phủ Quốc vụ khanh và CEP) bao gồm những người khác (ví dụ, các Giám mục và chuyên gia từ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan). Sau khi Hồng Y Tomko nghỉ hưu, các cuộc họp như vậy không còn được tổ chức, nhưng đối với Giáo hoàng Benedictô, chúng rất hữu ích.

Mục tiêu chính của cuộc họp: Thảo luận về kế hoạch cho một bức Thư gửi Giáo hội tại Trung Quốc

    Mục tiêu chính của cuộc họp là giúp Giáo hoàng viết một bức Thư cho Giáo hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tòa Thánh đã chuẩn bị một bản thảo Thư vào năm 2002. Tòa Thánh đã tổ chức các cuộc tham vấn về một bản thảo như vậy. Tôi cũng đã được tham vấn về vấn đề này. Tuy nhiên, đa số không ủng hộ một bức Thư của Tòa Thánh. Bầu không khí căng thẳng, và có lo ngại rằng mỗi bên sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn với bức Thư.

Vì Thư phải công bằng, mỗi bên có thể tìm thấy thứ gì đó chứng minh họ đúng. Tuy nhiên, điều này sẽ không giải quyết bất kỳ vấn đề nào.

Bản dự thảo là khá tốt. Bây giờ Đức Giáo hoàng muốn viết bức Thư, chúng tôi tin tưởng rằng nó sẽ được nhận bằng sự tôn kính, cũng bởi vì bầu không khí tốt hơn năm 2002. Do đó, theo nguyện vọng của Giáo hoàng, chúng tôi bắt đầu bày tỏ những đề nghị về cách cải thiện dự thảo Thư.

Ba điều được thảo luận trong cuộc họp

Điều đầu tiên: một bức Thư trước cho các Giám mục ở Trung Quốc. Bản dự thảo Thư năm 2002 là được gửi đến các Giám mục; Bây giờ Giáo hoàng muốn gửi nó đến các Giám mục, linh mục, nữ tu và các giáo sĩ trung thành, đó là tất cả mọi người. Những người có mặt trong cuộc họp nghĩ rằng nên viết một bức Thư cho các Giám mục trước khi công bố Thư của Giáo hoàng, để họ có thể chuẩn bị tham gia cùng nhau và can đảm đứng về phía Thư của Giáo hoàng. Thật không may, Tòa Thánh cuối cùng đã không viết bất kỳ Thư trước nào.

Điều thứ hai: đối với trường hợp các cuộc tấn phong giám mục bất hợp pháp, Giáo luật số 1382 dự trù vạ tuyệt thông cho những người được tấn phong và những người tấn phong. Nhưng ông Liu Bainian là một người ngoại đạo và không thuộc phạm vi điều chỉnh của giáo luật. Tuy nhiên, ông ấy thực tế là người đã thúc đẩy và tổ chức mọi thứ. Trong các trường hợp, đề xuất để áp đặt cho ông ta một hình phạt theo giáo luật cho việc thúc đẩy ly giáo đã được đưa ra. Rồi có người nói rằng có lẽ tốt hơn là cảnh báo ông ta trước; Nếu ông ta tiếp tục, thì hình phạt sẽ theo sau. Mọi người đều đồng ý rằng đây là một đề xuất hợp lý. Cuối cùng, có người nói rằng có lẽ tốt hơn là đợi cho đến khi Thư của Giáo hoàng xuất hiện trước và sau đó khuyên răn ông Liu Bainian.
Điều này đã được đồng ý tại cuộc họp, nhưng sau đó đã bị lãng quên hoàn toàn.

Điều thứ ba, cũng quan trọng: đó là những đặc quyền trong trường hợp khẩn cấp (bức hại bạo lực). Điều này đặc biệt đề cập đến quyền năng phong chức Giám mục và chỉ sau đó mới thông báo cho Tòa thánh. Khi một Giám mục biết mình sắp bị bắt, ông ta có thể phong chức cho người kế vị, đôi khi còn là người kế vị của người kế vị. Điều này là cần thiết khi không thể liên lạc với Tòa thánh. Nhưng vào năm 2007, tình hình đã khác đi, với việc liên lạc dễ dàng hơn. Quyền năng này dường như không còn cần thiết nữa (mặc dù không có gì xảy ra khi quyền năng này được thực thi, trong khi người ta biết rằng những trường hợp không thích đáng đã xảy ra trong các cộng đoàn Công giáo ở Trung Âu dưới chế độ Cộng sản). Nhưng cũng có những quyền năng khác, ví dụ, việc ban phát quyền năng để phong chức linh mục cho những người không được đào tạo bài bản. Các quyền năng nhỏ khác, chẳng hạn liên quan đến việc sử dụng dầu vào Thứ Năm tuần Thánh. Người ta đã đồng ý rằng CEP sẽ đưa ra một danh sách các quyền năng đã bị thu hồi và những quyền năng vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, sau đó người ta nói rằng các câu trả lời sẽ được cung cấp khi được thẩm tra về từng đối tượng cụ thể. Không có danh sách nào đã được rút ra.
Có người khăng khăng đòi giữ bản chất tư vấn của cuộc họp. Tuy nhiên, việc không chú ý đến ba quyết định là một dấu hiệu của sự ít tôn trọng từ phía Giáo triều Rôma đối với những người tham gia cuộc họp quan trọng này.

 

Hai sự việc có ý nghĩa trước khi công bố Thư của Giáo hoàng

Trước khi công bố bức Thư chúng ta phải lưu ý hai điều bên lề đáng được đề cập.

Vào cuối tháng 3, một bài báo đã xuất hiện trong ấn bản tiếng Anh của UCAN (Liên minh Tin tức Công giáo Châu Á). Có những lý do mạnh mẽ để tin rằng nó được viết bởi một linh mục ở Trung Quốc và được dịch sang tiếng Anh bởi một người khác. Tôi thấy nó nguy hiểm. Ý tưởng trung tâm của nó là các vấn đề giữa Giáo hội ở Trung Quốc và chính phủ là những hiểu lầm cơ bản, vì vậy người ta hy vọng rằng Thư của Giáo hoàng sẽ không làm trầm trọng thêm những hiểu lầm này; do đó, điều quan trọng là thể hiện sự đại lượng. Điều này giống như nói rằng Giáo hoàng không được nói theo các nguyên tắc lớn. Bây giờ điều này là nguy hiểm. Trên thực tế, cả dự thảo và các cuộc thảo luận của chúng tôi và cuối cùng là Thư của Giáo hoàng rõ ràng đã giải quyết các nguyên tắc giáo lý là nền tảng của bất kỳ cuộc đối thoại thực sự mang tính xây dựng nào. Vào cuối tháng 4, tôi đã viết một bài báo cho Kung Kao Po, tờ báo Công giáo Hồng Kông, nói rằng chúng ta phải mong đợi Thư của Giáo hoàng cung cấp các hướng dẫn rõ ràng để tuân theo.

Một sự việc khác, vào giữa tháng năm, là một tuyên bố của Quốc vụ khanh Toà thánh: “Thư Giáo hoàng đã được phê chuẩn dứt khoát.” Bạn có thấy câu này lạ không? Thư của Giáo hoàng đã “được phê duyệt”. Bởi ai? Bởi Giáo hoàng? Có nên nói rằng Giáo hoàng đã viết xong Thư?  Dù vậy, hình dạng câu chữ nói lên một điều mà chúng ta chỉ có thể nghi ngờ - cụ thể là ngay cả trong đoạn cuối, các quan chức Giáo triều vẫn có thể đưa ra các đề xuất của họ, mà họ cần sự chấp thuận của Giáo hoàng. Một cơ hội như vậy không dành cho chúng tôi.

Công bố bức Thư

    Người ta đã nghĩ rằng Thư sẽ sẵn sàng cho Lễ Phục sinh, nhưng cuối cùng, nó đã được ký vào ngày 27 tháng 5 năm 2007 (Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống) và sau đó chỉ được công bố vào cuối tháng sáu, một ngày sau Lễ các Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ.

Bốn ngày trước khi công bố Thư, John Tong và tôi đã nhận được một bản sao - nhưng có những vấn đề. Khi sử dụng máy tính, rất dễ mắc lỗi - Có rất nhiều lỗi. Nhưng sai lầm nghiêm trọng hơn là trong bản dịch tiếng Trung. Một số không nghiêm trọng, nhưng một điều thì rất nghiêm trọng. Các dịch giả là ai? Thật xấu hổ khi một lá thư gửi chính xác cho người dân Trung Quốc có quá nhiều lỗi trong bản dịch tiếng Trung.

Ngoài ra còn có một vấn đề khác: có một tài liệu đính kèm, tác giả hoặc các tác giả chưa biết, đó là một số loại diễn giải Thư. Tệp đính kèm này có tài liệu hữu ích, nhưng cũng có một số sai lầm. Một lỗi không quá nghiêm trọng, Thư viết “vẫn còn các Giám mục bất hợp pháp và điều này khiến cho những tín hữu bối rối”, trên thực tế, trong đoạn 8.11, Thư nói rằng Tòa Thánh đã hợp pháp hóa nhiều Giám mục bất hợp pháp, cho phép họ ở lại CPCA [Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, còn gọi là Hiệp hội Yêu nước], và điều này làm cho các tín hữu bối rối. Tuy nhiên, một điểm khác nghiêm trọng hơn nhiều. Trong Thư, Đức Giáo Hoàng nói rằng “một số người, trong những tình huống đặc biệt, dưới áp lực, đã chấp nhận được phong chức bất hợp pháp”, một biểu hiện khá ôn hòa, nhưng tài liệu đính kèm nói: “Một số người, quan tâm đến lợi ích của tín hữu và nhìn xa vào tương lai, đã chấp nhận để được phong chức bất hợp pháp”. Như thế, điều này rất khác với những gì Giáo hoàng nói. Tất nhiên, họ đang ca ngợi các Giám mục bất hợp pháp, những người quan tâm đến lợi ích của tín hữu và có một tầm nhìn hướng về phía trước. Nếu đúng là như vậy thì điều đó có nghĩa là những người không chấp nhận phong chức bất hợp pháp không quan tâm đến lợi ích của tín hữu? Họ bị tiển cận sao ? Cách nói này rất không công bằng.

Không biết làm thế nào để phản ứng với những sự thật này, tôi đã đến Đài Loan để tìm lời khuyên từ Đức Hồng Y Shan. Ông ấy rất khôn ngoan. Ông nói với tôi: “Ông nên đưa ra hai bình luận khác biệt. Một ngay lập tức sau khi bức Thư được công bố, để ca ngợi nó; Cái khác, một vài ngày sau đó để chỉ ra những sai lầm và vấn đề.” Tôi đã làm như ông ấy nói với tôi.

Ca ngợi Thư là điều tự nhiên nhất để làm bởi vì nó thực sự là một kiệt tác, cân bằng sự rõ ràng về giáo lý và sự hiểu biết sâu sắc cho tất cả mọi người.

Nhưng vấn đề vẫn còn. Làm cách nào tôi có thể xuất bản một bản dịch thiếu sót nghiêm trọng trên Kung Kao Po và một tài liệu đính kèm không tôn trọng suy nghĩ của Giáo hoàng? Tôi đã bị thuyết phục rằng tôi phải cung cấp cho các tín hữu một bản dịch trung thành về những suy nghĩ của Giáo hoàng. Vì vậy, tôi đã làm việc trong ba ngày trên một phiên bản chính xác, cùng với chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Chúa Thánh Thần ở Hồng Kông và một đồng môn của tôi ở Đài Loan. Tôi đã công bố nó trên Kung Kao Po, cũng dưới dạng một cuốn sách nhỏ.

Cuộc gặp gỡ Đức Giáo hoàng vào tháng 7 năm 2007

    Chúa Quan phòng đã cung cấp cho tôi một cơ hội, một điều rất đặc biệt với tôi, được gặp Đức Giáo hoàng. Các phó tế vĩnh viễn của giáo phận chúng tôi đang hành hương về Rôma, nhưng Đức Giáo hoàng ở Lorenzago di Cadore, không phải ở Rôma, để nghỉ hè (trong một biệt thự thuộc sở hữu của giáo phận nơi các nhân viên của chủng viện giáo phận thường nghỉ lễ) .

Các phó tế sẵn sàng đi gặp ngài ở đó. Nhưng người ta nói rằng Giáo hoàng đã không cho triều kiến trong khoảng thời gian như vậy. Thói quen của ông là đi bộ đến quảng trường vào trưa Chúa nhật để đọc kinh Truyền tin với các tín hữu. Tôi đã viết cho Giám mục địa phương. Vì thực sự không có những người khác nữa để ông phải lo lắng, ông ấy trả lời rằng chúng tôi được chào đón. Khi nghe điều này, Đức Giáo hoàng đã nói với người đứng đầu hiến binh Vatican: Hồng y Zen có thể đến đây không?”.  Sau khi đạt được thỏa thuận với cảnh sát địa phương, câu trả lời là “Hồng y chỉ cần đến Venice; Ông ta sẽ được đưa đến đây bằng máy bay trực thăng”. Tôi đã hỏi:”Còn về các phó tế của chúng tôi thì sao ?”. Câu trả lời:”Khi họ tới Venice thì cảnh sát của chúng tôi sẽ dẫn đường cho họ”. Vào buổi trưa ngày Chúa nhật đó, chúng tôi không chỉ có thể thấy Đức Giáo hoàng, mà còn có thể đến bục để hôn nhẫn và nhận phép lành. Tôi đã rất vui mừng, sẵn sàng trở về Venice, khi tôi được cho biết rằng Giáo hoàng sẵn sàng mời tôi cùng ăn trưa. Các bạn cần biết rằng Giáo hoàng Benedictô không thường xuyên mời mọi người ăn trưa, không giống như Đức Gioan Phaolô II thường làm. Có sáu người chúng tôi: Đức Giáo hoàng và thư ký của ông; bản thân tôi và thượng phụ Venice; Giám mục địa phương và Cha Lombardi, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

(Bạn có muốn biết thực đơn? Rất đơn giản. Một ít mì ống spaghetti (để tránh làm cho chiếc áo choàng trắng của Giáo hoàng bẩn, một chiếc khăn ăn được đeo quanh cổ như họ làm với trẻ em). Sợ rằng món chính có thể bao gồm thịt bò, không phù hợp với chế độ ăn kiêng của tôi quá nhiều, tôi đã ăn một phần mì spaghetti; nhưng thứ hai là một miếng thịt lợn ngon (Giáo hoàng đến từ Bavaria, nơi họ thường ăn thịt lợn). Cuối cùng, món tráng miệng là một bánh kem tiramisu ngon, và một tách cà phê espresso tuyệt vời.)

Phản ứng trong Giáo hội Trung Quốc về bức Thư

    Trong bữa trưa, Đức Thánh Cha nói với tôi rằng mười ngày trước khi công bố Thư, ngài đã gửi một bản sao đến Bắc Kinh, như một cử chỉ lịch sự để họ biết về nó kịp thời. Từ Bắc Kinh đến là một cuộc gọi điện thoại, nói rằng họ sẽ không cho phép công bố một lá thư như vậy. Thư ký riêng của Giáo hoàng đã trả lời rằng Giáo hoàng không có ý định xin phép; ngài chỉ có ý định để họ nhìn thấy nó trước. Họ lập luận kiên quyết, và câu trả lời mà Bắc kinh nhận được là Thư sẽ được công bố.

Điều kỳ lạ là vào ngày công bố thư, mọi người, ngay cả ở Trung Quốc, đều có thể tìm thấy nó trên Internet và sao chép nó. Vào ngày thứ hai, Thư đã biến mất khỏi Internet Trung Quốc, nhưng sau đó nhiều người đã có một bản sao của nó.

Điều thậm chí còn lạ hơn là ở Trung Quốc, chính quyền không phản ứng mạnh mẽ trước công chúng, mà chỉ riêng tư. Họ cấm các linh mục và tín hữu cùng học Thư và dĩ nhiên, phải tuân theo.

Thật không may, vào ngày 22 tháng 7, ngày chúng tôi gặp Đức Giáo hoàng, cộng đoàn chính thức của Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập CPCA, và hầu như tất cả các Giám mục và linh mục đều tham gia sự kiện này. Tôi nghĩ rằng, nếu đã có “bức Thư trước”, có lẽ chính phủ sẽ không dám đi trước lễ kỷ niệm này, vì sợ không đủ người tham gia (Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận rủi ro nếu họ không an tâm). Các Giám mục và linh mục chịu áp lực rất lớn, nhưng một bức Thư trước từ Tòa Thánh có thể đã đạt được phép lạ hợp nhất họ và khiến họ hành động can đảm, do đó thay đổi tiến trình lịch sử. Thật không may, họ đã có thể tổ chức lễ kỷ niệm “trong tất cả sự bình thường”, lễ kỷ niệm 50 năm của CPCA.

Trong cuộc gặp Giáo hoàng, tôi cũng đã nói về một điều khác. Trong “tài liệu đính kèm”, một ủy ban được đề cập đến thường xuyên. Đó là loại ủy ban nào? Giáo hoàng nói rằng đó chỉ là một ủy ban chịu trách nhiệm cho công bố Thư. Tôi đã nhắc nhở Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã nói về một ủy ban thực sự, giống như một ủy ban đã từng tồn tại ở Nga. Giáo hoàng nói: “Tất nhiên, tôi sẽ triệu tập nó”. Vào tháng 9, ông tuyên bố thành lập ủy ban và vào tháng 11, hội nghị toàn thể đầu tiên đã được tổ chức.

Như vậy, Giáo hoàng Benedictô đã làm hai việc tuyệt với cho Giáo hội tại trung quốc: một bức Thư và một ủy ban.

Thái độ khoan dung quá mức của Tòa thánh

    Trong năm 2006 và 2007, một số điều đã xảy ra: các cuộc phong chức Giám mục bất hợp pháp và lễ kỷ niệm 50 năm của CPCA, đặc biệt là sau khi công bố bức Thư của Giáo hoàng. Tòa thánh không phải lúc nào cũng phản ứng mạnh mẽ.

Nhiều Giám mục bất hợp pháp đã được hợp pháp hóa. Vào thời của Hồng y Tomko, họ đã tiến hành rất thận trọng. Họ hỏi liệu có bất kỳ áp lực thực sự lớn nào không, nếu người đó đàng hoàng, nếu anh ta cho thấy rằng anh ta yêu Giáo hội, v.v. Nhưng sau đó, họ đã tiến hành cách ít quan tâm hơn, như thể theo quán tính, với nguy cơ tạo ra một ấn tượng, như thể muốn nói, dù sao, “Hãy để bản thân được phong chức bất hợp pháp; sớm hay muộn bạn sẽ được hợp pháp hóa.” Tôi thường phàn nàn về điều này với các quan chức của hai triều đại. Tôi đã đưa nó đến sự chú ý của Đức Thánh Cha, nhưng dường như ngay cả Đức Giáo hoàng cũng không thể làm gì được.

Ba chúng tôi trước Đức Giáo hoàng

    Tôi đã đưa ra một yêu cầu táo bạo với Giáo hoàng: rằng có một cuộc thảo luận trước mặt ông ấy và tôi, đó là Quốc vụ khanh và Bộ trưởng Bộ CEP. Tôi không nên thực hiện yêu cầu đó. Nó có thể làm xấu hổ Đức Thánh Cha, nhưng ngài đã chấp nhận. Cuộc họp đã diễn ra vào buổi tối trước khi bắt đầu các công việc của ủy ban về Giáo hội tại Trung Quốc.

Tôi đã chuẩn bị bản tóm tắt những gì tôi sẽ nói và làm một bản sao cho họ. Có hai điều. Điều đầu tiên, chiến lược của họ là sai, tất cả về sự thỏa hiệp và đầu hàng. Vì Giáo hội ở Trung Quốc vẫn còn rất nhiều lực lượng lành mạnh, tại sao lại tự sát? Nhiều Giám mục, linh mục và tín hữu rất can đảm. Các quan chức của Giáo triều làm cho họ thành như có lỗi. Giáo triều đã luôn cố gắng làm hài lòng chính phủ Trung Quốc.

Điều thứ hai, họ đã không lắng nghe chúng tôi, những người đến từ tiền tuyến. Tôi có kinh nghiệm trực tiếp về bảy năm giảng dạy trong các chủng viện chính thức của Giáo hội tại Trung Quốc. Chính phủ đối xử với tôi rất tốt, nhưng tôi thấy cách họ giữ các Giám mục, linh mục và giáo hữu của họ như những nô lệ. Và mọi thứ đã không thay đổi theo thông tin tôi nhận được gần như mỗi ngày từ Trung Quốc. Tại sao họ không lắng nghe chúng tôi?

Đức Thánh Cha rõ ràng không thể nói ai đúng và ai sai. Ông nói: “Hồng y Zen đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Chúng ta sẽ tính đến điều đó, phải không?”. Và để bảo vệ chính mình, hai người bọn họ đã nói:”Nhưng, Hồng y Zen, chúng ta tuân theo Đức Thánh cha. Lời cuối cùng luôn luôn là của Đức Thánh Cha.” “Tôi đã cho rằng nó phải luôn như thế”, tôi đã nói. “Tuy nhiên, đôi khi quan trọng nhất không phải là từ cuối cùng, mà là từ trước khi cuối cùng. Và đó luôn là của các ngài, không phải của chúng tôi.” Cuộc thảo luận kết thúc ở đó.

Sửa lỗi trong bản dịch tiếng Trung Thư của Đức Giáo hoàng

    Ngày hôm sau, ủy ban đã tổ chức cuộc họp đầu tiên. Ban thư ký đã chuẩn bị cái gọi là ponenza, một viên gạch có khối lượng lớn. Tôi vật lộn để đọc tất cả. Tôi phát hiện ra rằng họ đã buộc tội tôi tự ý thay đổi bản dịch chính thức. Về điều đó, tôi nói với Đức Thánh Cha: “Tôi nên buộc tội họ và bây giờ họ buộc tội tôi. Họ thao túng bản dịch. Điểm nào để có một cuộc thảo luận trong ủy ban khi chỉ một phần ba các thành viên hiểu tiếng Trung? Tôi chấp nhận rằng chúng ta thảo luận về mọi thứ, nhưng với một nhóm thích hợp và có thẩm quyền. Tôi đã gửi một phiên bản sửa chữa với đĩa nhớ cho những người liên quan, nói với họ rằng chúng tôi đã giúp họ sửa bản dịch. Thảo luận về vấn đề này ngay bây giờ trong ủy ban không có ý nghĩa gì.” Đức Thánh cha đã kết thúc bằng việc nói với Bộ trưởng CEP để chốt lại ponenza, tạm gác vấn đề này qua một bên.

Do đó, bản dịch là thiếu sót. Sửa chữa của chúng tôi đã không được ủy quyền. Chúng tôi đã phải làm điều đó để tránh cho các tín hữu đâm xầm vào một phiên bản bị giả mạo của Thư Giáo hoàng. Chúng tôi đã rút bản dịch của mình, nhưng vấn đề vẫn còn đó.

May mắn thay, tại Tòa Thánh có một quan chức phụ trách dịch các tài liệu giáo hoàng: Đức Hồng y Paolo Sardi, người là Tổng Giám mục lúc bấy giờ. Tôi quay sang ông ta và ông ta nói với tôi: “Chắc chắn phải sửa lỗi, nhưng tôi không thể chỉ dựa vào lời của ngài. Xin vui lòng lấy thêm quan điểm của những người có thẩm quyền khác”. Vì vậy, tôi yêu cầu hai Giám mục từ Đài Loan, Đức ông Joseph Wang và Đức ông Joseph Ti-kang; Hiệu trưởng trường đại học Công giáo Đài Loan, Cha Li Chen; và Cha Mark Fang Chih-jung, học giả Kinh Thánh nổi tiếng nhất Trung Quốc. Họ đã kiểm tra mười lỗi tôi đã lưu ý. Đức Tổng Giám mục Sardi đã yêu cầu CEP thực hiện các chỉnh sửa cần thiết nhưng họ từ chối thực hiện. Do đó, với thẩm quyền riêng của mình, Sardi đã có phiên bản sửa chữa được đăng trên trang mạng Vatican (Vatican.va). Phiên bản sửa lỗi xuất hiện trên trang mạng vào ngày 24 tháng 10 năm 2008, hơn một năm sau khi công bố bức Thư, sau khi rất nhiều người đã đọc phiên bản sai.

Trong suốt quá trình này, chúng ta có thể thấy khoảng cách giữa cách suy nghĩ của Giáo hoàng và của những người được cho là ủng hộ nó, và thay vào đó họ đã bóp méo nó. Có một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng, như chúng ta sẽ thấy. Và nó chỉ có thể có chủ ý chứ không phải là một sự vô ý. Các tín hữu có thể bị tai tiếng, nhưng các màn tương tự không phải là chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, những việc ấy thật đáng kinh ngạc.

Tại sao Đức Thánh Cha không tự nói ra? Đức Giáo hoàng Benedictô là một vị thánh, một nhà thần học vĩ đại, nhưng ông có một điểm yếu: ông quá tốt, quá khiêm tốn, quá khoan dung.

Có một thời, ông có biệt danh là “Rottweiler của Chúa”, bởi vì, là Bộ trưởng của CDF, ông phải bảo vệ đức tin và báo động khi thấy lỗi, nhưng ông luôn làm như vậy một cách nhẹ nhàng, không có sự bất lịch sự hay thô lỗ nào.

Giáo hoàng Benedictô là người có phong cách ôn hòa nhất thế giới; ông không thích sử dụng thẩm quyền của mình để giải quyết vấn đề.

Tổng Giám mục linh trưởng của Giáo hội Anh là bạn thân của Giáo hoàng Benedictô. Một lần, tôi gặp ông ấy và hỏi ông ấy, “Ông nghĩ gì về Giáo hoàng Benedictô của chúng ta?”. Ông ấy đã đưa ra một câu trả lời có vẻ khá phù hợp:

Một ngày nọ, tôi, một tội nhân, dám phàn nàn với Giáo hoàng và nói với ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, tôi không thể chịu đựng được nữa. Ngài muốn tôi giúp ngài về Giáo hội ở Trung Quốc, nhưng tôi chỉ có lời nói; Ngài có thẩm quyền và ngài không giúp tôi. Ngay cả Bertone, người cùng dòng của tôi, cũng đang giúp tôi. Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Ông ấy trả lời, “thỉnh thoảng người ta không muốn làm mất lòng một người!”


3
BẢN THẢO, CÁC ĐỀ XUẤT,

VÀ VĂN BẢN CUỐI CÙNG,

    VÀ CÁC HIỆU CHỈNH

BẢN DỊCH TIẾNG TRUNG


Bải thuyết trình thứ ba

Ngày 21 tháng 6 năm 2017


Tôi đã làm ba việc sau khi công bố bức Thư của Giáo hoàng gửi Giáo hội ở Trung Quốc:

      1. So sánh các đề xuất của tôi và văn bản cuối cùng của Thư.

      2. Sửa chữa những sai lầm trong bản dịch tiếng Trung.

      3. Lưu ý thiếu sót (sai lầm) nghiêm trọng trong đoạn 7.8.


So sánh giữa bản thảo, những gợi ý của tôi và văn bản cuối cùng của Thư Giáo hoàng

    Tôi đã trình bày bốn trang gợi ý. Khi tôi nắm được văn bản cuối cùng của Thư, tôi đã so sánh hai bản đó và tôi rất vui khi thấy Đức Thánh Cha đã đồng ý với hầu hết tất cả các đề nghị của tôi.

    1.2 Có những từ dường như đối với tôi rất nhiều lời khen ngợi, chẳng hạn, khi trong lời chào đầu tiên, ông ấy áp dụng cho Trung Quốc những lời của Tông đồ Phao-lô, người nói, “Tên tốt của anh em đã lan truyền khắp thế giới, tất cả các Kitô hữu đều ngưỡng mộ những gì anh em làm” (xem Col 1: 6-8). Tôi giải thích suy nghĩ của mình bằng cách nói: “Những từ ngữ này tốt cho một số người, nhưng không phải cho tất cả các thành viên của Giáo hội tại Trung Quốc, đặc biệt là sau hai lễ truyền chức bất hợp pháp diễn ra vào tháng tư và tháng năm với sự tham gia của nhiều Giám mục.”

Giáo hoàng đã loại bỏ những từ đó. Thực sự, sau những thất bại của năm đó, có rất ít cơ sở để lạc quan quá nhiều.

    4.3 Đối thoại không phải là điều đơn giản. Không dễ để đạt được một kết quả tốt cho cả hai bên. Bản dự thảo nói rằng, “nó mất thời gian”. Tôi đã nói, “Có, nhưng bạn phải giải thích tại sao phải mất thời gian và mất bao lâu.” Điểm chìa khóa là có ý chí của cả hai bên. Nếu điều này bị thiếu ở một bên, sự bế tắc có thể tồn tại trong một thời gian dài, và có lẽ chúng ta không bao giờ có thể đạt được kết quả tốt.”

Bây giờ có vẻ như các nhà đàm phán của chúng tôi đã vội vàng để đạt được một kết quả. Nhưng nếu phía bên kia muốn bạn nhượng bộ và bạn không thể làm điều đó, sẽ không có kết quả. Thành công của cuộc đối thoại không chỉ phụ thuộc vào chúng ta mà còn ở phía bên kia. Trong trường hợp đó, Chúa phải chuyển đổi trái tim. Đức Thánh Cha đã thêm vào trong Thư rằng “có thể đoán trước thiện chí của cả hai bên”.

    6.2 Đến cuối đoạn văn, trích dẫn lời của Đức Gioan Phaolô II, bản dự thảo cho biết: “Ngay cả những người truyền giáo cũng mắc lỗi, mọi người trong Giáo hội cũng mắc lỗi, vì tất cả chúng ta đều có giới hạn của mình; Ngoài ra còn có hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt là tình hình chính trị thời đó”. Tôi đã nói: “Cộng sản rất vui khi biết rằng các nhà truyền giáo của chúng ta đã theo đế quốc xâm lược đất nước chúng ta”. Nếu những người cộng sản tại Trung quốc thành công, thì không phải thông qua chủ nghĩa Mác. Ngay cả trong cuộc chiến chống tôn giáo, họ cũng không sử dụng chủ nghĩa Mác. Thành công của họ là do chủ nghĩa chống đế quốc của họ. Do đó, thừa nhận sai lầm của các nhà truyền giáo là đưa cuộc chơi vào tay họ. Những lời của Đức Gioan Phaolô II là đúng. Có những phần tử đế quốc cũng có trong Giáo hội ở Trung Quốc, nhưng chúng đã bị rớt xuống quá khứ xa xôi. Khi Cộng sản nắm quyền, các nhà truyền giáo của chúng ta là bất cứ ai ngoài bọn đế quốc. Đưa cuộc đối thoại trở về quá khứ xa xôi là đưa cuộc chơi vào tay những người Cộng sản. Giáo hoàng hiểu mối quan tâm của tôi.

    7.7 Đến cuối đoạn văn bản này, dự thảo đã viết: “Phải có quan hệ giữa Giáo hội của chúng ta và Chính phủ vì chúng ta sống trong thực tế chính trị này; do đó, thật tốt khi có các đường dây liên lạc.” Với bối cảnh, điều này dường như ngụ ý rằng chúng ta phải giữ CPCA [Hiệp hội yêu nước], nhưng điều này không phù hợp. Dự thảo đã nói rằng CPCA không được chấp nhận. Trong thực tế, tên của hiệp hội đã có mùi hôi; bất cứ thay đổi nào [của Thư] được thực hiện trong bản chất của CPCA thì các tín hữu sẽ không chấp nhận nó. Nếu tên được thay đổi nhưng bản chất được giữ, mọi người cũng sẽ không chấp nhận. Đức Thánh Cha xóa câu đó.

    7.8 Đoạn này đặc biệt quan trọng. Chúng ta sẽ nói về nó sau.

    7.9 Dự thảo bao gồm nhiều câu hỏi đạo đức. Vâng, chúng có liên quan nhưng khá phức tạp. Nó nói rằng chúng ta phải tránh những vụ bê bối, rằng chúng ta phải nuôi dưỡng lương tâm. Nó nói rằng điều quan trọng nhất là sự hài hòa và hiểu biết và rằng chúng ta phải tránh buộc tội lẫn nhau. Cuối cùng, nó nói rằng nếu ai đó không có tự do, thì chúng ta không thể chỉ trích đối với những hành động của họ. Tất cả điều này có vẻ đúng. Tuy nhiên, nếu nó khuyên không nên quá dễ dàng gây nên tai tiếng, trong khi lại đề nghị nuôi dưỡng lương tâm của chúng ta và phán xét thiện và ác, thì làm sao người ta không chỉ trích? Hơn thế nữa, sự hài hòa và hiểu biết không thể phải trả giá bằng sự thật. Bản thảo trích dẫn Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rinh-tô: “Sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng” (8: 1). Mặc dù đúng là sự hiểu biết dẫn đến sự kiêu căng, nhưng nếu người ta tin rằng tình yêu là rất quan trọng và đối với nó, người ta được phép bỏ bê sự thật, thì chúng ta có một mối quan hệ nguy hiểm giữa sự hiểu biết và tình yêu. Đức Thánh Cha đồng ý với tôi.

    8.2 Bản thảo cho biết: “Họ đã ‘hạ bệ’ ngôi vị Giáo hoàng và chức Giám mục”. Trong cuộc thảo luận, một số người đề xuất động từ “giảm bớt” hoặc “thiệt hại” thay vì động từ “hạ bệ”, có vẻ quá mạnh đối với họ. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng từ "hạ bệ" chỉ là những gì chúng ta cần, bởi vì theo kinh nghiệm giảng dạy tại các hội thảo ở Trung Quốc, tôi thấy rằng các quan chức chính phủ không thể hiện sự tôn trọng đối với các Giám mục của chúng ta (trong cộng đồng chính thức); Thật ra, họ liên tục làm nhục họ. Giáo hoàng đồng ý.

Bạn có biết làm thế nào họ bắt nạt các Giám mục tham gia vào các chức vụ giám mục bất hợp pháp không? Họ đến gặp họ và ra lệnh cho họ: “Hãy đi với tôi!”. Khi đến khách sạn, ngay lập tức có người quản thúc họ. Họ phải nộp chiếc điện thoại di động, và vào buổi sáng, những người này đến để mặc phẩm phục cho họ và đưa họ vào nhà thờ để truyền chức. Nói rằng họ đã “hạ bệ” chức giám mục là phù hợp.

Bằng chứng về việc họ hạ bệ sứ vụ Giáo hoàng cũng đủ khi nhớ lại lễ kỷ niệm 50 năm của CPCA và sau đó là kỷ niệm thứ năm mươi của các vụ phong chức bất hợp pháp đầu tiên. Họ hành động như thể Giáo hoàng không tồn tại.

    8.9 Dự thảo gần như nói rằng chúng ta phải cảm ơn Chúa vì bây giờ tất cả các Giám mục ở Trung Quốc đều là người Trung Quốc. Nhưng hãy để tôi nói, “Đây có phải là thứ để chúc mừng chính chúng ta không?” Họ đều là người Trung Quốc vì các nhà truyền giáo đều đã bị trục xuất. Nhưng chúng ta vẫn có nhu cầu lớn đối với các nhà truyền giáo. Giáo hoàng không đưa văn bản vào.

    8.11 Ở đây dự thảo xử lý các Giám mục bất hợp pháp. Nó đã là một văn bản tốt. Nó nói rằng, với hoàn cảnh của thời đại, khá nhiều Giám mục đã được tấn phong bất hợp pháp. Nhận thức về sai lầm mà họ đã gây ra, họ đã cầu xin sự tha thứ của Giáo hoàng. Sau một cuộc điều tra và với sự đồng ý của các Giám mục hợp pháp của khu vực, Giáo hoàng đã hợp pháp hóa một số trong số họ.

Chấp nhận đề nghị của một số người tham gia cuộc họp, Giáo hoàng đã làm cho bản văn cuối cùng thậm chí rõ ràng hơn. Nó nói rằng thật không may là một số Giám mục hợp pháp đã không công khai tình trạng đã hợp pháp hóa của họ, khiến các tín hữu bối rối. Một số đã không thực hiện bất kỳ hành động nào để hiển thị danh tính mới của họ. Do đó, Giáo hoàng nói rằng họ phải có những hành động phù hợp với tình trạng hiệp thông của mình với Người kế vị Thánh Phêrô một cách trung kiên.

Nếu một Giám mục, đã cầu xin sự tha thứ của Giáo hoàng, được hợp pháp hóa, nhưng không chỉ vẫn ở trong CPCA mà còn tiếp tục hô khẩu hiệu ủng hộ một “Giáo hội độc lập”, thì rõ ràng đây là một mâu thuẫn, không phải là mâu thuẫn do những gì Đức Thánh Cha đã làm, nhưng từ trong cách ứng xử của những người này. Đức Thánh Cha rõ ràng mong họ sẽ nỗ lực để có được tự do thực sự và thực sự hiệp nhất với Người kế vị Thánh Phêrô.

    8.12 Bản dự thảo nói về “sự tồn tại của một số Giám mục không được hợp pháp hóa”, hy vọng rằng một ngày nào đó họ cũng sẽ được hợp pháp hóa. Các từ này không sai, bởi vì ngay sau đó là: “Tuy nhiên, một số điều kiện nhất định phải được đáp ứng.” Do vậy, sự hy vọng trong những trường hợp đó chắc chắn không được bảo đảm.

Hiện tại, trong các cuộc đàm phán giữa Tòa thánh và chính phủ Trung Quốc, dường như một thỏa thuận đã tồn tại về phương pháp chọn Giám mục. Bây giờ, một số người tuyên bố rằng Giáo hoàng sẽ phải công nhận bảy Giám mục bất hợp pháp, bao gồm cả những người bị trục xuất. Trong số bảy người, hai người đã không tuân thủ việc duy trì nghĩa vụ độc thân của Giáo hội. Vì vậy, họ sẽ không thể đáp ứng các điều kiện cho việc hợp pháp hóa.

Sửa các lỗi trong bản dịch tiếng Trung

    Như đã lưu ý ở phần trước, phiên bản tiếng Trung đã có các lỗi dịch. CEP, chịu trách nhiệm cho những sai lầm, đã từ chối sửa chữa. Vì vậy, Đức Tổng Giám mục Paolo Sardi, người đã chấp nhận kháng cáo của tôi, được chứng thực bởi bốn chuyên gia có thẩm quyền, đã có những sửa đổi được công bố trên trang mạng của Vatican. Có hai loại sai lầm: một là thiếu sót; điểm khác là thiếu chính xác, bằng cách cung cấp các bản dịch không chính xác. Có một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng, mà chúng ta sẽ xem xét riêng trong phần chính sau.

Các Bỏ sót

    1.1 Khi trích dẫn Thư gửi người Cô-lô-sê, bản dịch, sau những từ “chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em”, đã bỏ qua “Kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Ngài” (1: 9). Đây là những từ rất quan trọng, biết ý Chúa.

    6.1 Nó nói về sự hòa hợp, trích dẫn Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II Lumen gentium (số 1), nói rằng Giáo hội là một bí tích của “sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa”, sau đó đã bỏ đi “và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”, điều chính là trọng điểm của bài viết (1).

    8.2 Những từ ngữ “do tầm nhìn của Giáo hội” đã bị bỏ lại. Chính xác là tầm nhìn sai lầm này là gốc rễ của sự hạ thấp ngôi vị Giáo hoàng và các sứ vụ Giám mục. Họ đối xử với Giáo hội như thể Giáo hội giống như bất kỳ tổ chức nào mà họ có thể kiểm soát.

    8.5 Sau những lời “đã cung cấp”, họ đã không thêm vào “và tiếp tục cung cấp” (đứng ngay trước “một chứng ngôn tỏa sáng”); lời chứng ngôn này vẫn đang tỏa sáng cả trong cộng đồng ngầm và, thường cũng trong cộng đồng chính thức. Chúng tôi đã thấy nhiều chứng ngôn sáng ngời của các Giám mục trong những tình huống rất khó khăn, nên khi đối diện với những lời chứng này, chúng ta cảm thấy rất nhỏ bé.

    8.5 Đến cuối đoạn văn, sau khi nói về sự chuẩn bị cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những từ sau đã bị thiếu: “và làm cho các tài nguyên cần thiết thành có thể”. Nó cũng rất quan trọng.

Những chỗ dịch không chính xác

    3.1 Văn bản nói rằng, “trong thời gian gần đây, họ (người dân Trung Quốc) cũng đã quyết định tiến tới việc đạt được các mục tiêu lớn lao về phát triển kinh tế xã hội”. Ở đây, tính từ “signification” không có nghĩa là “có ý nghĩa sâu sắc” như nó đã được dịch sang tiếng Trung, mà đơn giản có nghĩa là “lớn lao” (tiếng Latin: tính từ “maxima” đã được dùng)

    3.2 Chỗ nói rằng “Giáo hội. . . với sự khiêm tốn (con Discrezione) cung cấp sự đóng góp của riêng mình”, con Discrezione đã được dịch là “cách thận trọng”, nhưng ở đây ý nghĩa nên là “cách khiêm tốn”.

    7.1 Bản dịch tiếng Trung của cụm từ “các thực thể được áp đặt là các yếu tố quyết định chính” cần được viết lại, đã được thực hiện trong phiên bản sửa đổi. Điều đặc biệt quan trọng là từ ngữ “được áp đặt” được giữ lại; trong bản dịch tiếng Trung đầu tiên, điều đó không rõ ràng.

    7.7 “Cultual” đã được dịch là văn hóa, chứ không phải là “phụng tự”. Rõ ràng, điều này cho thấy sự bất tài của dịch giả.

    8.0 Trong tiêu đề phụ “Hàng Giám mục Trung Quốc” (Episcopato), Episcopato cũng có thể có nghĩa là “Văn phòng của giám mục”, nhưng ở đây bản dịch phải là “các Giám mục/hàng Giám mục”

Sai lầm nghiêm trọng trong 7.8

    Có phải là sai lầm nghiêm trọng (bỏ sót) trong 7.8 về vấn đề có nên xuất hiện từ lòng đất lên chính thức hay không? (bỏ sót ? Hay thay vào đó, là một thiếu sót cố ý?)

“Thực sự hầu như luôn luôn”

    Chúng tôi đã sửa đổi bản thảo của đoạn này trong cuộc thảo luận của chúng tôi, nhưng văn bản cuối cùng do Giáo hoàng đưa ra thậm chí còn rõ ràng hơn. Câu hỏi chính xác là liệu người ta có thể ra khỏi nơi ẩn náu và làm một phần của cộng đoàn chính thức hay không. Giáo hoàng nói rằng nó sẽ không phải là vấn đề vì chúng ta có quyền làm việc công khai. Tuy nhiên, nếu để thực thi quyền này mà chính quyền yêu cầu chúng ta từ bỏ các nguyên tắc của đức tin và sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, thì chúng ta không thể làm điều đó.

Thực tế là chính phủ Trung Quốc yêu cầu như thế: “không chỉ trong một vài trường hợp cụ thể. . . thực sự hầu như luôn luôn”. Bây giờ phần ở trong ngoặc kép, “thực sự hầu như luôn luôn” biến mất trong bản dịch tiếng Trung. Một thiếu sót như vậy gây ra một sự khác biệt rất lớn. Nếu chính phủ hầu như luôn áp đặt những điều kiện - là thành viên của CPCA, hỗ trợ cho sự độc lập ba lần của Giáo hội Trung Quốc [tự trị, tự chủ và tự quản], hỗ trợ cho những vụ phong chức giám mục mà không cần ủy thác của giáo hoàng - thì làm sao chúng ta có thể nhượng bộ?

Rõ ràng, ai đó đã muốn khuyến khích họ ra khỏi sự ẩn mình. Trên thực tế, sau khi công bố Thư của Giáo hoàng, nhiều người đã nói rằng đây là điều Đức Giáo hoàng muốn và không còn bất kỳ lời biện minh nào cho việc ở lại dưới mặt đất. Điều này không đúng. Các văn bản gốc rõ ràng bao gồm một lời mời gọi để thận trọng.

Một số người đề cập đến một số ngoại lệ nhất định làm ví dụ. Một số ví dụ trở lại nhiều năm trước. Vào thời điểm đó, tình hình rất khác nhau. Cũng có ví dụ về Đức cha Lucas Li, nhưng ông ta là một trường hợp duy nhất: ông ta rất mạnh mẽ trong việc trung thành với Giáo hội, và giáo sĩ của ông ta rất gắn bó với ông ta. Họ đã xoay sở để ra mắt mà không tham gia CPCA.

Điều gì theo sau thiếu sót trong đoạn 7.8


    Sau khi công bố Thư Giáo hoàng, tôi đã viết cho Đức Thánh Cha, nêu ra những điều sau đây.

Nếu chính phủ hầu như luôn áp đặt những điều kiện không thể chấp nhận được, thì kết luận nên là “ngay cả thử cũng không nên”. Tuy nhiên, Thư viết “dành quyết định cho cá nhân Giám mục”. Điều này có nghĩa là đặt một gánh nặng lớn lên vai Giám mục. Chính phủ sẽ gây áp lực: Giáo hoàng nói rằng bạn có thể ra công khai; Tại sao bạn không làm điều đó? Các linh mục sẽ gây áp lực lên Giám mục. Các linh mục thường nói với các tín hữu rằng việc nhận các phép bí tích trong cộng đoàn chính thức là một tội lỗi. Bây giờ Giáo hoàng đang nói rằng các tín hữu có quyền nhận các phép bí tích hợp lệ. Các tín hữu, ngay cả khi trái tim của họ ở trong cộng đoàn ngầm, cảm thấy bị áp lực khi sử dụng quyền của họ bởi vì việc nhận các phép bí tích trong cộng đoàn ngầm luôn là rủi ro. Trong trường hợp đó, ngay cả các linh mục cũng sẽ cảm thấy bị cám dỗ để ra ngoài công khai bởi vì, nói thẳng ra, họ sẽ mất nhiều giáo dân trong tình huống mới.

Một số Giám mục đã cố gắng ra công khai nhưng đã nhận ra rằng chính phủ hầu như luôn áp đặt các điều kiện không thể chấp nhận được. Cuối cùng, họ thấy mình ở trong một tình huống bối rối và không chắc chắn.

Trường hợp Bảo Định [Baoding]

    Đằng sau các sự việc là vụ Bảo Định. Giáo hoàng đã phải dành lại quyết định cho các Giám mục (không thể nói là sai), vì nếu ngài nói không hành động, ngài sẽ hầu như không phủ nhận những gì CEP đã làm liên quan đến Giáo phận Bảo Định. Vì vậy, hãy để chúng tôi làm rõ những gì đã xảy ra trong Bảo Định.

Giáo phận Bảo Định là một trong những giáo phận ngầm mạnh nhất ở Hà Bắc [Hebei]. Đến năm 2006, Giám mục Bảo Định (Giacôbê Su Zhi-Ming) và Giám mục Phụ tá (Phanxicô An Shuxin) đã ở tù hơn mười năm. Chính phủ nói với An Shuxin rằng ông ta có thể ra ngoài, và họ sẽ chấp nhận ông ta là Giám mục. Điều kiện ông phải đáp ứng là đồng tế với Su Chang Shan, Giám mục bất hợp pháp của cùng một giáo phận. An Shuxin đã làm như chính phủ yêu cầu với sự chấp thuận của CEP.

Su Chang Shan, thụ phong năm 2000, sau đó đã ăn năn hối cải và yêu cầu được hợp pháp hóa bởi Giáo hoàng. Ông ta được cho biết rằng Bảo Định đã có một Giám mục và vì vậy ông ta không thể được hợp pháp hóa. Giáo hoàng đã tha thứ cho ông ta về việc được phong chức bất hợp pháp và bảo ông ta cư xử như một linh mục tốt. Thực tế, Su Chang Shan đã làm theo lệnh của Giáo hoàng: kể từ đó, ông đã không mặc trang phục như một Giám mục nữa. Ngay cả khi ông đồng tế với Đức ông An Shuxin, hai người đã xem Thánh lễ như một sự đồng tế của hai anh em trong chức tư tế. Nhưng các linh mục trong giáo phận đã thực sự kinh ngạc, tự hỏi làm thế nào mà Giám mục Phụ tá của họ, người đã dũng cảm sống trong tù hơn mười năm, giờ đã xuất hiện và đồng tế với một Giám mục bất hợp pháp.

Cần phải nói ngay rằng CEP đã mắc hai lỗi trong trường hợp này vì họ không hỏi ý kiến các chuyên gia trong vấn đề này. Sai lầm đầu tiên là An Shuxin không phải là Giám mục bình thường. Khi nhận được yêu cầu của chính phủ, ông ta nên trả lời bằng cách yêu cầu thả Đức ông Giacôbê Su Zhi-Ming trước; nếu không, ông ta sẽ xuất hiện trước giáo dân của mình như là chiếm đoạt chức vị của Giám mục Su: Phải chăng Rôma đã truất phế Su? Su đã làm gì trong tù mà tệ đến vậy? Sai lầm thứ hai là mọi người đều biết rằng Đức ông An Shuxin là một người đàn ông tốt, thậm chí dũng cảm, nhưng ông ta không được giáo dục tốt; ông ta đơn giản, và Tòa thánh đặt ông ta vào một tình huống rất khó khăn, đó là phải đối phó với chính quyền Cộng sản.

Các linh mục ở Bảo Định đã quay sang Tòa thánh để làm rõ xem liệu những gì Đức ông An Shuxin đã làm là đúng. Họ cũng nêu câu hỏi tương tự với Đức ông đại diện cho Tòa thánh tại Hồng Kông. Ngài trả lời rằng nếu Giám mục An thực sự đồng tế với Giám mục bất hợp pháp, thì ông đã làm sai. Thay vào đó, câu trả lời từ Rôma là họ không phán xét bất cứ ai. Hiện tại, các linh mục không có câu trả lời, nhưng cuối cùng sẽ làm rõ mọi chuyện.

Nếu những người ở Rôma đã giải thích sự thật thực tế, có lẽ họ sẽ trấn an các linh mục, nhưng bằng cách không cung cấp câu trả lời, họ đã khiến các linh mục hoàn toàn mất mát.

Sự thật là Đức ông An đã tham gia vào CPCA, rồi nói rằng “tôi đang làm như vậy nếu điều này không trái với giáo lý của Giáo hội”. Nhưng đó là kiểu lý do gì vậy! Nó giống như nói: “tôi từ chối quan điểm Vô nhiễm [nguyên tội] của Đức Mẹ, nếu điều này không trái với giáo lý của Giáo hội.”

Các linh mục đau khổ đã viết một vài lá thư cho Rôma, nhưng Rôma vẫn tiếp tục hỗ trợ Đức ông An; thật vậy, họ đề bạt ông ta vào vai trò của Giám mục phó, họ bảo với các linh mục nên tuân theo ông ta. Việc đề bạt, trong thời điểm hiện tại, không có các tác dụng thực sự, nhưng nó định hình sự kế thừa trong tương lai. Đức Ông có thích hợp làm Giám mục chính tòa không?

Chính phủ đã đưa Đức ông An đến Thượng Hải và Tây An [Xi'an], nơi hai Giám mục cũng được Rôma công nhận mặc dù họ là thành viên của CPCA, và nói với ông: “Hãy xem hai giáo phận này hoạt động tốt như thế nào”. Trở về Bảo Định, Đức ông An đã nói với các linh mục của ông:”Hai vị Giám mục đó được Giáo hoàng công nhận và được kính trọng ngay cả trong thế giới Công giáo. Có vấn đề gì với tư cách thành viên trong CPCA? Bạn chính là người có vấn đề.”

Nhưng lý luận của ônh ấy không có ý nghĩa. Tình trạng của hai Giám mục chỉ được Tòa thánh tạm thời dung túng, hy vọng sẽ có một sự thay đổi trong tương lai. Thay vào đó, ông An có tư cách đúng và hiện muốn sai. Hai người kia đã ở bên trong, và Tòa thánh chấp nhận rằng họ vẫn như vậy. Trường hợp của ông ấy và của họ rất khác nhau.

Có lý do để tin rằng một số linh mục đã tham gia CPCA đang cố gắng đưa Đức cha An vào đó. Tại một số thời điểm, chính phủ nói với ông ta chấp nhận sự cài đặt của họ như là Giám mục (là Giám mục chính tòa, như mọi người hiểu nó). Lần này, Tòa Thánh bảo anh ta không chấp nhận việc cài đặt, nhưng ông ta cũng cứ chấp nhận và sau đó cố gắng tự biện minh bằng cách nói rằng ông ta đã làm như vậy với hy vọng đòi lại tài sản của Giáo hội.

Vào năm 2010, Đức ông An đã tham gia vào một cuộc tấn phong giám mục bất hợp pháp. Vào cuối năm đó, ông tham gia Hội nghị lần thứ tám của Đại hội Đại biểu Người Công giáo Trung Quốc. Thật đáng tiếc! Một anh hùng của đức tin, người đã chịu đựng mười năm tù, giờ đang đi chung với những người của CPCA và dường như không có chút lương tâm nào.

Chúng tôi đã phải mô tả chi tiết điều này để giúp mọi người hiểu rằng, với thực tế này, Giáo hoàng không thể nói với mọi người trong các cộng đoàn ngầm hãy giữ nguyên vị trí của họ. Nó sẽ giống như bác bỏ công việc của CEP.

Vì vậy, hai yếu tố đã giải quyết một cách không vui câu hỏi về việc ra khỏi nơi ẩn tránh: thao túng bản dịch của Thư Giáo hoàng (7.8) và tiền lệ được đặt ra bởi hành động của Giáo triều Rôma trong vụ việc ở Bảo Định; không có tiền lệ này, cuộc thảo luận có thể có kết luận hợp lý: “Hãy đừng thử”.

3.6: Đề cập đặc biệt và nghiền ngẫm về Khải huyền 5: 4

    Hãy cùng đi đến cuộc thảo luận về một đoạn trước đó không có trong dự thảo, cũng không được đề xuất bởi bất kỳ ai trong cuộc họp: 3.6. Nó xuất phát từ ngòi bút và trái tim của vị giáo sư vĩ đại và thần bí Benedictô, từ một trong những cuộc triều kiến trước đó của ngài (2).

Ngài mời chúng ta suy niệm Khải huyền 5: 4. Trong viễn ảnh, Thánh Gioan nhìn thấy một cuốn sách có bảy ấn niêm phong mà không ai có thể mở được; Ông lo lắng và khóc. Đó là cuốn sách lịch sử, và Gioan đã nếm trải cuộc đàn áp của Giáo hội nguyên thủy và phải tự hỏi mình tại sao. Không phải chúng ta thường hỏi cùng một câu hỏi sao ? Chỉ có Con chiên Hiến tế mới có thể mở ấn niêm phong và cho chúng ta câu trả lời (xem câu 5).

Giáo hoàng Benedictô thường trích dẫn thánh Augustinô để giúp chúng ta hiểu được bí ẩn của lịch sử. Thánh Augustinô sống ở một thời điểm khủng khiếp trong lịch sử. Rôma đã suy tàn, bị xâm chiếm bởi cái gọi là bọn man rợ. Một nền văn minh hùng mạnh rơi vào tay những kẻ man rợ. Trong cuốn sách Thành phố của Thiên Chúa, ông mời gọi chúng ta có cái nhìn dài hạn. Tại sao Chúa cho phép rất nhiều điều xấu trong lịch sử? Một mặt, để cho thấy con người có thể trở nên xấu xa như thế nào nếu anh ta không vâng lời Chúa. Nhưng mặt khác, thánh Augustinô nói, Chúa cho thấy rằng Ngài biết cách ứng xử đối với mọi thứ một cách siêu trội.

Không vâng lời Thiên Chúa có thể dẫn đến nhiều thái cực, như chế độ toàn trị của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản: hàng ngàn và hàng ngàn người bị tàn sát (gần đây tôi đã đọc một vài cuốn sách mô tả những gì Hitler và Stalin đã làm). Giáo hoàng Benedictô đã sống dưới chế độ phát xít, và quốc gia của ông bị Cộng sản chia làm hai. Nếu bạn có thể, hãy đến và thăm các trại tập trung. Tệ hơn nữa: toàn bộ dân số bị đói đến chết! Người từ chối Thiên Chúa trở nên khủng khiếp hơn những con thú và gây ra những bi kịch khiến tâm trí chúng ta gần như không dám tin.

Trong những bi kịch như vậy, Chúa cho thấy lòng tốt của một số người, như trên Núi Sọ, khi người lính La Mã có thể nhìn thấy Con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu đang hấp hối (Mc 15,39). Một người bị kết án, bị biến dạng, chết, nhưng viên đại đội trưởng nhìn thấy lòng tốt siêu phàm. Cha nhân từ cũng nhìn thấyVị Cứu thế của mình trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bảo đảm sự cứu rỗi của Ngài. Trong những bi kịch, lòng tốt và sự dũng cảm của rất nhiều người trở nên rõ ràng; có sự minh chứng tối cao của các vị tử đạo!

Giáo hoàng nói rằng trước Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, chúng ta không thể biện minh được tại sao. Tuy nhiên, chính ở đây, chúng ta tìm thấy câu trả lời: Con Chiên hiến tế! Người không phạm tội trở thành tội lỗi, tự nhận lấy tất cả sự dơ bẩn do chúng ta gây ra.

Chúng ta tôn thờ Con Chiên, người đã lấy đi tội lỗi của chúng ta và chúng ta tôn thờ mầu nhiệm của Lòng thương xót của Chúa trong bóng tối của lịch sử loài người!

Một điều tôi nghĩ rất quan trọng để bạn biết là Giáo hoàng Benedictô không dễ dàng đưa chữ ký của mình vào những thứ được viết bởi những người khác. Trong những ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, một thư ký phụ trách đặt tài liệu lên bàn để ký, và sau đó thu thập chúng sau khi chúng được ký, thấy chúng không được ký bởi vì, như Giáo hoàng nói với ông: “Tôi vẫn chưa đọc xong”. Trên thực tế, ông ấy muốn đọc mọi thứ trước khi ký. Ông ấy rất quan tâm đến điều này. Do đó, chúng ta nên đọc Thư của ông ấy với sự chú ý đến từng chi tiết!


Chú thích cho chương 3:

(1) Trích dẫn từ Novo millennio ineunte (Mở màn cho một Tân thiên niên kỷ) số 42

của Đưc Gioan Phaolô II, là một trích dẫn nội bộ từ Lumen gentium (Hiên chế Tín lý về Hội thánh)

(2) Giáo hoàng đã trích dẫn từ ngày 23 tháng 8 năm 2006, Triều kiến chung, được trích dẫn trong      L’Osservatore Romano, bản tiếng Anh, ngày 30 tháng 8 năm 2006, tr. 3.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC