Các Vị "Thầy“ Trong Giáo Hội

18/01/20187:21 SA(Xem: 3094)
Các Vị "Thầy“ Trong Giáo Hội

Các Vị "Thầy“ Trong Giáo Hội


Kk6jHW9v7n5oFKvjYrYszN2YDR2cCSKtN8QWQzB5ezQwC2tk413y1RE5Oke2awt_NY9hLduPrDcYp9E7dCf0tgiqhYQvP96KNuug7yYNwnNgt6IyLuyw8B9UPlSxVrjj45C593pP


Mới đây, Giám Mục Phó tổng giáo phận Lyon nước Pháp cho hay, giáo tông Phan-sinh có thể sẽ trao tước „Thầy Giáo Hội“ (Kirchenlehrer; cũng thường được gọi là „Tiến Sĩ Giáo Hội“) cho thánh I-rê-nê ở Lyon (135-200), với điều kiện là tất cả các giám mục và các viện trưởng đại học ở Pháp đều đồng ý.


Nhân dịp, tôi muốn giới thiệu đôi nét về cái tước hiệu danh dự này trong Giáo Hội. Tước được trao cho những nhân vật có ảnh hưởng lớn về mặt thần học của Giáo Hội Ki-tô Giáo. Người được trao không nhất thiết phải là người đã được chính thức phong thánh (chẳng hạn như Hindegard ở Bingen, nữ Bề Trên tu viện, được giáo tông Biển-đức XVI. trao tước vào năm 2012).


Cho tới thế kỉ thứ 6 Giáo Hội Ki-tô Giáo có 8 vị „Thầy Giáo Hội“ (Giáo Hội La-tinh 4 và Giáo Hội Đông Phương 4). Và vì những vị này có tầm ảnh hưởng rất lớn về mặt đức tin và thần học, nên các ngài được gọi là „Giáo Phụ“ (Kirchenvater). Đó là các thánh Hi-rô-nê-mô, Am-brô-si-ô ở Milano, Au-gu-ti-nô (An-tịnh) ở Hippo và Đại Giáo Tông Grê-gô-ri-ô của GH La-tinh; Gio-an Chry-sô-tô-mô, Ba-si-li-ô ở Caesarea, An-tha-na-si-ô và Grê-gô-ri-ô ở Nazianz của GH Đông Phương.


Trong thời cổ (và cả tới nay trong GH Đông Phương), tước „Thầy Giáo Hội“ được phong tuỳ ý hoặc do một vài Công Đồng. Về sau, trong GH La-tinh, người ta đặt ra những quy chuẩn rõ ràng: Ứng viên phải là người có một đức tin đúng đắn, có một „giáo huấn trỗi vượt“ và một „mức độ thánh thiện cao“. Tước do Bộ Phong Thánh cấp và được Giáo Tông chuẩn nhận.


Cho tới nay GH Công Giáo có 36 vị „Thầy Giáo Hội“. Sau đây là danh sách và tóm lược hành trạng của các vị, xếp theo thứ tự a. b. c.


1. An-bê-tô „Magnus“ (1193 hay 1206-1280): Học giả thông toàn người Đức, tu sĩ đa-minh, giám mục, người trung gian giữa triết học a-ri-tốt và thần học ki-tô giáo. Được phong tước „Thầy Giáo Hội“ năm 1931.

2. An-phong Maria đất Liguori (1696-1787): Luật gia người Í, giám mục, sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. Phong tước năm 1871.


3. Am-brô-si-ô ở Milano (339-397): Giám mục, giáo phụ, bảo vệ giáo hội Milano khỏi những đe doạ áp đặt của thế quyền.


4. An-sê-mô ở Canterbury (1033-109): Giám mục, người sáng lập phái Kinh Viện, bảo vệ tự do của GH trước những áp đặt của thế quyền, có ảnh hưởng lớn trên giáo huấn về Thiên Chúa trong thời Trung Cổ. Phong tước năm 1720.


5. An-tôn ở Padua (1195-1231): Tu sĩ phan-sinh người Bồ, nhà giảng thuyết, đặc biệt bảo vệ dân nghèo khỏi nạn vay lãi nặng. Phong tước năm 1946.


6. A-tha-na-si-ô (khoảng 295-373): Giám mục thành Alexandria, giáo phụ, chiến sĩ kiên cường chống lại quan điểm của Arius (là người không tin thiên tính nơi đức Giê-su).


7. Au-gu-ti-nô (An-tịnh) ở Hippo (354-430): Giám mục, giáo phụ, một trong những nhà thần học có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử giáo hội, nổi tiếng đặc biệt với cuốn „Confessiones“.


8. Ba-si-li-ô (khoảng 330-379): Giám mục, giáo phụ, ảnh hưởng quyết định trên thế kỉ 4. về giáo huấn Chúa Ba Ngôi.


9. Bê-đa (672/73-735): biệt danh „Vị Đáng Kính“, tu sĩ biển-đức người Anh, người viết Sử Giáo Hội, nổi tiếng về nghiên cứu và diễn dịch Kinh Thánh. Phong tước 1899.


10. Bê-na-đô đất Clairveaux (khoảng 1090-1154): Một trong những vị thánh lớn của phong trào cải cách thời trung cổ. Phong tước 1830.

11. Ê-phrê-mô (306-373): Nhà văn, tu sĩ ẩn tu, thi sĩ nổi tiếng nhất trong thời các giáo phụ, ảnh hưởng quyết định trên nền văn chương si-ri và a-ra-mê. Phong tước 1920.


12. Phan-sinh đất Sales (1567-1622): nhà lập dòng người Pháp, nhà thần bí và giám mục, có hai tác phẩm nổi tiếng „Philothea“ và „Theotimus“, cùng với Johanna Franziska lập Dòng Sa-lê-diên. Phong tước 1877.


13. Grê-gô-ri-ô (khoảng 540-604): biệt danh „Đại Giáo Tông“, giáo phụ, mở đường truyền giáo sang Anh Quốc, xây dựng nền tảng phục vụ người nghèo trong Giáo Hội và đổi mới phụng vụ, ảnh hưởng thần học lên nhiều thế kỉ.


14. Grê-gô-ri-ô ở Narek (951-1003): Tu sĩ người A-mê-ni, nhà thần bí, nhà văn, ảnh hưởng lớn trên sự phát triển thần học và đạo đức. Phong tước 2015.


15. Grê-gô-ri-ô ở Nazianz (329-390): Nhà ẩn tu, giám mục Konstantinopel, giáo phụ, đào sâu giáo huấn Ba Ngôi và hai bản tính của đức Ki-tô.


16. Hê-rô-ni-mô (347-420): Giáo phụ, linh mục, người dịch Kinh Thánh „Vulgata“.


17. Hildegard ở Bingen (1098-1179): Tu sĩ biển-đức người Đức, nhà thần bí, nhà thần học và một học giả thông toàn. Phong tước 2012.


18. Hi-la-ri-ô ở Poitiers (khoảng 315-367): Giám mục, nhấn mạnh sự tương hợp giữa đức tin và lí trí, nối kết thần học đông phương với tây phương. Phong tước 1851.


19. I-sô-đô ở Sevilla (khoảng 560-636): Giám mục, mở trường lập thư viện và nỗ lực nâng cao việc giáo dục cho các giáo sĩ. Phong tước 1722.


20. Gio-an ở Avilla (1499/1500-1569): Nhà giảng thuyết tây-ban-nha, tác giả nhiều tác phẩm thần học có giá trị, mang biệt danh „Tông Đồ miền Adalusien“, nhờ những thành công truyền giáo ở miền nam Tây-ban-nha. Phong tước 2012.


21. Gio-an Bô-na-ven-tu-ra (1221-1274): Một trong những nhà thần học nổi tiếng nhất bên cạnh Tô-ma Aquino trong thời Trung Cổ và là Tổng Quyền của Dòng Đa-minh. Phong tước 1588.


22. Gio-an Chry-sô-tô-mô (khoảng 350- 407): Giám mục, giáo phụ, có tài giảng thuyết, nên có biệt danh là „Chry-sô-tô-mô = Miệng Vàng“, là người để lại nhiều tài liệu thần học nhất trong số các giáo phụ, chủ trương đạo đức thực tế hơn là quá vị luật mà vô bổ.


23. Gio-an Thánh Giá (1542-1591): Nhà thần bí tây-ban-nha, cùng với Tê-rê-xa Avila cải tổ Dòng Ca-mê-lô; cuộc cải tổ này khiến ngài bị tù và ngược đãi, vì thế có biệt danh „Thánh Giá“. Phong tước 1926.


24. Gio-an ở Damaskus (khoảng 650-754): Linh mục người Si-ri, giáo phụ cuốn cùng trong số các giáo phụ, viết nhiều tài liệu bảo vệ Giáo Hội trước những phong trảo lạc giáo. Phong tước năm 1890.


25. Ca-ta-ri-na ở Siena (1347-1380): Nhà thần bí người Í, được ghi là người có công thúc đẩy Giáo Tông từ Avignon về lại Roma, tận hiến cho người nghèo và yếu bệnh, cổ vũ hoà bình giữa người dân, khuyến khích đổi mới sống đạo. Phong tước 1970.


26. Ki-ri-nô ở Alexandria (khoảng 375/80-444): Giám mục Alexandria, giáo phụ, chống phong trào Arius là phái không tin bản tính thiên chúa nơi đức Giê-su và chống phong trào Nestorius là phái chối bỏ tính cách mẹ thiên chúa nơi đức Maria. Phong tước năm 1882.


27. Cy-ri-nô ở Giê-ru-sa-lem (315-386): Giám mục, chống lạc giáo Arius nên ba lần bị lưu đày, nổi tiếng với 24 bài huấn giáo, chúng phản ánh tuyệt vời lối sống đạo và phụng vụ thời đó. Phong tước 1882.


28. Lau-ren-xi-ô ở Brindisi (1559-1619): Tu sĩ người Đức, qua các tác phẩm và các giảng thuyết góp phần vào tiến trình cải cách giáo hội sau thời Công Đồng Trento. Phong tước 1953.


29. Lê-ô (400-461): Biệt danh „Đại Giáo Tông“, giám mục Roma, giáo phụ, chống các lạc giáo, nổi tiếng với lá „Thư Tín Lí“ ngài gởi cho giám mục Flavian ở Konstantinopel.  


30. Petrus Canisius (1521-1597): Tu sĩ dòng tên đầu tiên ở Đức, bộ óc lãnh đạo cuộc cải tổ công giáo tại Đức.Phong tước 1925.


31. Petrus Chry-sô-lô-gô (khoảng 380-450/51): Giám mục, nổi tiếng về giảng thuyết nên có biệt danh là „Miệng Vàng“, không bao giờ giảng quá 15 phút, còn để lại 150 bài giảng. Phong tước 1729.


32. Petrus Damiani (1007-1072): Tu sĩ biển-đức, giám mục, một trong những tu sĩ có ảnh hưởng nhất trong thế kỉ 11., đả phá mạnh mẽ những thối nát trong Giáo Hội, như nạn tùng phục thế quyền và mua bán chức tước. Phong tước 1829.


33. Ro-be-tô Bellarmin (1542-1631): Tu sĩ dòng tên người Í, hồng i, bảo vệ Công Giáo trước phong trào Cải Cách với tác phẩm nhiều tập nổi tiếng „Tranh Luận Về Những Mâu Thuẫn Nơi Đức Tin Ki-tô Giáo“. Phong tước 1931.


34. Tê-rê-xa ở Avilla (1515-1582): Nhà thần bí và nhà cải cách Dòng Dòng Ca-mê-lô, nổi tiếng với những tác phẩm tu đức, chẳng hạn như cuốn „Thành Tâm Hồn“ (Seelenburg), trong đó ghi lại những thị ứng linh thiêng. Người nữ đầu tiên được phong tước năm 1970.


35. Tê-rê-xa ở Lisieux (1873-1897): Tên trong Dòng là „Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su“, chủ trương nên thánh bằng những công việc nhỏ nhặt hàng ngày, khẳng định yêu đức Giê-su phải là bước theo thập giá của Người. Phong tước năm 1997.


36. Tô-ma đất Aquino (1225-1274): Tu sĩ đa-minh, đại biểu nổi tiếng nhất của Kinh Viện và là người ảnh hưởng mạnh nhất trên Thần Học cho tới ngày nay. Tác phẩm chính „Summa theologia“ là một tổng hợp triết học và thần học giữa A-ri-tốt và Au-gu-sti-nô. Phong tước năm 1567.



Phạm Hồng-Lam

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)


 

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC