Hải ngoại, ngày 08 tháng 08 năm 2018
NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ NGHỊ TRƯỚC HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay)
Là những người công giáo Việt Nam phải lưu lạc xa quê hương, chúng tôi vẫn luôn hướng về tổ quốc Việt Nam thân yêu, nơi đại đa số đồng bào đang sống trong lo âu và đau khổ dưới một chế độ chính trị hà khắc. Đặc biệt chúng tôi luôn hiệp thông với giáo hội Việt Nam, nơi nhiều người con Chúa đang phải đối diện với đàn áp và bách hại. Qua bản Nhận Định Và Lên Tiếng nầy, chúng tôi muốn trình bày quan điểm của chúng tôi về những sự việc đáng quan tâm.
I. Thực trạng Đất Nước
1. Đại họa mất nước: Từ nhiều năm nay Trung Quốc đã tiến hành cuộc thôn tính có kế hoạch trong nhiều lãnh vực trước sự đồng lõa của chính quyền cộng sản Việt Nam. Không những lấn cướp đất đai, chiếm lĩnh biển đảo, họ còn đưa người Hoa vào sinh sống khắp nơi, mua chuộc các quan chức cầm quyền từ trung ương tới địa phương, để lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam.
2. Băng hoại văn hoá - đạo đức. Sự đổ vỡ các hệ thống giá trị đang được thể hiện nơi việc đánh mất ý thức trách nhiệm cá nhân và nơi mọi môi trường xã hội: tan vỡ gia đình, bạo lực học đường, sa sút đạo đức nghề nghiệp ngay cả trong những lĩnh vực vốn được truyền thống tôn vinh như giáo dục, y tế và cả tôn giáo. Đặc biệt trong lãnh vực công quyền nạn hối lộ và tham nhũng đã trở thành nguyên tắc ứng xử của cán bộ nhà nước. Từ đó bất công xã hội và khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng gay gắt.
3- Chà đạp nhân phẩm và tước đoạt nhân quyền: Để bảo vệ độc tôn chính trị của đảng CSVN, nhà cầm quyền đã gia tăng trấn áp những tiếng nói đối lập bằng hành hung, bắt bớ, giam cầm tùy tiện với những bản án quy chụp bất công. Các quyền căn bản của người dân như quyền an ninh thân thể, quyền tư hữu, quyền được xét xử công minh bởi một tòa án độc lập, quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do tín ngưỡng - thờ phượng v.v... đã bị vi phạm trắng trợn.
II Thực trạng của Giáo Hội
1- Sống đạo hình thức: Dù phải sống trong một xã hội tha hóa về mọi mặt và đạo Chúa có nguy cơ ngày càng biến chất, Ki-tô hữu Việt Nam nói chung vẫn “giữ“ được đức tin. Tuy nhiên, cuộc sống đạo quá chuộng hình thức, đặc biệt chú trọng vào những tiện nghi và lễ hội bề ngoài, như xây dựng nhà thờ, trung tâm hành hương, rước kiệu... hơn là vào những sinh hoạt thiết thực sống đạo giữa đời. Từ đó, Giáo Hội xa rời những âu lo và khắc khoải của người dân, những người bị đàn áp, bị bóc lột và bỏ rơi bên lề xã hội. Việc truyền giáo vì thế đã không kết quả như mong muốn.
2 – Lời chủ chăn thiếu hiệu quả. Trong cương vị đại diện cho toàn thể dân Chúa tại Việt Nam, các chủ chăn đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan điểm trước những tệ nạn của xã hội, bất cập của chính quyền và cơ nguy của đất nước, như Thư ngỏ gởi Nhà Nước (2002), Quan điêm vê môt sô vân đê trong hoan canh hiên nay (2008), Thư nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp (2013), Nhận định về tình hình Biển Đông (2014), Nhận định và góp ý Dự thảo 4 luật tín ngưỡng, tôn giáo (2015)... Và gần đây nhất là Thư ngỏ gửi Quốc Hội về dự thảo luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (2018). Lời của chủ chăn quả có đem lại hứng khởi ban đầu cho một số người, nhưng rồi sớm đi vào quên lãng, vì những nội dung hiếm hoi đó đã không thẩm thấu được tới mọi Ki-tô hữu. Nghĩa là thiếu sự hưởng ứng và khai triển tiếp tục từ các giáo phận tới giáo xứ, để giúp Ki-tô hữu học hỏi tìm hiểu, hầu có thể chia sẻ quan điểm của chủ chăn, đồng thời nâng cao nhận thức của mình về giáo huấn của Giáo Hội.
3 – Thiếu hiệp thông và đồng trách nhiệm: Sự hiệp thông trong Giáo hội là một ân sủng, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn thể mọi thành phần dân Chúa. Bao nhiêu năm qua có một sự vắng bóng lạ lùng về hiệp thông và đồng trách nhiệm trong lòng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt nơi các chủ chăn mọi cấp trước những vấn nạn của đất nước, của xã hội và của con người. Dù với lí do nào đi nữa thì sự im lặng, thờ ơ, né tránh cũng là hành động đi ngược lại vai trò ngôn sứ và bổn phận làm người Việt Nam. Đây cũng là một trong những lí do làm cho các văn kiện giáo huấn và các lên tiếng của chủ chăn thiếu khả tín và không hữu hiệu.
III. Những đề nghị
1. Thực hiện hiệp thông. Đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết các bất cập. Hiệp thông trước hết qua sự đoàn kết và đồng trách nhiệm trong những tiếng nói chung và đều đặn của chủ chăn trước những vấn đề sống còn của đất nước, trước những vấn nạn lớn của xã hội và trước những xúc phạm trầm trọng tới phẩm giá và quyền con người. Thứ đến là hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa qua những sáng kiến sinh hoạt chung của cộng đồng dân Chúa, chẳng hạn qua những chiến dịch bác ái chung, những liên kết sinh hoạt đoàn thể tiến hành hoặc những sinh hoạt thi đua học hỏi giáo huấn xã hội chung.
2. Chấn chỉnh sống đạo: Sự đổ vỡ các hệ thống giá trị làm cho Ki-tô hữu việt nam mất phương hướng. Vì thiếu neo vững nơi đức tin và thiếu gương sáng, họ buông xuôi sống theo trào lưu xã hội: vô cảm, ích kỉ, bạo hành, dối trá, lừa đảo. Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần những định hướng tinh thần và gương sáng của các chủ chăn, để không những người theo Chúa mà tất cả những ai thiện chí còn đặt niềm tin vào sự Thiện trong cuộc sống và can đảm sống niềm tin đó giữa một xã hội băng hoại.
3. Sống đạo giữa đời. Hoa trái của hiệp thông là sự đồng cảm và niềm vui sống đạo. Đồng cảm giữa các thành phần con Chúa và với đồng bào tha nhân. Có được như vậy là giáo hội Việt Nam đang thể hiện sống đạo giữa đời. Qua đó, giáo hội hoà nhịp lại với “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” của đồng bào, nhất là của những thành phần dân oan, của những kẻ bị áp bức giam cầm bất công, của đa phần dân tộc đang thất vọng trước tương lai đất nước và trước cuộc sống. Hòa nhịp bằng những chia sẻ vật chất cụ thể, bằng những hỗ trợ tinh thần cần thiết, bằng những tiếng nói bênh vực can đảm.
Phạm Hồng-Lam (Điều Hợp Viên)
Max Gutmann Str. 6 1/7 – 86159 Augsburg BRD - Tel. (49) 821 455 0609 Email: thuongvu@phongtraogiaodan.org - www.phongtraogiaodan.com