Ku-Klux-Klan Tái Xuất Hiện

05/08/201810:51 SA(Xem: 3112)
Ku-Klux-Klan Tái Xuất Hiện

Ku-Klux-Klan Tái Xuất Hiện


Linda Gordon *



Trong thập niên 20 của thế kỉ trước tại Hoa-kì xuất hiện một tổ chức quần chúng rất mạnh và có mặt trên toàn quốc. Tổ chức này coi những người nhập cư là kẻ thù số một của họ.



Nếu không có người tị nạn và nhập cư, có lẽ đã không có quốc gia Hoa-kì. Trải dài nhiều thế kỉ người nhập cư đã lấn chiếm dần những vùng đất sinh cư của thồ dân địa phương. Dù vậy tình cảm ghét người nhập cư ở Hoa-kì cũng là một truyền thống lâu đời. Các thế hệ con cháu của những người nhập cư trước luôn dấy lên những phong trào kì thị đối với những người nhập cư sau họ - điều này không phải chỉ mới xẩy ra dưới thời của Trump.

Mũi nhọn của „chủ nghĩa duy dân bản địa“ (Nativismus) này là phong trào „Know Nothing“ (Chẳng biết gì hết), được hình thành trong những năm 1850. Sở dĩ mang tên này là vì „Know Nothing“ nguyên là một tổ chức bí mật và không một thành viên nào công nhận mình là người của tổ chức đó cả. Tiếp sau phong trào này, cuối thế kỉ 19., nẩy sinh một tổ chức có thể nói dành cho tầng lớp ưu tú mang tên American Protective Association. Nhưng đợt bài ngoại lớn nhất có lẽ phải nói là phong trào diễn ra trong những năm 20 của thế kỉ trước, được lãnh đạo bởi tổ chức Ku-Klux-Klan (KKK) vừa tái xuất hiện trước đó năm 1915.

Sau cuộc nội chiến và giải phóng người nô lệ vào năm 1865 KKK được thành lập như là một hội kín của những người đàn ông bịt mặt. Đây đúng là một tổ chức khủng bố; nó khủng bố dân da đen, để khẳng định vai trò ưu quyền của dân da trắng; nó giết hại và thủ tiêu từng cá nhân, để tạo khiếp hãi cho cả xã hội. KKK bị cấm hoạt động vào năm 1871.

Người ta đã viết nhiều về tổ chức „K 1“ này. Trong thập niên 50 ta thấy hội kín này lại tái xuất hiện, để chống lại phong trào đòi dân quyền của những người da đen ở Hoa-kì. Hội kín lần thứ hai („K 2“: xuất hiện trong thập niên 20 và 50) này ít được sách vở và truyền thông nói tới, mặc dù đây là một tổ chức lớn nhất so với mọi phong trào trước đó. Hội viên của nó có khoảng từ ba tới sáu triệu người, thêm vào khoảng một triệu rưỡi hội viên phái nữ. Phong trào K 1 sinh hoạt gần như trong những bang miền nam mà thôi. Trái lại phong trào K 2 có mặt trên toàn quốc; nó có chi nhánh trên mọi tiểu bang, từ Maine tới California, song trọng điểm hoạt động của nó là miền bắc.

Nhìn bên ngoài, K 2 cũng giống K 1: cũng áo choàng với mũ lúp che đầu, cũng thập tự với đuốc sáng, cũng xách động bài chủng tộc. Nó vẫn giữ nguyên tất cả, kể cả chủ trương bạo động.

Nhưng nó có một cái khác, khiến cho nhiều tầng lớp dân chúng bị quyến rũ, đó là đạo đức giả và việc hung tợn đề cao chủ nghĩa dân tộc. Là một phong trào quần chúng của những người da trắng quá khích theo Tin Lành, nó cho thấy ở Hoa-kì đang diễn ra một cuộc hồi sinh của các giáo phái tin lành -  và phong trào này đang đi tìm những lãnh vực mới để hoạt động. Thù hận của họ giờ đây không còn hạn chế vào người da đen, mà còn bao trùm cả những người Mễ và người Á châu, những người do-thái giáo gốc Đông Âu, những người công giáo từ Nam Âu, những người chính thống giáo gốc Hi-lạp và những người muslim. Họ áp dụng các thiên kiến tôn giáo lẫn sắc tộc: Nhiều người Mĩ coi những người Italia, Hi-lạp, Do-thái từ Nga và Ba-lan trước đây chưa phải là dân „da trắng“. Giáo huấn của KKK dạy rằng, Mĩ châu xưa nay là quốc gia của những người tin lành da trắng xuất thân từ „miền bắc“. Một mục sư của Hội còn giảng, Kinh Thánh đã tiên đoán về sự xuất hiện của KKK, để thực hiện và bảo vệ cái giáo huấn thiên linh đó. Một khẩu hiệu rất ăn khách: „Nếu đức Giê-su sống vào thời nay, thì Người sẽ là một hội viên của KKK.“

KKK bảo rằng, trước đây họ có 40.000 mục sư trong sổ hội viên của họ. Có lẽ con số hơi quá, nhưng vài ngàn thì hẳn là có. Nhiều người trong số mục sư này là những Keagles: Họ đặc trách việc tìm kiếm hội viên mới trong một khu vực nào đó. Họ được miễn niên liễm và các khoản phí lớn phải đóng khi gia nhập. Cũng vì vậy mà họ rất hăng hái ca ngợi Hội trong các bài giảng của họ và rất nhiệt thành trong việc thúc đẩy tín hữu mình gia nhập Hội. Từ toà giảng họ không ngớt dạy rằng, chỉ có những người da trắng tin lành sinh tại đất nước này mới là „người Mĩ thật“! Trái lại người công giáo, theo họ, không bao giờ là những công dân trung thành – chứng cứ này cũng đã được nêu lên để chống lại ứng viên tổng thống J.F. Kennedy vào năm 1960.

Do đó trong nhiều tài liệu ấn hành của Hội người ta sớm thấy xuất hiện những thuyết âm mưu rất ư là thô kệch: Dân công giáo nhập cư chẳng phải là để trốn chạy sự nghèo đói, mà là do lệnh của giáo tông họ. Theo tài liệu, họ được hướng dẫn phải sống làm sao để đừng bị để í, hầu chờ ngày tổng đảo chánh đưa Vatican lên nắm quyền tại Hoa.kì. Giáo tông của họ đã bí mật tới Whasington rồi và ông ta đã xây ở đó một dinh thự với chiếc ngai bằng vàng ròng. 90% lực lượng cảnh sát sẽ là người công giáo, để chuẩn bị cho cuộc chiếm quyền đang tới gần đó.


Người của KKK tin rằng, người Do-thái sẽ phá tan mọi phong tục và đạo đức


Người ta cũng đổ cho rằng, tín hữu do-thái giáo là thứ không yêu nước – bằng cách nhắc tới Biên Bản Của Các Nhà Minh Triết Sion, một tài liệu giả mạo dưới thời Nga Hoàng được Henry Ford, vua xe hơi và là một người kịch liệt chống do-thái, phổ biến tại Hoa-kì. Chỉ riêng sự

có mặt khắp nơi của những cộng đoàn thiểu số do-thái đã là lí do, để hội viên K tin rằng, đó là những tên mật thám cho một chủ nghĩa quốc tế hiểm độc. Cũng như đối với nhiều người chống do-thái khác, các hội viên của K dùng từ „kosmopolitisch“ (theo chủ nghĩa bành trướng toàn cầu) để ám chỉ chính sách được cho là của Do-thái nhằm tóm thu cả thế giới vào tay họ. Theo tài liệu, các tổ chức quốc tế bí mật đã trao cho người Do-thái nhập cư nhiệm vụ phá tan nền kinh tế của Hoa-kì.

Í thức hệ bảo thủ của các hội viên K về giới tính và sự bực bội của họ trước trào lưu văn hoá tân tiến đã tạo nên những hình ảnh cuồng loạn như thế nơi họ. Một thí dụ ở đây là việc họ tố cáo người Do-thái đã kiểm soát Hollywood – chẳng phải vì ham tiền bạc, nhưng là để „làm phân huỷ“ nếp sống đứng đắn và đạo đức nơi đàn bà con gái Hoa-kì. Đặc biệt họ đổ cho Charlie Chaplin là một tay Do-thái (mà Chaplin đâu phải là người Do-thái) cố tình phá vỡ trật tự xã hội bằng những màn hài kịch châm biếm uy quyền. Ngay cả những lỗi phạm liên quan tới luật cấm nấu và buôn bán rượu năm 1920 cũng được một số dư luận viên của K coi đó là âm mưu làm biến chất nền đạo đức của Hoa-kì.

Í thức hệ của K càng phản động bao nhiêu, chiến thuật chài người của họ trái lại càng tân tiến bấy nhiêu: Vị thủ lãnh đầu tiên của họ William Joseph Simmons, biệt danh „Imperial Wizard“ (Thượng Sư Phù Thuỷ) đã uỷ công tác cải tiến tổ chức cho một công ti quảng cáo. Đàng sau hành động này cũng có những tính toán về tiền bạc: K của thập niên 1920 là một tổ chức vụ lợi, nó được ghi danh vào sổ bộ thương mại của Georgia. Hầu hết hội viên của K coi đây là chuyện bình thường, bởi họ xác tín rằng, í chí làm giàu là nguồn cội đưa tới sự vĩ đại của Hoa-kì.

Công ti quảng cáo đã nghĩ ra một hệ thống kim tự tháp hữu hiệu: Hễ ai kiếm được một hội viên mới, người đó có quyền hưởng 40% phí gia nhập của tân hội viên, 60% còn lại được chuyển tiếp lên trên cho các thủ lãnh bang, miền và quốc gia; những vị này trở nên giàu có nhờ số lượng hội viên dưới trướng. Họ xây những dinh thự mắc tiền cho mình. Vị „Grand Goblin“ (Đại Thần Thổ Địa) của Indiana đã có thể mua được một du thuyền ở hồ Eriesee; ông đều đặn mời các chính trị gia lên thuyền du hí, để tìm cách tạo ảnh hưởng (lobby).

K cũng biết sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến. Họ có 150 nhà xuất bản, hai đài phát thanh, một phim trường và một công ti làm dĩa nhạc. Họ còn có một đại học, nhưng chẳng lôi kéo được một sinh viên nào cả. Mạng lưới truyền thông bao quát này cắt nghĩa phần nào cho tâm lí cả tin của các hội viên vào những tin vịt do hội cung cấp. Nó quá bao trùm, nên các hội viên thấy chẳng cần phải nghe báo đài nào khác nữa.

Các gia đình có thể tiêu dùng thời gian giải trí của mình ở nhà thờ, các câu lạc bộ, các nhóm chơi nhạc, các ca đoàn và các đội dã cầu của Hội. Hội có các tổ chức liên lạc sinh viên trong nhiều đại học. Những nghi lễ chuyển tiếp như rửa tội, lễ ra trường, đám cưới, lễ tang đều được cử hành theo sách cẩm nang của Hội. Các buổi lễ hội ngoài trời với những trò chơi, thi đấu và trình diễn nhạc hay kịch thu hút hàng chục ngàn người xem. Đó là những dịp xuất hiện cho các Imperial Wizard, Grand Goblin và King Keagles: Nhiều khi những nhân vật này tới bằng phi cơ giữa những hàng cây thập tự bập bùng sáng trưng, có những cây cao tới 15 mét (được đốt sáng bằng bóng điện). Hầu hết các buổi tổ chức đều kết thúc với cuộc rước đuốc trong đêm.

K thường dùng cuốn phim câm The Birth of a Nation năm 1915 của David Wark Griffith, để tuyên truyền cho họ. Họ chiếu đi chiếu lại phim này, trong đó đề cao ưu quyền thống trị của dân da trắng, trong khi trình bày dân da đen như là những con thú dữ chỉ biết bạo hành và thích vồ phụ nữ da trắng – một lí do thường dùng để biện minh cho những vụ giết chóc trả thù của họ. Nhờ lực thu hút mạnh của loại truyền thông tối tân cuốn phim trước sau vẫn được người xem cảm nhận như là những chuyện có thật.

Khác với những phong trào trước đó và sau này, K của thập niên 1920 đã dần dần trở thành một yếu tố quyền lực thực sự, nhờ vào màng lưới toả rộng và khả năng tuyên truyền của nó. Nó đã tạo được ít nhất 11 thủ hiến tiểu bang, 16 thượng nghị sĩ và 45 dân biểu liên bang. Thêm vào đó là hàng ngàn chức sắc ở cấp tiểu bang, thành phố, quận huyện và làng xã. Đó là chưa kể nhiều chính trị gia không phải là hội viên, nhưng chia sẻ quan điểm của Hội.

Những chính trị gia không thích hợp với chính sách của họ thường bị hăm doạ và đánh phá tơi bời. Một thí dụ cụ thể nhất là trong cuộc đại hội đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Dân Chủ năm 1924. Thủ hiến của bang New York, Al Smith, là ứng viên tổng thống có triển vọng nhất. Nhưng Smith lại là tín hữu công giáo. Các chính trị gia của K đã tìm đủ mọi cách để chống phá, đến rốt cuộc Smith phải đầu hàng bỏ cuộc. Cuộc đại hội đó được biết tới dưới tên „Klanbake“, ám chỉ cơn giận như lửa thiêu của Hội. Hình ảnh cuộc diễn hành năm 1925 ở Whasington dưới đây cho ta cảm tưởng là đoàn đàn ông đội lúp sắp sửa chiếm được Nhà Trắng.

vpN1OFqkmC97VJPjph_aN-OahPstNk4kY_uaBvVl-tQokdpcOp10yJpT8QhEOLg9D5nqvziIRhxzgt7O3Pa4K1yrDMdeEcQituB5YifMzyyjDL1tIwJMY5ILQ6SnXWAHZQZUJ8o3vWs19lzLbg


Những vụ tai tiếng bẩn thỉu cuối cùng đã làm bực lòng chính những hội viên gắn bó nhất


Nhưng chẳng bao lâu sau đó tổ chức đã bắt đầu đi vào suy sụp rất nhanh. Chẳng phải do sự chống đối của một phong trào xã hội dân sự nào đó, mà do những suy đồi nội bộ. Có được những khoản tiền kếch xù, các ông lãnh tụ của Hội đâm ra đồi trụy, khiến nhiều hội viên kinh hoảng. Các hội viên bình thường bắt đầu chán những nghi thức, trong khi sự giàu có dễ dãi khiến các ông lãnh đạo trở nên hư đốn. Nhiều người than phiền, Hội chẳng biết làm gì khác, ngoài việc lôi kéo hội viên mới mà thôi. Cuối cùng một số vụ tai tiếng bẩn thỉu đã làm bực mình ngay chính những thành viên trung kiên nhất. Cao điểm của chuỗi tai tiếng đó là việc kết án Grand Goblin của Indiana, David Stephenson, về tội bắt cóc, hãm hiếp, tra tấn và giết cô phụ tá của mình.

Sự hiện diện của phong trào K 1 tuy ngắn, nhưng nó để lại những hậu quả lớn. Nó đã góp phần vào việc quảng bá một loại ưu sinh  chủng tộc (Eugenik), qua đó nước Mĩ trong thập niên 1920 đã hợp pháp hóa việc cưỡng bức diệt khả năng truyền sinh nơi những người mà họ cho là “khờ” hoặc “không thích nghi với xã hội”. Việc 42 tiểu bang ra luật cấm “chung chạ chủng tộc” và cấm “hôn nhân dị chủng” cũng là do ảnh hưởng của K. Nhưng thành công lớn nhất của nó về mặt lập pháp là luật nhập cư năm 1924 (Johnson-Reed Act), luật đầu tiên hạn chế nhập cư của Hoa-kì. Dự luật này được soạn và đưa ra biểu quyết trước Quốc Hội do dân biểu có cảm tình với Hội là Albert Johnson, chủ tịch ủy ban nhập cư của Whasington và là giám đốc Eugenics Research Association.

Luật Johnson-Reed Act đưa ra tỉ lệ nhập cư dựa theo quan điểm chủng tộc của K: Tương đối ưu đãi nhất cho các dân tộc từ “miền bắc” và hạn chế tối đa chẳng hạn đối với những người Do-thái từ Ba-lan. Johnson không những muốn hạn chế việc nhập cư của những thành phần không được ưa chuộng, như người Do-thái, mà ông coi là thứ “dơ bẩn, xa lạ với dân tộc mĩ và có nhiều thói quen nguy hiểm”, mà còn đòi hỏi phải trục xuất những người đã có mặt trên đất nước. Luật này có giá trị cho tới năm 1965.

Ngày nay nhiều sử gia coi KKK là khuôn mẫu cho “chủ nghĩa dân túy” hữu phái hiện tại. Một nhãn hiệu dễ tạo hiểu lầm – khi ta hiểu “Dân Túy” là một phong trào đại diện cho quyền lợi của giới “dân thường”, đám “người nhỏ”, như chủ trương của Populist Party trong những năm 1890 chẳng hạn. Nhưng KKK hoàn toàn không quan tâm gì tới những âu lo của người nghèo, của giới thợ thuyền hoặc của thành phần trung lưu. Nó không bao giờ hỗ trợ cho những đạo luật mang lại lợi ích cho thành phần “99%”, như ta nói tới ngày nay. Trái lại, nó tôn sùng người giàu. Nó lệnh cho các cấp địa phương cần tìm những “người lớn” để lãnh đạo tổ chức. KKK đổ trách nhiệm về mọi vấn đề xã hội lên đầu những thiểu số tôn giáo và sắc tộc. Bằng cách đó nó ủng hộ sự cai trị của giai cấp thượng lưu thương mại và chính trị.

KKK ngày nay tuy cũng chủ trương bài chủng tộc và bài do-thái như xưa, nhưng nó đã trở thành một tổ chức hoàn toàn khác hẳn. Nó bao gồm những tổ chức của người da trắng đề cao chủ nghĩa dân tộc và những nhóm cực hữu như cái gọi là phong trào Alt-Right. Nó không có cơ cấu thống lãnh, điểm này vừa hay mà cũng lại dở. Thiếu cơ cấu lãnh đạo trung ương, nên nó không mạnh, nhưng lại khó kiểm soát.

Còn có một số điểm giống nữa: Thành phần hội viên đông nhất của K trong thập niên 1920 là giới cảnh sát và những đại diện khác của các cơ quan truy nã tội phạm. Trong các tập hợp cực hữu ngày nay cũng như trước đây đều hiếm có thành viên là những nhà giàu sụ, nhưng nhiều người trong số này lại hỗ trợ chủ trương cực đoan, vì chủ trương này không đe dọa các quyền lợi của họ, song rốt cuộc lại có lợi cho họ.

Thái độ này hiện nay cũng rất phổ biến trong Nhà Trắng và nơi các dân biểu và nghị sĩ cộng hòa. Không ít những tay cực hữu còn coi việc Donald Trump được bầu là chỉ dấu của thời điểm hành động đã tới – như cựu Imperial Wizard David Duke đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thực hiện những lời hứa của Donald Trump”. Lời tuyên bố này được đưa ra ngay trước vụ một tay cực hữu ở Charlottesville lái xe tông vào đám đông đang biểu tình chống hận thù và bài chủng tộc cách đây đúng một năm (2017), khiến cho một phụ nữ trẻ phải thiệt mạng.


*Linda Gordon là nhà sử học, đang dạy tại Đại Học New York. Cuốn sách vừa mới xuất bàn của bà mang tên “The Second Coming of the KKK” (Liveright, 288 trang).

Michael dịch từ tiếng Anh ra tiếng Đức. PH-Lam dịch từ tiếng Đức ra tiếng Việt. DIE ZEIT, ngày 26.07.2018.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC