Người Công Giáo có nên chích ngừa Covid-19 hay không?
Hai loại thuốc chủng ngừa Covid-19 được chuẩn thuận: tia hy vọng lóe lên cuối đường hầm
Theo tin tức truyền thông báo chí, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 312.000 người tại Hoa Kỳ và 1,7 triêu người trên thế giới. Các trường hợp nhiễm bệnh ở Hoa Kỳ tăng tốc trung bình hơn 216.000 ca mỗi ngày; số tử vong hàng ngày đã lên tới đỉnh cao nhất là 3.600 vào ngày 16-12-2020, khiến các tiểu bang phải thắt chặt các biệp pháp phòng chống lây lan như ra lệnh cho dân chúng ở nhà (“Stay-St-Home”), hạn chế các sinh hoạt không thiết yếu, và giới nghiêm ban đêm.
Trong bối cảnh u ám đó, sự chuẩn thuận khẩn cấp cho hai loại thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna là tia hy vọng lóe lên cuối đường hầm. Nhưng trong khi các thuốc chủng ngừa Covid-19 bắt đầu được phân phối ở Mỹ và một số quốc gia, thì có các câu hỏi được nêu lên liên quan tới vấn đề thuốc chủng ngừa Covid-19 đã được bào chế từ các tế bào của các bào thai bị phá thai. Vì thế vấn đề đặt ra là người Công Giáo có thể sử dụng thuốc chủng ngừa Covid-19 được chế tạo từ các tế bào của các bào thai bị phá không? Nói cách khác, người Công Giáo có nên chích ngừa Covid-19 hay không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, một cách thuận lý, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu về các loại thuốc chủng ngừa Covid-19 được bào chế như thế nào trước đã.
Hai loại thuốc chủng ngừa Covid-19 đã được FDA chuẩn thuận: Pfizer và Moderna
Vắc-xin ngừa Covid (SHUTTERSTOCK.COM)
Ủy ban cố vấn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bỏ phiếu hôm Thứ Năm 10-12-2020 chuẩn thuận việc sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của hãng Pfizer có trụ sở tại Hoa Kỳ và hãng BioNTech của Đức. Rồi một tuần sau, vào Thứ Năm 17-12-2020, FDA cũng chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của hãng Moderna và Viện Y tế Quốc gia.
Sau khi được FDA chuẩn thuận, hai loại vaccine này đã bắt đầu được phân phối hàng triệu liều, trước tiên dành cho nhân viên y tế và những người tương đối dễ bị tổn thương như cư dân và nhân viên của viện dưỡng lão.
Thuốc chủng Pfizer rất an toàn, hiệu nghiệm và hợp với đạo đức Công Giáo
Hiệp hội quốc tế của các bác sĩ Công Giáo (The International Federation of Associations of Catholic Doctors) đã công bố một bản tường trình giải thích rằng loại vaccine Pfizer thì an toàn cho người sử dụng và không có vấn đề phi đạo đức đối với ngưòi Công Giáo.
Trong bài tóm lược về bản tường trình này, bác sĩ Rok Čivljak, Chủ Tịch của Hội Y Khoa Công Giáo Croatia, đã kết luận rằng loại vaccine này cung cấp 95% bảo vệ chống lại COVID-19, chỉ có rủi ro nhỏ do phản ứng phụ trong ngắn hạn, và không gây ra ảnh hưởng trong dài hạn, hơn nữa “không có ngăn trở người Công Giáo được chích ngừa” vì Pfizer vaccine đã được thử nghiệm và sản xuất sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA), chứ không dùng các tế bào gốc lấy từ các bào thai bị phá thai. Do đó, loại vaccine này khác với loại vaccine do AstraZeneca (AZD1222, tức loại vaccine Oxford), được sản xuất từ các tế bào gốc lấy từ các bào thai bị phá thai ở Hòa Lan trong thập niên 1970. (1)
So sánh vaccine Moderna với vaccine Pfizer
Vắc xin Covid-19 của Moderna (ảnh: Reuters).
Giống như vaccine Pfizer, vaccine Moderna cần được chích hai liều cách nhau khoảng 28 ngày. Vaccine Pfizer chích cho những người từ 16 tuổi trở lên, còn vaccine Moderna dành cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Vaccine của Moderna sử dụng công nghệ tương tự như vaccine Pfizer-BioNTech. Cả hai loại vắc xin này đều sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA). Điều này liên quan đến việc sử dụng các đoạn mã vật liệu di truyền của COVID-19 rèn luyện cho hệ miễn dịch phát hiện và kháng lại virus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) lưu ý rằng vaccine mRNA không sử dụng virus COVID-19 còn sống.
Tiến sĩ Tal Zaks, Giám đốc y tế của Moderna, cho biết mặc dù đều sử dụng cùng một công nghệ mRNA, hai loại vaccine này không giống nhau về một số lipid hoặc chất béo bao bọc vaccine, và về cách thức bảo quản.
Vaccine Moderna cần được bảo quản ở nhiệt độ tủ đông lạnh thông thường, không giống như vaccine Pfizer cần được bảo quản ở nhiệt độ -94 độ F và cần có tủ đông lạnh chuyên dụng hoặc một lượng lớn đá khô. Điều này giúp vaccine Moderna dễ dàng vận chuyển đến các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Các hãng khác đang phát triển vắc xin COVID-19 bao gồm AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Hàng trăm triệu mũi chích vaccine bổ sung sẽ cần thiết để hoàn tất việc chích ngừa cho công chúng, dự kiến phải đến mùa xuân hoặc mùa hè năm sau. Chương trình Operation Warp Speed của chính quyền đã có đơn đặt hàng 200 triệu liều vaccine của Moderna. Đó là chưa kể 100 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech. Các quan chức đang đàm phán để mua thêm vaccine của hãng này.
Giống như loại vaccine Pfizer, vaccine của Moderna sẽ vẫn còn trong thử nghiệm khi hãng tiếp tục thực hiện nghiên cứu kéo dài hai năm để trả lời các câu hỏi chính, bao gồm thời gian bảo vệ kéo dài bao lâu. (2)
Thứ tự ưu tiên được chích thuốc chủng ngừa Covid-19
Vào thượng tuần tháng 12 năm 2020, Ủy Ban Cố Vấn về Thực Hành Chủng Ngừa (Advisory Committee on Immunization Practices) đã đưa ra lịch trình chích ngừa Covid-19 gồm 3 loại ưu tiên sau đây.
-
Ưu tiên nhất dành cho các nhân viên y tế và những người cư dân và nhân viên của viện dưỡng lão – ước lượng khoảng 24 triệu người.
-
Ưu tiên nhì là những người cao niên tuổi 75 và cao hơn, khoảng 20 triệu người, cũng như các nhân viên tuyến đầu, khoảng 30 triệu người. Đây là những người dễ bị lây nhiễm vì thường phải tiếp xúc với nhiều người khác, như lính cứu hỏa và cảnh sát; thầy cô và nhân viên trường học; những công nhân viên làm việc trong lãnh vực thực phẩm, nông nghiệp và sản xuất; các nhân viên cải huấn; nhân viên bưu điện; nhân viên chuyên chở công cộng; và công nhân làm việc ở chợ búa.
-
Ưu tiên thứ ba bao gồm tuổi từ 65 đến 74, khoảng 30 triệu người; những người tuổi từ 16 đến 64 có sẵn các bệnh như béo phì và ung thư là những người có nguy cơ cao nếu nhiễm phải Covid-19, khoảng 110 triêu người; và các loại công nhân cần thiết khác, khoảng 57 triêu người, bao gồm các công nhân cung cấp dịch vụ ẩm thực và các công nhân tiện ích, các nhân viên trong lãnh vực pháp lý, tài chánh và truyền thông báo chí. (3)
Những điều cần biết về thuốc chích ngừa Coronavirus/ 20 câu vấn đáp về COVID-19 vaccine
Ngày 14/12/2020 là một ngày lịch sử trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi những mũi vaccine đầu tiên đã được tiêm cho các nhân viên y tế khắp nước Mỹ.
BS Wynn Tran viết bài “20 Câu hỏi & trả lời về Covid-19 vaccine” để trả lời 20 câu hỏi thường gặp về vaccine Covid-19 dựa trên các khuyến cáo về vaccine gần đây nhất của CDC và bài nghiên cứu đăng trên trên NEJM. Lưu ý là các khuyến cáo này có thể thay đổi.
1. Vaccine là gì? Vaccine mRNA của Pfizer là gì?
- Là cách chúng ta tập cho hệ miễn dịch của chúng ta quen với virus/vi khuẩn một cách nhân tạo. Khi virus hay vi khuẩn thật xuất hiện thì chúng ta đã có kháng thể đặc hiệu để giảm tổn thương do các virus hay vi khuẩn gây ra.
- Vaccine Covid-19 mRNA Pfizer là vaccine dùng công nghệ mới, lấy một phần nhỏ mã di truyền (mRNA) của virus Sars-Cov-2, để chích vào cơ thể người. Phần mã này chịu trách nhiệm tạo ra cầu gai ở bề mặt virus giúp bám vào tế bào người. Khi chích vào cơ thể, các tế bào kháng thể sẽ tạo ra các protein giống cầu gai virus, từ đó tạo ra kháng thể đặc hiệu vào các cầu gai này.
- Khi virus Sars-cov-2 thật xuất hiện, các kháng thể đặc hiệu sẽ bám vào, trung hòa virus và giảm thiểu khả năng nhân đôi, từ đó giảm bệnh nặng Covid-19.
- Vaccine mRNA của Pfizer cần 2 lần chích cách nhau 3 tuần để phát huy tác dụng tối đa.
2. Chích vaccine mRNA có làm thay đổi gene DNA của bệnh nhân? - Không. Đây là một phần rất nhỏ gen trích từ virus và sẽ bị đào thải sau tế bào miển dịch dùng để tạo ra proten cầu gai. Việc chích vào không ảnh hưởng đến DNA.
3. Làm sao phân biệt giữa nhiễm virus Sars-Cov-2 và mắc bệnh Covid-19?
- Phần lớn bệnh nhân nhiễm virus sẽ tự phục hồi, chỉ một số ít có triệu chứng nặng phải nhập viện, và số ít trong số đó tử vong. Do vậy, nhiễm virus Sars-Cov-2 không nghĩa là có bệnh Covid-19, được định nghĩa là có các triệu chứng về hô hấp, mệt mỏi, đau nhức hoặc nặng hơn cần phải nhập viện
4. Vaccine Covid-19 có giảm rủi ro mắc bệnh Covid-19?
- Có. Nghiên cứu lâm sàng chỉ ra chích ngừa vaccine mRNA giảm rủi ro bị bệnh nặng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi chích liều đầu tiên thì bệnh nhân đã có thể phát triển kháng thể đặc hiệu, giảm trên 50% rủi ro phát triển bệnh và đến giảm đến 95% rủi ro mắc bệnh sau khi chích liều thứ hai.
- Tuy nhiên, nghiên cứu không chỉ ra giảm rủi ro bị nhiễm virus Sars-cov-2 hay giảm rủi ro lây truyền virus cho người khác. Dù vậy, ở góc độ miễn dịch học, khi cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu chống virus thì khả năng bị nhiễm virus và lây lan cho người khác có thể sẽ giảm theo do mật độ virus giảm hẳn.
5. Vaccine mRNA có an toàn?
- Có. Dựa trên dữ liệu giai đoạn 3 gần 40,000 người tham dự, FDA đã cho phép sử dụng vaccine này trong tình huống khẩn cấp.
6. Ai nên chích?
- Theo FDA khuyến cáo thì tất cả mọi người trên 16 tuổi nên chích. Hiện nay, do lượng cung cấp vaccine giới hạn nên vaccine dành cho nhân viên y tế và người lớn tuổi tại các viện dưỡng lão. Trong vài tuần tới, sẽ có thêm vaccine cung cấp cho nhiều người tại văn phòng BS, tiệm thuốc, bệnh viện, và các nơi khác. Mục tiêu là tất cả mọi người sẽ được chích vaccine.
7. Các triệu chứng nào có thể gặp sau khi chích vaccine?
- Đau nhức chỗ chích hay cảm giác như bị cảm, sốt nhẹ, đau nhức. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang học cách phản ứng với các protein cầu gai được tạo ra.
8. Chích vaccine rồi vẫn có thể lây bệnh cho người khác?
- Có thể vì như tôi giải thích ở trên, vaccine chỉ ngăn ngừa việc nhiễm virus Sars-cov-2 phát triển thành bệnh Covid-19 chứ không hẳn là giảm khả năng lây lan hay nhiễm virus mặc dù khả năng lây nhiễm sẽ thấp hơn sau khi chích vaccine.
9. Chích vaccine rồi có nên giữ khoảng cách, rửa tay, và đeo khẩu trang?
- Có. Vẫn phải làm cho đến khi đại dịch kiểm soát hoàn toàn, khi chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng.
10. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú có nên chích không?
- Có. Trong khi nghiên cứu của Pfizer không thử nghiệm vaccine trên phụ nữ mang thai và cho con bú, Hội BS sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) vừa ra khuyến cáo đồng ý phụ nữ có thai và đang cho con bú chích vaccine.
11. Đang bị bệnh Covid-19 thì có nên chích vaccine hay không?
- Không. Bệnh nhân nên đợi hết các triệu chứng của Covid-19 rồi chích vaccine. Các nghiên cứu chỉ ra khả năng tái nhiễm rất thấp trong vòng 90 ngày sau khi nhiễm bệnh Covid-19 nên bệnh nhân có thể đợi hết 90 ngày rồi chích vaccine, mặc dù thực tế bệnh nhân có thể chích ngay khi hết bệnh Covid-19 (không còn bằng chứng virus qua test PCR).
12. Đã khỏi bệnh Covid-19 có nên chích không?
- Có. Vì khả năng tái nhiễm là có thể và khả năng phát triển bệnh nặng hơn có thể giảm bằng vaccine nên CDC vẫn khuyên người đã khỏi bệnh Covid-19 vẫn nên chích.
13. Chích vaccine sẽ bảo vệ trong bao lâu? có cần chích lần nữa vào năm sau?
- Hiện nay nghiên cứu chỉ ra ít nhất là hai tháng mặc dù thực tế có thể kéo dài lâu hơn. Hãng Pfizer đang tiếp tục theo dõi khả năng miễn dịch của các bệnh nhân sau khi chích.
14. Có cần phải chích cả mũi 2 vaccine?
- Có. Để có hiệu quả tốt nhất
15. Bị dị ứng có nên chích vaccine?
- Có. Trừ khi bệnh nhân bị dị ứng nặng như đã có tiền sử sốc phản vệ, phải mang theo "bút" chống phản vệ Epipen thì bệnh nhân nên thảo luận với BS để quyết định có nên chích hay không. Hiện nay CDC vẫn khuyến cáo chích vaccine với người bị dị ứng nặng và cần theo dõi kỹ hơn sau khi chích (30 phút so với 15 người ở người bình thường)
16. Bị méo mặt (Bell's palsy) có phải do chích vaccine?
- 4 người tham gia vaccine bị méo mặt trong khoảng 3 đến 48 ngày sau khi chích. Tỉ lệ này là tương đương với tỉ lệ thường bị Bell's palsy trong dân số và FDA cho rằng vaccine không phải là nguyên nhân gây ra.
17. 6 người tử vong trong khi thử nghiệm Covid-19 do đâu?
- Theo báo cáo thì có 4 người tử vong trong nhóm giả dược, không chích thuốc, và 2 người tử vong trong nhóm chích thuốc, do đột quỵ và đau tim. Tỉ lệ là 2/18,000. Hiện nay tỉ lệ tử vong do đột quỵ và bệnh tim mạch trong dân số Mỹ là 45/100,000 người (thống kê từ CDC), tức khoảng 8/18,000 người. Do đó, tỉ lệ tử vong 2 người trên 18,000 người tham gia nghiên cứu còn thấp hơn tỉ lệ tử vong do đột quỵ/bệnh tim ở ngoài.
- Nói cách khác, tử vong khi tham gia thử nghiệm không liên quan đến tiêm vaccine.
18. Có phải Vaccine sẽ kết thúc đại dịch?
-Vaccine chỉ là một phần quan trọng trong việc chống đại dịch. Chúng ta cần làm nhiều thứ chung để cùng nhau chống dại dịch này như giảm lây lan, giữa khoảng cách, rửa tay, đeo khẩu trang, và quan trọng nhất là tạo ra hệ miễn dịch tốt.
19. Khi nào dịch Covid-19 sẽ hết tại Mỹ?
- Sẽ mất thêm một thời gian, ít nhất là đến hè năm sau khi chúng ta có miễn dịch cộng đồng (khoảng 75% dân số đã có kháng thể với virus) thì virus sẽ không thể lây lan. Vì vậy, chích ngừa vaccine là một trong những cách hữu hiệu nhất để mau chóng xây miễn dịch cộng đồng.
20. Xét nghiệm sau khi chích vaccine sẽ như thế nào?
- Sẽ thấy sự có mặt của kháng thể IgM/IgG cho thấy cơ thể đã có miễn dịch với virus Sars-Cov-2. Lưu ý là xét nghiệm tìm virus PCR sẽ không bị ảnh hưởng sau khi chích vaccine vì bệnh nhân vẫn có thể bị nhiễm virus, nhưng ít khả năng phát triển thành bệnh nặng.
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ (4)
Thuốc chủng ngừa Covid-19 và vấn đề đạo đức sinh học
Như đã đề cập ở trên, vài loại thuốc chủng ngừa Covid-19 đã được bào chế từ các tế bào của các bào thai bị phá thai, và do đó đã làm dấy lên sự quan tâm của một số chức sắc trong Giáo Hội về vấn đề đạo đức sinh học của các loại thuốc chủng đó. Theo tín lý và đạo đức Công Giáo, phá thai là tội ác lớn đến nỗi bất cứ sự liên hệ nào với tội ác này, dù liên hệ rất xa, đều là vô luân mà người Công Giáo không thể nào chấp nhận được trong bất cứ hoàn cảnh nào, một khi đã biết rõ sự liên hệ đó. Người dùng các loại thuốc chủng này phải ý thức rằng thân thể của họ đang thủ lợi từ “hoa trái” của một tội ác lớn nhất của nhân loại. (5)
Vậy vấn đề đặt ra là người Công Giáo có thể sử dụng thuốc chủng ngừa Covid-19 được chế tạo từ các tế bào của các bào thai bị phá không? Nói cách khác, người Công Giáo có nên chích ngừa Covid-19 hay không?
Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: có thể được phép sử dụng thuốc chủng ngừa Covid-19 liên quan với bào thai bị phá thai trong trường hơp chưa có một vắc-xin khác hoàn toàn không liên quan đến phá thai.
Cha Kevin C. Rhoades, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin của USCCB / YouTube
Hội Đồng Giám MụcCông Giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã công bố rằng “có đủ các lý do rất chính đáng để biện minh cho việc chấp nhận thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna, bất chấp mối liên quan xa của chúng với các tế bào của các bào thai bị phá thai.” Các giám mục còn thêm rằng việc chích các loại thuốc chủng ngừa đó là “một hành vi yêu thương người lân cận và là một phần trong trách nhiệm luân lý đối với thiện ích chung.”
Trong bản tuyên ngôn mang tựa đề “Moral Considerations Regarding the new COVID-19 Vaccines” (Các quản ngại luân lý liên quan đến các thuốc chủng ngừa COVID-19 mới) công bố hôm 14/12/2020, Đức Cha Kevin C. Rhoades, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin (chairman of the USCCB Committee on Doctrine), và Đức Tổng Giám mục Joseph F. Naumann, Chủ tịch Ủy ban Các hoạt động ủng hộ sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (chairman of the USCCB’s Committee on Pro-Life Activities), nhấn mạnh rằng về mặt luân lý, giáo dân được phép sử dụng thuốc chủng ngừa do Pfizer và Moderna bào chế từ các tế bào của các bào thai bị phá thai. Các lý do được nêu ra là do tình trạng khẩn thiết của cuộc khủng hoảng sức khỏe, “việc chưa có các vắc-xin khác và thực tế là mối liên hệ giữa việc phá thai xảy ra nhiều thập kỷ trước và việc nhận vắc-xin được sản xuất ngày nay là mối liên hệ xa, việc tiêm vắc- xin Covid-19 trong những trường hợp này có thể chính đáng về mặt đạo đức”.
Về trách nhiệm đạo đức của những người chỉ đơn thuần là người nhận vắc-xin, Tòa Thánh khẳng định “một căn bệnh trầm trọng có thể biện minh cho việc sử dụng vắc-xin được phát triển bằng các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, đồng thời lưu ý rằng mọi người có trách nhiệm nêu rõ sự bất đồng của họ và yêu cầu hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ cung cấp các loại vắc-xin khác”.
Theo các Giám mục Hoa Kỳ, mặc dù cả ba loại vắc-xin do Pfizer, Moderna và AstraZeneca sản xuất, hiện đã có mặt ở Hoa Kỳ, có một số mối liên hệ với các dòng tế bào kết nối với bào thai bị phá thai, nhưng việc sử dụng chúng sẽ là chính đáng về mặt đạo đức nếu xét đến hoàn cảnh hiện tại. Đó là: hiện tại, chưa có một vắc-xin khác “hoàn toàn không liên quan đến phá thai”, nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và quan trọng nhất là nhu cầu bảo vệ những người dễ bị tổn thương hơn khỏi căn bệnh này.
Các giám mục cũng lưu ý rằng vắc-xin AstraZeneca có “vấn đề về đạo đức hơn”, do đó nên tránh dùng nếu có những lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, nếu “một người không thực sự có sự lựa chọn về vắc-xin, ít nhất là sự trì hoãn lâu dài việc tiêm chủng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của mình và sức khỏe của người khác, thì có thể được phép sử dụng nó”.
Đồng thời các giám mục nhắc các tín hữu không được để cho bản chất vô đạo đức của việc phá thai bị lu mờ bởi việc sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19, không được giảm nhẹ quyết tâm “chống lại tệ nạn phá thai và việc sử dụng các tế bào thai nhi để nghiên cứu”. (6)
Quan điểm của Tòa Thánh Vatican: các vắc-xin ngừa Covid được chấp nhận về mặt đạo đức khi không có một sự lựa chọn nào khác
Bộ Giáo lý Đức tin xác định: có thể chấp nhận về mặt đạo đức các vắc-xin được điều chế từ các dòng tế bào lấy từ hai bào thai bị phá thai nếu chúng ta đang ở trong tình trạng có virus lây lan không ngăn chặn được và không có một sự lựa chọn nào khác.
Ngày 21/12/2020, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành thông tư “Tính đạo đức của việc sử dụng một số vắc-xin ngừa Covid-19”, trong đó khẳng định rằng trong đại dịch này, việc sử dụng các vắc-xin được điều chế bằng cách sử dụng các dòng tế bào lấy từ hai bào thai bị phá thai vào thập niên 1960 là có thể chấp nhận về mặt đạo đức.
Theo Bộ Giáo lý Đức tin, khi vì nhiều lý do khác nhau, các vắc-xin ngừa Covid “hoàn toàn không có vấn đề về mặt đạo đức” chưa có sẵn, thì việc tiêm vắc-xin được điều chế bằng việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá thai là “có thể chấp nhận về mặt đạo đức”.
Tài liệu của Bộ giải thích rằng việc cộng tác vào tội ác phá thai, trong trường hợp này là người tiêm vắc-xin, là tương quan “xa” và nghĩa vụ đạo đức phải tránh cộng tác này “không có tính ràng buộc” nếu chúng ta đang ở trong tình trạng có virus lây lan không ngăn chặn được, như trong đại dịch Covid-19. Do đó, “trong trường hợp này, tất cả các loại vắc xin được công nhận là an toàn và hiệu quả về mặt lâm sàng đều có thể được sử dụng với nhận thức rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không có nghĩa là hợp tác chính thức vào việc phá thai mà từ đó các tế bào được dùng sản xuất vắc-xin được lấy”.
Bộ Giáo lý Đức tin cũng nói rõ rằng việc sử dụng các vắc-xin này không làm cho việc phá thai trở thành hợp pháp và cũng không phải là chấp thuận về mặt đạo đức việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá.
Trong khi nhắc rằng dù chủng ngừa Covid không phải là nghĩa vụ đạo đức, Thánh Bộ nhấn mạnh đến việc tiêm chủng vì lợi ích chung, đặc biệt là để bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị lây nhiễm nhất. Nếu từ chối tiêm chủng vì lý do lương tâm thì phải cố tránh trở thành tác nhân lây nhiễm. (7)
Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi ưu tiên vaccine cho người nghèo, dễ gặp nguy hiểm
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Thông Điệp Ngày Giáng Sinh 25-12-2020, đã kêu gọi giới hữu trách hãy cung cấp vaccine cho tất cả mọi người, và cũng nhấn mạnh rằng ưu tiên phải dành cho những người dễ gặp nguy hiểm và nghèo khó nhất.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu: “Vaccine là cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ gặp nguy hiểm nhất và người nghèo nhất.” Đức Giáo Hoàng cũng gọi vaccine ngừa COVID-19 là “tia hy vọng” của thế giới.
Đức Giáo Hoàng nói: “Chúng ta không thể để tinh thần quốc gia chủ nghĩa khép kín ngăn cản không cho chúng ta sống như một gia đình nhân loại thực sự”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi giới lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, giới doanh gia và các tổ chức quốc tế hãy “khuyến khích có sự hợp tác, thay vì là cạnh tranh, để tìm một giải pháp cho tất cả mọi người.” (8)
ĐTC Phanxicô ban phép lành ‘Urbi et Orbi’ Dec. 25, 2020. Credit: Vatican Media.
Quan điểm trung dung: tốt hơn nên chích thuốc chủng ngừa Covid-19 không chế tạo từ bào thai bị phá thai nếu có sẵn
Theo tin tức truyền thông báo chí, chính phủ Morrison của Úc đã ký một thoả thuận trị giá 24.7 triệu dollars với đại công ty dược phẩm AstraZeneca để cung cấp vắcxin chống Covid-19 miễn phí cho mọi công dân Úc. Vì vắcxin này được chế tạo từ tế bào phôi thai của bào thai bị phá thai, nên 3 vị Tổng Giám Mục của Công Giáo Sydney, Anh Giáo Sydney và Chính Thống Giáo New South Wales đã gửi thư cho Thủ tướng Morrison yêu cầu lưu ý tới những vắcxin không chế tạo từ tế bào phôi thai của bào thai bị phá thai.
Tờ báo The Guardian trích dẫn lời Đức Tổng Giám Mục Fisher giải thích trên Facebook của ngài: “Điều hết sức ích lợi cho cộng đồng là việc chích ngừa được tiếp nhận một cách rộng rãi và chứng bệnh gây tử vong này bị đánh bại, nhưng điều này sẽ đạt được cách tốt hơn nếu các vắcxin có sẵn không tạo ra thế lưỡng nan đạo đức”.
Thế lưỡng nan đó là: cứu sống (vắcxin) bằng cách diệt sống (phá thai). Tuy nhiên, phải đọc câu trên một cách thận trọng: tốt hơn nên sử dụng vắc xin không chế tạo từ tế bào phôi thai người nếu có sẵn. Còn nếu không có sẵn, đạo đức sinh học đâu có buộc không được sử dụng vắcxin chế tạo từ phôi thai người để cứu người. (9)
Quan điểm chống đối thuốc chủng chích ngừa Covid-19 được chế tạo từ bào thai bị phá thai
Trong một tuyên cáo ngày 12-12-2020, Đức Giám Mục Athanasius Schneider, Giám Mục Phụ Tá thuộc tổng giáo phận Saint Mary ở Astana, đồng ký tên với Đức Hồng Y Janis Pujats, Giám Mục Joseph Strickland, và Tổng Giám Mục Tomash Peta và Giám Mục Jan Pawel Lenga, đã cực lực phản đối tính cách vô luân của các thuốc chủng có liên quan tới tế bào của bào thai bị phá thai, dù được dùng bên trong thuốc chủng hay được dùng trong các giai đoạn thử nghiệm. Bản tuyên cáo viết rằng “Thuốc chủng ngừa được bào chế từ các tế bào của các thai nhi chưa sinh ra mà bị phá thai là một thảm họa rõ ràng trong bản chất và có thể coi như dấu hiệu của quái vật (xem KH. 13,16)”.
Bản tuyên cáo cũng bác bỏ các lập luận của một số giám mục trên thế giới cho rằng các loại thuốc chủng đó có thể chấp nhận được về mặt luân lý nếu không có sự lựa chọn nào khác, là tự mâu thuẫn với tín lý Công Giáo coi sự phá thai là trọng tội, và không thể chấp nhận đối với người Công Giáo.
Bản tuyên cáo kết luận rằng “Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện.” (10)
Tóm kết
Người Công Giáo được Giáo Hội khuyến khích nên chích ngừa Covid-19 nếu thuốc chủng ngừa Covid-19 không bào chế từ tế bào của bào thai bị phá thai. Giáo hội đã ủng hộ việc phát triển các loại vắc-xin không có liên quan đến các dòng tế bào có nguồn gốc từ bào thai bị phá thai. Nhưng trong trường hợp không thể có sự lưa chọn nào khác, các tín hữu vẫn có thể chích các loại vắc-xin được bào chế từ các dòng tế bào của các bào thai bị phá thai, nhưng phải ý thức rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không có nghĩa là hợp tác chính thức vào việc phá thai mà từ đó các tế bào được dùng sản xuất vắc-xin được lấy.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng 2 loại thuốc chủng của Moderna và Pfizer là 2 loại thuốc không bào chế từ các bào thai bị phá thai, mặc dù các tế bào của bào thai bị phá thai đã được dùng trong gia đoạn đầu thử nghiệm. Còn 3 loại thuốc chủng khác do các hãng bào chế AstraZeneca cộng tác với Oxford University, Johnson & Johnson, và Novavax, đều là các sản phầm dùng các dòng tế bào có nguồn gốc từ bào thai bị phá thai. (11)
Hồng Ân - Lễ Thánh Gia 2020
Cước Chú:
-
Nguồn: The Pfizer vaccine: Is it safe and ethical?
-
Tổng hợp từ 2 nguồn tin sau đây:
- Nguồn: Vaccine Moderna COVID-19 được FDA chấp thuận sử dụng khẩn cấp https://etviet.com/us/vaccine-moderna-covid-19-duoc-fda-chap-thuan-su-dung-khan-cap.html
- Nguồn: US clears Moderna vaccine for COVID-19, 2nd shot in arsenalhttps://apnews.com/article/health-michael-pence-coronavirus-pandemic-coronavirus-vaccine-0689620e4207b39cfbbf301f02b6b843
(3) Nguồn: People 75 and older and essential workers next in line for vaccine, panel says
(4) Nguồn: 20 Câu hỏi & trả lời về Covid-19 vaccine từ BS Wynn Tran
https://www.facebook.com/DrWynnTran
(5) Nguồn: On the moral illicitness of the use of vaccines made from cells derived from aborted human fetuses
(6) Tổng hợp từ 3 nguồn tin sau đây:
- Nguồn: US bishops endorse abortion-tainted COVID vaccine: ‘an act of love of our neighbor’
-
Nguồn: Các giám mục Mỹ làm rõ hơn quan điểm của Giáo hội về vắc-xin ngừa Covid-19
-
Nguồn: US Bishops further clarify Church’s position on Covid-19 vaccine
(7) Tổng hợp từ 3 nguồn tin sau đây:
- Nguồn: Bộ Giáo lý Đức tin xác định: các vắc-xin ngừa Covid được chấp nhận về mặt đạo đức
-Nguồn: US bishops endorse abortion-tainted COVID vaccine: ‘an act of love of our neighbor’
-Nguồn: Vatican's doctrinal congregation on ethics of Covid vaccines: Looks at duty to pursue common good
(8) Tổng hợp từ 2 nguồn tin sau đây:
- Nguồn: Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi ưu tiên vaccine cho người nghèo, dễ gặp nguy hiểm
-Nguồn: In Christmas Message, Pope Francis Urges Coronavirus 'Vaccines For All'
(9) Nguồn: Tổng Giám Mục Anthony Fisher minh giải lá thư của ngài về việc Ú chọn vắcxin chế tạo từ tế bào phôi thai người bị phá thai
http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/258225
(10) Tổng hợp từ 2 nguồn tin sau đây:
- Nguồn: On the moral illicitness of the use of vaccines made from cells derived from aborted human fetuses
-Nguồn: US bishops endorse abortion-tainted COVID vaccine: ‘an act of love of our neighbor’
(11) Nguồn: What connection does Moderna’s vaccine have to aborted fetal tissue?