Chương Trình Cải Tổ Bộ Máy Hành Chánh Vatican Đã Tới Đâu?

05/07/20189:35 CH(Xem: 2188)
Chương Trình Cải Tổ Bộ Máy Hành Chánh Vatican Đã Tới Đâu?
Chương Trình Cải Tổ Bộ Máy Hành Chánh Vatican Đã Tới Đâu?
 

Kilian Martin (Katholisch.de, ngày 18.06.2018)

Phạm Hồng-Lam dịch


Cho tới nay, sau 5 năm và 25 cuộc họp, Ủy Ban Cải Tổ - (ở Đức) thường được gọi là Nhóm K9 - gồm 9 vị giáo trụ (Kardinal, hồng i) của giáo tông Phan-sinh đã đầu tư 450 tiếng đồng hồ cho công việc của họ. Chưa biết tới bao giờ nhiệm vụ của K9 mới kết thúc. Nhưng giờ đây họ đã tiến gần tới hơn mục tiêu của mình, vì qua cuộc họp vừa rồi họ đã trao cho Giáo Tông bản Dự Thảo Hiến Chế về sinh hoạt và điều hành các cơ quan trung ương (mà xưa nay chúng ta vốn gọi là „giáo triều“) tại Roma.


Một nhận thức mới về cơ cấu trung ương của Giáo Hội


Bản dự thảo Hiến Chế mang tên „Praedicate Evangelium“ („Hãy Loan báo Tin Mừng“). Đây là tâm điểm của toàn bộ dự án cải tổ của giáo tông Phan-sinh, vì nó sẽ đặt nền tảng cho lề lối sinh hoạt và đồng thời làm cho Vatican mang một bộ mặt mới. Hiện tại Vatican sinh hoạt và tổ chức dựa trên nền tảng Hiến Chế „Pastor bonus“ năm 1988 của giáo tông Gio-an Phao-lô II. Trước đó năm 1967, sau khi kết thúc Công Đồng, giáo tông Phao-lô VI. cũng đã một lần cải tổ toàn diện bộ máy trung ương ở Vatican.

Để thực hiện chương trình đổi mới bộ máy hành chính của mình, vào tháng Tư năm 2013, một tháng sau khi được bầu vào vị trí lãnh đạo, giáo tông Phan-sinh đã thành lập một Uỷ Ban Cố Vấn (UBCV) riêng, khởi đầu gồm tám vị giáo trụ. Sự hiện diện của Giuseppe Bertello trong Uỷ Ban, người lúc đầu chỉ là một giáo trụ trong bộ máy trung ương về sau là Chủ Tịch Uỷ Ban Quốc Gia („Thủ Tướng“ của thành quốc Vatican) được hiểu như là dấu chỉ dứt khoát của Giáo Tông, muốn cải tổ triệt để bộ máy hiện hành. Bước sang năm 2014 có chút thay đổi: trong tháng Hai giáo trụ George Pell, Tổng Giám Mục của Sydney (Úc), được đưa về Roma và giáo trụ Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin trở thành thành viên chính thức của Uỷ Ban. Sáu trong chín vị trong Uỷ Ban vốn đã hoặc đang là những giám mục sinh hoạt tại các giáo phận.    


Các thành viên Uỷ Ban Cải Tổ


Ngay trong cuộc họp đầu vào tháng Chín năm 2013 giáo tông Phan-sinh nhấn mạnh, mục tiêu của Uỷ Ban là rà xét lại toàn bộ Hiến Chế „Pastor bonum“. Tuy nhiên trên con đường dẫn tới mục tiêu đó việc cải tổ cho tới nay diễn ra như một tiến trình kinh qua nhiều bước lớn nhỏ. Do đó, ngay sau cuộc họp thứ ba, Uỷ Ban đã đệ trình một kế hoạch cải tổ lớn đầu tiên. Tháng Hai 2014 giáo tông Phan-sinh cho thành lập Hội Đồng Kinh Tế dưới sự lãnh đạo của giáo trụ Reinhard Marx, Tổng Giám Mục giáo phận München-Freising (Đức) và một Văn Phòng Kinh Tế trực thuộc. Văn Phòng này có vị trí ngang với một Bộ và do giáo trụ George Pell điều hành. Hai cơ quan mới này có nhiệm vụ gấp rút giúp tái lập trật tự cho sinh hoạt kinh tế của Vatican, một lãnh vực vốn mang nhiều tai tiếng và xưa nay ít được Vatican quan tâm.

Một tháng sau, ra đời thêm Uỷ Ban Giáo Tông Bảo Vệ Trẻ Em (UBGTBVTE), do giáo trụ Séan O´Maley, TGM Boston (Hoa-kì) và là một thành viên của K9, điều khiển. Sự hình thành sớm sủa hai cơ cấu này cho thấy đó là hai đề tài tâm điểm của chương trình cải tổ…

Tháng Sáu 2015 lại có một bước quan trọng – và lần này cũng liên quan tới việc lạm dụng tình dục. Theo yêu cầu của UBGTBVTE và đề nghị của UBCV Giáo Tông thông báo sẽ lập một Toà Án Thuộc Bộ Tín Lí mới. Toà này sẽ xét xử những giám mục trễ nại trong việc điều tra các phần tử lạm dụng thuộc quyền của mình hoặc quá dễ dãi với họ. Nhưng cho tới nay Toà này vẫn chưa được thành lập. Thay vào đó, một năm sau, Giáo Tông cho phổ biến những luật lệ mới, theo đó những giám mục nào không chu toàn bổn phận mục tử của mình trong lãnh vực lạm dụng có thể bị cất chức giám mục. Những định lệ này cũng được áp dụng tại các Bộ khác.


Cải tổ truyền thông, một công tác lớn


Một đề tái quan trọng thứ ba trong tiến trình cải tổ là việc tổ chức lại các cơ quan truyền thông khác nhau tại Vatican. Văn Phòng Truyền Thông được thành lập ngày 27 tháng Sáu nằm 2015, để thống hợp bảy toà soạn khác nhau, Văn Phòng Báo Chí và Hội Đồng Giáo Tông Về Truyền Thông lại với nhau. Đây là một trong những công tác cải tổ, mà theo nhiều nhà quan sát, nặng nề khó khăn nhất trong toàn bộ chương trình đổi mới. Dario Vigano, cho tới lúc đó là Giám Đốc công ti sản xuất phim truyền hình CTV ở Vatican, được uỷ việc lãnh đạo Văn Phòng mới này.

Tháng Tám 2016 có thêm hai cải tổ về mặt định chế. Chỉ trong vòng vài ngày Vatican loan báo sự ra đời của hai Bộ mới: Một Bộ có liên quan tới „giáo dân, gia đình và sự sống“; một Bộ khác „phục vụ việc phát triển toàn diện của con người“. Hai Bộ lớn này chủ yếu là thu gộp lại những cấu trúc vốn đã sẵn có. Bộ Phát Triển tiếp nối công việc của các hội đồng Công Lí Và Hoà Bình, Tuyên Uý Người Di Cư Tị Nạn, Tuyên Uý Bệnh Nhân và Hội „Đồng Tâm“ (Cor unum). Bộ Giáo Dân mới tiếp tục các công việc của Hội Đồng về Giáo Dân và Hội Đồng Về Gia Đình.


Một bước tiến về phía tản quyền


Bước tiếp, không mấy rầm rộ dưới con mắt của thiên hạ, diễn ra trong tháng Chín 2017. Với tự sắc „Magnum principium“ giáo tông Phan-sinh cho phép các hội đồng giám mục địa phương có quyền rộng rãi hơn trong việc phiên dịch các bản văn phụng vụ. Điểm này thoạt nhìn chẳng có liên hệ gì với cuộc cải tổ cơ cấu trung ương, nhưng đây là một bước quan trọng mang tính nền tảng của chương trình cải tổ: Tản quyền. Giáo tông Phan-sinh không muốn quyết định nào cũng phải từ Vatican cả, ngài muốn các Giáo Hội tại địa phương có nhiều quyền quyết định hơn.

Để đẩy mạnh ý hướng này, một tháng sau đó, Giáo Tông đã cho tái tổ chức Văn Phòng Quốc Vụ Khanh. Văn phòng này vốn gồm hai Ban: Ban công tác tổng quát – tương đương với nội các chính quyền – và Ban liên lạc với các quốc gia – tương đương với bộ ngoại giao; nay có thêm một ban nữa: Ban này có nhiệm vụ liên lạc thông tin với các toà sứ của Toà Thánh trên khắp thế giới, để qua đó có được những thông tin nhanh chóng và những trao đổi tốt đẹp giữa Roma và Giáo Hội hoàn vũ.

Trong khi sự thành lập Ban mới này được nhiều người, đặc biệt là chính các vị khâm sứ toà thánh, coi là một thành công, thì trong 5 năm qua Giáo Tông và các cố vấn của ngài cũng đã gặp phải một số thất bại. Chẳng hạn như nơi việc cải tổ truyền thông, một công tác xem ra quá khó khăn hơn dự tưởng; ở đây Giáo Tông đã thiếu may mắn về vấn đề nhân sự.


Thiếu may mắn về nhân sự


Đầu năm 2018 giáo tông Phan-sinh mất vị Giám Đốc Văn Phòng Truyền Thông của mình là Vigano. Ông đã phải từ chức vì vụ lấp liếm nội dung lá thư của cựu giáo tông Biển-đức XVI. Ngay từ tháng Sáu 2017 Giáo Tông đã phải nhận đơn tạm từ chức của giáo trụ Pell, Chủ Tịch Văn Phòng Kinh Tế. Từ mùa thu năm ngoái, giáo trụ Pell cũng đã không còn tham gia các buổi họp nữa, vì ông phải ở lại Úc hầu toà vì bị tố cáo lạm dụng tình dục. Giáo trụ Francisco Javier Errazuriz Ossa, một thành viên K9 khác, cũng đang gặp sức ép càng ngày càng nặng nề tại quê hương Chí-lợi liên quan tới những tai tiếng lạm dụng tình dục. Các nạn nhân tố cáo ông đã cố tình bao che những người phạm pháp dưới quyền mình.

UBCV quả đã đạt được nhiều thành quả thực tế quan trọng trong việc cải tổ bộ máy hành chính. Tuy nhiên đó chỉ mới là một nhát cắt của những gì họ đã bàn bạc trong 25 cuộc họp. Nhiều đề tài đã được truyền thông đề cập tới nhưng tới nay vẫn chưa có được kết quả cụ thể. Chẳng hạn người ta vẫn thường nghe nói tới vai trò càng ngày càng quan trọng của giáo dân trong tiến trình đề cử giám mục. Và yêu cầu cần phải tăng gia sự có mặt của phụ nữ và giáo dân trong bộ máy nhân sự ở Vatican. Những điều này cho tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả.

Nhất là, sau 25 phiên họp, vẫn chưa thấy có những thay đổi nơi các Bộ, Ban. Rõ ràng UBCV đã bàn thảo cặn kẽ về các lĩnh vực công tác, về lề lối làm việc và nhất là về bộ mặt mới phải có của các cơ quan. Uỷ Ban đã rất nhiều lần mời chủ tịch các Bộ liên hệ tới thảo luận trực tiếp hoặc yêu cầu họ cung cấp phúc trình về cơ quan mình.

Những cuộc họp bàn thu thập ý kiến nay đã xong và nội dung của chúng đang được nhóm K9 cụ thể hoá. Điều này ta thấy trước hết qua bản dự thảo về nội quy nền tảng mới cho bộ máy hành chính của Vatican được nhóm trao cho Giáo Tông sau cuộc họp vừa rồi. Hẳn bản dự thảo này, cũng như bản Hiến Chế năm 1988 đang hiệu lực, trước hết là một nỗ lực nhằm đưa bộ máy hành chính thích ứng với những đòi hỏi mới của thời đại. Thời đại thông tin tân tiến với những vấn đề xã hội và những khả thể mới đặt ra cho các cơ quan hành chính của Toà Thánh những nhiệm vụ và công tác mới. Làm sao để thu xếp phân định chúng cách hợp lí và hữu hiệu, đó có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của UBCV. Sau năm năm và hai mươi lăm cuộc họp giờ đây xem ra họ đã tiến gần tới mục đích.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC