Đại hội thành lập phong trào giáo dân Việt Nam hải ngoại

18/08/201712:05 SA(Xem: 8888)
Đại hội thành lập phong trào giáo dân Việt Nam hải ngoại
HIẾN CHƯƠNG THÀNH LẬP
PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI

1. DANH HIỆU, MỤC ĐÍCH VÀ TRỤ SỞ

  1. Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại là một tổ chức tự nguyện, quy tụ những giáo dân Việt nam hải ngoại ý thức sứ mệnh giáo dân theo tinh thần Công đồng Vatican II, sẵn sàng dấn thân phục vụ Giáo hội và canh tân xã hội theo học thuyết xã hội Công giáo và truyền thống dân tộc, chấp nhận hiến chương và nội quy của phong trào.
  2. Sinh hoạt của phong trào nhằm:

  • Đào tạo bản thân cán bộ giáo dân về đời sống siêu nhiên và nhân bản.
  • Phục vụ Giáo hội.
  • Canh tân xã hội.

Những mục tiêu sinh hoạt này được triển khai qua các công tác chủ yếu sau đây:

  • Học hỏi và thực thi các công tác đặc thù của Giáo hội giữa trần thế.
  • Tổ chức các lớp huấn luyện để đào tạo thành viên về mặt siêu nhiên và các kiến thức nhân bản, kỹ thuật khác.
  • Xây dựng và phát triển tình liên đới giữa các thành viên trong các sinh hoạt khác nhau của đời sống.
  • Phát huy tinh thần liên đới để xây dựng cộng đồng dân tộc, tham gia tích cực việc sinh hoạt của người công dân trong tinh thần trách nhiệm, làm chứng Tin Mừng của Chúa Kitô trong môi trường trần thế dưới ánh sáng của học thuyết xã hội Công giáo được hội nhập vào hoàn cảnh đặc thù của xã hội Việt nam.

3. Trụ sở của Phong Trào

Trụ sở của Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại đặt tại:

2B rue de la Bruche
61776 Reichstett- Strasbourg- Pháp Quốc

2. TỔ CHỨC PHONG TRÀO

1. Phong trào cơ sở
  1. Đơn vị sinh hoạt cơ bản của Phong Trào Giáo Dân Việt nam Hải Ngoại là các Phong trào cơ sở.
  2. Các Phong trào cơ sở được xây dựng và sinh hoạt tùy theo hoàn cảnh cá biệt, nhưng liên đới công tác và được nối kết bởi việc chấp nhận tôn chỉ, mục đích, đường lối chung và qua các sinh hoạt có tầm vóc quốc gia và quốc tế.
  3. Phong trào cơ sở phải quy tụ tối thiểu 7 thành viên hoạt động và sinh hoạt thường xuyên.
  4. Nhiều Phong trào cơ sở, tùy hoàn cảnh cụ thể, được kết hợp thành phong trào cấp vùng, quốc gia định cư và lục địa.

2. Đại hội

  • Đại biểu: Đại hội gồm các Đại biểu theo tỷ lệ số thành viên của các Phong trào cơ sở, được triệu tập ba năm một lần.
  • Đại hội có nhiệm vụ ấn định các chính sách của phong trào, sửa đổi nội quy, và cử nhiệm Ban Thường Vụ.

3. Hội Đồng Phối Hợp

  • Hội Đồng Phối Hợp gồm Đại diện các Phong trào cơ sở.
  • Hội Đồng Phối Hợp họp khóa thường lệ hằng năm, và những khóa họp bất thường nếu có nhu cầu.
  • Hội Đồng Phối Hợp soạn thảo kế hoạch, chương trình sinh hoạt cho phong trào.

4. Ban Thường Vụ

  • Ban Thường Vụ gồm một số thành viên được Đại hội bầu lên với nhiệm kỳ ba năm.
  • Trong trường hợp một thành viên trong Ban Thường Vụ không thể thi hành nhiệm vụ, Hội Đồng Phối Hợp sẽ cử nhiệm người thay thế cho đến hết nhiệm kỳ.
  • Ban Thường Vụ có nhiệm vụ thực thi các kế hoạch và chương trình đã được Hội Đồng Phối Hợp đề cử.

  • ĐIỀU HÀNH SINH HOẠT

  1. Các Phong trào cơ sở, tùy hoàn cảnh riêng có những sinh hoạt cá biệt. Tuy nhiên các sinh hoạt đó phải phù hợp với chính sách chung của toàn thể phong trào.
  2. Các Phong trào cơ sở có nhiệm vụ thi hành những công tác chung được Hội Đồng Phối Hợp thông qua, và những công tác đặc biệt được giao phó.
  3. Việc phối hợp sinh hoạt phong trào ở cấp vùng, quốc gia định cư hay lục địa do các Phong trào cơ sở liên hệ đảm nhiệm với sự liên lạc và hỗ trợ của Ban Thường Vụ.
  4. Các qui định liên quan đến sinh hoạt của Hội Đồng Phối Hợp và Ban Thường Vụ sẽ được quyết định do Nội qui của Phong trào.
  5. Các qui định liên quan đến tài chánh, cơ sở vật chất của Phong trào sẽ được quyết định theo điều kiện pháp lý địa phương nơi đặt văn phòng Ban Thường Vụ và ghi vào nội qui.3. CÁC ĐIỀU KHOẢN ĐẶC BIỆT

  1. Đại hội Thành Lập tín nhiệm Đức ông Trần Văn Hoài công bố Ban Thường Vụ lâm thời của Phong trào với nhiệm kỳ kéo dài từ ngày Đại hội Thành Lập Phong trào cho đến khi có Ban Thường Vụ được Đại hội đầu tiên cử nhiệm.
  2. Ban Thường Vụ lâm thời có nhiệm vụ soạn thảo dự án nội qui Phong trào và tổ chức Đại hội đầu tiên trong vòng một (1) năm kể từ ngày thành lập.
  3. Bản nội qui Phong trào không được đi ngược lại với nội dung các điều khoản do hiến chương qui định.
  4. Đại hội đầu tiên biểu quyết nội qui do Ban Thường Vụ soạn thảo và bầu Ban Thường Vụ.
  5. Những điều khoản liên quan đến danh hiệu và mục đích của Phong trào không được thay đổi. Nhưng Đại hội thường xuyên hay bất thường, với quá ¾ tổng số đại biểu tham dự, có thể biểu quyết thay đổi các điều khoản khác của bản hiến chương.
  6. Bản hiến chương này được Đại hội Thành Lập họp ngày 07 tháng 10 năm 1992, tại Roma biểu quyết chấp thuận.

Roma ngày 07 tháng 10 năm 1992

Chủ tọa phiên họp Đại hội Thành Lập  Thư ký phiên họp

Nguyễn Tri Sử  Đỗ Minh Giả
 
Công Bố Thành Lập
PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI

  • Để tạo điều kiện cho giáo dân Việt nam hải ngoại ý thức và thực thi sứ mệnh và vai trò của mình trong Giáo hội và giữa trần thế, được minh định trong các Văn kiện của Tòa thánh và được cô đọng trong Tông huấn „Christi fideles laici“ của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II .
  • Sau khi cùng một số anh chị em giáo dân cầu nguyện, bàn luận về sinh hoạt suốt 5 năm qua.
  • Sau khi đã duyệt xét bản Hiến Chương Thành Lập được Đại hội Thành Lập Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại biểu quyết chấp thuận ngày 07 tháng 10 năm 1992 tại Roma.

Tôi công bố „Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại“, là một hiệp hội tư của giáo dân Việt nam hải ngoại, được thành lập và sinh hoạt dựa theo các điều khoản của Quyển II, Phần I, Thiên V, Bộ Giáo luật hiện hành.

Làm tại Roma ngày 07 tháng 10 năm 1992

Đức ông Phil. Trần Văn Hoài
 
Công Bố Danh sách Ban Thường Vụ Lâm Thời
PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI

  1. Chiếu theo điều IV-1 của Bản Hiến Chương đã được Đại Hội Thành Lập ngày 07 tháng 10 năm 1992 biểu quyết chấp thuận,

tôi cất cử các thành viên sau đây:

Nguyễn Tri Sử (Houston)

Quách Huỳnh Hà ( Houston)

Lê Tinh Thông ( Cali)

Đỗ Như Điện (Cali)

Nguyễn Tấn Phước (Paris)

Tạ Thanh Minh (Paris)

Nguyễn Đăng Trúc (Strasbourg)

vào Ban Thường Vụ lâm thời của Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại.

  1. Ban Thường Vụ lâm thời điều hành các sinh hoạt của Phong trào trong nhiệm kỳ được qui định trong bản Hiến chương, bắt đầu từ thời điểm công bố danh sách này.

Làm tại Roma ngày 07 tháng 10 năm 1992

Đức ông Phil. Trần Văn Hoài
 
Diễn văn khai mạc
Đại Hội Thành Lập Phong trào Giáo dân Công giáo Việt nam Hải ngoại

07-10-1992 tại Roma

Kính thưa quý vị Quan khách,

Kính thưa quý Đức ông và quý Linh mục, Tu sĩ,

Kính các Anh, các Chị,
 
Trước hết tôi xin có lời chào mừng quý vị Quan khách, quý Đức ông, tất cả Anh chị em thành viên trong các cơ sở hôm nay từ bốn phương trời về lại Roma tham dự ngày Đại hội chính thức thành lập Phong trào Giáo dân Công giáo Việt nam Hải ngoại.

Ý kiến khởi phát việc thành lập Phong trào Giáo dân Công giáo Việt nam Hải ngoại đã đến với tôi trong một thời điểm lịch sử thật bất ngờ.

Vào năm 1987, nghĩa là 12 năm sau biến cố đau thương 30-4-1975, đã có rải rác khắp trên nhiều nước tự do hơn một triệu đồng bào Việt nam tị nạn trốn chế độ Cọng sản. Trong số ấy có độ 300 ngàn anh chị em Công giáo và một số Linh mục, tu sĩ, chủng sinh trên 600 người.

Các Giám mục địa phương đã nỗ lực giúp cho người Công giáo Việt nam tị nạn dần dần tổ chức thành cộng đoàn dưới sự hướng dẫn của các Linh mục Tuyên úy Việt nam. Tình trạng của anh chị em Công giáo Việt nam lưu vong trở thành tình trạng của các Giáo hội lưu vong của các nước Đông Âu bị Cọng sản chiếm đóng sau Đại chiến thứ hai, năm 1945.

Để đối phó với tình trạng của các Giáo hội lưu vong, các Đức Giáo Hoàng Piô XII, Phaolô VI, Gioan XXIII đã có sáng kiến đặt cho mỗi Giáo hội lưu vong một vị Thẩm quyền nối kết công việc tông đồ mục vụ của các Giáo hội bị phân tán trên khắp thế giới.

Năm 1984 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt Đức Cha Ramousse người Pháp, thuộc Hội Thừa sai Paris lo cho Giáo hội lưu vong Cao-mên, và Đức Cha Staocioli người Ý dòng OMI lo cho Giáo hội lưu vong Lào.

Cũng năm ấy Tòa thánh muốn đặt cho Giáo hội lưu vong Việt nam một vị phụ trách, nhưng vì hoàn cảnh trở ngại không cho phép. Đến năm 1987, ngày 30 tháng 05, Tòa thánh quyết định đặt tôi vào trách vụ ấy để đồng thời tổ chức lễ Phong Thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam, trong trường hợp Hội đống Giám mục Việt nam bị trở ngại.

Cũng chính năm 1987 này, vào tháng 10 một Thượng Hội đồng Giám mục thế giới được Đức Giáo Hoàng triệu tập đặc biệt để bàn về „Ơn gọi sứ mệnh của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội và giữa trần thế“.

  • Đứng trong vị thế phụ trách Văn phòng Tông đồ Mục vụ cho cộng đồng Công giáo Việt nam Hải ngoại, trước ưu tư của Giáo hội đối với tầm quan trọng của vai trò giáo dân trong việc thánh hóa thực tại trần thế để mở rộng Nước Chúa.
  • Đứng trước tình hình chính trị sôi bỏng của thế giới, nhất là trong khối Cọng sản, đặc biệt là Đông Âu.
  • Nhìn về hiện tình khẩn trương của Giáo hội và quê hương Việt nam.

Tất cả những „dấu chỉ“ đầy thúc bách ấy, đã đưa tôi đến ý định thành lập „Phong trào Giáo dân“.

Chúng tôi ý thức rằng muốn có một Phong trào đáp ứng được các đòi hỏi nêu trên, trước hết các thành viên của Phong trào cần phải có tầm mức hiểu biết cao rộng về cả mặt kiến thức cũng như mặt đạo đức:

„Không ai cho cái mình không có“.

Và đây cũng là cơ hội để nâng cao trình độ trưởng thành của Giáo hội Việt nam, vì chúng ta đang ở trong các nước Tây phương, nơi mà giáo dân có một trình độ kiến thức và đạo đức rất cao có thể giúp ích cho Giáo hội ngay cả trong những vấn đề chuyên môn của Giáo hội.

Ngày 16 tháng 7 năm 1988 sau lễ Phong thánh tại Roma tôi đã triệu tập một nhóm anh em giáo dân từ các nước Âu châu về gặp nhau tại Đan viện Notre Dame de Fatima, của các cha Dòng Xitô Việt nam tại Orsonnens, Thụy sĩ. Tôi đã đưa ra các ý kiến nêu trên để anh em thảo luận, cuối cùng anh em đã đồng ý đi theo chiều hướng này và gặp gỡ nhau trong nhiều cuộc họp để từ từ đi đến một tổ chức có hệ thống hơn.

Trong giai đoạn phôi thai đó, nhóm đầu tiên đã lấy tên là „Ủy Ban Giáo Dân“, có mục đích cổ võ giáo dân ý thức vai trò và trách nhiệm của mình. Nhóm đã tồ chức được một cuộc gặp gỡ cho sinh viên Âu châu ở Trụ sở Văn hóa Thánh Thomas tại Strasbourg nước Pháp.

Tiếp đó, tôi đi các nơi giải thích và cổ động thành lập các nhóm Cơ sở địa phương. Anh em ở Houston đã đáp ứng tức khắc và thành lập nhóm với tờ Nguyện San „Dấn Thân“. Tiếp đến nhóm Orange County đã ra mắt dưới sự chủ toạ của Đức Ông Nguyễn Đức Tiến. Và tiếp đến là nhóm Paris.

Các anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta về tại Roma với quyết tâm thành lập „Phong trào Giáo dân Việt nam Hải ngoai“. Trong giây phút quan trọng này tôi muốn nói với anh chị em những điểm then chốt nền tảng sau đậy:

  1. Một Hiệp hội Công giáo nhằm mở Nước Chúa phải được thành lập, bảo tồn và phát triển nhờ ơn Chúa Thánh Linh, như chính Ngài đã khai nguyên Giáo hội.
  2. Giây liên lạc nối chặt các đoàn viên là: Bác ái và tha thứ cho nhau.
  3. Bí quyết thành công là: Hiệp nhất thành một gia đình.
  4. Tâm tính căn bản của hội viên: Khiêm tốn phục vụ.
  5. Mục đích cuối cùng của hội viên và cũng là của hiệp hội là: Nước Chúa, nghĩa là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người.

Bất cứ một hình thức tổ chức nào của hiệp hội của chúng ta ngăn trở năm mục đích này đều phải loại bỏ.

Như vậy hiệp hội chúng ta thành lập không phải là một tổ chức chính trị, mặc dù công tác của chúng ta có khi đòi hỏi đi vào địa hạt chính trị. Nó cũng không giống một tổ chức nhân đạo xã hội hay văn hóa, mặc dù đó là môi trường hoạt động tông đồ của chúng ta.

Một hiệp hội như chúng ta quan niệm đòi hỏi một sự huấn luyện kiên trì. Bởi vì bất cứ một tổ chức nào, muốn thành công phải có cán bộ. Muốn thành lập Giáo hội, Đức Ki-tô đã đào tạo 12 cán bộ nồng cốt là 12 vị Tông đồ. Vì thế Phong trào của chúng ta phải đặt nặng việc huấn luyện. Những giáo dân muốn trở thành doàn viên chính thức dều phải qua một khóa huấn luyện căn bản.

Ba nhóm tiên khởi của chúng ta ở Houston, Orange County và Paris đã học tập mấy năm trời các Văn kiện căn bản về ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân, về học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Tôi khích lệ nỗ lực của các anh chị em trong thời gian qua, và không ngừng nhắc nhở anh chị em lại lời dạy của Thánh Công Đồng Vatican II.

„Ngoài việc huấn luyện về đời sống thiêng liêng, còn phải huấn luyện vững chắc về giáo lý, ngay cả thần học, luân lý triết học, tùy theo tuổi tác hoàn cảnh và khă năng. Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát cũng như đào tạo về kỹ thuật và thực hành.

Để việc giao tế với người khác được tốt đẹp, cần phải phát huy những giá trị nhân bản đích thực nhất là cách sống tinh thần huynh đệ, cộng tác và đối thoại với mọi người“ (SL TDGD, Chương VI, doạn 29)

Quý anh chị em thân mến!

Sau khi lượt qua những giai đoạn chuẩn bị và ôn lại những điểm đã trình bày với các anh, các chị trong 5 năm qua, giờ đây đã đến lúc chúng ta quyết định thành lập „Phong trào Giáo dân Việt nam Hải ngoại“ để đáp ứng một phần nào các nhu cầu cấp bách của Giáo hội và quê hương Việt nam chúng ta.

Kính chúc mọi người đồng tâm hiệp lực để đạt đến thành quả mong muốn.

Đức Ông Phil. Trần Văn Hoài
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16/07/2024
Trong một chế độ độc tài, có rất nhiều người phục vụ cho chế độ ấy, không phải vì họ đồng ý hay ủng hộ chế độ ấy, mà vì sống dưới quyền lực của chế độ, họ bất đắc dĩ phải tuân hành những mệnh lệnh trái với lương tri và lương tâm họ. Họ không đủ cao thượng hay đủ can đảm và tính bất khuất để bất tuân hay chống lại những mệnh lệnh bất nhân của chế độ. Họ cũng phải vì nồi cơm, vì sự sống, vì sự an toàn của gia đình họ, mà họ phải chấp nhận sống trái ngược với lương tâm của họ. Họ đáng thương nhiều hơn đáng kết án.
14/03/2016
HIẾN CHƯƠNG THÀNH LẬP PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI (Bản tu chỉnh lần thứ I) (Biểu quyết ngày 07-10-1992; tu chỉnh lần thứ nhất ngày 31.12.1993, lần thứ hai do Đại hội kỳ III ngày 14 tháng
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC