Tính đa dạng và khác biệt tất yếu
trong vũ trụ vạn vật
Thế nhưng điều rất lạ là người ta đa số căn cứ vào sự khác biệt để luận đúng sai. Một khi cho mình là đúng, hay cho một điều gì là đúng, thì bất kỳ ai hay điều gì khác với mình hay khác với điều ấy thì đều hẳn nhiên bị cho là sai, và hễ càng khác biệt thì càng sai. Từ đó phát sinh não trạng tự kiêu, độc đoán, hoặc buồn phiền, thất vọng như tâm trạng của Khuất Nguyên: «Đời đục cả chỉ một mình ta trong, đời say cả chỉ một mình ta tỉnh» [*].
[*] Xem thêm bài “Tâm sự của Khuất Nguyên” trong trang https://vietbestforum.com/thread-753-page-5.html.
Về não trạng hay cách lý luận này, cụ Nguyễn Duy Cần viết: «Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải làm sao ta dám nghĩ dám làm… Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu. Tào Tháo, một tên gian hùng đệ nhất xưa kia, cũng vẫn tin mình là thế thiên hành đạo, mà trái bom nguyên tử trên Hiroshima, giết một loạt sáu trăm ngàn người… cũng chỉ là một việc làm hết sức nhân đạo: sát nhất miêu cứu vạn thử… Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này, thật là một câu nói khám phá được cả một tâm sự loài người.» [*]
[*] Cũng trích từ bài “Tâm sự của Khuất Nguyên” trong trang https://vietbestforum.com/thread-753-page-5.html.
Các chế độ độc tài trên thế giới đều phát sinh từ kiểu lý luận hay não trạng độc đoán ấy. Nếu cứ theo kiểu lý luận ấy thì một khi tự cho mình là đúng, ắt phải kết luận kẻ khác mình là sai. Rồi một khi nắm được quyền lực trong tay, ắt nhiên mình sẽ bắt mọi người «gọt chân cho vừa giày», «chặt chân cho vừa giường», ai mà sống không đúng như khuôn khổ mà mình cho là đúng, thì phải ép sao cho họ vừa khít với khuôn khổ của mình.
Trong đoạn trên, cụ Nguyễn Duy Cần viết: «Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải». Ngu mà thế, huống gì kẻ không ngu!? Vì thế càng giỏi, càng khôn thì càng cho mình là phải. Và chính vì thế, người ta cứ cãi lộn nhau hoài, rồi sinh ra chia rẽ, hận thù và muôn vàn đau khổ...
Vậy thì ai là kẻ không cho mình là phải? − Chỉ những ai suy nghĩ và rút ra kết luận từ cái thực tế ấy mới biết nghi ngờ chính những điều mình đang cho là đúng, là phải: Có thật là nó đúng, nó phải không? Có nhận ra rằng cái đúng cái phải của người khác không giống cái đúng cái phải của mình, thì mình mới sẵn sàng lắng nghe những cái đúng, cái phải của người khác.
Tôi biết 1000 điều, người khác cũng biết 1000 điều. Nhưng 1000 điều tôi biết không phải là 1000 điều người kia biết. Vậy thì suy nghĩ hay cái đúng của tôi làm sao giống như suy nghĩ hay cái đúng của người kia được? Một người khác nữa lại biết đến 1 triệu điều, hẳn nhiên cái đúng của người này không giống cái đúng của tôi và người kia. Nếu tôi có quyền hành trong tay nên dùng quyền để bắt buộc người biết 1 triệu điều phải suy nghĩ và chấp nhận cái đúng của tôi, thì làm sao người ấy chấp nhận được?
Một cậu bé học tiểu học nghe cô giáo nói: «Các em không được lấy số nhỏ trừ số lớn, điều đó là phi lý. Vì khi các em chỉ có 10 cái kẹo thì không thể ăn tới 11 cái được». Em thấy cô giáo nói hết sức hợp lý. Một hôm, mở tập toán của người anh đang học trung học, em thấy có nhiều bài toán lấy số nhỏ trừ số lớn, em liền kết luận «chắc như bắp»: ông anh mình đúng là không hiểu gì về toán cả, rõ ràng ông ấy dốt hơn mình! − Đấy! Nhiều khi ta cũng dựa vào những lý lẽ mình cho là đúng để phán quyết cả những người có trình độ cao hơn mình là sai, chỉ vì mình thấy những điều họ nói không phù hợp với lý lẽ của mình!
Cái tính mà cụ Nguyễn Duy Cần mô tả «Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải làm sao ta dám nghĩ dám làm… Dầu là một kẻ ngu, cũng vẫn tin việc mình là phải», cái tính ấy chính là nguyên nhân phá hỏng tất cả mọi sự hiệp nhất hay đoàn kết trong tất cả mọi tập thể trong lãnh vực chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội, v.v... Cái não trạng ấy rất phổ biến trong hầu hết mọi người, không chỉ người ngu, mà cả những người trí thức, thậm chí những triết gia, những nhà thần học, v.v... đều mắc phải. Chỉ những người biết phản tỉnh, ý thức được tính đa dạng, sự khác biệt mang tính tất yếu trong vũ trụ vạn vật, để biết nghi ngờ, để xét lại cách nghiêm túc những kiến thức của mình, những điều mình từng cho là đúng, mới may ra thoát khỏi cái não trạng phổ biến từng là nguyên nhân gây nên chia rẽ, xung đột, mất hiệp nhất và đoàn kết trong mọi tập thể suốt bao thế kỷ nay.
Muốn hiệp nhất hay đoàn kết để có sức mạnh, chúng ta cần bỏ cái não trạng ấy. Cần phải nghĩ rằng khác với mình vẫn có thể đúng, thậm chí có thể đúng hơn mình, nhất là khi họ có trình độ suy tư hay kinh nghiệm cao hơn mình. Nhiều trường hợp mình tưởng người ta rõ ràng là sai, nhưng thật sự họ lại đúng và hợp lý hơn mình. Đừng để mình rơi vào trường hợp người em tiểu học lại chê người anh trung học là dốt hơn mình như đã kể ở trên.
- Từ khóa :
- đa dạng
- ,
- khác biệt
- ,
- vũ trụ vạn vật