Giả như tôi là một giáo dân lãnh đạo trong giáo xứ

14/04/20254:39 CH(Xem: 257)
Giả như tôi là một giáo dân lãnh đạo trong giáo xứ

Giả như tôi là một giáo dân lãnh đạo trong giáo xứ

 (If I Were a Local Church Lay Leader)

aaa

 

Linh mục tiến sĩ Herchel H. Sheets

Dĩ nhiên tôi không phải là một giáo dân lãnh đạo, và sẽ không bao giờ là một giáo dân lãnh đạo cả. Tôi đã đóng cửa khả năng này từ nhiều năm rồi, khi tôi đáp lại «tiếng gọi rao giảng». Tuy nhiên tôi nghĩ rằng mình không hợm mình khi nói về đề tài này. Nếu tôi chưa bao giờ là một nhà giáo dân lãnh đạo và không có cơ may nào trở thành một nhà lãnh đạo như thế, thì những gì tôi nói có đáng tin cậy chăng? Có thể giống như một người chưa bao giờ có con lại chỉ bảo cho cha mẹ cách dạy con. Nhưng tôi đã từng biết và làm việc với nhiều nhà Giáo Dân Lãnh Đạo, thế nên tôi nghĩ rằng mình hiểu được ít nhiều vị thế của họ và những gì mà họ phải sống hoặc phải làm. Vì thế, tôi sẽ đưa ra ý kiến mình, và nó có giá trị chừng nào thì tùy quý bạn xem xét.

Thứ nhất, giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ cố gắng trở nên người bạn thân và người ủng hộ mạnh mẽ cho cha xứ của tôi.
Hầu như mọi linh mục từng phục vụ một thời gian trong các giáo xứ đều có kinh nghiệm rằng thời buổi này làm chính xứ thì cực hơn thời trước. Các đòi hỏi đối với cha xứ thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn, công việc thì đa đoan và phức tạp hơn. Hơn nữa, ở nhiều nơi, vị trí của cha xứ không được xem trọng như xưa, và nền văn hóa của chúng ta khuyến khích người ta phê phán những người ở vị trí lãnh đạo hay cầm quyền. Hệ quả là nhiều cha xứ sống trong tình trạng cô độc, chán nản, ngã lòng và nghi ngờ. Các ngài cần biết rằng có người quan tâm đến mình, để ý đến mình như là những con người, và các ngài có thể tin tưởng vào thân tình của họ. giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ cố gắng trở nên người bạn thân của cha xứ tôi – mà không chờ đợi ngài phải chú ý hay quan tâm đến mình.

Thứ hai, giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ tìm cách kết hợp sự thông cảm với lòng thành thật trong tương quan với cha xứ tôi.
Robert Frost viết trong một bài thơ của mình về cuộc «cãi vả của người yêu với thế giới». Những thành viên trong giáo xứ đôi khi cãi vả với cộng đoàn hay cha xứ, nhưng những cãi vả ấy không phải lúc nào cũng là «các cuộc cãi vả giữa những người yêu», vì thiếu thông cảm và quan tâm lẫn nhau. Lời phê bình đưa ra không ở trong bầu không khí tương thân tương kính. Mặt khác, nhiều người có thể quan tâm đến cha xứ, nhưng cha xứ không thể tin tưởng rằng họ có thể thẳng thắn và thành thật với mình. Thay vì chấp nhận nguy cơ làm tổn thương tình cảm của cha xứ hoặc phá hỏng tương quan tốt đẹp với ngài, họ dấu diếm tình cảm thật của họ, họ không nói lên lời phê bình, họ giấu sự thật đối với cha xứ. Cha xứ cần bạn hữu thân tình, cha xứ cần những thành viên giáo xứ thực sự quan tâm đến mình. Nhưng tình bạn đòi hỏi sự thành thật, chứ không phải là giả dối. Tình bạn dựa trên sự thật, chứ không phải trên sự sai lầm. Cha xứ cần một người mà mình có thể tin cầu để nói cho mình biết sự thật – nói với lòng yêu thương, nhưng phải nói ra. Giả như tôi là một nhà Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo Hội địa phương, tôi sẽ tìm cách kết hợp sự thông cảm với lòng thành thật trong tương quan với cha xứ tôi.

Thứ ba, giả như tôi là một nhà Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo Hội địa phương, tôi sẽ cầu nguyện và dấn thân xây dựng sự trưởng thành tình cảm và tâm linh, giúp tôi thoát khỏi những điều nhỏ nhen ti tiện.
Với tư cách là linh mục quản hạt, tôi rất ấn tượng vì thấy những điều ti tiện len lỏi vào những tương quan trong giáo xứ làm cản trở và ngăn chặn sứ vụ của giáo xứ. Nhưng tôi biết điều này lâu lắm trước khi tôi làm linh mục quản hạt, vì với tư cách một cha xứ, đôi khi tôi là đối tượng của những điều ti tiện ấy và nơi chất chứa cho sự giận dữ và cuồng nộ của những nhỏ nhen con người. Tôi đã nói với những cặp trai gái học giáo lý hôn nhân rằng trong hôn nhân sự trưởng thành cũng quan trọng như tình yêu. Điều này có vẻ lạc đạo, nhưng tôi đã thấy qua nhiều đau khổ trong hôn nhân do sự thiếu trưởng thành khiến tôi sẵn sàng nhận lãnh bản án đó. Ồ, tôi cũng từng thấy bao nhiều khổ đau trong giáo sức vì sự thiếu trưởng thành. Những điều nhỏ nhen gây nhiều xáo trộng trong các giáo xứ hơn bất cứ điều gì khác. Tôi nhớ lại lời của cố Tiến Sĩ Claud M. Haynes từng nói rằng cái khu vực lớn nhất trong nhiều giáo xứ, xét về độ tuổi tình cảm và tâm linh, là khu vực nhà trẻ. Giả như tôi là một nhà Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo Hội địa phương, tôi sẽ thường xuyên hướng đến tình trạng viên mãn của Chúa Kitô, và như thế cha xứ có thể biết rằng tôi sẽ không bao giờ bị những điều nhỏ nhen ti tiện lèo lái.

Thứ tư, giả như tôi là một nhà Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo Hội địa phương, tôi sẽ cẩn trọng trong lời nói của tôi.
Elie Wiesel kể rằng vào thế kỷ 18 có một rabbi rất nối tiếng vì nói rất ngắn gọn. Ngài khuyên các nhà truyền giảng như sau: Hãy nhập đề vắn tắt và kết luận gãy gọn, và không nói lời nào ở giữa cả. Hẳn là bạn muốn khuyên cha xứ mình như vậy. Nhưng đấy không phải là điều tôi muốn nói. Wiesel rất gần với ý nghĩ của tôi, khi ông bảo rằng những vị hiền triết xưa kia tuyên bố rằng người ta mất ba năm để học nói và mất bảy muơi năm để học im. Có những lúc điều giáo xứ cần nhất ấy là sự im lặng. Các vấn đề có thể qua đi hoặc nhẹ bớt, hoặc không bao giờ nổi lên, nếu các thành viên trong cộng đoàn biết làm chủ miệng lưỡi mình. Bạn có biết cách hay nhất để đối diện với dư luận không? Để cho nó chết đi vì mình không buồn nhắc đến nó. Giả như tôi là một nhà Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo Hội địa phương, cha xứ có thể tin rằng tôi không chuyền tai những lời bàn tán hay dư luận mà tôi vô tình được nghe.

Thứ năm, giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ xa lánh thái độ bi quan như xa lánh dịch hạch.
Một hôm, tôi ra xe sau khi mua một vài món hàng. Cạnh đó, một cậu thanh niên giúp một bà cụ già đưa hàng lên xe. Cậu cố gắng bắt chuyện với bà, nên vui vẻ nói: «Hôm nay trời đẹp quá, hả bác? » Bà đáp: «Ờ, nhưng ngày mai lại mưa nữa cho mà xem! » Cái đẹp của trời hôm nay đã bị cơn mưa ngày mai làm xấu đi mất rồi! Thái độ này cũng có thể đưa vào giáo xứ nữa, và ít có điều gì nguy hại cho sức khoẻ của giáo xứ cho bằng thái độ bi quan. Nếu quá nhiều người nghĩ những điều tồi tệ về Giáo Hội, thì những điều tồi tệ ấy có thể xảy ra. Dĩ nhiên, thực tế phải có chỗ đứng, nhưng bởi lẽ Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, nên thái độ lạc quan cũng phải có chỗ đứng chứ. Stuart Briscoe từng là cha xứ của Giáo Xứ Elmbrook ở Milwaukee, Wisconsin, hơn 15 năm trường. Trong một cuộc phỏng vấn, người ta hỏi cha muốn được ghi gì trên bia mộ của mình. Người nhà của cha trả lời: «Nơi đây yên nghỉ Stuart Briscoe, người không bao giờ lo lắng trước cho một khó khăn chưa đến». Có thể như thế là đi hơi xa, nhưng trong giáo xứ nào cũng cần có ít ra là một vài người tích cực khẳng định lập trường và thái độ lạc quan của mình. Giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ cố gắng làm một người như thế.

Thứ sáu, giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ tìm cách có được và gìn giữ một cái nhìn bao quát trên đời sống giáo xứ tôi.
Biết bao lần bạn nghe nói đến một hoạt động nào đó của giáo xứ và co người thốt lên: «Tôi đâu biết rằng chúng ta đang làm chuyện ấy»? Giáo xứ càng lớn, thì càng khó biết chuyện gì xảy ra, và trong một số giáo xứ, nếu chỉ có một người duy nhất biết mọi điều đang xảy ra, thì có nghĩa là chưa đủ. Chúng ta mong cha xứ biết rõ đời sống và chương trình giáo xứ. Nhưng nếu người giáo dân lãnh đạo sống đúng với ý nghĩa hạn từ ấy, thì có một người khác cũng cần biết rõ đời sống và chương trình giáo xứ. Chỉ khi nào bạn biết giáo xứ thì mới lãnh đạo được giáo xứ. Một khía cạnh khác, ấy là nếu bạn nhìn thấy tổng thể của giáo xứ, thì bạn ở vị thế tốt hơn để lượng giá. Tôi vừa mới đọc cuốn sách có tựa đề là Phúc Âm về sự Trùng Khớp (The Gospel of Coincidence). Tác giả của cuốn sách trình bày vai trò của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta, nhưng vẫn yêu cầu chúng ta cũng cần phải cầu nguyện cho hoàn cảnh của mình. Ông bảo: cầu nguyện về những hoàn cảnh đó là một cách để đối diện với chúng, lượng giá lại, có những ý tưởng mới để giải quyết chúng, và thay đổi thái độ chúng ta đối với các hoàn cảnh ấy. Ông bảo rằng lời khuyên chúng ta hãy đặt những ưu tư mình dưới chân Chúa là một lời khuyên đúng đắn, không phải vì Thiên Chúa sẽ giải quyết vấn đề của chúng ta, nhưng khi chúng ta đặt ưu tư dưới chân Người, thì chúng ta có thể bắt đầu nhìn chúng dưới góc độ khác. Nhìn giáo xứ với một cái nhìn tổng thể cũng có tác dụng đối với góc nhìn của chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy những khía cạnh đặc biệt của giáo xứ dưói góc độ rõ hơn, nếu ta nhìn chúng trong tổng thể. Giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ cố gắng có được và gìn giữ một cái nhìn bao quát trên đời sống và chương trình giáo xứ tôi.
 
Thứ bảy, giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ tìm cách biết rõ hơn về «hiệp thông» và phát huy khả năng trình bày sự hiệp thông ấy với cộng đoàn tôi.
Với tư cách là hội thánh, căn tính và nhiệm vụ của chúng ta liên quan mật thiết đến việc chúng ta hiểu và sống chiều kích hiệp thông. Thời buổi này, cảm thức về sự hiệp thông đang lâm nguy. Đây là điều khá kỳ lạ, bởi lẽ tinh thần cục bộ còn rất mạnh, dẫu cho thế giới trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết, nhờ những phương tiện thông tin và vận chuyển hiện đại. Yêu cầu phải tay nắm tay và làm chủ địa phương mình, tuy chính đáng, cũng có thể làm hỏng tinh thần hiệp thông. Ngay cả những giáo xứ rộng lớn của chúng ta cũng có thể trở thành khép kín, có thể nghĩ rằng mình đầy đủ rồi, có thể muốn độc lập và không dính dấp với bất cứ ai và bất cứ gì khác. Thế nhưng nếu tinh thần hiệp thông bị phá hủy, thì phần lớn tính chất duy nhất của Giáo hội cũng sẽ tiêu tan. Chính qua tinh thần hiệp thông mà chúng ta thực thi sứ mạng của mình trên khắp cùng mặt đất. Giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ không trao hết công việc ấy cho một mình cha xứ. Tôi sẽ chia sẻ trách nhiệm ấy với ngài. Tôi sẽ liên lỉ theo dỏi về giáo hạt, về buổi gặp gỡ thường niên, về pháp lý, về Giáo Hội toàn cầu. Tôi sẽ thường xuyên học làm quen với vô vàn cách thức mà chúng ta thực thi sứ mệnh vì Chúa Kitô trên khắp thế gian này, và tôi sẽ học cách kể lại câu chuyện ấy mà giúp cộng đồng giáo xứ tôi tự hào và vui mừng trong Giáo Hội chúng ta, đồng thời đáp ứng và chia sẻ sứ mệnh ấy một cách hân hoan và quảng đại.
 
Thứ tám, giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ cố gắng nhớ và giúp đỡ anh chị em mình nhớ rằng Giáo Hội là của Thiên Chúa.
Giáo Hội là gì? Dĩ nhiên Giáo Hội là những con người, có nghĩa là chúng ta làm nên Giáo Hội. Nếu chúng ta là Giáo Hội thì Giáo Hội không phải là của chúng ta. Chúng ta không thể nào là một sở hữu của chính mình; chúng ta là của Thiên Chúa. Giáo Hội là một sở hữu của Thiên Chúa, chứ không phải là của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự hiểu và tin như thế thì chúng ta hẳn vừa kính trọng vừa hy vọng đối với Giáo Hội: Kính trọng, vì nếu Giáo Hội là của Thiên Chúa, thì Giáo Hội không phải là một tổ chức vô nghĩa; và hy vọng, vì nếu Giáo Hội là của Thiên Chúa, thì cả tương lai lẫn cùng đích của Giáo Hội không nằm trong tay của chúng ta. Đức Cha Helder Camara từng là Tổng Giám mục giáo phận Olinda và Recife ở miền đông bắc Brazil từ 1964 đến 1985. Với tư cách là chủ chăn trên một vùng nông thôn rộng lớn và nghèo xơ nghèo xác, ngài trở nên phát ngôn viên cho người dân ở mọi nơi, những người cùng chia sẻ niềm xác tin của ngài về sự thật, công lý và tự do chống lại mọi hình thức áp bức. Trong những chuyến công du của ngài tại Âu Châu, ngài trả lời cho rất nhiều câu hỏi, mà có những câu phản ánh một sự kính trọng và hy vọng đối với Giáo Hội ít hơn là thái độ của ngài. Khi trả lời một trong những câu như thế, ngài công nhận rằng «Giáo Hội không phải lúc nào cũng dễ thương và tinh tuyền, can đảm và thành thật, như là đáng lẽ phải như vậy». Ngài bảo rằng khi thiết lập Giáo Hội, Chúa đã mặc lấy sự yếu hèn của con người, nhưng qua lời hứa không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội, Ngài đã ban cho Giáo Hội một sức mạnh đặc biệt. Ngài nói: «Tôi là một giám mục già, và tôi đủ tự tin để yêu cầu các bạn đừng bao giờ chịu thua những yếu hèn, những thỏa hiệp, thậm chí những gian trá của Giáo Hội, nghĩa là không bao giờ thất vọng đối với Thần Khí của Chúa, Đấng không bao giờ ngưng ở lại trong Giáo Hội». Giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo trong Giáo xứ, tôi sẽ cố gắng nhớ và giúp đỡ anh chị em mình nhớ rằng Giáo Hội là của Ai.
Có lẽ nói như thế là đủ rồi. Tôi đã không nói gì về cầu nguyện hay học hỏi Kinh Thánh hoặc việc bác ái hay đi nhà thờ. Tôi cho rằng những việc đó là đương nhiên. Tôi cho rằng ai trung thành với Giáo Hội thì đương nhiên sẽ cầu nguyện, làm việc bác ái và tham gia phụng vụ. Tôi mong rằng mọi giáo xứ đều có nhiều giáo dân trung thành với giao ước của họ qua phép rửa và với lời hứa của một tín hữu trong Giáo Hội. Nhưng tôi cũng mong rằng mỗi giáo xứ đều có một vài Giáo Dân Lãnh Đạo có lòng thông cảm và những đức tính nêu trên. Tôi sẽ không bao giờ là một Giáo Dân Lãnh Đạo, nhưng giả như tôi là một Giáo Dân Lãnh Đạo, tôi sẽ cố gắng trở thành một nhà lãnh đạo như thế…
Nếu bạn chưa phải là một Giáo Dân Lãnh Đạo giống như tôi mô tả, tôi nguyện cầu cho bạn trở nên một nhà lãnh đạo như thế!

Linh mục tiến sĩ Herchel H. Sheets

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15/04/2025
Vạn vật mà Thiên Chúa tạo dựng trong vũ trụ - trong đó có con người - thì mỗi người mỗi vật đều khác biệt, không ai giống ai, không vật nào giống vật nào. Tính đa dạng và khác biệt ấy ai cũng dễ dàng nhận thấy, nhưng ý thức về tính đa dạng và khác biệt ấy để áp dụng thực tế trong đời sống thì chẳng mấy ai.
04/04/2025
Mời bạn đọc 3 câu chuyện khiến bạn có thể suy nghĩ và rút ra được những bài học rất quan trọng cho việc đối nhân xử thế trong cuộc đời mình. Trong việc đối nhân xử thế, chúng ta hãy cố gắng học cách lắng nghe, nên cho người khác có cơ hội để giải thích. Có như vậy, mới giúp chúng ta tránh được nhiều điều khiến ta phải hối tiếc sau này.
26/03/2025
Chúng ta đối xử với cha mẹ của chúng ta thế nào? và cha mẹ của chúng ta đã đối xử với chúng ta thế nào? Câu chuyện «Cây Táo và đời một người» mô tả một cách tượng trưng cách ứng xử của chúng ta với cha mẹ, và của cha mẹ đối với chúng ta, dù đó là cha mẹ ở trần thế, hay Cha Mẹ ở trên Trời.
14/03/2025
Magiê là một trong những khoáng chất mà chúng ta không phải lúc nào cũng nghĩ đến, nhưng nó đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì hoạt động trơn tru của cơ thể. Có chín dấu hiệu tinh tế báo cho ta biết cơ thể ta bị thiếu chất magnesium.
13/03/2025
Hạnh phúc, bình thường, rất đơn sơ, thế mà vô số người không đạt được. Có những siêu minh tinh màn bạc, như Marilyn Monroe, Robin Williams, v.v... rất giàu có, danh tiếng, được mọi người yêu quý, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng họ đã chán đời, không hạnh phúc, thậm chí đau khổ, và đã tìm giải thoát bằng tự tử. Tại sao vậy? -- Vì không biết đủ!
09/03/2025
Chuyện kể về một cô giáo trẻ thời VNCH trước 1975, nhưng tiếp tục dạy Pháp văn tại một trường học ở Đà Nẵng sau năm 1975 dưới chế độ CSVN. Trước 1975, cô có người yêu đã đính hôn là một phi công VNCH. Nhưng sau 1975, cô không còn gặp người yêu lần nào nữa. Và câu chuyện kể về lớp học của cô sau 1975 và những chuyện xảy ra sau đó.
08/03/2025
Ngày 20 tháng 10 – Ngày Phụ nữ Việt Nam – là một dịp để mỗi chúng ta nhìn lại vai trò và vẻ đẹp của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt là trong lòng đức tin Công giáo. Họ là những người không chỉ là cột trụ của gia đình mà còn là hiện thân của sự khéo léo, dịu dàng và lòng kiên nhẫn theo phong cách truyền thống Á đông.
27/02/2025
Thánh Kinh có nói: “Mọi việc dưới gầm trời đều có thời của nó. Có thời sinh ra thì cũng có thời chết đi. Có thời trồng thì cũng có thời phải nhổ (nhổ vật đã trồng). Có thời giết thì cũng có thời cứu sống. Có thời phá đổ thì cũng có thời xây dựng, v.v... ” (Gv 3:1-8). Theo tinh thần đó, có thời làm việc thì phải có thời nghỉ ngơi và vui chơi. Tuân theo luật tự nhiên ấy thì mọi sự đều tốt đẹp, trái với luật đó thì không tốt: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”.
12/02/2025
Người ta chỉ hạnh phúc khi ý thức được những điều quý giá mình đang có. Biết bao nhiêu kẻ giàu sang phú quý, hoặc đạt đến tuyệt đỉnh danh vọng hay quyền lực, mà đâu cảm thấy mình hạnh phúc. Biết bao người mong ước có được phần nào những gì họ có mà không được. Thế mà những người đang có những thứ ấy lại chẳng thấy mình hạnh phúc. Tại sao vậy? Chỉ vì họ không ý thức những thứ quý giá họ đang có.
12/02/2025
Trong cuộc đời, nhiều khi ta cảm thấy mình chẳng hạnh phúc, chính vì thế mình khao khát hạnh phúc mà chẳng được. Cho tới khi mình mất tất cả những gì mình đang có, mình thấy khổ hơn bao giờ hết. Lúc ấy mình mới mong có được sống trong cảnh mình đã có trước đây, mình mới thấy thời ấy mình hạnh phúc biết bao. Vậy, hãy ý thức cái hạnh phúc mình đang có, đừng để khi mất rồi mình mới biết cái mình đã có là hạnh phúc.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC