Bao dung, tha thứ, chấp nhận khác biệt nơi tha nhân

12/05/20208:02 SA(Xem: 8273)
Bao dung, tha thứ, chấp nhận khác biệt nơi tha nhân
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh

(10-5-2020)


Bao dung, tha thứ, chấp nhận khác biệt nơi tha nhân,
là đức tính cần thiết của mọi công dân Thiên Đàng




ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 6,1-7(2) Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. (3) Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. (4) Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.
  1Pr 2,4-9(9) Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người.


•  TIN MỪNG: Ga 14,1-12
Những lời cáo biệt

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (1) Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. (2) Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; Thầy đã nói với anh em rồi, Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. (3) Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (4) Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.

(5) Ông Tôma nói với Đức Giêsu: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? (6) Đức Giêsu đáp: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (7) Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.

(8) Ông Philípphê nói: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. (9) Đức Giêsu trả lời: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? (10) Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (11) Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. (12) Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.



CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.   Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. Câu này có ý nghĩa gì? Đức Giêsu đi đâu? Dọn chỗ là gì và dọn ở đâu?

2.   Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ o, Câu này có ý nghĩa gì? Trên thiên đàng nơi sống đời đời hạnh phúc có dung nạp đủ mọi hạng người đầy tính đa dạng và khác biệt như ở trần gian không?

3.   Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Có thể thấy Chúa Cha hay Đức Giêsu gần gũi và cụ thể nhất ở đâu?


Suy tư gợi ý:

1.  Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em ở trong nhà Cha Thầy

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho các Tông đồ biết «Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em ở trong nhà Cha Thầy» (Ga 14,2). Đây là một trong những lời cáo biệt của Ngài với các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thật giá. Vì thế, chữ «đi» ở đây có nghĩa là đi vào đau khổ và cái chết. «Dọn chỗ cho anh em trong nhà Cha Thầy» có nghĩa là chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Như vậy, Đức Giêsu đã dùng sự đau khổ và sự chết để chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Nói cách khác, nhờ đau khổ và cái chết, Ngài trở thành con đường dẫn tới sự sống đời đời.

Ngài đã phải đau khổ và chết mới có thể đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Phần chúng ta, để hưởng được sự sống đời đời ấy, chúng ta cũng phải góp một phần nào hy sinh và đau khổ của mình vào khi quyết tâm sống phù hợp với sự đòi hỏi của tình yêu. Tình yêu ở đây là tình yêu đối với Thiên Chúa được cụ thể hóa thành tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu luôn đòi hỏi phải được chứng tỏ cụ thể bằng đau khổ và hy sinh. Không chấp nhận đau khổ và hy sinh cho ai hết có nghĩa là không yêu ai cả. Nhưng yêu cũng là chấp nhận sự khác biệt của người mình yêu.



2.  «Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở»

Đức Giêsu phải chịu đau khổ và chết không phải chỉ để cứu rỗi hay đem lại sự sống đời đời cho một mình ta, hay nhóm của ta, cộng đoàn của ta, Giáo Hội của ta, hoặc những người có cùng khuynh hướng với ta. Ngài muốn cứu tất cả mọi người, mọi khuynh hướng, mọi cộng đoàn, mọi tập thể khác nhau. Thánh Phaolô viết: «Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm 2,4). Điều đó đã được Đức Giêsu tỏ cho biết trong câu: «Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở» (Ga 14,2). Từ «chỗ ở» trong câu này không có nghĩa là không gian vật chất, mà cần hiểu theo nghĩa tâm linh hay tinh thần. Nhiều chỗ ở có nghĩa là dung nạp được nhiều: nhiều người, nhiều chủng tộc, nhiều màu da, nhiều khuynh hướng khác biệt (về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh, tôn giáo, v.v...).

Nhìn trong thế giới tự nhiên này, ta thấy sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là đủ loài đủ kiểu, rất khác biệt nhauThế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu sự đa dạng và khác biệt ấy. Hãy thử tưởng tượng xem: nếu trên đời chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống y hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới ta đang sống đây! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim, một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất?

Thế giới tuy đa dạng và đầy khác biệt, các loài các vật trong đó vẫn luôn luôn hài hòa, bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau. Nếu thế giới tự nhiên đầy bất toàn này mà còn phong phú đa dạng như thế, còn có sự hài hòa giữa những khác biệt như thế, thì sự sống đời đời hay thiên đàng, là một thực tại hoàn hảo, ắt nhiên phải phong phú, đa dạng và nhất là hài hòa hơn biết bao!

Vì thế, ngay ở đời này, chúng ta cũng cần trang bị cho mình một tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi khác biệt nơi những người chung quanh chúng ta. Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người và vạn vật đầy khác biệt như thế. Vì thế, mọi thành viên của Thiên Đàng đều phải có khả năng chấp nhận khác biệt rất cao độ để sự hài hòa giữa những khác biệt ấy trở nên hoàn hảo. Điều ấy đòi hỏi họ phải có tình yêu và lòng bao dung cao độNếu không có tình yêu và lòng bao dung, thiên đàng không còn là thiên đàng nữa, sự sống đời đời không còn là hạnh phúc nữa.

Nếu ta đang giận hờn ai, không muốn nhìn mặt ai, ghét cay ghét đắng ai, và chủ trương không thể sống chung với họ, không thể cùng đội chung một bầu trời với họ, v.v..., ta hãy tự hỏi: nếu cả hai gặp nhau trên thiên đàng, ta sẽ đối xử với người ấy thế nào? Người ấy cũng được Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương, cứu chuộc, tha thứ như ta. Nếu lúc ấy ta không thể nhìn người ấy với tình yêu thương anh em, thì chính ta mới là người không xứng đáng ở thiên đàng. Với sự thù hận và ác cảm ấy, ta chỉ làm cho thiên đàng bị ô nhiễm và không còn là nơi hạnh phúc nữa. Ta đáng ở một nơi khác không phải là thiên đàng. Vì thiên đàng chỉ thích hợp với những con người tràn đầy yêu thương. Vậy, muốn là công dân của thiên đàng, thì ngay ở trần gian này, hãy tập yêu thương và sống hài hòa với những người khác biệt chúng ta. Muốn thế, ta phải nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.



3.  «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» 

Thay%2BThay%2Bla%2Bthay%2BChua%2BCha


Câu nói ấy của Đức Giêsu chắc hẳn đã làm cho các tông đồ hết sức ngạc nhiên. Thấy Đức Giêsu cũng chính là thấy Chúa Cha, vì Đức Giêsu chính là hiện thân, là hình ảnh trung thực của Chúa Cha. Người ta có thể thấy được tình yêu của Chúa Cha qua tình yêu của Đức Giêsu, thấy được vẻ đáng yêu của Chúa Cha qua sự đáng yêu của Đức Giêsu, v.v. Và một cách nào đó, Đức Giêsu cũng chính là Chúa Cha, vì cả hai cùng là một Thiên Chúa duy nhất. Các tông đồ có diễm phúc nhìn thấy Đức Giêsu, sống với Ngài, cảm nghiệm Ngài, nên cũng là nhìn thấy, sống với và cảm nghiệm chính Thiên Chúa Cha.



Còn chúng ta, chúng ta không có diễm phúc ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tình yêu và đức tin, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hay Đức Giêsu nơi bất cứ người nào ta gặp trong cuộc đời. Cho dù người ấy là ai, thương ta hay ghét ta, làm lợi cho ta hay hại ta, thánh thiện hay tội lỗi, dễ thương hay dễ ghét, miễn họ là con người, thì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa với nhiều mức độ trung thực khác nhau. Đức Giêsu muốn ta yêu thương họ, bất kể họ thế nào, bất kể họ khác biệt ta đến mức độ nào, vì chính Ngài cũng yêu thương họ, muốn cứu chuộc họ, phục vụ họ. 

Ngài đã tự đồng hóa Ngài với họ đến nỗi ai làm gì cho họ thì cũng là làm cho chính Ngài, không làm cho họ thì cũng là không làm cho chính Ngài (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16). Ngài cũng rất ước muốn được yêu thương họ bằng trái tim ta, nói với họ, an ủi họ bằng miệng lưỡi ta, và làm việc cho họ, phục vụ họ bằng đôi tay của ta. Ngài chỉ thực hiện được ước muốn đó nếu ta cho phép và hợp tác với Ngài. Vậy bạn có muốn Ngài dùng bạn như một khí cụ để yêu thương của Ngài không?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhà Cha có rất nhiều chỗ có thể dung nạp được rất nhiều người với rất nhiều khuynh hướng khác biệt. Xin Cha cho tâm hồn con, lòng trí con cũng có nhiều chỗ để có thể dung nạp được tất cả mọi người là anh chị em con, với nhiều khuynh hướng, tính khí, chủ trương khác nhau. Xin cho con biết chấp nhận mọi người như họ đang là, để yêu thương họ bất chấp họ như thế nào. Xin cho con yêu thương họ giống như Cha đã yêu thương họ và đã yêu thương con.

Nguyễn Chính Kết



Bấm vào đây để đọc bài đào sâu: 
Chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa ở đâu?
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/05/ps5b.html). 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2017
Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại - Đạo Hội VII Boston, Massachusetts
19/09/2017
THÔNG BÁO Liên quan tới Đại Hội PTGDVNHN Kỳ 7
17/09/2017
Lectio Divina là một lối đọc và suy niệm Lời Chúa đã có lâu đời nơi các giáo phụ. Từ thế kỉ 12, nó trở thành phương pháp phổ cập trong các tu viện. Lectio Divina gồm ba bước lớn: Gặp gỡ Trao đổi Lên đường
24/08/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.
18/08/2017
GM Nguyễn Thái Hợp. Trích vnqvn.blogspot.de Trong bối cảnh toàn cầu hoá và kinh tế tự do hiện nay, nguyên tắc bổ trợ đang trở thành một quan niệm thời thượng và thực sự đã đóng góp
16/06/2017
Quý Vị có thể vào mỗi thứ năm để đọc bài mới cho Chúa nhật kế tiếp, do Nguyễn Chính Kết biên soạn.
14/04/2017
Sau đây là bài thuyết trình, tóm tắt chương 9 cuốn sách Joseph Ratzinger/Biển-đức XVI: “Đức Giêsu ở Nadarét”. Tập II. Ai muốn đầy đủ chi tiết hơn, đọc phần trích toàn chương. Tại sao Phục Sinh là trọng điểm
05/01/2017
Dân Chủ cho Việt Nam trong khung cảnh văn hoá hôm nay Nguyễn Đăng Trúc. Trong bối cảnh xã hội của Việt Nam hôm nay chúng ta chứng kiến một số hiện tượng nghịch thường: Các định chế
05/01/2017
Được phép hay không được phép rước lễ? Giáo Hội vẫn loay hoay với chuyện làm sao hiểu đúng đắn „Amoris Laetitia“, đặc biệt sau khi lá thư của bốn hồng i (Burke, Brandmüller, Cafarra và Meisner)
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC