Hãy sống theo quan niệm mới của Đức Giêsu

15/12/20199:06 SA(Xem: 6470)
Hãy sống theo quan niệm mới của Đức Giêsu
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng

(15-12-2019)


Hãy sống theo quan niệm mới của Đức Giêsu



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 35,1-6a.10(5) Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, (6) kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
  Gc 5,7-10(8) Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.
•  TIN MỪNG: Mt 11,2-11
Đức Giêsu trả lời câu hỏi của ông Gioan Tẩy Giả

(2) Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Giêsu làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: (3) «Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?» (4) Đức Giêsu trả lời: «Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: (5) Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, (6) và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi».

 (7) Họ đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: «Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? (8) Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. (9) Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. (10) Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

(11) «Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông».


CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Gioan Tẩy giả lại sai môn đệ mình đến hỏi Đức Giêsu? 
2. Tại sao Đức Giêsu nhắn Gioan: «Phúc thay người không vấp ngã vì tôi»? 
3. Người Kitô hữu – cụ thể là chúng ta – có bị vấp ngã vì Đức Giêsu không? Vấp ngã thế nào? Chúng ta phải làm gì để không vấp ngã?

Suy tư gợi ý:

1.  Điều nghi nan và thắc mắc của Gioan Tẩy giả

Một số nhà chú giải cho rằng khi bị thử thách trong tù, Gioan đâm ra thắc mắc: không biết Đức Giêsu có đích thực là Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã loan báo hay không. Ông thắc mắc vì nếu quả thật Ngài là Đấng Cứu Thế, thì tại sao người có sứ mạng chuẩn bị cho Ngài đến là ông lại phải ngồi tù? Lẽ ra ông phải ở ngoài để cộng tác với Ngài trong việc thành lập Nước Trời mới phải! Các môn đệ của ông chắc chắn cũng thắc mắc như thế. Vì thế, ông đã sai người đến trình bày thắc mắc ấy cho Đức Giêsu.

Để trả lời, Đức Giêsu đã dùng chính những dấu chỉ của ngôn sứ Isaia về thời Đấng Cứu Thế: «Sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội (…) Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò» (Is 35,4-6). Ngài bảo: «Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (Mt 11,4-5). Với những sự kiện xảy ra mắt thấy đúng như ngôn sứ Isaia mô tả, Gioan có thể xác định Đức Giêsu là ai. Tuy nhiên, có điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ Gioan: «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi» (Mt 11,6).



2.  «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi» (Mt 11,6)

Đức Giêsu được Thánh Kinh mô tả là «một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho ngã» (Rm 9,33; 1Pr 2,8). Nhưng chính Ngài lại nói: «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi» (Mt 11,6; Lc 7,23). Thánh Kinh cũng cho biết có rất nhiều người vấp ngã vì Ngài (x. Mt 15,12; 26,31; Mc 6,3; 14,27; Rm 9,32). Trong Thánh Kinh, «vấp ngã» có nghĩa là vì một cớ nào đó mà làm điều sai trái, không đúng, xúc phạm, hoặc không tin hay mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu. 

Khi Gioan bị tù, ông bị thử thách về niềm tin đối với Đức Giêsu. Dù sao ông vẫn là con người, nên cũng có khuynh hướng suy nghĩ kiểu loài người. Thánh Thần đã cho ông biết một cách không minh nhiên –nghĩa là chỉ qua những dấu chỉ– rằng: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, và ông có sứ mạng dọn đường cho Ngài (x. Mt 3,16-17). Ông đã tin điều đó. Nhưng khi ngồi tù một thời gian quá dài, ông đâm ra nghi ngờ niềm tin ấy. Vì nếu quả thật Ngài là Đấng Cứu Thế, thì ông đang phải là cánh tay mặt của Ngài, sát cánh bên Ngài để cùng Ngài hành động!

Nếu ông mất niềm tin đó, thì ông đã vấp phạm vì Ngài. Nhưng Đức Giêsu đã gián tiếp cho ông biết niềm tin của ông vào Ngài là chính xác. Nhờ đó, ông không mất niềm tin. Vì thế, Ngài khen ông: «Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả» (Mt 11,11). 

Ông cao trọng vì cho đến lúc đó, ông là người đầu tiên được vinh hạnh góp phần trực tiếp vào sứ mạng cứu thế của Con Thiên Chúa, và ông đã hoàn thành sứ mạng của mình cách hoàn hảo. Tuy nhiên, ông vẫn là người của Cựu ước, não trạng của ông vẫn là não trạng của thời Cựu ướcNão trạng Cựu ước là: sự công chính được xây dựng trên việc giữ trọn lề luật (Đnl 5,33; 4,6), thực hành các nghi thức tôn giáo (Lv 1,13b.17b; 7,37-38), và làm những điều tốt đẹp (Lv 19,18.34). Ông không có cơ hội hấp thu những giáo huấn mới cao cả của Đức Giêsu để có một não trạng mới: sự công chính được xây dựng trên đức tin (x. Mt 16,16; Rm 1,17b; 3,30; 4,11b; 5,1; 9,30b; 10,6.10; v.v...) và tình yêu (x. Mt 25,34-40; Ga 13,34-35; 1Cr 13,1-3.13; Gl 5,14; 1Tx 4,9b; 1Pr 4,8; 1Ga 2,10; 3,23). Vì thế, sự công chính của ông không cao bằng sự công chính của những người sống đúng tinh thần Tân ước. Do đó, Ngài mới nói: «Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông» (Mt 11,11b; xem thêm Mt 5,20); tương tự như người đứng chót ở bậc trung học vẫn được coi là cao hơn người đứng đầu ở bậc tiểu học.



3.  Tinh thần mới của Tân ước so với Cựu ước

Đức Giêsu đến để khai mạc Nước Trời tại trần gian, mà Gioan là người dọn đường. Nước Trời, xét về mặt xã hội, là một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người đối xử với nhau bằng yêu thương đích thực. Nhờ đó, mọi người được hạnh phúc. Thật vậy, thế giới này, cũng như Giáo Hội mà Đức Giêsu lập ra, chỉ có thể hạnh phúc và trở thành Nước Trời khi mọi người biết yêu thương nhau. Hiện nay, thế giới cũng như Giáo Hội, có rất nhiều tiêu cực, đau thương, chính vì các thành viên không yêu thương nhau.

Đức Giêsu đến đem lại cho thế giới một tinh thần mới, một lề luật mới xây dựng trên yêu thươngTiêu chuẩn mới của sự công chính là tình yêu, khác với tiêu chuẩn cũ trong Cựu ước. Thật vậy, Thánh Kinh cho biết «Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật» (Ep 2,15) và lập ra luật mới cho kỷ nguyên mới: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau» (Ga 13,34). 

Đức Giêsu chính là tư tế mới thay cho các tư tế cũ của Cựu ước, mà «một khi chức tư tế thay đổi, thì nhất thiết phải thay đổi Lề Luật» (Dt 7,12). Dựa trên tinh thần mới của Tân ước, thánh Phaolô đã nói rất rõ và rất nhiều lần rằng chính đức tin mới làm cho con người nên công chính (x. Rm 1,17; 5,1; 9,30.32; Gl 3,8.11.24; Dt 11,7) chứ không phải việc giữ luật (Rm 3,20-21.28; 4,13; 9,31; Gl 2,16.21; 3,11; 5,4), hay những việc làm tốt đẹp (x. Rm 4,5-6; 9,32; 11,6). 

Mà mục đích và tinh hoa của đức tin lại là đức ái, vì theo cũng thánh Phaolô, đức ái cao trọng hơn đức tin và đức cậy (x. 1Cr 13,13). Đức Giêsu cũng xác nhận tình yêu quan trọng hơn các lễ nghi tôn giáo: «Yêu mến Thiên Chúa (…) và yêu người thân cận (…) là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ» (Mc 12,33; x. Mt 5,23-24); «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mt 9,13; 12,7). 

Tất cả những thứ tốt đẹp đó là biểu hiện tất nhiên phải có của tình yêu. Nhưng nếu chỉ có những biểu hiện ấy ở bên ngoài chứ không có cốt tủy bên trong là tình yêu, thì những biểu hiện ấy chỉ là giả dối, hoàn toàn vô giá trị trước Thiên Chúa.



4.  Chiều kích mới của sám hối

Vì thế, ta cần khám phá chiều kích mới của sám hối trong sứ điệp Gioan. Sám hối không chỉ là nhận ra và sửa đổi những sai trái trong cách hành động, mà còn là sẵn sàng từ bỏ những quan niệm cũ, nề nếp cũ, để đón nhận những quan niệm mới cao cả hơn, đúng đắn hơn của Đức Giêsu, đồng thời sống phù hợp với quan niệm mới đó. Sở dĩ giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái vấp ngã vì Đức Giêsu, chính vì họ không chấp nhận được những quan niệm mới của Ngài, cho rằng Ngài là kẻ phá đạo và giết chết Ngài.

Điều đáng buồn cho thế giới hiện nay là Đức Giêsu đã đến những 2000 năm nay để đưa ra những quan niệm mới về sự công chính, thế mà rất nhiều Kitô hữu thời nay vẫn chưa hấp thụ được giáo huấn mới với quan niệm mới, lề luật mới của Ngài. Họ vẫn đặt rất nặng tiêu chuẩn công chính cũ của Cựu ước, mà coi rất nhẹ tiêu chuẩn công chính mới của Ngài là tình yêu thương. Sự giáng lâm của Đức Giêsu cách đây 2000 năm vẫn còn là vô ích, là dư thừa đối với họ. Và như thế, một cách nào đó họ đã vấp phạm vì Ngài. 

Đành rằng việc giữ luật lệ, thực hành các nghi thức tôn giáo, và làm những việc tốt lành vẫn cần thiết và ích lợi, nhưng đó không phải là điều cốt yếu của việc sống đạo. Đó chỉ là những phương tiện tốt và hữu hiệu để giúp ta thực hiện điều cốt yếu của đạo Chúa là yêu thương nhau mà thôi. Chúng chỉ là những biểu hiện tất yếu của tình yêu chứ không phải là tình yêu.

Ngay cả việc cầu nguyện, nếu việc cầu nguyện không đem lại hiệu quả là tăng trưởng tình yêu thương trong lòng ta –là mến Chúa yêu người hơn– thì chắc chắn việc cầu nguyện ấy không đẹp lòng Thiên Chúa. Muốn biết chúng ta có cầu nguyện đúng hay không, thì hãy nhìn vào hiệu quả của cầu nguyện. Nếu cầu nguyện đem lại cho ta sức mạnh, bình an, niềm vui và hứng khởi để có thể hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân nhiều hơn, thì chúng ta đã cầu nguyện đúng cách. Nếu không, chúng ta cần phải thay đổi cách cầu nguyện vì đã cầu nguyện không đẹp lòng Thiên Chúa. 

Rất nhiều khi chúng ta đã tỏ ra ích kỷ, thiếu tình thương, lấy «cái tôi» của mình là trung tâm khi cầu nguyện. Cầu nguyện như thế chỉ làm tăng tính ích kỷ của mình thôi! Có những câu Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa chán ngán những buổi cầu nguyện, những nghi thức tôn giáo rỗng tuếch tình yêu của con người (x. Is 1,11-17; Am 5,21-24; Gr 14,11-12). Ấy thế mà biết bao Kitô hữu suốt đời cầu nguyện, dâng lễ theo kiểu ấy! Hoặc cố giữ luật, cố làm những việc lành phúc đức, không phải do tình yêu thúc đẩy, mà chỉ nhắm để được Thiên Chúa thưởng công, để được mọi người khen ngợi. Thiết tưởng để đón Chúa đến, chúng ta cần phải sám hối về cách sống đạo kiểu ấy!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, trong mùa Vọng này, xin cho con hiểu được tinh thần mới mà Đức Giêsu đã rao giảng từ 2000 năm nay, nhưng chính con vẫn chưa hiểu được và áp dụng. Xin hãy đổi mới quan niệm và cách sống của con trong mùa Vọng này.

Nguyễn Chính Kết
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2017
Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại - Đạo Hội VII Boston, Massachusetts
19/09/2017
THÔNG BÁO Liên quan tới Đại Hội PTGDVNHN Kỳ 7
17/09/2017
Lectio Divina là một lối đọc và suy niệm Lời Chúa đã có lâu đời nơi các giáo phụ. Từ thế kỉ 12, nó trở thành phương pháp phổ cập trong các tu viện. Lectio Divina gồm ba bước lớn: Gặp gỡ Trao đổi Lên đường
24/08/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.
18/08/2017
GM Nguyễn Thái Hợp. Trích vnqvn.blogspot.de Trong bối cảnh toàn cầu hoá và kinh tế tự do hiện nay, nguyên tắc bổ trợ đang trở thành một quan niệm thời thượng và thực sự đã đóng góp
16/06/2017
Quý Vị có thể vào mỗi thứ năm để đọc bài mới cho Chúa nhật kế tiếp, do Nguyễn Chính Kết biên soạn.
14/04/2017
Sau đây là bài thuyết trình, tóm tắt chương 9 cuốn sách Joseph Ratzinger/Biển-đức XVI: “Đức Giêsu ở Nadarét”. Tập II. Ai muốn đầy đủ chi tiết hơn, đọc phần trích toàn chương. Tại sao Phục Sinh là trọng điểm
05/01/2017
Dân Chủ cho Việt Nam trong khung cảnh văn hoá hôm nay Nguyễn Đăng Trúc. Trong bối cảnh xã hội của Việt Nam hôm nay chúng ta chứng kiến một số hiện tượng nghịch thường: Các định chế
05/01/2017
Được phép hay không được phép rước lễ? Giáo Hội vẫn loay hoay với chuyện làm sao hiểu đúng đắn „Amoris Laetitia“, đặc biệt sau khi lá thư của bốn hồng i (Burke, Brandmüller, Cafarra và Meisner)
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC