Tình yêu đòi hỏi ta cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ

14/09/20196:45 CH(Xem: 6669)
Tình yêu đòi hỏi ta cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên

(15-9-2019)

Bài 1
Tình yêu đòi hỏi ta cứu người tội lỗi
chứ không phải xa lánh họ




ĐỌC LỜI CHÚA

  Xh 32,7-11.13-14(11) Ông Môsê thưa với Chúa: «Lạy Chúa, sao Ngài lại nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã đưa ra khỏi đất Aicập». (14) Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
  1Tm 1,12-17(15) Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.
•  TIN MỪNG: Lc 15,1-10 

(Bài Tin Mừng hôm nay trong lịch phụng vụ được ghi là Lc 15,1-32, đây là phần đầu của đoạn Tin Mừng rất dài này)
Hai dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa

(1) Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. (2) Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: «Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng». (3) Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:
● Dụ ngôn con chiên bị mất

(4) «Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: «Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó». (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn».

● Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất

(8) «Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: «Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất». (10) Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối».




CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Đối với Đức Giêsu, sự thánh thiện chủ yếu hệ tại điều gì? tại tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân? hay tại sự trong sạch, vô tội? hay tại vô số những nhân đức con người có được?

2. Đối với người tội lỗi, ta nên làm theo đòi hỏi của tình yêu là phải gần gũi để cảm hóa họ, hay theo đòi hỏi của sự thánh thiện là phải xa lánh họ để khỏi bị ô uế và bị mất uy tín?

3.  Tại sao một người tội lỗi ăn năn sám hối thì làm cho các thiên thần trên thiên đàng vui mừng hơn là thấy 99 người công chính không cần sám hối ăn năn?
Suy tư gợi ý:

1.  Sự thánh thiện cốt ở tình yêu hơn ở sự trong sạch hay nhân đức

Đọc bài Tin Mừng, ta thấy thái độ của Đức Giêsu, một người hết sức thánh thiện, lại có một thái độ sống rất hòa đồng với những người tội lỗi. Còn những người Pharisêu, ta thấy họ luôn luôn quan tâm giữ những luật lệ về sự «thanh sạch» mà Cựu ước đề cập đến rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt ở sách Lêvi các đoạn từ 11 đến 16. Họ xa lánh những vật mà Cựu ước cho là ô uế một cách nhiệm nhặt và chi tiết hơn cả chính luật lệ đòi hỏi nữa. Họ nghĩ rằng càng giữ nhiệm nhặt những luật đó, thì họ càng trở nên thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Vì dân chúng cũng nghĩ như thế, nên khi họ càng giữ luật đó nhiệm nhặt, thì họ càng được mọi người ca tụng là thánh thiện. Và càng được tiếng là thánh thiện thì họ càng phải tránh giao tiếp với những người tội lỗi để giữ được tiếng tốt ấy.

Nhưng Đức Giêsu không suy nghĩ và hành động như họ. Đang khi họ lấy việc giữ luật và việc cử hành những nghi thức tôn giáo bề ngoài làm chuẩn mực quan trọng của sự thánh thiện, thì Đức Giêsu lại rất coi thường chuẩn mực ấy.


Ngài coi tình yêu đối với mọi người và lòng khoan dung đối với người tội lỗi mới là chuẩn mực và là cốt yếu của sự thánh thiện. Vì cốt tủy của thánh thiện là nên giống như Thiên Chúa, nguồn mạch thánh thiện. Mà để giống Thiên Chúa thì điều cốt yếu nhất là phải giống bản chất của Ngài là tình yêu. Vì «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16) chứ không phải là bất kỳ điều gì khác. Ngài thì vô cùng quyền năng, Ngài thì vô cùng thanh sạch, v.v… nhưng Ngài không là quyền năng, không là thanh sạch, v.v… mà chỉ là tình yêu.

Vì thế, nếu giống Ngài ở trong mọi phẩm chất khác, mà không giống Ngài ở tình yêu, thì không phải là thánh thiện. Người nào trong sạch như thiên thần, hay có đủ mọi nhân đức nhưng lại không có tình yêu, người ấy không phải là người thánh thiện, vì cốt tủy của người ấy không giống Thiên Chúa. Còn những người tuy ít nhân đức, tuy còn ít nhiều tội lỗi, nhưng lại có nhiều tình yêu, thì người ấy giống Thiên Chúa hơn. 

Thật vậy, trước mặt Thiên Chúa, một người thu thuế bị mang tiếng là tội lỗi nhưng có tình yêu và lòng khiêm nhượng vẫn có thể thánh thiện hơn một người Pharisêu hằng được mọi người nể phục vì sống trong sạch và giữ luật hết sức nhiệm nhặt nhưng lại thiếu tình yêu và lòng khiêm nhượng (x. dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: Lc 18,9-14). Do đó, là người theo Chúa, ta nên biết điều chủ yếu phải bắt chước Thiên Chúa là điều gì. Nếu không, việc theo Chúa của ta chỉ là «công dã tràng».



2.  Tình yêu đòi hỏi cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ

Quan niệm của Đức Giêsu như thế, nên Ngài không ngần ngại đến với những người tội lỗi, hòa mình với họ để có thể cảm hóa họ. Đối với Ngài, dù họ tội lỗi đến đâu, họ cũng là «con cháu tổ phụ Ápraham» cả (Lc 19,9; x.13,16), nên họ cần được cứu khỏi tình trạng tội lỗi ấy. Mà muốn cứu họ thì không thể cứ xa lánh họ như chủ trương của những người Pharisêu, mà phải đến gần họ, tiếp xúc với họ, sống chan hòa với họ, để họ cảm nghiệm được mình thương yêu họ. Họ có cảm được mình yêu thương họ thì họ mới chịu nghe và thực hành những điều hay lẽ phải mình giãi bày. Còn tỏ ra khinh bỉ và xa lánh họ thì chỉ khiến họ xa mình và đẩy họ vào con đường tội lỗi hơn. 

Đối với Ngài, điều quan trọng là cứu họ chứ không phải là giữ luật về sự «thanh sạch» của Môsê. Tình yêu chân thật đòi buộc phải nghĩ như thế! Giao du với những người tội lỗi này, Ngài đành phải chấp nhận Ngài bị mất uy tín –thứ uy tín giả tạo và phi lý– trước mặt những người Pharisêu và giới lãnh đạo tôn giáo, khiến họ trách móc Ngài.

Ngài đã dạy các môn đệ: «Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em» (Lc 6,27-38). Kẻ thù hay kẻ đang làm hại mình mà mình cũng phải yêu thương, huống gì những anh chị em mình đang lầm lỡ, yếu đuối, lạc đường và đang tiến về vực thẳm…! Chính Thiên Chúa và Đức Giêsu đã làm gương này cho chúng ta. 

Thánh Phaolô viết: «Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ hoằn lắm có người dám chết vì một người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5,7-8). Nếu Thiên Chúa nại vào sự thánh thiện của Ngài mà xa tránh và khinh bỉ những người tội lỗi, thì số phận của loài người chúng ta hiện nay ra sao? Ta thánh thiện được bao nhiêu mà lại tự hào về sự thánh thiện ấy để xa tránh anh chị em tội lỗi của mình? Tình yêu đã khiến Thiên Chúa bất chấp sự thánh thiện của mình để đến hòa mình với nhân loại tội lỗi. 

Thiên Chúa đã coi tình yêu quan trọng hơn sự thánh thiện của Ngài, và chính vì thế, mà Ngài mới đúng là thánh thiện. Vì sự thánh thiện hệ tại tình yêu hơn là hệ tại sự trong sạch, hay tại có được vô vàn nhân đức! Đức Giêsu dường như không hề dị ứng với những người tội lỗi, mà chỉ dị ứng –thậm chí rất dị ứng– với những người mang danh đạo đức mà lại kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ, thiếu tình thương, thích bắt bẻ, khinh bỉ và kết án người khác (x. Mt 12,1-14; Ga 9,40-41; Mt 23; v.v…).



3.  Giá trị của một người tội lỗi ăn năn trở lại

Đức Giêsu hỏi những người Pharisêu: «Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?» (Lc 15,4), Câu hỏi ấy của Đức Giêsu cho thấy việc bỏ lại 99 con chiên không bị lạc để đi kiếm con chiên lạc, là một cách hành xử thường tình của con người. Ngữ cảnh của đoạn văn này khiến ta phải hiểu là người chăn chiên đã phải lo cho 99 con còn lại ở một nơi an toàn có người khác canh giữ trước khi ra đi tìm con chiên lạc. Chứ Đức Giêsu không phải là người không biết tính toán: chỉ tìm có một con chiên lạc mà liều để mặc cho 99 con kia ra sao thì ra! Hiểu theo cách ấy xem ra không đạt lý! 

Tuy nhiên, điều đáng cho ta suy nghĩ và thắc mắc tìm hiểu là câu kết luận của Đức Giêsu: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn» (Lc 15,7). Tại sao lại có vẻ nghịch lý như vậy?

Thường thì người tội lỗi nào thật sự ăn năn trở lại – nghĩa là quyết định dứt khoát không quay về con đường cũ tội lỗi nữa – thì cũng đều có một giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa mà những người thánh thiện khác ít có được:

– Họ đã có một quá khứ tội lỗi, nên họ không bao giờ dám tự hào về bản thân mình. Nhờ đó họ dễ khiêm nhường sâu xa hơn, mà khiêm nhường lại chính là nền tảng vững chắc của sự thánh thiện.

– Họ đã kinh nghiệm được sự yếu đuối và mỏng dòn của con người, nên họ rất dễ thông cảm sâu xa với những người yếu đuối, tội lỗi khác. Sự thông cảm này khiến họ bao dung và yêu thương người tội lỗi hơn. Nên sự cảm thông này là một giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa. Và một khi họ đã trở nên thánh thiện, họ cũng dễ dàng cảm hóa được người tội lỗi hơn nhờ kinh nghiệm trở lại của họ.

– Họ càng phạm tội nhiều thì khi được Thiên Chúa tha tội, họ càng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa nhiều hơn, và do đó họ yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn: «Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít» (Lc 7,36-50).

– Đối với trần gian, những người tội lỗi quay trở về thường có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, nhất là về mặt trái của nó. Do đó, họ thường có một sự khôn ngoan nào đó mà người chưa từng phạm tội không có được.

Nếu họ thật sự quay trở về và yêu mến Thiên Chúa, Ngài có thể biến chính quá khứ tội lỗi của họ trở thành một giá trị đem lại lợi ích lớn lao cho chính họ và cho người khác (x. Rm 8,28), nhờ tình yêu họ có được đối với Thiên Chúa và sự cảm thông và yêu thương đối với đồng loại.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã yêu mến và quyết tâm cứu những người tội lỗi biết bao! Xin cho con biết yêu mến và cảm thông với những anh chị em con đang sống tội lỗi vì chính con cũng đã từng phạm tội như họ, đồng thời tìm đủ mọi cách đem họ về đường ngay nẻo chính. Thánh Giacôbê nói: «Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình» (Gc 5,20). Xin Cha hãy vì tình yêu con dành cho những người tội lỗi mà tha thứ tội lỗi cho con.
Nguyễn Chính Kết
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31/03/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gs 5,9a.10-12: (9) Đức Chúa phán với ông Giôsuê: «Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập». • 2Cr 5,17-21: (17) Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, cái mới đã có rồi. (19) Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa. • TIN MỪNG: Lc 15,1-3.11-32
26/03/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Xh 3,1-8a.13-15: (7) Đức Chúa phán: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập. (8) Ta muốn giải thoát chúng». • 1Cr 10,1-6.10-12: (12) Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. • TIN MỪNG: Lc 13,1-9
06/03/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Ge 2,12-18: (13) Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. • 2Cr 5,20–6,2: (20) Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. (21) Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. • TIN MỪNG: Mt 6,1-6.16-18
03/03/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Hc 27,4-7: (5) Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò biết ai rởm ai hay. (6) Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. • 1Cr 15,54-58: (58) Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích. • TIN MỪNG: Lc 6,39-45
25/02/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • 1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23: (8) Ông Avisai nói với ông Đavít: «Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai». (9) Ông Đavít nói với ông Avisai: «Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu!». • 1Cr 15,45-49: (48) Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. • TIN MỪNG: Lc 6,27-38
19/02/2019
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 14 Có người thắc mắc, sao Chúa Giê-su đã hô “nào đứng dậy ! chúng ta đi khỏi đây”, rồi lại nói tiếp…
17/02/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gr 17,5-8: (5) Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! (7) Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. • 1Cr 15,12.16-20: (19) Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. (20) Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. • TIN MỪNG: Lc 6,17.20-26
08/02/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 6,1-2a.3-8: (3) «Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!» • 1Cr 15,1-11: (10) Tôi có là gì thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. • TIN MỪNG: Lc 5,1-11
03/02/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gr 1,4-5.17-19: (17) Giavê nói với Giêrêmia: «Còn ngươi, hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ». • 1Cr 12,31–13,13: (12,31)Trong các ơn huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. (13,1) Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng (…) (3) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (…) (7) Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được (…) (13) Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. • TIN MỪNG: Lc 4,21-30
27/01/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Nkm 8,2-4a.5-6.8-10: (9) Tổng trấn Nêhêmi, thầy tế lễ Exơra tuyên bố: «Hôm nay là một ngày thánh dành cho Thượng Đế Hằng Hữu». • 1Cr 12,12-30: (13) Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, và đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. (27) Vậy anh em chính là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. • TIN MỪNG: Lc 4,14-21
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC