Sống Niềm Tin 8 CHA TÔI Giám Mục Phao-lô Kim (Seitz)

18/08/20198:55 SA(Xem: 8884)
Sống Niềm Tin 8 CHA TÔI Giám Mục Phao-lô Kim (Seitz)

Sống Niềm Tin 8


CHA TÔI 

Giám Mục Phao-lô Kim (Seitz)


Gioan Trần Đức Tường 


Tòa soạn: Giám mục Phao-lô Kim là một thừa sai người Pháp, nhưng đã cống hiến cả cuộc đời cho Việt Nam và đã mặc lấy một tâm hồn người Việt. Nếu không được thấm nhuần bởi Tin Mừng của đức Ki-tô, liệu ông có được một tấm lòng nhân ái vượt biên giới thể hiện qua trường hợp sau đây không?

 


Gặp gỡ mùa Noel 


Ngồi bệt trên bực thềm cao nhất của Nhà Thờ Lớn, tôi thẫn thờ nhìn theo chiếc xe ôtô màu nâu phóng như bay khuất dạng sau hàng cây cao hai bên đường về phía Bờ Hồ. Đầu óc tôi đang rối lên như mớ bòng bong sau cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên vừa chấm dứt cách đây mươi phút. Tôi còn nhớ rõ đôi mắt đó, sáng như sao đêm, đôi mắt như nhìn thấu tâm hồn tôi. Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt đó với bộ râu quai nón cắt ngắn, mái tóc cũng cắt ngắn như hàm râu. Điều tôi nhớ nhất và làm tôi kinh ngạc nhất là "ông ấy" nói tiếng Việt Nam với tôi. Hôm đó, tôi còn nhớ là một chiều thứ bẩy trong tháng 12 năm 1950, trời lạnh. Các cô đi ngoài đường mặc áo len xanh đỏ. Trời ảm đạm không có nắng. Thấy nhiều người qua lại đứng nhìn về phía Nhà Thờ Lớn. Tôi cũng tò mò tới xem. Một cảnh nhộn nhịp đang diễn ra ở đây. Người bắc thang leo lên cây, người từ gác chuông thòng dây đèn xuống đất. Lòng tự hỏi: "không biết người ta làm gì đây nhỉ?". Rồi khi chiếc đèn ngôi sao màu trắng thật to đã được treo lên ngay trên cửa Nhà Thờ, những dây đèn điện đã được thòng xuống đến đất, mọi người biến mất vào trong nhà thờ. Tôi sợ nên không vào. Đang ngồi thơ thẩn một mình trên thềm, bỗng nhiên thấy phía trước tối sầm lại. Trước mặt tôi xuất hiện chiếc áo trùng thâm thật dài đứng thật sát vào tôi. Tôi ngước mắt lên và đã bắt gặp khuôn mặt đó, hàm râu đó và giọng nói hiền hòa hỏi tôi: 

- Sao con ngồi đây một mình? 

Trong đầu thoáng một cảm giác thật gần gũi xen lẫn một nỗi kinh ngạc "Sao ông cha Tây này nói tiếng Việt giỏi thế?". Có lẽ những suy nghĩ mông lung đã làm tôi nói không nên lời. 

- Nhà con ở đâu? 

- Thưa..., nhà con ở dưới Bạch Mai. 

Thế rồi, không biết người đã hỏi tôi những câu gì mà tuần tự tôi như bị thôi miên, bị lôi cuốn bởi một sự cảm thông nào đó, tôi đã kể hết chuyện đời tôi cho người nghe. Tôi đã kể thật dài; bây giờ chỉ xin tóm lược: 

- Gia đình con trước đây là một gia đình danh giá ở tỉnh BN. Cha con mới chết hồi tháng ba ở hậu phương, nơi gia đình tản cư. Trước đó mẹ con đã bỏ đi lấy chồng khác, nay không biết ở đâu. Chúng con mới hồi cư về thành hồi tháng năm. Nhà cửa bị tiêu thổ kháng chiến nên chỉ còn một đống gạch vụn. Hai anh em con đang ở với người vợ lớn của cha con. Hiện chúng con không đi học. Con đã học hết lớp nhất cách đây 2 năm... 

Người nhìn thùng đánh giầy để sát cạnh tôi như muốn hỏi điều gì. Tôi nói: 

- Con dấu nhà đi đánh giầy. Con thuê thùng này ở gần rạp Eden. Chiều về trả thùng, phải nộp tiền cho "Anh Lớn". Mai lại đến thuê. 

- Con đánh giầy được bao nhiêu tiền một ngày? 

- Mỗi ngày cũng được 10 đến 15 đồng. Cuối tháng lính Tây ra trại thì được nhiều hơn... Người thở dài và nói: 

- Cha có một gia đình lớn lắm, trong đó có 450 anh em cũng như con. Nếu con muốn, thì cha có thể nhận thêm con vào đó. Con có thể học chữ, học nghề, được ăn uống, có quần áo mặc. Con có muốn không? Vừa nghe, tôi vừa cảm thấy một nỗi sợ hãi. Ở hậu phương, người ta nói "thằng Tây thực dân" nó độc ác lắm. Ông này là một "thằng Tây". Không biết ông ta muốn "bắt" mình để làm gì đây? Tôi im lặng với những suy nghĩ nghi ngờ. Bỗng Cha tiếp: 

- Cha không bắt con phải trả lời ngay. Cha để cho con suy nghĩ. Về nhà nói với mẹ già con. Nếu con muốn thì tuần sau, cũng giờ này con lại đây. Cha sẽ đưa con vào trường. 

Nói rồi người rảo bước về phía Nhà Chung. Tôi lúng túng, quên cả chào người. Tôi thấy người lên chiếc xe ôtô mầu nâu gụ đậu ở đó, rồi chiếc xe chạy đi. 

Trên đường về nhà, tôi như kẻ mất hồn. Mợ tôi, em tôi đều thắc mắc sao hôm đó tôi ít nói. Tôi gọi mẹ đẻ tôi là "U" và gọi bà vợ lớn của bố tôi là "Mợ". Tôi nghĩ mãi không ra. Ông cha Tây này có ý đồ gì đen tối hay không? Nếu thế thì mình chả dại gì mà đâm đầu vào. Nhưng, ngộ nhỡ ông ấy tốt thật thì đây là dịp may cho đời mình... Hai ý nghĩ này cứ quay cuồng trong đầu óc thơ dại của một đứa trẻ 13 tuổi. Cũng phải thú nhận là những suy nghĩ tiêu cực nghi ngờ ngày càng nhiều hơn, lấn át hẳn những suy nghĩ tích cực. Tuy không nói ra, nhưng trong tôi, có nhiều phần là tôi sẽ không đi theo ông cố đạo Tây đâu. Nhưng lời dặn của người vẫn lảng vảng trong đầu "Về nhà nói với mẹ già con". 

Tôi đã phải lấy hết can đảm vào giờ phút cuối để thưa với mợ tôi. Bà cụ nghe đâu mà cũng biết là có một cô nhi viện của một ông Cha Tây. Cụ phản đối ngay. Cho rằng họ hàng nhà chồng sẽ dị nghị là bỏ con chồng vào "nhà mồ côi". Thế là tôi đã có quyết định. Tôi sẽ không đi theo Cha. Hôm đó, tôi đi làm sớm. Nhận thùng đánh giầy. Có nhiều người Tây ở các hiệu ăn trên phố Tràng Tiền, nên tôi làm được nhiều tiền. Khoảng 3 giờ chiều, khách vãn, tôi thường hay ra mấy hàng hoa góc Bờ Hồ ngắm hoa. Ghé ông Tàu già mua 1 đồng lạc rang húng lìu rồi đi chơi lang thang. Hôm đó, bước chân như không hồn, tôi cứ đi, cứ bước dọc theo bờ nước. Giật mình trở về hiện thực thì lừng lững trước mặt là hai tháp chuông Nhà Thờ Lớn. Tôi muốn bỏ chạy, nhưng chân như chôn xuống đất. Đang đứng nhìn quanh quẩn thì tà áo trùng thâm đã xuất hiện ngay bên cạnh tôi. 

- À con đây rồi. Tên con là gì? 

- Thưa Cha, Tường. Tôi ấp úng. 

- Tốt lắm. Cha là Cha Kim. Con... Tường đi theo cha. 

Vừa nói người vừa quay gót. Như cái máy, tôi chạy theo người. Sao người đi nhanh thế? Trừ Bố tôi lúc sắp mất gọi tôi là Con Tường, cha vô tình hay cố ý đã gọi tôi như thế. Một cảm giác thân thương, tin tưởng tràn trong lòng tôi. Người mở cửa xe cho tôi lên. Người nheo một bên mắt với tôi và trên môi người nở một nụ cười hóm hỉnh. Tôi nhớ mãi cho đến bây giờ nụ cười và cái nheo mắt thân thương này. Người dậy tôi quay kính xuống. Đây là điều đầu tiên tôi học được từ người. Cảm tưởng tôi lúc đó thật là khó tả. Tôi lớn lên thì nhà tôi đã bán xe ôtô, chỉ còn xe tay. Rồi những năm chiến tranh đi tản cư, chỉ cuốc bộ chứ đâu có xe mà đi. Không biết đây có phải là lần đầu tiên tôi lên một chiếc ôtô con không? Người đốt píp thuốc trước khi cho xe chạy. Tôi sực nhớ cái thùng đánh dầy trên đùi và nói nhanh: 

- Thưa Cha, con còn phải đi trả thùng đánh giầy. 

- Ở đâu con? 

- Thưa Cha ở gần rạp Eden. 

- Cha sẽ đưa con đến đó. - ... 

Thế là chiếc xe lại phóng như bay. Chóng mặt quá. Gió bạt cả tóc. Cha cho xe dừng ở chỗ tôi chỉ. Người ngồi trên xe, nhoài người sang phía tôi để mở cửa. Thế là tôi biết mở cửa xe rồi đấy. Tôi chạy xuống và gặp "anh Lớn" đang đứng trước rạp cinéma. Tôi đưa trả thùng và tất cả số tiền thu được cho anh. Anh quắc mắt nói: 

- Sao mày trả thùng bây giờ thì tao còn cho ai thuê. 

Anh ta định sai một thằng khác khám người tôi. Tôi quay đầu nhìn về phía xe cha. Dường như cha biết tôi gặp khó khăn. Người đã mở cửa xe và đứng xuống theo dõi tôi từ hồi nào. "Anh Lớn" thấy có ông cố đạo người Tây đứng nhìn, hoảng hốt giật cái thùng đánh giầy quay người chạy nhanh về phía Nhà Hát Lớn. Tôi thò tay vào trong xe để mở cửa. Cha cười.

 Lên xe, tôi lại nhớ ra rằng chưa nói với mợ tôi. Nếu đêm nay không về chắc bà cụ lo đến chết mất. Tôi thưa cha: 

- Sáng nay con không nói với mợ con là con sẽ theo cha và không về nhà. Con sợ mợ con lo. 

- Nhà con ở đâu? Ở Bạch Mai mà ở chỗ nào? 

- Thưa Cha, ở chỗ hai đường tầu tránh nhau. 

Ngài lại cười và nói: 

- Cha đưa con về nhà con. 

Xe đậu bên lề đường. Tôi lưỡng lực chưa muốn xuống xe. Như đoán được ý nghĩ của tôi Cha nói: 

- Cha sẽ vào gặp mợ con, nếu không mợ con không tin. 

- Vâng. 

Bao nhiêu là con mắt của người đi đường và hàng xóm láng giềng đều hướng về phiá chúng tôi, về phía cha thì đúng hơn. Có thể đây là lần đầu tiên có ông cố đạo Tây vào nhà người ta. Mợ tôi sợ ra mặt. Nhưng khi nghe cha nói tiếng Việt, bà cụ mỉm cười. Cha cắt nghĩa cho mợ tôi là cha đưa tôi vào trường để học. Mợ tôi bán tín bán nghi. Cha nói : 

- Hôm nào bà có thể lên thăm nhà chúng tôi cho biết. Cha hỏi có cho em tôi cùng đi không. Mợ tôi hoảng quá nói nhanh : 

- Thưa Cha để cho Tường nó đi trước rồi chúng tôi sẽ cho cháu Thạch lên sau. 

Nói rồi cụ chạy đi tìm mấy bộ quần áo của tôi, cho vào một cái vali nhỏ đan bằng mây. Cụ dúi vào tay tôi 10 đồng bạc và dặn nhỏ tôi: 

- Ở không được thì trốn về. Mợ có bỏ con đâu? 

Thế là cụ phát khóc ra tiếng. Cha lại an ủi và bảo rằng chủ nhật được về nhà thăm nhà. Chúng tôi ra xe, đàng sau lưng, mợ tôi vẫn khóc. Hai bên đường, các cửa hiệu đã lên đèn. Chiếc xe chạy băng băng. Tôi nhìn ra cửa. Phút chốc Chợ Hôm, Hồ Hoàn Kiếm, Chợ Đồng Xuân đã lùi về phía sau. Xe đã tới Vườn Bách Thú. Cách đây ít lâu, ở chỗ này đã có "Hội Chợ" vui nhộn đáo để. Tôi có mò tới, lấy tiền đánh giầy mua vé vào xem. Mãi sau này mới biết chính Cha Kim đã tổ chức Hội Chợ đó. Xe phóng qua Quần Ngựa rồi rẽ trái vào một cổng lớn, có biển đề Cô Nhi Viện Têrêxa. Đúng rồi. Thế là tôi vào "Nhà Mồ Côi". Xuống một con dốc ngắn, xe ngừng ngay trước cửa chính. Cha nói: 

- Về đến nhà rồi. 

Tôi xách chiếc vali nhỏ bằng mây líu ríu xuống xe đi theo cha. Ngài dẫn tôi vào văn phòng. Ở đó, gần cửa sổ có bàn giấy của một ông chạc tuổi 30. Cha nói bằng tiếng Pháp với ông rồi quay sang tôi: 

- Thầy Khắc sẽ làm giấy cho con. 

Nói xong ngài bước nhanh ra cửa. Tôi cảm thấy hụt hẫng, như mất đi điểm tựa vững chắc mà tôi mới có được cách đây vài giờ. Thầy Khắc người mảnh khảnh, mặt xương xương, giáng người thư sinh, trí thức. Thầy mặc áo sơ mi có thắt cà vạt. Bên ngoài có chiếc áo len mỏng. Thầy đang lúi húi viết lách. Tôi im lặng đứng chờ, và đưa mắt quan sát khắp nơi. Văn phòng to quá khiến tôi càng thấy mình bé nhỏ. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn ra cửa xem có thấy bóng dáng cha không. Sao tôi muốn chạy ra để về nhà quá đi. Bỗng thầy Khắc ngước đầu lên nở một nụ cười thật tươi. Nụ cười này tôi chỉ thấy nơi người anh rể, chồng bà chị cùng cha khác mẹ với tôi. Không phải thầy chỉ cười bằng miệng, mà hai mắt cũng cười. Thầy hỏi : 

- Em tên là gì? 

- Thưa Thầy, tên là Tường. 

- Họ gì? 

- Thưa Thầy, Trần Đức Tường 

- Bao nhiêu tuổi? 

- Thưa Thầy, 13. 

- Có biết ngày sinh không. 

- Thưa thầy có. Ngày 9 tháng 8 năm 1937. 

- Sao em biết ngày sinh của em? 

- Thưa Thầy, con còn giữ được giấy khai sinh. 

- Em học lớp mấy? 

- Thưa Thầy em đã đỗ bằng Tiểu Học ở hậu phương hai năm rồi. 

- Em được Cha Giám Đốc đưa vào. Đây là đặc biệt lắm đấy. Em phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và vâng lời các cha, các thầy. 

Tôi thấy hai chữ "giám đốc" sao nó xa lạ quá, không giống như ông cha hiền từ chở tôi trên xe ôtô lúc nãy. Nhưng dù sao thì bầu không khí im lặng nặng nề đã bị phá tan. Tôi cảm thấy yên tâm hơn. Thầy cúi xuống viết tiếp. Một lúc sau, thầy đứng lên nói với tôi: 

- Đi theo tôi 

Tay cầm mấy tờ giấy nhỏ, thầy dẫn tôi đi ra. Tôi chờ thầy khóa cửa. Chúng tôi đi qua một hành lang dài. Tôi nhìn vào cửa sổ thấy những khung xe đạp đang để trên nhiều cái bàn dài. Không có ai trong đó cả. Ngoài sân cũng chẳng có ai. Chúng tôi đến nhà may và ở đó có mấy chị lớn đang ngồi may. Người ta đã phát cho tôi hai bộ quần áo thường ngày: quần yếm, áo sơ mi mầu xám có sọc và một bộ quần áo chủ nhật quần xanh, áo xơ mi trắng. Tôi cũng được cho biết số riêng quần áo của tôi. Con số đó là 447. Tôi còn được phát một túi bàn chải và thuốc đánh răng, khăn mặt, một tấm chiếu và một cái chăn dạ. Sau đó, tôi đã được dẫn lên "gia đình nhỡ" để lấy chỗ ngủ. Sau này tôi mới biết là để giúp các em quên đi thân phận mồ côi, cha đã chia ra từng gia đình. Các anh lớn là Gia đình Chúa Thợ. Cỡ tuổi tôi là gia đình nhỡ, cũng còn gọi là gia đình Giuse. Các em nhỏ hơn ở gia đình bé. Bé nữa ở Jardin d'enfants do các Dì Phước chăm lo. 

Một hồi chuông lanh lảnh nổi lên. Thầy Khắc nói: 

- Đây là chuông bê. 

- Thưa Thầy, chuông bê là gì? 

- Là chuông gọi toán trực xuống nhà ăn chỗ kia kìa để "bê" cơm và thức ăn từ nhà bếp lên dọn trên bàn ăn. Chốc nữa có chuông thì xếp hàng vào nhà ăn, ăn cơm tối. Ngày có 3 bữa cơm: sáng, trưa, tối. Nghe chuông thì đi ăn. 

Tôi ghi nhớ những lời thầy dạy. Bỗng thầy quay lại nói: 

- Ngày mai là chủ nhật, gia đình lớn và gia đình nhỡ được đi chơi, không cần xin phép. Em có thể về thăm nhà. Chiều phải vào trước giờ cơm tối. Thứ hai em vào học lớp nhất. Ở "nhà" này lớp nhất là lớp cao nhất. Em học lại để thi tiểu học. Bằng tiểu học ngoài hậu phương không được công nhận. 

- Vâng ạ 

Quả nhiên một lúc sau chuông lại đổ hồi. Tôi được thầy dẫn đến trước nhà cơm. Anh em kéo nhau ra đông quá. Tôi được thầy xếp cho đứng vào một bàn dưới nhiều con mắt đổ dồn về phía tôi. Tôi cúi đầu và khẽ mỉm cười với những người anh em mới gặp. Chưa biết tên. 

Chúng tôi im lặng vào nhà cơm. Nhà cơm rộng quá. Ở giữa hai cửa ra vào nhà cơm, là một cái bàn dài, có bầu đĩa tây và dao, nỉa theo kiểu tây, tôi đã thấy ở các hiệu ăn ở gần rạp Eden. Cha Kim đứng ở giữa, bên phải Cha Kim là một cha tây khác, béo hơn, cũng râu quai nón đen lánh. Sau này mới biết là Cha Cao, phó giám đốc. Bên trái Cha Kim là một cha người Việt Nam, sau này anh em cho biết là Cha Gioan Lê Trung Độ, hiệu trưởng. Bên cạnh cha Độ là Thầy Khắc, tôi đã biết. Bên cạnh Cha Cao là một ông tây, anh em nói đó là thày Moret, coi xưởng thợ. Rồi bên cạnh ông này là Thầy Thoại, Bên cạnh Thầy Khắc là Thầy Trần, Thầy Bính, Thầy Bốn Chương, Thầy Thiện, Thầy Thường, Thầy Phùng, Thầy Hùng vv... đều là những Thầy mà sau nhiều tuần lễ tôi mới biết hết tên và nhận được mặt. 

Hai cánh phải và trái của bàn các cha là những dẫy bàn dài và ghế dài của anh em. Các anh lớn và gia đình nhỡ ở phía bên phải. Gia đình bé ở bên trái. Tất cả đều còn đứng im lặng nhìn về phía bàn các cha. Cha Kim cúi xuống bàn lấy cái chuông nhỏ lắc nhẹ mấy tiếng. Rồi cả nhà làm dấu và hát kinh. Tôi không có đạo. Thật là lúng túng. Bụng bảo dạ: "Ai sao tôi vậy". Tôi nhìn anh em cũng đưa tay lên trán, xuống ngực rồi sang hai vai. Làm như thế nhưng chẳng biết nói gì cả. Hát hết kinh cũng làm dấu và cả nhà cơm ồn lên tiếng nói chuyện như một bầy ong vỡ tổ. Tôi cũng ngồi xuống. Mâm tôi ở gần đầu bàn. Mấy anh em hỏi tôi :

- Mới hả? - ... 

Tôi chỉ gật đầu không nói được câu nào. 

- Tên gì? 

- Tường! 

- Ăn đi. Cơm "kẽo". Hôm nay gần Giáng Sinh. Khá đấy. 

Người ngồi bên cạnh tôi tên Khôi. Tôi chẳng hiểu "kẽo" là gì. Sau này mới được giải thích thay vì gọi chúng tôi là "mồ côi", chúng tôi tự gọi nhau là "mồ kẽo". Bữa cơm khác với cơm ở nhà. Cơm được để trong cái thúng. Thứ thúng to gánh gạo. Trên bàn có một xoong nhôm đựng cá khô nấu với ít hành tây, lõng bõng nước. Vừa là kho, vừa là canh. Một đĩa nhôm lớn đựng quả xu xu sào xuông với mỡ. Mỗi người có một cái bát bằng sắt tráng men, một cái thìa. Bụng lại bảo dạ "Ai sao, tôi vậy" và tôi đã hòa mình ngay. Cơm còn nóng, nhưng bốc mùi bao tải. Cá khô kho nước khá mặn, xu xu cũng mặn và có mùi thơm mỡ lạ lạ. Buổi trưa quên cả ăn, nên tôi quất đẫy 3 bát. Bát sau cùng chỉ còn nước cá. Rưới lên ăn cũng ngon. Anh em ăn nhanh như ăn cháo thí. Vèo một cái là trên bàn chỉ còn thúng không, soong đĩa không. Nhẵn nhụi. Bỗng lại nghe tiếng chuông Cha lắc. Tất cả cái tổ ong ồn ào bỗng im như tờ. Mọi người đứng dậy. Các cha, các thầy ăn chưa xong cũng đứng lên. Lại làm dấu rồi hát kinh cảm ơn. Và tôi theo anh em ra ngoài sân. Các cha, các thầy ngồi xuống ăn tiếp. Họ ăn cơm tây. Thấy có rau sà lát. Ngoài sân, anh em xúm lại hỏi tôi đủ thứ chuyện. Tôi bẽn lẽn trả lời. Khôi hướng dẫn tôi và chỉ cho tôi những nơi cần biết cũng như những việc phải làm. Cũng có nhiều anh ngổ ngáo hỏi tôi: "Đã tắm ghẻ chưa?" Tôi không hiểu. Khôi cắt nghĩa cho tôi rằng ai vào cũng phải qua bọn này. Đây là tục lệ trong nhà. "Cậu sẽ bị tụi nó tẩn cho một trận đấy. Cố chịu đau. Rồi mới được chấp nhận là kẽo". Tôi hơi hoảng. Nhưng mặc kệ "Ai sao, tôi vậy". Chính cái nhân sinh quan này đã khiến tôi tìm thấy trong nhà Têrêxa, trong những "anh em mình" một tổ ấm, một tình thương cho những ngày anh em tôi sống ở đây. 

Chơi được khoảng 1 giờ. Chuông lại nổi lên và lại xếp hàng lên nhà ngủ. Vì thiếu chỗ, tôi và mấy anh em phải ngủ đất. Sàn lát gạch hoa, trải chiếu ra nằm cũng còn hơn những ngày tản cư ở hậu phương. Chúng tôi đọc kinh và hát bài "Lậy Mẹ xin yên ủi chúng con". Tôi không thuộc. Nhưng nghe anh em hát mà bất giác nước mắt chảy chan hòa trên má. Sáng hôm sau, chủ nhật. Ăn sáng xong thay quần áo ngày lễ. Quần dài xanh, áo sơ mi trắng. Tôi mặc thêm chiếc áo len mang theo từ nhà rồi khoác ra ngoài chiếc áo blouson mầu xám có những sọc đen nhỏ. Trông cũng đẹp trai. Thế là đi phép. Tôi về nhà. Mợ tôi, em trai tôi, các cháu tôi xúm lại nghe kể chuyện. Cụ cười. Nhưng vẫn chép miệng vì sợ bên chồng dị nghị. Chiều, 4 giờ tôi xin phép mợ "vào trường". Mợ định cho tôi thêm tiền, nhưng tôi không lấy. Lên xe điện tôi ra đi trước những đôi mắt thân thương nhìn theo luyến tiếc... 

Về tới "Nhà", tôi thấy một cảnh nhộn nhịp khác thường. Anh em chạy ngược, chạy xuôi như đang chuẩn bị cái gì vui lắm. Nét mặt ai cũng hớn hở, vui tươi. Lên tầng hai, trước cửa nhà thờ thấy đã căng biểu ngữ "Đón Mừng Giáng Sinh 1950". Tôi thấy Khôi đi từ trong nhà thờ ra. Khôi vẫy tay nói: 

- Đêm nay là Lễ Sinh Nhật. 

- Ai? 

- Chúa Giêsu. Cậu không có đạo à? 

- Không! 

Tiếng đàn du dương từ trong nhà thờ vọng ra. Khôi tiếp: 

- Vào đây xem. 

Một cảnh náo nhiệt đang diễn ra trong nhà thờ. Cũng giống như chiều hôm qua trước Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Thầy Thường chỉ huy anh em bắc thang leo lên giăng giây kim tuyến. Có cả cây thông trang hoàng đèn mầu chớp tắt. Có cả hang đá với tượng con bò, con lừa và các vị thánh. Tôi thấy rộn lên trong lòng một niềm vui. Niềm vui là một thành phần của cộng đồng đặc biệt này. Tôi đưa mắt quan sát khắp nơi. Thấy có những pho tượng thật đẹp. Chẳng biết tượng ai. Tôi lần theo những hàng ghế dài hai bên nhìn lên bàn thờ có nhiều bình hoa thật đẹp. Chắc là hoa mua ở Bờ Hồ. Có một nhóm anh em đang tập hát. Thầy Hùng vừa ngồi đàn, vừa đánh nhịp. Sao có những bài hát hay thế, du dương thế. Tôi lặng người thả hồn theo giòng nhạc. Ở hậu phương tôi là một đứa hát hay. Tôi nghĩ, tôi sẽ xin được vào Hội Hát này. Hồi chuông bỗng vang lên. Tôi chạy lại chổ Khôi đang đứng vịn thang hỏi 

- Chuông gì thế ? 

- Chuông xuống nhà cơm. 

- Chứ không phải chuông bê à ? 

- Chuông bê rồi. Bây giờ là đi ăn cơm. 

Mọi người nhanh chóng rời nhà thờ. Đồ đạc vẫn để lung tung. Khôi nó nói là chốc nữa ăn xong lên làm nốt. Bữa cơm cũng giống như ngày hôm qua. Tôi vẫn thấy ngon miệng. Lúc ra nhà cơm thấy anh em xúm lại đọc tờ giấy dán trên bảng. Tôi cũng chen lại đọc. Thì ra tối nay đặc biệt. Được chơi đến 10 giờ rưỡi rồi thay quần áo xuống nhà thờ. Phòng ngủ chúng tôi ở trên tầng ba. Chương trình sẽ là canh thức, dọn mình mừng Giáng Sinh. Lễ nửa đêm. Sau lễ sẽ có ăn "rê vây ông". Tôi lấy làm lạ vì sao lại ăn ông nào. Nhưng không nói ra. Sợ quê. "Ai sao, tôi vậy". Thật là Đêm Kỳ Diệu. Tâm hồn tôi ngây ngất. Ánh sáng, đèm mầu, điệu nhạc, lời ca, mùi hương trầm... cho tôi cái cảm giác lâng lâng như đang lạc vào một thế giới thần tiên nào khác. Nếu có thể gọi đây là niềm vui thì chưa bao giờ tôi vui như thế. Còn nếu bảo là hạnh phúc thì cũng chưa bao giờ tôi hạnh phúc như đêm nay. Nhất là cả cuộc đời thơ dại của tôi chỉ có đau buồn, đói khổ, chết chóc. Bố tôi qua đời mới được 6 tháng. Bà nội tôi mất sau bố tôi 10 ngày... "Cao cung lên...", "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời", "Bêlem ơi, đêm nay Chúa sinh ra ở trong nhà ngươi".... Hay quá. Cảm động quá. Tôi đã khóc khi thấy cha Kim mặc lễ phục đẹp quá cùng các Thầy tiến lên bàn thờ. Những giọt lệ này không giống như lúc tôi khóc bố tôi. Tôi khóc vì hạnh phúc. Lễ kéo dài đến gần 1 giờ sáng. 

Anh em đổ xuống nhà cơm. Đúng là một bữa tiệc. Có bánh tây batê, có thịt bò nấu với cà rốt khoai tây. Lại có cả bánh kem. Cha Kim đã tới từng bàn nói chuyện với anh em. Tới chỗ tôi, người lại nheo một bên mắt và cười hóm hỉnh. Tôi cúi đầu và thấy yêu cha vô cùng. Ăn xong, anh em đua nhau chạy lên nhà ngủ. Tôi chẳng hiểu gì cả. Khôi kéo tay tôi dục chạy nhanh lên. Tới chỗ ngủ, tôi ngạc nhiên thấy trên chiếu có một gói quà trong bao nylon. Tôi mừng quá. Chưa bao giờ ai cho tôi một món quà như thế này cả. Mở ra, tôi thấy hai thỏi "sô cô la", loại của lính Tây. 5 cái kẹo nougat, một hộp bút chì mầu, hai quyển vở, một cái lược, một cái gương nhỏ hình tròn như của con gái... Thích nhất là cái đèn pin nhỏ, có cả pin. Tôi chạy ra cửa sổ bật đèn chiếu xuống sân thấy cả cỏ. Cùng với tôi còn có nhiều cậu khác chiếu đèn. 

- Của tớ xa nhất.

- Tớ xa hơn... 

Tôi đi ngủ khi Thầy Thường beo tai kéo vào và tắt đèn. Tôi cười thầm đi vào giấc ngủ hồn nhiên. NOEL tuyệt vời. 


***


Những Ngày Dưới Mái Nhà Cha Kim 


Đúng như Thầy Khắc đã nói, tôi được dẫn vào lớp nhất. Lớp có khoảng 40 học trò. Ngoại trừ môn tiếng Pháp là tôi mù tịt, còn tất cả mọi môn tôi đều giỏi và là học lại. Thầy Bốn Chương dậy Việt Văn rất thích những bài luận của tôi và thường niêm yết trên bảng cho cả lớp đọc. Thầy Bính đậy môn toán. Thầy cho bài rồi làm mang lên ngay. Đứa nào mang sớm được thầy ban cho chữ "Đ" bằng mực đỏ. Thế là có câu hát "ơ cái đê hồng hồng..." theo điệu nhạc Hè Về của Hùng Lân. 

Tôi đã được đi học. Tôi đã có một mái nhà, có hơn 400 anh em. Cha Kim vẫn vất vả ngược suôi để kiếm tiền nuôi sống anh em chúng tôi. Có ngày, người tỏ ra lo âu thật nhiều. Người không bao giờ nói với chúng tôi. Nhưng anh em chúng tôi đều rất tinh mắt và nhận thấy như thế. Đôi khi tình hình cùng quẫn. Buổi tối, ăn cơm xong người đã rung chuông tụ tập "cả Nhà" lên nhà nguyện Chầu Thánh Thể. Trước Mình Thánh Chúa Giêsu, người đã đứng lên cầu nguyện lớn. Tôi không nhớ hết nguyên văn; nhưng đại ý người thưa bằng tiếng Việt với Chúa rằng : 

"Lậy Chúa. Tôi là linh mục Kim. Giờ phút này, trong tủ chỉ còn chưa được 50 đồng bạc. Bà Dubois và ông Trần đã thiếu nợ ngoài chợ 1000 đồng. Ngày mai sẽ không còn tiền đi chợ mua thức ăn nuôi sống các con tôi. Xưa Chúa đã nhân 5 cái bánh và 10 2 con cá để nuôi ăn dân chúng đi theo Chúa bên hồ Tibêriát còn thừa 12 thúng. Xin Chúa nhủ lòng nhân từ ban của nuôi các con của tôi. Tôi xin dâng tất cả chúng nó cho Tình Yêu của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị..." 

Anh em thưa Amen trong nước mắt và lòng sốt sắng lạ lùng. Ngày hôm sau chúng tôi vẫn có cơm ba bữa. Tuy cơm không thể ngon như trong nhiều gia đình. Nhưng phải thú nhận một điều. Chúng tôi chưa bao giờ bị đói. 

Nhà chúng tôi có những sinh hoạt khác nhau. Các anh gia đình lớn thì học nghề. Nghề nguội thu hút nhiều anh em nhất. Anh em được các thầy Thưởng, Moret, Thoại chỉ dẫn. Anh em học giũa, học tiện. Thực hành thì giũa khung xe đạp. Cha nhận từ hãng xe đạp Mercier những khung xe đạp mới hàn, cần phải giũa trơn những vết hàn trước khi sơn. Công việc này cũng kiếm được ít tiền cho nhà. Nghề thứ nhì là nghề mộc. Nếu tôi không lầm thì Thầy Ngân trách nhiệm trại mộc với máy cưa lớn, đục, tiện, đủ thứ. Ở đây cũng nhận đóng bàn ghế bán ra ngoài. Nghề thứ ba ở trong nhà là nghề may. Anh em học cắt, học may. Công việc không thiếu vì phải may sửa quần áo cho 450 anh em trong nhà. Tôi có người anh thiêng liêng, cùng nhận Thầy Trần là bố đỡ đầu rửa tội học nghề làm việc ở đây. Đó là anh Giuse Nguyễn Văn Chuyên. Anh đã trở thành một nhà may cắt nổi tiếng của Sài Gòn trước và sau 1975. 

Sau đêm văn nghệ Tết 1951, Cha Kim đã có sáng kiến thành lập một đội kèn đồng. Đây là một nghề mà anh em có thể học. Ngoài ra có thể kiếm ra tiền bằng cách đi hòa nhạc cho các nhà thờ trong những dịp kiệu, lễ trọng vv... Nhìn thấy rằng, niên khóa1951-1952, nếu Cha không mở thêm lớp đệ thất, trung học, thì tôi sẽ phải ra học nghề. Chân yếu, tay mềm, không cầm được cái búa, không cưa nổi miếng gỗ, tôi đã nghĩ có thể đi học may như anh Chuyên. Nay có đội kèn đồng, thật thích hợp với tôi, ưa văn nghệ, chuộng âm nhạc. Tôi rất mừng và được Cha cho đi theo tìm kèn, trống. Mới đầu vào trong thành Tây. Nhưng kèn phế thải ở đó chẳng ra cái gì cả. Kèn thì bẹp, trống thì thủng... Cha quyết định ra hiệu nhạc của ông Tây Mù Hà Nội. Ông bán chịu cho cha tất cả nhạc cụ cho một tiển đội kèn đồng. Cha hỏi tôi thích kèn gì. Tôi chọn chiếc clarinette. Tôi đã nhờ nghề này để kiếm sống trong thời gian sinh viên đi học Trường Thuốc. Một số nghề khác, cha phải gửi anh em ra ngoài. Ví dụ nghề in ấn, xếp chữ, cha gửi đi học nghề tại nhà in I.D.E.O (Imprimerie d'Extrême-Orient). Nghề ấn loát ảnh (photogravure), cha cho một anh đi Pháp học.... 


Dọn Nhà 


Thời gian này Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, giám mục Hà Nội đã đòi lại khu nhà Lacordaire chúng tôi đang ở để mở lại Chủng Viện. Cha đã phải lặn lội đi tìm đất đai để mua rồi xây cất nhà cho chúng tôi. Lúc đi mua, Cha đi cùng với Frère Victorin, quản lý của trường Puginier. Thầy nói với tôi sau này : "Cha em đi mua đất mà không có đồng xu trong túi. Frère phải bảo lãnh cho mới mua xong đấy". Khu đất đó là khu Thái Hà Ấp. Để trả nhà kịp cho chủng viện khai giảng, Cha đã phải vận động với chính quyền Việt Pháp để xin mượn khu dinh thự Hoàng Cao Khải để anh em ở tạm. Hàng ngày, chúng tôi học nửa ngày, nửa ngày còn lại đi lao động. Lao động của chúng tôi là tới các khu vực nhà đổ trong dinh Hoàng Cao Khải để nhặt gạch về xây Thị Xã Kitô Vương. Lúc đó, trong nhà xuất hiện một cha mới. Đó là Cha Vượng (Vacher). Cha Vượng chuyên về xây cất. Chính người đã thiết kế và xây dựng khu Thị Xã Kitô Vương. Cha cũng mua luôn cái villa tên gọi là Trúc Lâm cách với miếng đất bởi một con kinh đào. Cha đã vận động với nhà binh Pháp và chính ông tướng De Lattre de Tassigny đã cho bắc một cây cầu Eiffel nhỏ nối liền Trúc Lâm với Thị Xã Kitô Vương. Cầu này anh em gọi là cầu De Lattre. 

Thị Xã Kitô Vương bao gồm Nhà Nguyện khang trang, xưởng thợ, dẫy nhà các cha, bệnh xá, và 12 căn nhà xếp hai bên đường cái chính. Khắp chung quanh Thị xã là kinh đào, nên có cảm tưởng khu đất như là một ốc đảo. Khánh thành nhà có đội kèn đồng và có nhiều quan khách Việt Pháp. Về đây, không còn chia ra gia đình lớn, bé nhỡ vv... nữa mà chia ra làm 12 gia đình, tượng trương cho 12 tông đồ, 12 chi họ Israel. Mỗi gia đình có các anh lớn, có anh nhỡ, có các em bé và cả các em bé tí. Mới đầu, mỗi gia đình đến kho lãnh thức ăn và gạo nước về nấu lấy. Xong vì thấy mất nhiều thời giờ và có nhiều trục trặc trong nấu ăn, nên Cha lại phải tổ chức nhà bếp chung. Khi nổi chuông bê thì anh em lên nhà bếp bê cơm và thức ăn về gia đình mình ăn chung. 

Niên khóa 1951-1952 Cha cho mở lớp đệ thất. Và tôi đã được lên lớp sau khi thi đỗ bằng tiểu học tại Hà Nội. Cũng nên biết là trong những anh em có khả năng học chữ, Cha đã cho một số tuyển chọn ra học tại trường các Sư Huynh Lasan ởPuginier (phố Lý Thường Kiệt). Học hết đệ thất, tôi cũng được Cha cho đi Puginier cùng với Trần Thế Độ, trong nhóm anh em của cô nhi viện Fatima "Lau Khô Giọt Lệ Sầu" của Đức Cha Hoàng Văn Đoàn ở Gia Lâm sát nhập vào nhà Têrêxa đầu năm 1951. Lúc đó được đi học trường Frères có Long, Niệm, Quỳnh, Thông, Độ và tôi. Hai anh em Đoàn và Định, đang học thì đi tu frères. Hàng ngày đi theo xe chở anh em đi làm nhà in tới nhà sách Têrêxa gần nhà chung rồi đi bộ tới trường. Ở nội trú, đến chìều theo xe về nhà. 

Năm 1952, chúng tôi mất Cha vì Cha chúng tôi được Tòa Thánh tấn phong Giám Mục địa phận Kontum. Tin người được chọn làm giám mục một địa phận truyền giáo, người đã biết từ trước ngày phong chức nhiều tháng. Nhưng sợ anh em hoang mang, các cha, các thầy giữ kín như bưng. Người đã chuẩn bị những vị thay thế người. Vì thế, Cha đã mời các cha dòng salésiens từ Macao sang tiếp nhận Thị Xã Kitô Vương do Cha Kim và chính những bàn tay nhỏ bé của chúng tôi đã xây dựng lên. Các cha đầu tiên đến Việt Nam là cha Majcen (Quang), cha Generoso (Quảng), cha Bohn (Bản)... do Cha Bề Trên Tỉnh Aquistapace Mario đưa sang. 


Hội dòng Salêdiêng tiếp nhận Gia đình Têrêxa Hà Nội 


1952 Lễ tấn phong thật trọng thể. Dàn kèn đồng của chúng tôi đã tham dự các cuộc rước và lễ. Từ Kontum ra đón Đức Cha có Cha Alexis Phạm Lộc, cha Hoàng Ngọc Minh (Kon Đú). Cụ Thân Sinh ra Đức Cha và Bà Chị của Đức Cha đã sang tham dự và lưu lại Việt Nam trong nhiều ngày. Vì học chương trình Pháp nên tôi được cử đi hướng dẫn Ông Nội. Một mối cảm tình đã nẩy nở và Ông Nội sau khi về Pháp vẫn liên lạc với tôi cho tới khi người mất. Chúng tôi vừa hãnh diện, vừa hoang mang, không biết Cha đi rồi, các cha salésiens như thế nào. Mãi sau này khi gặp lại Đức Cha tại Chủng Viện Kon Tum người mới cho tôi biết : Tuy chủ trương của các cha Don Bosco không còn là lo cho các cô nhi, mà chú trọng sự nghiệp giáo dục văn hóa và đào tạo nghề nghiệp cho giới trẻ. Nhưng trong tình trạng chiến tranh lúc đó, các cha dòng đã cam kết với Đức Cha tiếp nối sự nghiệp của người tiếp nhận và giáo dục cô nhi. Mọi sinh hoạt trong nhà vẫn tiếp diễn bình thường. Tôi vẫn được đi học tại Puginier. Thực ra các frères Lasan miễn phí cho chúng tôi, nên cũng chẳng tốn kém gì cho các cha salésiens. 


Đi Vào Chủng Viện Kontum 


Tôi được chính Cha Kim rửa tội cho vào dịp Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/08/1951. Tôi và một số anh em được Cha Độ dậy Đạo. Học bổn thuộc làu làu. Lần nào Cha khảo cũng được khen. Tôi lấy tên thánh là Gioan cũng vì Thánh Quan Thầy Cha Độ là Gioan. Tôi thích ông Thánh trẻ tuổi, và theo hình vẽ của Michel Ange trong bữa Tiệc Ly thì ngài rất đẹp trai và được Chúa Giêsu thương mến cách riêng. Tôi cũng thích ngài vì ngài là một trong 4 vị Thánh Sử Gia ghi lại cuộc đời Chúa Kitô. Ngài viết rất nhiều về các bài giảng của Đức Kitô về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Chính trong Tin Mừng Thánh Gioan mà tôi đã tìm thấy lời khuyên và cũng là khẩu hiệu của Nhà Têrêxa gắn trong Nhà Nguyện "Các con hãy thương yêu nhau như Cha đã thương yêu các con" (Ga 13,34). Vì những lý do đó mà tôi đã không chọn Thánh Bổn Mạng là Phaolô vì bố đỡ đầu tôi và anh Chuyên là Thầy Phaolô Nguyễn Đức Trần. 

Lễ rửa tội của chúng tôi cũng rất đặc biệt nên không bao giờ tôi quên được. Chúng tôi đã được mặc áo giúp lễ mầu trắng tinh tuyền. Trong lễ có nghi thức các tân tòng nằm sấp mình hối cải tội lỗi. Y hệt như lễ truyền chức linh mục mà tôi thấy sau này vậy. Hình ảnh này cứ ám ảnh tôi. Coi như một chỉ dấu của Chúa cho riêng tôi. Tôi chịu phép thêm sức 1 năm sau do Đức Cha Trịnh Như Khuê ban. Đức Tin của tôi ngày càng mạnh mẽ và tôi ao ước dâng hiến trọn cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa, mang Phúc âm đến cho những người chưa biết Chúa. Khi Cha được cất lên hàng giám mục một địa phận truyền giáo, và lúc người trở lại thăm nhà, người cho biết ở Kontum rất thiếu linh mục. Chủng viện phải đóng cửa vì chiến tranh. Lúc đó Kontum bị Việt Minh chiếm đóng. Đức Cha phải di tản về Ban Mê Thuột. Tôi đã gặp người để xin vào chủng viện Kontum. Người bảo viết thư cho người đi. Và người trở lại Kontum. Sau bức thư thứ 10, có thư tôi viết bằng tiếng Pháp, có thư tôi viết bằng tiếng Việt, một hôm cha bề trên Majcen gọi tôi lên phòng cha và trao cho tôi một phong thư của Đức Cha viết bằng tiếng Pháp. Tôi mừng quá. Mở ra đọc. Và tôi buồn vô hạn. Đức Cha từ chối tôi. Người nói tôi bị ngăn trở theo giáo luật (empêchement canonique). Thứ nhất tôi là con vợ lẽ. Thứ nhì tôi là bổn đạo mới. Hiểu tính tôi rất đa sầu, đa cảm, người đã an ủi tôi trong thư rằng "Con không được tuyệt vọng. Phải cầu nguyện thật nhiều để biết Thánh Ý Chúa. Hãy là một người trưởng thành, một thằng đàn ông (esto vir)". 

Tôi chạy vào Nhà Nguyện khóc than với Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi suy gẫm thật nhiều, cầu nguyện thật nhiều. Ở Puginier, giờ ra chơi tôi vào Nhà Nguyện. Về nhà, ăn cơm tối xong là tôi vào Nhà Nguyện cho đến khuya. Nhiều khi chính Cha Majcen đuổi tôi về đi ngủ. Đó thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1954. Tình hình chiến sự đang gay cấn. Điện Biên Phủ thất thủ. Báo chí đăng về Hội Nghị Genève. Không biết rồi ra sao. Tôi không thấy lo ngại vì còn bận tâm chuyện của tôi. Nhưng thấy các cha salésiens có vể ưu tư không ít. 

Ngày 16/07/1954. Cha Majcen thấy tôi đang đi ngoài sân, vẫy tôi vào. Gặp cha, cha nói bằng tiếng Pháp : "Cha nhận được thư này của Đức Cha Seitz. Thư này gửi cùng phong bì với thư cha đưa cho con cách đây ít lâu. Hôm nay cha đưa nốt cho con. Con mang về đọc đi". Rồi cha mỉm cười, nụ cười rất nhân từ. Trưa hè nóng bức. Tôi ngồi ngay trên thềm cửa gia đình số 3 là gia đình của tôi và em tôi. Mở thư ra đọc. Tôi muốn hét lên vì vui sưóng. Đầu thư, Cha viết "Cha biết con không mất lòng trông cậy và đã cầu nguyện nhiều. Nếu đọc thư này mà con còn quyết định dâng hiến đời con cho sứ mạng phúc âm hóa xứ Thượng, thì Cha vui lòng nhận con vào chủng viện Kontum". Tôi chạy lên phòng Cha Giám Đốc. Người cười và nói "Cha con nhờ cha đánh giá và quyết định. Vì thế mà người viết 2 thư một lúc. Một thư từ chối và một thư nhân lời xin của con". Cha còn dặn là ngày 20/07 tới đây. người sẽ đưa tôi và một số anh em vào Ban Mê Thuột. Tối hôm đó, có một buổi họp. Lúc đó tôi mới biết, cùng với tôi vào chủng viện Kontum còn có nhiều anh em khác nữa, kể cả Thầy Trần. Một số anh em khác, trong đó có thầy Hướng, thầy vốn thuộc địa phận Bùi Chu đến giúp cô nhi vện, nay xin vào dòng salésien. 

Ngày hôm sau, tôi được đi phép về nhà. Tôi trình với mợ tôi quyết định "đi tu" và nói báo cho cụ biết là sắp đi. Cụ hoảng hốt. Và lại khóc vì tôi là con cả trong gia đình, là 14 người phải thờ cúng tổ tiên. Khi tôi chịu phép rửa tội, Thầy Trần và Thầy Joachim Trần Quý Thiện đã phải tới nhà tôi giải thích cho cụ. Thấy tôi quyết định chắc như đinh đóng cột, cụ lo hỏi "Thế thằng Thạch nó có đi theo con không?" Tôi trả lời rằng không. Cụ tạm yên tâm. Tôi ra đi mà trong lòng nửa vui, nửa buồn. Vui vì đạt được ước vọng. Buồn vì đã để lại sau lưng những người thân thương duy nhất trong đời mình. 

Chúng tôi tới sân bay Gia Lâm lúc tờ mờ sáng. Không quân Pháp dành cho chúng tôi cả một chiếc máy bay Dakota C47. Chúng tôi buộc chặt đồ đạc chung và riêng ở hành lang giữa 2 hàng ghế dọc thân máy bay. Chắc là máy bay để thả lính nhẩy dù nên sợi dây cáp căng xéo từ nóc phía trước xuống sàn phía đuôi máy bay còn để nguyên. Chiếc máy bay cất cánh. Đây là lần đầu trong đời, tôi đi "tầu bay". Vừa hồi hộp, vừa phấn khởi. Cảm tưởng khó tả. Những cảm giác lên xuống, còn ghi đậm trong tôi. Mãi cho đến bây giờ, sau hàng chục ngàn lần bay, lần nào cảm giác buổi đầu "baptême de l'air" vẫn trở lại với tôi. Chợt một người lính Pháp chạy xuống nói gì với Cha Majcen. Người chỉ tay ra phía cửa sổ bên phải rồi nói với tôi : - Hư một bên cánh quạt. Con nói anh em, ai ngồi đâu, ngồi đó. Không được đi lại. Đọc kinh cầu nguyện. Chúng ta sẽ đáp xuống ở Hải Phòng để sửa chữa. - Thưa Cha, Vâng ạ. Tôi nhìn ra, cánh quạt bên phải đứng yên không quay. Cánh quạt bên trái vẫn quay. Tiếng động cơ vẫn ầm ầm như thường. Nếu không nói, chắc không ai để ý. Anh em bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Tôi lớn tiếng nhắc lại những điều Cha dặn. Thầy Trần và Thầy Hướng, ngồi bên phải nhìn ra cửa sổ rồi quay lại, vẻ lo lắng hiện lên nét mặt. Lúc đó tôi mới hoảng. Máy bay đáp an toàn xuống Hải Phòng. 

Sau 3 tiếng đồng hồ sửa chữa, một người sĩ quan đến nói với Cha, tôi đứng cạnh nghe được : - Máy bay của các ông không sửa được. Chúng tôi sẽ thay một chiếc máy bay khác đưa các ông đi Ban Mê Thuột. Máy bay đáp xuống Ban Mê Thuột thì trời đã về chiều. Đức Cha đang đứng chờ dưới bãi cùng với Cha Lộc và một cố Tây râu thật rậm. Sân bay là một bãi đáp nền đất, ngay trước nhà thờ. Chúng tôi khuân đồ đạc lên một chiếc xe tải hiệu Citroen, giống như xe của nhà Têrêxa ở Hà Nội. Xe chạy vào trong thành phố và ngừng trong một khuôn viên. Hai bên đường hoa phượng đỏ rực. Hoàng hôn xứ thượng, mùi cây cỏ đặc biệt dâng lên. Không phải cái mùi của Hà Nội. Cơm nước xong, Đức Cha gọi tất cả tập trung trong một gian phòng nghe người nói chuyện. Đức Cha đã dặn dò chúng tôi những điều căn bản. Đại để người nói : "Các con đều biết rằng ở cao nguyên này có con hổ. Con hổ dữ lắm. Nhưng cha cho các con biết ở đây có con khác dữ hơn con hổ".

Chúng tôi còn đang đưa mắt hỏi nhau thì cha tiếp : "Đó là con muỗi. Con muỗi bé tí nhưng nó nguy hiểm hơn con hổ. Nó đốt thì các con bị bệnh sốt rét. Vì vậy, các con phải ngủ trong màn. Buổi tối con muỗi bay ra. Phải mặc áo tay dài. Phải mặc quần dài. Mỗi tuần phải uống một viên thuốc phòng sốt rét. Bây giờ là mùa mưa, có nhiều muỗi lắm. Hiện Việt Minh đang chiếm Kontum. Khi nào họ đi, chúng ta sẽ trở về Kontum. Các con tới đây thấy những người "thượng". Các con phải chú ý. Người ta thường hay gọi những người này là "mọi". Gọi như thế người Thượng không bằng lòng. Vậy các con không bao giờ được gọi người ta là "mọi" mà phải gọi bằng người Thượng. Những người này cũng là người Việt Nam như các con. Phải đối xử bình đảng với họ. Người Thượng ở đây là người Ra Đê. Người ta không biết hay biết nói tiếng Việt Nam rất ít. Không được cười chê họ. Phải có tinh thần bác ái. Phải yêu thương người ta. Ngày mai các con sẽ nghỉ ngơi. Từ ngày kia, các con sẽ học thêm tiếng Pháp.Cha Lộc sẽ thay cha coi sóc các con. Thầy Trần, Thầy Hướng giúp Cha Lộc..."

Ngày hôm sau, thầy Trần nói với tôi tin sét đánh ngang tai. Hội nghị Genève đã kết thúc và người ta đã ký kết Hiệp Định chia đôi đất nước. Thế là, tôi sẽ không mong gì được nghỉ về Hà Nội thăm mợ tôi nữa. Thầy nói với tôi là thầy được Đức Cha cho trở lại ngoài Bắc để đón gia đình di cư vào Nam vì sẽ còn 300 ngày để ai muốn vào Nam, ra Bắc tùy ý. Tôi đau trong lòng; nhưng tôi không muốn xin về. Tôi đã tự nguyện hiến cuộc đời tôi theo chân Chúa. Tùy Chúa định. Tuy nhiên tôi cũng nhờ thầy tới nhà thuyết phục mợ tôi vào trong này với tôi. Tôi không hy vọng nhiều vì bà chị tôi có chồng cán bộ, chắc chắn sẽ không đi. Cụ phải ở với con gái cụ chứ đời nào cụ bỏ được để theo chúng tôi. Cha Quang và Thầy Trần rời Ban Mê Thuột ngay ngày hôm sau. Ở trong thị xã Ban Mê Thuột được ít ngày thì chúng tôi được đưa tới khu Bourgerie, tức nhà săn bắn của vua Bảo Đại. Ở đây là giữa rừng núi. Không có phố xá, không có người kinh. Chỉ thấy thỉnh thoảng có những người Thượng gùi ngô hay măng đi qua. Không có đèn địện, chúng tôi phải thắp đèn manchon buổi tối. Một hôm, thấy chúng tôi đang xúm quanh mấy người Thượng, Đức Cha tới gần. Mới học lóm được vài câu tiếng thượng, chúng tôi hỏi mua ngô non để luộc. Thực ra thì chỉ học được một câu là "Xa prắc di dang", tức là 1 đồng tất cả. Đức Cha tỏ vẻ không bằng lòng. Người nói : "Những người Thượng này rất nghèo. Trồng cấy cực khổ được một gùi ngô đến hơn 20 bắp, mà các con trả người ta có 1 đồng thì không công bằng". Cha đã lấy trong túi ra 5 đồng đưa cho người Thượng có gùi bắp ngô. Chúng tôi rất xấu hổ. Khi người mấy Thượng đi rồi, Đức Cha ôn tồn dậy dỗ chúng tôi : "Lỗi phép công bằng là tội người ta dễ phạm nhất. Trong mua bán, lợi dụng sự tinh khôn của mình hay sự khờ dại của người khác mà mua rẻ của người ta là lỗi phép công bằng. Từ nay, các con không được mua bán với người Thượng. Muốn mua thì nhờ các Thầy mua hộ. Ở đây cũng có những vườn cam, vườn chanh. Các con không được tự ý hái quả..."

Thị Xã Kitô Vương Di Cư Những tấm bạt lớn của nhà binh Pháp đã được dựng lên trong khu vực Bourgerie. Những chiếc máy bay dakota lại đáp xuống Ban Mê Thuột. Mới đầu là giường sắt hai tầng, rồi đến anh em... Chúng tôi lớp ra đón ngoài phi trường, lớp đón ở trại. Sau đó, các anh lớn ở phi trường rỡ đồ xuống và chất lên xe camion quân đội. Chúng tôi chất hàng xuống và lắp giường chiếu kê vào trong lều. Thầy Trần đã đáp xuống chiếc máy bay đầu. Khi về đến nơi, gặp mặt tôi thầy chỉ nói vội : "Mợ con không vào. Cả thằng Thạch nữa. Để Bố lên trình công việc với Đức Cha rồi lát nữa bố kể đầu đuôi cho nghe". Nói rồi thầy hối hả bước đi. Tôi thẫn thờ vì thấy ngay viễn cảnh tan nát gia đình tôi. Nước mắt càng chẩy xuống thì tôi càng xông xáo làm việc. Tôi nghĩ, đây là Thánh Giá Chúa ban để thử lòng tôi xem tôi có đáng được Ngài chọn không. Thế là tôi lại được gặp lại Cha Cao, Cha Vượng, Cha Độ, các cha salésiens và anh em chúng tôi đầy đủ. Nhiều anh em cùng gia đình số 3 của tôi đã nói với tôi "Chú Tường ơi, thằng Thạch nó trốn ở lại". Tôi hơi lạ vì trước tên tôi có chữ "chú". A ra mình đi tu nên đã có cách gọi mình khác với khi xưa. Chiều hôm đó, Thầy Trần đã kể hết nguồn cơn cho tôi. Thầy đã tới Bạch Mai và gặp Mợ tôi. Mợ tôi bấy giờ mới biết là em tôi sắp theo trường vào Nam. Cụ bèn nói với Thầy để cụ đón nó về ký giấy tờ bán nhà cửa, đất đai rồi cụ sẽ cùng em tôi vào Nam với tôi. Cụ theo Thầy tới Thái Hà Ấp đón em tôi về Bạch Mai và hẹn 3 ngày sẽ đưa nó trở lại trường.

Thầy Trần cũng bận lo cho gia đình Thầy ở Nam Định, nên chạy đi lo việc mình. Mợ tôi không biết bằng cách nào đã liên lạc với bà mẹ đẻ của chúng tôi và mang em tôi lên tuốt Bắc Giang dấu. Thế là 3 ngày hôm sau, Thầy Trần đến nhà, cụ nói nó đi mất, cụ phải đi tìm nó. Tìm được, cụ sẽ vào sau. Tôi nói với thầy : "Mợ con nói dối đấy. Mợ con không vào đâu. Con mất em con rồi". Đêm đó tôi khóc thật nhiều. Đức Cha đến tận giường an ủi tôi. Thấy tinh thần tôi vững vàng, người lại nheo mắt và mỉm cười với tôi. Tôi thấy lòng ấm lại. Theo tinh thần Hiệp Định Genève, Việt Minh đã rút khỏi Kontum và Đức Cha đã quyết định đưa "các chú" về chủng viện Kontum. Gần 30 chục anh em chen chúc nhau trên chiếc camion của Nhà Chung. Hôm trước thấy xuất hiện Cha Thận. Người có mấy thùng sắt tây mắm nêm. Lúc đó, quân đội Pháp chuẩn bị rút nên họ cho Đức Cha nhiều dồ đạc. Đặc biệt là quần áo blouson bằng dạ. Mỗi chú sẽ có một chiếc. Nhưng còn đóng trong bao tải. Áo mới nguyên, chưa mặc. Thế là đồ chung, đồ riêng, hòm xiểng, bao tải, thùng mắm nêm được chất đầy lên xe. Anh em ngồi lên trên. Mỗi người tìm được cho mình một chỗ tương đối thoải mái trên chiếc xe quá tải. Một lần nữa chia tay với anh em Têrêxa. Thật là bịn rịn. Nhưng chúng tôi hãnh diện ra đi. Các Thầy, các chú salésiens ở lại.

Về Kontum Chiếc xe ì ạch lăn bánh lúc tờ mờ sáng. Đức Cha đã lái xe jeep Land Rover đi trước mấy hôm rồi. Ra khỏi thành phố, đường nhựa êm ái đã nhường cho đường đất đỏ lầy lội. Chiến tranh đã cầy nát con đường này vì bom đạn, vì không thể sửa chữa. Vì vậy mà có những "ổ gà" lớn như "ổ voi". Chiếc xe già ngả nghiêng hết bên phải rồi bên trái. Người ngồi trên xe cũng lắc la lắc lư. Có người ngủ gà ngủ gục. Có người nhăn nhăn nhó nhó... Đồ đạc trên xe nhiều lúc như nhẩy tung lên. Chợt có mùi mắm nêm. Chết rồi. Có thùng mắm nêm nào bị đổ. Nhưng không sao tìm được vì mấy thùng này nằm dưới sàn xe. Chạy mãi rồi cũng phải tới. Xe qua chiếc cầu bằng gỗ cong cong trước khi vào thành phố Kontum. Trời đã tối mịt. Tất cả mọi người đều mệt mỏi. Ôm hành lý riêng, tất cả đã leo hai lần cầu thang. Chúng tôi đều ngủ ở một phòng ngủ chung lớn phía bên cánh trái của tòa nhà. Phần vì mệt, phần vì trời tối nên cũng chẳng ai để ý kiến trúc của tòa nhà này như thế nào. Chỉ biết nó lớn lắm. Sáng sớm hôm sau, một ông thầy già, gầy guộc, khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ, đôi mắt sâu nhưng rất sáng nhờ cặp mắt kính gọng nhựa... đánh thức chúng tôi dậy. Vệ sinh buổi sáng rồi xuống nhà nguyện. Nhà nguyện cao, bằng gỗ, hơi tối, mặc dù có đèn điện. Bỗng từ cửa, 4 người khiêng trên vai một cỗ kiệu, trên có một cha già người Pháp ngồi đi vào. Kiệu đặt trước cung thánh và người ta đỡ cha vào ghế quỳ trên cung thánh. Sau này mới biết là cha Décrouille, bề trên chủng viện.

Sau lễ, chúng tôi lại xếp hàng đi xuống nhà cơm đàng sau tòa nhà lớn. Các chú ăn riêng. Đức Cha và các cha có nhà ăn riêng. Buổi sáng hôm đó được ăn bánh mì nóng và fromage của Mỹ viện trợ và uống sữa. Ở cô nhi viện Têrêxa không có cái mục uống sữa này. Cả ngày hôm đó là ngày giặt quần áo. Báo hại mấy thùng mắm của cha Thận. Có 1 thùng bị nứt chẩy vào bao tải quần áo dạ. Tôi được cử đến procure gặp Cha Quế (Jacques) lĩnh sà phòng. Cha cho 2 cây dài. Kéo nước dưới giếng lên giặt. Mắm thấm vào áo blouson dạ, chăn dạ, giặt mãi vẫn còn hôi mùi. Tưởng giặt 1 ngày là xong, mà phải mất đến bốn, năm ngày mới hoàn tất. Cũng may là còn đang nghỉ hè. Có mấy chú nhà ở Kontum vào giúp. Tôi còn nhớ tên vài người như Hoà, Nên, Vui, Khoái, Thành, Công.... Chủng viện hay "Nhà Trường Lớn" của chúng tôi là một tòa nhà hoàn toàn bằng gỗ. Kiến trúc thật độc đáo. Tôi chưa từng thấy ở ngoài Bắc. Nhà nguyện ở chính giữa, có gác chuông. Hai bên là hai cánh trái phải. Nhà làm theo kiểu nhà sàn, có 2 tầng là tầng một và tầng hai. Dưới đất chỉ có một phòng lớn duy nhất ở đầu cánh phải là nhà procure của Cha Quế, nơi này có những vật dụng thường dùng hàng ngày để cung cấp cho các cha và các chú. Tầng 1, ngay trên procure là phòng làm việc và phòng ngủ của cha bề trên. Bên cánh phải là một dẫy phòng của các cha. Bên cánh trái là một dẫy các lớp học. Phòng đầu hồi đối lập với phòng cha bề trên là phòng Cha Lộc. Trên tầng 2 thì phía bên cánh trái là nhà ngủ của các chú. Bên cánh phải là thư viện. Phòng đầu hồi là phòng làm việc và phòng ngủ, nhà nguyện riêng của Đức Cha. Trong các chú từ Hà Nội vào, ngoài tôi ra còn Nguyễn Ứng Long học trên tôi 1 lớp và Trần Thế Độ học dưới tôi 1 lớp, là những người được gửi đi học ở trường các frères Lasan Puginier lúc còn ở Hà Nội. Lúc đó cũng đả vào đầu tháng 9 rồi. Chủng viện chuẩn bị tựu trường. Tối hôm đó, sau bữa ăn, Đức Cha cho gọi 3 anh em chúng tôi lên phòng người. Người cho biết, người quyết định đưa 3 người chúng tôi xuống Sài Gòn học ở Taberd vì đang theo chương trình moderne Pháp. Đức Cha muốn cho chúng tôi học trường ngoài mà không đưa vào chủng viện Sài Gòn. Người giải thích là để chúng tôi có những kiến thức mới ngoài đời, chung với học sinh ngoài đời. Người bảo chúng tôi về chuẩn bị, ngày mai lên đường.

Lời Gia Huấn Trên chiếc xe Land Rover do chính Đức Cha lái, người đã chở chúng tôi đi Sài Gòn. Chúng tôi ngủ đêm tại Ban Mê Thuột, nhà cha sở Romeuf, râu rậm. Ngày hôm sau khởi hành sớm. Chúng tôi tới Sài Gòn vào khoảng 4 giờ chiều. Người chở chúng tôi tới thẳng trường Taberd. Frère Bề Trên Aloysius đã tiếp Đức Cha và cho chúng tôi vào nội trú. Tôi vào lớp Troisième, Long vào Seconde và Độ vào Quatrième. Đức cha cho chúng tôi mỗi đứa 200 đồng tiền túi. Tôi học theo chương trình của lớp hàng ngày. Riêng ngày thứ năm, được nghỉ buổi chiều thì tôi học thêm tiếng latinh. Cuối tuần tôi về chủng viện Xuân Bích với Cha Gastine để ngài dậy thêm về tín lý. Mỗi năm, nghỉ hè, chúng tôi về Kontum. Tôi thường lên nhà Đức Cha để giúp người đánh máy, xếp hồ sơ, và sách trong thư viện. Lúc đó chưa có công tác viết thư xin các ân nhân trên toàn thế giới giúp địa phận. Công tác này được khởi sự sau khi tôi rời Kontum và được Thầy Trần Hữu Khắc giúp Đức Cha. Thời gian phụ việc Đức cha là thời gian tôi được gần gũi người và được người giáo huấn tôi nhiều nhất. Tôi nhớ, một hôm người bảo tôi đánh máy một lá thư chung để gửi chính quyền và các chủ đồn điền. Lá thư đại ý nói lên tệ trạng đầu độc người Thượng bằng rượu mạnh. Người đã lấy quyết định rất quan trọng là rút phép thông công tất cả những người Công Giáo bán rượu cho người Thượng, hoặc trả lương người Thượng bằng rượu. Người cắt nghĩa cho tôi là người Thượng còn có nếp sống man khai, nhưng họ rất thông minh. Thông minh không kém gì người Kinh. Nhưng, như những sắc tộc chưa tiến bộ khác, họ có nhiều tật xấu, trong đó có tật mê uống rượu. Họ không biết rượu uống nhiều là độc hại cho họ.

Nhiều người Pháp và Kinh, thậm chí cả chính quyền đã lợi dụng sở thích này để trả lương hay đổi rượu cho họ lấy các nông phẩm họ sản xuất. Theo phán đoán của Đức Cha thì đây là một hình thức đầu độc các sắc dân thiểu số, gây tai hại đến sự khai phóng của họ trong hiện tại và di hại đến các thế hệ tương lai. Sau này, khi gập lại người tại Pháp, người kể lại là đã gập khá nhiều khó khăn. Chính nguyên thủ quốc gia lúc đó là ông Ngô Đình Diệm đã gọi người vào để chất vấn người "Có phải Đức Cha đã tổ chức FULRO không ?". Người cho biết là ông Diệm hỏi người dựa theo những báo cáo của chính quyền địa phương và an ninh, tình báo. Sau thời ông Diệm, người ta vẫn tiếp tục dùng rượu để đổi lấy tin tức tình báo nơi đồng bào Thượng. Trong những ngày hè này, tôi còn được người dạy dỗ để sao trở thành một con người "trưởng thành". Người nói : "Đừng nhìn vào tuổi tác. Nhiều người tuổi đời đã cao mà chưa trưởng thành". Người dậy tôi : "Con người phải có mục đích, có lý tưởng và nếp sống phù hợp với lý tưởng để đạt tới mục đích mình đã chọn". Muốn vậy, người bảo : "Phải có ý chí mới trở thành con người trưởng thành, con người đúng nghĩa của nó (esto vir). Có tình cảm là tốt vì nó nhân bản; nhưng chỉ sống vì tình cảm thì sẽ trở thành con người yếu đuối". Rèn tập ý chí, người bắt tôi tập lên xuống cầu thang, dù vội mấy cũng không được nhẩy hai hay ba bực một lúc. Bước từng bực. Vội thì bước mau." vv...

Người cũng tỏ ý muốn canh tân lề lối đào tạo linh mục. Người muốn các chủng sinh được học như học sinh ngoài đời, học sinh ngữ. Người nói Kontum cần rất nhiều linh mục, không những để truyền bá Phúc Âm, mà còn để giúp đỡ người Thượng thăng tiến bằng người Kinh. Người đã rất chú trọng đến các lãnh vực y tế, xã hội và giáo dục. Người đã vận động các bác sĩ ngoại quốc tới giúp. Lúc đầu tại nhà thương Quénot. Sau người xây cất bệnh xá vững chắc giao cho phái đoàn y tế của nữ bác sĩ Smith điều khiển. Đối với các Cha tại các buôn làng, mỗi tháng người triệu tập một buổi họp tại tòa giám mục để nghe các ngài báo cáo tình hình và tìm cách giúp đỡ các Cha. Đây cũng là dịp các Cha về lãnh đồ tiếp tế. Đức Cha có lần đã nói với tôi : "Ở các xứ thượng, nghèo lắm. Ngoài việc trao đổi tin tức về truyền giáo, Cha mời các ngài về là để các ngài có 2 ngày được ăn uống sung sướng hơn một chút... Năm 1957, tôi đậu tú tài 1. Hè về Kontum, người cho tôi đi cấm phòng tại Dòng Thiên An, Huế. Người cho biết lý do là "Con phải cầu nguyện Chúa Thánh Thần soi sáng và bình tĩnh suy nghĩ với sự giúp đỡ của cha Dom Romain để tìm hiểu về Đức Tin và về ơn kêu gọi của con. Con là con của Cha mà lại bị ngăn trở giáo luật. Cha lại là giám mục nên không tiện quyết định hời hợt, sẽ có dị nghị. Con thử tìm hiểu, nếu con thích hợp với đời sống khổ tu Bénédictin thì con cứ cho cha Dom Romain biết. Cha sẽ giới thiệu và con vẫn là con của Cha". Cấm phòng 1 tháng, ở trong dòng, giữ luật dòng. Coi như tu thử. Hết hạn, cha Dom Romain cho tôi biết : "Con về học nốt terminale rồi hè năm tới con trở lại đây, mình trao đổi tiếp".

Hè năm sau 1958, tôi đậu tú tài toàn phần chương trình Pháp. Đức Cha lại cho tôi ra Huế. Sau một tháng, tôi vẫn giữ ý định trở thành linh mục truyền giáo. Ra phòng Cha Dom Romain viết một bức thư dài trao cho tôi và nói : "Con về đưa thư này cho cha con và cũng là giám mục của con. Ngài sẽ cho con biết con phải làm gì". Tôi rời Thiên An ra phi trường Phú Bài mà lòng hân hoan nghĩ rằng năm tới, chắc Đức Cha cho mình vào Đại Chủng Viện Xuân Bích. Hay không chừng người bắt đi thử một năm cũng nên. Tôi còn nhớ rõ, hôm đó là ngày 7/8/1958. Về đến nhà, tôi chạy ngay lên phòng Đức Cha để đưa thư. Người mở ngay ra đọc và nhìn nét mặt của người, tôi đoán chắc có vấn đề. Đọc xong người ngước mắt nhìn tôi và đứng lên bước khỏi bàn giấy tiến đến chỗ tôi đứng. Người để tay trên vai tôi và nói : "Cha Dom Romain nói Cha cho con đi học thuốc. Cha cũng không hiểu tại sao Dom Romain lại bảo thế. Nhưng Cha tin chắc, nếu Dom Romain nói vậy tức là ông có Ơn Chúa Thánh Thần để bảo Cha cho con đi học y khoa". Tôi như bị một gáo nước lạnh. Trong suốt cả tháng trời, Cha Dom Romain không bao giờ đề cập với tôi về việc học y khoa. Thấy tôi thẫn thờ, Đức Cha xiết chặt vai tôi và nói : "Con đừng buồn. Con phải có ý chí, phải can đảm, phải hành xử như một con người trưởng thành esto vir ! Thôi, bây giờ về tắm rửa, ăn cơm chiều rồi ngày mai Cha nói chuyện với con". Tôi rời phòng người, xuống cầu thang, cảm thấy bước chân nặng nề như đeo cùm vậy. Vừa xuống tới dưới nhà thì gặp Cha Quế. Người nói "Con có nhiều thư lắm. Theo Cha xuống procure lấy". Vừa vào kho, Cha đưa tôi một chồng thư. Tôi cảm ơn rồi thờ ơ lên phòng ngủ. Ngồi thừ trên giường hồi lâu. Valise còn để nguyên dưới sàn. Tôi bóc từng phong thư ra đọc. Toàn thư bạn học Taberd. Đứa chúc đi tu "đắc đạo". Đứa khoe đã bắt đầu ghi tên vào Đại Học. Đứa báo cho biết đi đã ghi tên thi tuyển vào trường quân y.

Vừa đi học, vừa lãnh lương. Tôi xếp các lá thư chưa đọc hết. Chán nản nằm vật nửa người trên giường. Cơm chiều xong, tôi lẳng lặng lên nhà nguyện than thở với Chúa rồi đi chuẩn bị các bàn thờ. Các chú nghỉ hè, tôi vẫn thường lãnh nhiệm vụ "ông từ". Sáng sớm ngủ dậy, tôi trở lại nhà nguyện giúp lễ các cha già. Ăn sáng xong, đang bưng bát đũa xuống trả nhà bếp thì Đức Cha đã tới chỗ tôi. Tôi chào người và lẳng lặng đi theo người lên phòng người. Người không ngồi vào bàn giấy mà ngồi trên bộ salon phía trước. Người chỉ tôi ngồi ghế đối diện. Người nói : - Học y khoa là một chương trình học dài 7 năm, tốn kém rất nhiều. Cha tuy là giám mục, "prince de l'Eglise", nhưng những bá tước các triều đại thì giầu, Cha không giầu, nên khó có thể lo cho con học cho đến nơi đến chốn". - Thưa Đức Cha, con có thể học cái khác. Thời gian học ngắn hơn. - Cha cũng đồng ý với Cha Dom Romain. Học thuốc có thể giúp ích được nhiều hơn cho xã hội, cho địa phận Kontum. Cha suy nghĩ và có ý định đưa con đi Pháp. Con sẽ được gia đình của Cha giúp con chỗ ăn ở và đi học. Con cứ nghỉ ở đây. Đợi cha viết thư về Pháp và chờ họ trả lời rồi con đi. Tôi nghĩ, sớm lắm cũng phải mất ba, bốn tháng. Chắc sẽ mất một năm học.

Chợt tôi nhớ đến mấy lá thư của những thằng bạn học khoe ghi tên thi vào trường quân y. Tôi thưa Đức Đức Cha : - Không không muốn đi xa Việt Nam. Con có mấy đứa bạn nó nói đang thi vào trường quân y. Được đi học ở trường Đại Học Sài Gòn và còn có lương nữa. - Thế thì hay lắm. - Nếu vậy thì con phải xuống Sài Gòn ngay ngày mai vì ngày 15/8 là hết hạn nộp đơn. - Vậy con về chuẩn bị đi. Để Cha cho con tiền mua vé xe. - Thưa Cha, hôm nay là ngày 9/8. Con vừa tròn 21 tuổi. Vậy con xin Cha cho con tiền lần này thôi. Xuống Sài Gòn, con sẽ tự lo lấy. Cha vào phòng ngủ của người rồi trở ra đưa cho tôi 2000 đồng. Xin nói ngay, đây không phải là lần chót người cho tôi tiền. Tôi không cầm được nước mắt. Người lại mỉm cười, nheo mắt và võ vai tôi : - Allons, mon brave Jean. - Cảm ơn Đức Cha. Tấm Thiệp Cưới Lạ Kỳ Con đường dẫn tôi từ lúc ghi danh và trường y khoa cho tới lúc trở thành bác sĩ rất là hạnh thông. Tôi càng tin là tôi đi đúng đường Chúa định cho tôi. Vào năm thứ nhất, tôi gặp và thương yêu nhà tôi bây giờ. Gia đình đàng gái, tuy là ngoại đạo, nhưng ông bà cụ cho tất cả con cái học trường đạo. Tôi có thưa với ông bà thân sinh nhà tôi là tôi mồ côi, ở trong Nam có một mình; nhưng Cha Nuôi tôi là Đức Cha Seitz hiện ở Kontum.

Đàng gái còn theo cổ, nên đòi tôi phải mời Đức Cha tới hỏi vợ đàng hoàng. Tôi hứa sẽ trình người. Hôm người xuống Sài Gòn, tôi đã đưa nhà tôi tới trình diện Đức Cha và thực hiện lời hứa với ông bà nhạc tương lai. Tôi nghĩ thầm, chắc Đức Cha không nhận lời đâu. Thật không ngờ khi người trả lời. "Kỳ này cha vội lắm nên hẹn với ông bà là 3 tháng nữa Đức Cha sẽ tới thăm ông bà". Người quay sang nói riêng với tôi "Cha cũng phải xem gia đình cô ấy có tử tế không". Và người đã xuống tận Long Thành để gặp ông bà nhạc tương lai. Bên nhà gái thấy chúng tôi quấn quít không rời nhau, nên dục tôi làm đám cưới một năm sau đó. Tôi lại lên trình Đức Cha. Người lo ngại vì tôi còn phải học đến 5 năm nữa. Rớt là phải đi tác chiến. Nhưng rồi tôi năn nỉ mãi, người cũng mềm lòng. Không hiểu nếu bố đẻ tôi còn sống, có chiều tôi như cha đã chiều. Thế là chúng tôi chuẩn bị lễ cưới. Đức Cha bắt nhà tôi phải đi học đạo 1 năm với Cha Trần Tử Nhãn lúc đó là Bề Trên Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế và một Bà Phước, thầy cũ của nhà tôi tại trường Thiên Phước Tân Định. Chúng tôi đã trình Đức Cha mẫu thiệp cưới. Và người đã chọn mẫu thiệp mà ngày nay chúng tôi còn giữ như của gia bảo. Đó là một bên là Đức Cha, một bên là ông bà nhạc của tôi cùng báo tin lễ thành hôn của chúng tôi (xem hình). Chắc trên đời này, ít có tấm thiệp cưới đặc biệt như vậy. Trước ngày cử hành lê cưới, người đã ban phép Rửa Tội và Thêm Sức cho nhà tôi tại DCCT Sài Gòn. Ngày hôm sau người đã chủ lễ hôn phối của chúng tôi. Người cũng đã tới nhà hàng Á Đông Tửu Lầu để dự tiệc cưới chúng tôi trước mặt hai họ, bạn bè. Thế rồi, trong 12 năm, 6 đứa con chúng tôi ra đời. Chúng chỉ biết có một "Ông Nội" của chúng là Đức Cha. Trong suốt từ nằm 1958 đến 1975, mỗi năm chúng tôi được gặp Đức Cha một hoặc hai lần. Từ năm 1965 đến năm 1975, nếu ở hậu cứ thì tôi thường đưa đón Đức Cha mỗi lần người xuống Sài Gòn. Mỗi lần chờ máy bay ở Tân Sơn Nhất là hai bố con lại trò chuyện hàn huyên.

Năm 1975, lúc tôi đi tập trung cải tạo thì cũng là thời điểm Đức Cha bị mời ra khỏi nước. Ba năm trong trại, tôi có những cực khổ của tôi. Nhưng về tới nhà mới hay, 3 năm đó cũng là 3 năm cùng quẫn của gia đình tôi. Vợ tôi không có nghề ngỗng gì, một nách 6 đứa con, lại bị lao phổi phải nằm điều trị tại bệnh viện Hồng Bàng. Nếu hàng tháng không được Đức Cha tiếp tế về thì chắc không biết đã ra sao. Người còn nhắn tôi là nếu không tiện ở lại thì người giúp tôi qua với người. Vì tương lai của các con tôi đang đối diện với bế tắc trên đường học vấn, tôi đã bất chấp mọi sự đến với người. Ngay khi đặt chân lên đất Thái, tôi đã liên lạc được với người. Ngày thứ nhì sau khi tới Paris, người đã cùng anh Định thăm tôi tại nhà một anh bác sĩ bạn gần trại tiếp cư. Người không dấu nổi nỗi vui mừng khi gặp lại tôi. Và dĩ nhiên là tôi đã khóc lên vì vui mừng được gặp lại người Cha của tôi. Đất khách quê người gặp được bạn bè, người đồng hương đã là quý, được gặp lại Cha của mình thì thật là diễm phúc. Hai cha con ôm nhau. Nước mắt tôi rơi xuống vai áo người. Hồi lâu, buông tôi ra, người lại nheo mắt, mỉm cưởi và nói "Esto vir !". Nhưng đôi mắt người cũng thấy hơi đỏ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy người xúc động. Lần đầu tiên người bộc lộ tình thương con từ trái tim một người quả là Cha thật của tôi.

Tôi kể lại cho người bao nhiêu biến chuyển, bao nhiêu thánh giá tôi đã vác từ 5 năm qua, những hãi hùng trên biển cả, những phép lạ tôi đã được hưởng. Người ngồi im lặng nhìn tôi và nghe tôi kể chuyện. Bỗng người lấy bút từ trong áo trong ra. Lúc bấy giờ tôi mới để ý trên tay, người có cầm một cuốn sách. Đó là cuốn sách mà người là tác giả mang tên "Le Temps Des Chiens Muets". Người đã viết trên trang ðầu những giòng sau đây : "A mon fils adoptif Trần Đức Tường Jean : C'est en pensant a` toi Jean, que j'ai rédigé la page 100 de ce livre. Dieu t'a gardé de toute forfaiture, qu'Il daigne permettre qu'un jour prochain ta famille soit de nouveau réunie. Affectueusement 17.07.80". Thời gian đầu tại Pháp, Đức Cha đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc thi lại bằng bác sĩ, kiếm việc tạm thời để sinh sống và gửi về cho vợ con còn ở lại Sài Gòn, làm các thủ tục để đoàn tụ gia đình. Ít nhất, mỗi tuần tôi cũng phải lên thăm người một lần. Tuy đã trở về nước, nhưng tấm lòng của Đức Cha luôn hướng về Kontum. Người không ngừng đi khắp Châu Âu và Châu Mỹ để diễn thuyết, để quyên góp tiền bạc cho địa phận. Người vẫn nhờ Thầy Khắc lúc đó đã sang định tư tại Hoa Kỳ để tiếp tục chiến dịch viết thư quyên góp gửi khắp thế giới cho các nhà hảo tâm.

Trong trò chuyện giữa hai cha con, người thường nói là trước đây địa phận đã rất nghèo; nay trong tình hình mới lại càng nghèo hơn nữa. Các đồn điền trà, cà phê của Nhà Chung đã bị mất hết. Không có một nguồn thu nhập nào cả. Việc chuyển tiền về giúp cho Đức Cha Lộc cũng không dễ dàng. Người đã tận dụng sức vận động và những phương thức đạo cũng như đời để có thể tiếp tế cho địa phận. Cũng nên nhớ, bấy giờ là thời điểm những năm đầu thập niên 80, những năm đen tối nhất của "thời kỳ bao cấp" tại Miền Nam Việt Nam. Tiền bạc người quyên góp được thì cứ ứ đọng trong một quỹ riêng gọi là "Quỹ Địa Phận Kontum" do Hội Thừa Sai Paris quản lý và xuất theo yêu cầu của người, mà ở Kontum thì thiếu thốn đủ điều. Tôi đau xót khi mới sang đến Pháp, thấy người già đi nhiều, râu tóc bạc phơ, lưng đã hơi còng. Sức khỏe người cũng mỏi mòn với năm tháng và bệnh hoạn. Hồi thập niên 60 người đã bị ung thư thận và đã được giải phẫu tại bệnh viện Grall ở Sài Gòn. Hai mươi năm sau, tái phát và đã có di căn lên phổi. Tuy vậy, người vẫn không chịu ngưng nghỉ. Ngoại trừ những thời gian phải nằm liệt giường trong bệnh viện, người lại làm việc, lái xe đi diễn thuyết. Giữa năm 1983, người ho nhiều, nên đã bớt hút pipe và sau thì phải bỏ. Thỉnh thoảng người ho có ra chút máu. Người tìm cách dấu thằng con bác sĩ của người. Tôi thấy lo sợ. Cuối thu 1983, người phải vào bệnh viện lần nữa. Tôi đã lên thăm người, lúc người hơi khỏe. Người bảo tôi ra đi dạo với người trong vườn. Tôi đi bên cạnh người và cùng lần hạt. Lần hạt xong, người bảo tôi cùng ngồi với người trên một chiếc ghế băng bằng gỗ trong vườn bệnh viện. Người nhắc lại cho tôi những khó khăn người gặp và đã vượt qua từ lúc sang Việt Nam cho tới nay. Càng nhiều khó khăn, càng nhiều thử thách, người càng thấy niềm tin vào Thiên Chúa lòng lành mạnh mẽ hơn lên. Người nói : "Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Ngài đã chịu bao nhiêu khó khăn, xỉ nhục, hiểu lầm, nhạo báng, rồi chịu chết trên cây Thánh Giá. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa mà đã tình nguyện chấp nhận thánh giá để cứu chuộc chúng ta. Trong vườn cây dầu, Ngài chỉ cầu xin tuân theo Thánh Ý Cha, mà không xin cất chén đắng, cất thánh giá. Là người kitô hữu, chúng ta phải cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cộng tác là phải chấp nhận Thánh Giá để đền tạ cho tội lỗi chúng ta và tội lỗi anh em. Vì thế mà Cha đã chọn châm ngôn "Xin làm cho con say mê Thánh Giá". Người cũng nói về địa phận Kontum, về đồng bào Thượng. Người cho rằng, trong một thời gian dài nữa Kontum vẫn là một địa phận truyền giáo. Người lấy làm tiếc rằng, từ thời Pháp Thuộc, qua hai nền Cộng Hòa và cho đến ngày nay, các chính quyền đã không có một "chính sách thích hợp" cho Cao Nguyên, cho các sắc dân thiểu số. Chính sách không phải là ban phát của cải. Làm như thế chỉ tạo cho người Thượng nếp sống ỷ lại, trông chờ, không phấn đấu, không làm việc, không có kế hoạch dài hạn. Người nói : "Người Thượng cũng thông minh không kém người Kinh, người Trung Hoa hay cả người Pháp nữa. Cha đã minh chứng điều này khi vào những năm 70 Cha đưa 40 em nhỏ Thượng sang Pháp, gửi vào các gia đình người Pháp. Nay các em này đã đỗ đạt, có người làm kỹ sư, sĩ quan vv...".

Người còn nói là, chính quyền cần phải hợp tác với Giáo Hội trong việc mang văn minh lên miền Thượng. Vì vậy mà vai trò của các linh mục, theo Công Đồng Vatican II, phải tích cực hơn nữa, không những trong lãnh vực mục vụ mà các lãnh vực đời sống của con người như xã hội, y tế và nhất là giáo dục. Kế hoạch sẽ đưa tôi sau khi giải ngũ về bệnh viện Phưong Quý đã không thành vì biến cố 1975, người cho biết, rất mong muốn những người như tôi, như các anh em có liên hệ với Kontum, sau này sẽ làm gì cho địa phận. Không biết ý này của người, người đã chia xẻ với ai ngoài tôi không. Tôi chắc thế nào thì hai Cha Thắng, Cha Đích, Cha Ti và quý Cha cựu chủng sinh Kontum cũng biết ý này của Đức Cha Kim của chúng ta. Người còn muốn nói rất nhiều chuyện. Nhưng sợ người mệt và trời đã bắt đầu trở lạnh, tôi đã mời người về phòng bệnh và kiếu từ ra về. Tôi suy nghĩ rất nhiều về những lời người nói. Phải chăng đây là một hình thức trối trăng? Một ngày giữa tháng 12/1983, tôi nhận được thư từ Bộ Ngoại Giao Pháp thông báo cho tôi là vợ và 5 đứa con của tôi sẽ tới phi trường Charles De Gaulle ngày 23/12/83. Đức Cha đã giúp tôi làm thủ tục từ năm 1980. Lâu quá, không có tin tức, tôi như muốn thất vọng. Tôi gọi điện thoại báo cho người. Người cũng mừng và chúng tôi cùng tạ ơn Chúa. Bỏ điện thoại, tôi chạy lên Paris, tới nhà Đức Cha, đưa thư cho người coi. Người nói với tôi : "Đúng là ý Chúa. Cha nhặt con về cũng vào một ngày 23/12, gần Noel. Năm nào Cha quên mất rồi. Năm nay, cũng ngày 23/12 gia đình con được đoàn tụ. Con phải tạ ơn Chúa và Đức Mẹ". Đức Cha hỏi tôi đã chuẩn bị tinh thần và vật chất để đón vợ con chưa. Đức Cha nói : "Vấn đề không phải là chỗ của vợ con con dưới mái nhà của con mà chỗ của họ trong lòng con. Tất nhiên là vợ con con sẽ không tìm được chỗ quen thuộc trong căn nhà vì đây không phải là Việt Nam. Nhưng con phải làm sao cho vợ con của con tìm thấy được cái chỗ (leur place familière) quen thuộc của họ trong trái tim con". Vì chiếc xe của tôi nhỏ chở được có 5 người, nên có 3 đứa con tôi phải theo anh con trai lớn nhất của tụi nó, đã theo tôi sang đây từ 1980, đi xe điện ngầm. Chúng tôi đổ bộ lên phòng "Ông Nội". Người vui ra mặt. Người ôm vợ con tôi vào lòng. Hôn từng đứa con tôi. Người hỏi chuyện từng đứa. Người hỏi : "Các con sang đây thấy cái gì thích nhất ?". Đứa nào cũng trả lời: "Thưa Ông Nội, nhiều đèn sáng quá !". Paris, ngày thường đã là "kinh đô ánh sáng", vào dịp Noel, đường phố trăng đèn kết hoa sáng rực. Nhất là trên đại lộ Champs Elysées có mấy trăm ngàn ngọn đèn giăng trên hai hàng cây hai bên đường, mang thêm cảnh tráng lệ cho Paris về đêm. Trong lúc đó, cách đây một nửa vòng trái đất, ở Việt Nam, điện đóm bị cúp thường xuyên. Trả lời như các con tôi thì cũng đúng thực tế. Nhưng Ông Nội thì nói : "Cha sang đây, cái cha thích nhất là Tự Do".

Nhà tôi mang sang mấy món quà Việt Nam tặng Đức Cha. Chuyện trò mấy tiếng đồng hồ. Lúc chia tay, người đưa chúng tôi ra tận cổng. Đức Cha chỉ 2 cánh cổng và nói : "Cái cổng này đã chứng kiến bước ra đi của bao vị truyền giáo tiên khởi sang Việt Nam truyền giáo, và Cha cũng bước qua cổng này năm 1937 để tới Hà Nội". Người vẫy tay tạm biệt chúng tôi và quay ngay vào trong. Mấy hôm sau, chúng tôi lại lên thăm Đức Cha để chúc Tết Tây. Người nói với chúng tôi : "Chưa phải là Tết của mình mà !". Lúc chia tay, người bắt tay tôi và nói nhỏ : - Bây giờ gia đình con đã đoàn tụ. Tạ Ơn Chúa. Cha có thể ra đi được rồi ! - Cha nói gì kỳ vậy ? Cha không sao đâu. Cha còn sống 20 năm nữa. Người lại nheo một bên mắt và mỉm cười. Trước Tết Nguyên Đán, chúng tôi trở lại thăm người. Người vẫn vui mạnh, tuy thỉnh thoảng vẫn còn ho ra chút máu lẫn trong đàm. Chúng tôi tỏ vẻ lo lắng. Đức Cha đã xua tay và cho biết là bác sĩ vẫn theo dõi và điều trị cho người. Phải phó thác vào sự Quan Phòng của Chúa. Rồi người nói sang chuyện khác. Hỏi về việc học hành của mấy đứa con tôi. Người dặn dò chúng là trời lạnh, phải mặc cho ấm, kẻo lạnh sẽ ho như Ông Nội. Chúng tôi ra về mà lòng không yên. Tối hôm đó, tôi nhận được điện thoại của người là lúc người đã vào nhà thương Val de Grâce. Quân y viện nổi tiếng, nơi điều trị các quan chức Pháp quân sự cũng như chính trị. Người cho biết người đã đồng ý mổ để không còn ho ra máu. Trước đó, tôi đã bàn với người là mổ cũng không ích lợi gì. Nếu lấy lá phổi bị đau đi thì cũng chỉ khiến không còn ho ra máu một thời gian, chứ không chữa được bệnh. Thế là người đã quyết định chấp nhận phẫu thuật. Tôi rất lo. Người dặn. Nếu muốn biết tin tức của người thì gọi vào MEP hỏi cha Rannou. Từ đó tôi không bao giờ còn được nghe tiếng Cha Tôi nói nữa. Chuyện Bẩy Năm Về Sau. Gia đình bên vợ tôi có 7 anh chị em thì vào đầu thập niên 80 đã 5 người ra nước ngoài. Đứa em gái út được bên chồng bảo lãnh, chắc sớm muộn gì cũng sang Mỹ định cư.

Vợ tôi có cô em gái lấy Antoine Trần Thế Độ, cũng là con Đức Cha, đã rời Sài Gòn trước tôi mấy tháng và đi Úc định cư. Bà nhạc tôi thì sau khi tôi đi được mấy tháng, cụ đã bị bệnh gan. Cụ buồn từ năm 1975, con trai trưởng và các con rể cụ đều nằm trong trại cải tạo, không biết ngày về. Cụ đã uống nhiều rượu. Ai cản cũng không được. Cụ ông thương vợ nên cũng chẳng nói gì. Ngay sau khi tôi đi, bệnh cụ càng ngày càng nặng. Cụ phải vào nằm trong bệnh viện. Đúng vào thời điểm đó, Trần Thế Độ được ra trại và đã phải thay thế anh vợ chăm sóc cụ ngày đêm trong nhà thương. Những lúc cụ tỉnh là cụ cầu xin, cụ vái tứ phương. Cụ thường khấn Đức Phật Di Đà, Đức Chúa Giêsu, Đức Cha Kim và cả ông Hồ Chí Minh cho mấy đứa con rể cụ được về. Cụ mất vào cuối năm 1980. Lúc gặp lại Độ ở hải ngoại, Độ nói "Trước khi Má mất, em có rửa tội cho Má". Tôi suy nghĩ nhiều và càng suy nghĩ, càng thấy rõ lòng thương xót của Chúa đối với gia đình bên vợ tôi. Thật vậy, nếu Độ ra ngoài sân hay đi đâu, không có mặt bên cụ trong lúc cụ mất thì làm sao Cụ được rửa tội ? Mấy chị em vợ tôi bàn nhau bảo lãnh cụ ông ra hải ngoại. Bà chị hai ở Úc với vợ chồng Độ đã làm giấy tờ và cụ đã sang Úc năm 1986, ở chung với vợ chồng Độ. Vào năm 1987, chúng tôi đã mời cụ sang chơi Pháp 3 tháng. Tại Pháp có vợ chồng chúng tôi và đứa con trai thứ nhì của cụ và là em kế sát vợ tôi.

Trong thời gian ở Pháp, cụ vẫn tiếc là ra muộn nên không được gập Đức Cha. Nhưng tôi cũng đã đưa cụ tới những nơi Đức Cha, lúc sinh thời thường lui tới. Thứ nhất, đương nhiên là Nhà MEP. Tôi đã bắt chước Đức Cha, đứng chỉ cụ cánh cổng đã chứng kiến những bước đi của bao vị truyền giáo. Tôi đã dẫn người lên Nhà Nguyện của Hội Thừa Sai Paris, nơi gia đình thân nhân các vị truyền giáo tới dự lễ "tiễn đưa" những "chiến sĩ phúc âm ra chiến trường". Nhiều vị đã không bao giờ trở lại, nhiều vị đã thành thánh nhân tử đạo... Tôi cũng đưa cụ xuống thăm Bảo tàng Các Thánh Tử Đạo với những gông cùm, giây thắt cổ, đao kiếm chém đầu, khay để thủ cấp các thánh tử đạo tại Việt Nam... Ông cụ cảm động xem từng di vật của các thánh. Tôi đã đưa cụ đi Lisieux, cách Paris hơn 200 cây số để viếng tư gia, nhà dòng kín, nhà kỷ niệm và vương cung thánh đường Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tôi đã kể lại chuyện Thánh Nữ Têrêxa được Giáo Hội phong là Thánh Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Tôi đã kể cho cụ mối quan hệ giữa Thánh Nữ, Đức Cha và chính tôi khi Đức Cha đặt tên cho cô nhi viện của người là Cô Nhi Viện Têrêxa. Chính Thánh Nữ hay cái tên Têrêxa của Thánh Nữ đã làm thay đổi cuộc đời và số phận của tôi, của vợ con tôi. Vợ tôi khi Đức Cha ban phép Rửa Tội đã lấy tên thánh là Têrêxa. Tôi cũng đưa cụ tới Toulouse, thăm anh chị Thoại và cùng anh chị đi hành hương viếng Đức Mẹ Lộ Đức. Ba vợ tôi thâm trầm, ít nói, là một nhà giáo thuộc thế hệ cựu trào, thấm nhuần triết lý Khổng Giáo. Cụ cũng rất am tường Phật Giáo, Lão Giáo và giáo lý Công Giáo. Cụ có một nếp sống đoan chính của một nhà mô phạm. Cụ đã tin tưởng và gửi gấm các con cụ cho các frères và các soeurs giáo dục. Có lẽ cũng chính vì đã thấy được nếp sống gia đình, con người ông cụ khi xuống Long Thành thăm cụ, mà Đức Cha đã chấp thuận hỏi vợ tôi cho tôi. Người đã từng nói với tôi : "Có thể nói ba vợ con là một người công chính". Thời gian cụ sống ở hại ngoại, tuy bên cạnh Trần Thế Độ, nhưng Độ cũng không đả động gì đến vấn đề tôn giáo vì biết cụ là người rất thông hiểu về các tôn giáo. Ông cụ thích đọc sách, coi truyền hình và luôn lo lắng cho các con, tuy rằng các con cụ cũng đã con cháu đùm đề. Một hôm, vào mấy tháng cuối năm 1989, sáng sớm mới ngủ dậy, cụ gọi Độ và nói : - Con mời Cha tới cho ba học đạo. Độ chưng hửng vì ngạc nhiên. Độ gọi điện sang Pháp cho tôi sau đó quả quyết rằng: - Em thề với anh là từ khi ba sang đây đến giờ, tụi em chưa bao giờ nói với ba về tôn giáo cũng như nhắc gì đến Đức Cha.

Tôi hỏi đầu đuôi câu chuyện ra sao thì Độ trả lời : - Ba gọi em và nói: "Đêm qua ba nằm mơ thấy Đức Cha Kim. Người nói chuyện với ba nhiều mà bây giờ ba chẳng nhớ gì nữa. Chỉ nhớ được là người nhắc lại câu người nói với ba lúc người xuống Long Thành hỏi con Phụng cho thằng Tường rằng Tôi cầu nguyện để có một ngày tất cả gia đình ông quy về một mối với Thiên Chúa". - Thế các em đã mời được cha nào chưa ? - Em đã liên lạc và có cha Việt Nam nhận lời đến nói chuyện với ba và lo việc dậy đạo cho ba rồi. Tụi em mừng quá. Tôi chỉ biết nói lên lời: - "Deo Gratias" và "Merci Monseigneur". Việc học đạo của cụ tiến hành tốt đẹp trong lúc bệnh trạng của cụ cũng diễn tiến xấu hơn. Thời gian này, tôi đã cho nhà tôi sang chăm sóc cho cụ. Ngày 2/2/1990, nhân lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, cụ đã được lảnh Phép Thánh Tẩy, trở thành con cái Thiên Chúa. Cụ lấy tên thánh là PHAOLÔ. Được hỏi lý do tại sao chọn thánh Phaolô làm bổn mạng, cụ đã hãnh diện trả lời : - Đó là tên thánh Đức Cha Kim. Hôm nhận phép Rửa tại Thánh Đường ở Melbourne, cụ đã đứng lên đọc bài cảm nhận rất cảm động. Từ đó, bệnh ung thư phổi của cụ ngày càng trầm trọng. Cụ không còn đủ sức đến nhà thờ dự lễ, nên mỗi ngày, các cha, các nữ tu, và giáo dân đã kiệu Mình Thánh đến tận giường bệnh cho cụ. Ngày 24/10/1990, Chúa đã gọi cụ về với Ngài và với Đức Cha Kim, ông "xui" của cụ sau khi nhận đủ các phép bí tích. Thánh Lễ an táng cụ được cửa hành trọng thể tại Melbourne. 100 ngày sau, Thầy Trần đã tổ chức một Thánh Lễ đồng tế cầu cho linh hồng Phaolô Nguyễn Văn Đáng tại Sài Gòn. Lúc đó cha Lê Ngọc Đáng, cha Trần Quý Thiện chưa ra hải ngoại và đã đồng tế. 


KẾT LUẬN 


Trên đây là tóm lược những gì đã xẩy ra cho tôi từ buổi gặp gỡ huyền diệu trước Nhà Thờ Lớn Hà Nội cho đến ngày nay. Cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi toàn diện cuộc đời của tôi. Từ một đứa trẻ mồ côi lang thang hè phố, cuộc gặp gỡ đó đã cho tôi một người Cha vừa nhân từ vừa nghiêm nghị. Đọc câu chuyện của tôi, chắc nhiều người nghĩ rằng "tôi được Đức Cha thương yêu nhất". Tuy người không bao giờ nói ra, nhưng trong những lúc cận kề người, tôi đã khám phá ra rằng, tất cả các anh em tôi trong gia đình Têrêxa đều có cảm tưởng được Cha thương yêu cách riêng. Cha chúng tôi có cái ưu điểm là "tay trái người không hề biết được những gì tay phải người làm". Chúng tôi thật đã có một người Cha Tuyệt Vời, một Vị Thánh.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03/02/2018
Nhân loại thời nào cũng chìm đắm trong đau khổ. Con người có đủ mọi thứ khổ: giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ; có địa vị cũng khổ, không có địa vị cũng khổ; có con cũng khổ, không có con cũng khổ; bệnh thì khổ đã đành, mà không bệnh cũng vẫn thấy khổ… Vì thế, biết ai có thể giúp mình thoát khổ thì mình sẽ chạy đến người ấy. Vì thế, sở dĩ rất nhiều người đi theo Đức Giêsu xin Ngài cứu giúp vì Ngài luôn luôn có lòng cứu giúp những ai đau khổ, đồng thời Ngài cũng có quyền năng giúp họ thoát khổ [*].
28/01/2018
Chúng ta đã vui mừng kỷ niệm lần thứ 2017 ngày Đức Giêsu Kitô sinh xuống thế làm người. Ngài thường được quan niệm như là Đấng Cứu Thế của nhân loại, vì chủ yếu là như vậy. Tuy nhiên, Ngài còn là một vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử con người, và Ngài đã bị đồng hương bạc đãi, lên án và đã chết một cách đau thương và nhục nhã cũng chính vì thực hiện vai trò ngôn sứ ấy.
20/01/2018
• Gn 3,15.10: (1) Có lời Đức Chúa phán với ông Giôna lần thứ hai rằng: (2) «Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi». • 1Cr 7,29-31: (29) Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu, (31b) vì bộ mặt thế gian này đang biến đi. • TIN MỪNG: Mc 1,14-20
14/01/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • 1Sm 3,3b-10.19: (10) Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước, «Samuen! Samuen!» Samuen thưa: «Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe». • 1Cr 6,13c-15a.17-20: (19) Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, (20) vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. • TIN MỪNG: Ga 1,35-42
01/01/2018
• Cl 3,12-21: (18) Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. (19) Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. (20) Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. (21) Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.
22/12/2017
• Tt 2,11-14: (12) Ân sủng cứu độ mời gọi ta từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức. • TIN MỪNG: Lc 2,1-14
17/11/2017
Hay: Đoàn viên PT làm gì để nên thánh? Mẹ Tê-rê-xa ở Calcutta nói: Không phải í Chúa muốn cho ta trở nên nhà văn, nhà giáo, kĩ sư, công nhân, công chức, bác sĩ, người làm công… Đó là í muốn của ta, không phải í của Chúa. Chúa chỉ muốn một điều nơi ta mà thôi: hãy sống làm sao để trở nên thánh.
24/10/2017
Người giáo dân việt nam thường tự bằng lòng với một quan điểm sai trái rằng mình là ki-tô hữu hạng nhì trong cộng đồng dân chúa.
22/10/2017
Từ ngày 5 tới 7 tháng 10 năm 2017 ba mươi đại biểu Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại (PT) đã về thành phố Boston, Hoa-kì tham dự Đại Hội lần thứ 7.
18/10/2017
Buổi phỏng vấn do phái viên Thái Hòa của Đài Đáp Lời Sông Núi thực hiện
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC