Yêu thương tha nhân để biến họ thành «người thân cận»

15/07/201910:48 SA(Xem: 7162)
Yêu thương tha nhân để biến họ thành «người thân cận»
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 15 Thường Niên

(14-7-2019)


Yêu thương tha nhân
để biến họ thành «người thân cận»



ĐỌC LỜI CHÚA

  Đnl 30,10-14(10) Miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.
  Cl 1,15-20(20) Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.


•  TIN MỪNG: Lc 10,25-37
Điều răn lớn

(25) Khi ấy, có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: «Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» (26) Người đáp: «Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?» (27) Ông ấy thưa: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình». (28) Đức Giêsu bảo ông ta: «Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống».

Dụ ngôn người Samari tốt lành

(29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: «Nhưng ai là người thân cận của tôi?» (30) Đức Giêsu đáp: «Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 

(33) Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. 

(36) Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?» (37) Người thông luật trả lời: «Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy». Đức Giêsu bảo ông ta: «Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy».




CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Hai giới luật quan trọng nhất thời Cựu Ước là giới luật nào?

2. Đối với giới luật thứ hai, cụm từ «người thân cận» nghĩa là gì? Đức Giêsu hiểu cụm từ này như thế nào? Có phải chỉ là người hiện đang gần gũi mình về máu mủ, về tình cảm hay về không gian không?

3.  Theo quan niệm của Đức Giêsu, ai là người thân cận của chúng ta mà chúng ta phải yêu thương? Chúng ta đã thật sự sống tinh thần của Đức Giêsu là yêu thương mọi người để biến họ thành người gần gũi mình chưa?

Suy tư gợi ý:

1.  Theo Đức Giêsu, phải hiểu từ «người thân cận» thế nào?

Như chúng ta đã biết, hai giới luật quan trọng nhất của Cựu ước là: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình» (x. Đnl 6,5 và Lv 19,18). 

Trong Tân ước, hai giới luật đó được diễn tả thành một giới luật duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Tại sao? Vì theo Đức Giêsu, tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa, nếu có, tất nhiên phải được thể hiện thành tình yêu đối với tha nhân.

Vấn đề đặt ra trong bài Tin Mừng mà người thông luật đặt ra là phải hiểu hay giải thích thế nào về nhóm từ «người thân cận» trong giới luật căn bản thứ hai của Cựu ước? Chúng ta thấy Đức Giêsu đã giải thích hai chữ «thân cận» theo quan niệm động: nghĩa là thân cận hay không thân cận là do cách đối xử yêu thương hay không yêu thương của ta đối với tha nhân. Nếu ta yêu thương ai, đối xử tốt với ai, thì người ấy tự nhiên sẽ trở thành người thân cận của ta

Điều này quả thật rất phù hợp với tâm lý tự nhiên của con người. Hai người dù xa lạ nhưng yêu thương nhau thì tự nhiên trở nên gần gũi với nhau. Còn anh em, dù là ruột thịt, mà không yêu thương nhau thì tự nhiên trở nên xa cách. Tình yêu làm con người trở nên gần gũi nhau, còn sự lãnh đạm, vô tình tạo nên khoảng cách.

Vì thế, người Kitô hữu cần biến tất cả mọi người mình gặp trên đường đời trở thành người thân cận của mình bằng cách đối xử với họ bằng tình thương chân thật. Đức Giêsu đã minh họa tinh thần trên bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu.



2.  Dụ ngôn người Samari nhân hậu

Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu đưa ra 4 nhân vật:

– Một thường dân Do Thái bị cướp đánh nhừ tử dở sống dở chết và bị bỏ rơi dọc đường.

– Một tư tế và một thầy Lêvi người Do Thái: hai người này thuộc giới cao cấp trong tôn giáo Do Thái, vừa đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tôn giáo, vừa thi hành nhiệm vụ tư tế, vừa đảm nhiệm việc giáo dục tôn giáo cho tín hữu Do Thái. Hai người này gặp cảnh đau thương của người đồng hương và đồng đạo của mình thì bỏ đi, mặc kệ người ấy sống chết ra sao cũng được.

– Một người Samari: cũng là người Do Thái, nhưng ở vùng miền Trung Do Thái. Vào thời dân Do Thái bị ngoại bang đô hộ và bị lưu đày, vùng Samari bị người ngoại bang tới định cư, khiến cho dân vùng này trở nên lai tạp, không chỉ về mặt nòi giống, mà cả về mặt tôn giáo nữa. Vì thế, dân Do Thái thuần chủng ở miền Bắc và Nam Do Thái rất kỳ thị và khinh thường dân Samari, coi họ không khác gì những người tội lỗi. Vì thế, giữa dân Do Thái và dân Samari có một mối hận thù sâu sắc. 

Nhưng trong dụ ngôn này, Đức Giêsu đã cho thấy người Samari vốn bị coi là tội lỗi này lạisống đúng luật yêu thương của Cựu ước hơn những vị chức sắc tôn giáo, là những người dạy dỗ mọi người về luật yêu thương ấy.

Nếu so sánh theo quan niệm tĩnh và khách quan, thì hai vị chức sắc Do Thái giáo kia gần gũi với người Do Thái bị cướp kia hơn người Samari, vì họ có tính cách đồng hương và đồng đạo với nhau nhiều hơn. Nhưng hành động yêu thương và xả thân của người Samari đã biến người Do Thái bị nạn trở thành gần gũi đối với anh

Theo quan niệm của Đức Giêsu, vấn đề không phải là gần gũi hay không gần gũi, mà là hành động làm sao để tỏ ra gần gũi. Vì thế, Ngài hỏi người thông luật: «Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?» Và người thông luật đã trả lời: «Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy».



3.  Người thông luật không luôn luôn là người giữ luật

Đây chỉ là một dụ ngôn, nghĩa là một chuyện tưởng tượng ra để minh họa một chân lý. Dù là dụ ngôn, nhưng chắc chắn không phải là vô tình mà Đức Giêsu lại gán cho hai vị chức sắc tôn giáo một tâm trạng vô trách nhiệm, vô tình và thiếu hẳn tình thương đối với người đồng hương, đồng đạo và cũng là «con chiên» của mình như thế. Nhất là khi Ngài lại kể dụ ngôn nàycho một thầy thông luật, cũng phần nào thuộc giới có chức sắc trong đạo Do Thái. Điều đó chắc hẳn phản ánh một tình trạng có thật trong tôn giáo Do Thái thời ấy.

Những vị chức sắc Do Thái ấy chắc chắn thông thạo lề luật hơn người Samari rất nhiều, và chắc chắn hai vị này cũng đã rao giảng và hô hào mọi người phải yêu thương nhau như luật dạy. Nhưng Đức Giêsu cho thấy việc thông luật và dạy dỗ người khác về lề luật là một chuyện, còn có áp dụng lề luật ấy hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Không phải cứ giỏi về lề luật là sẽ giữ luật cẩn thận hơn người khác, không phải cứ dạy dỗ người khác về đạo thì sẽ giữ đạo hoàn hảo hơn người khác. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp lại ngược lại. 

Chính vì thế, thánh Phaolô mới viết: «Bạn mang tên là người Do-thái, ỷ rằng mình có Lề Luật(…) bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù loà, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại (…) bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!» (Rm 2,17-22).

Dụ ngôn trên khiến người Kitô hữu phải xét mình lại. Chúng ta tự hào đạo của chúng ta là đạo yêu thương, nhưng nhiều khi chúng ta lại đối xử với tha nhân không có tình yêu thương cho bằng những người ngoại đạo. Nhiều khi chúng ta giảng dạy về yêu thương nhiều và hay hơn ai hết, nhưng lại cư xử thiếu tình thương hơn ai hết. Và như vậy chúng ta trở thành những kẻ phỉ báng đạo của chúng ta.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại lời thách thức của Mahatma Gandhi đối với những Kitô hữu người Anh thời của ông. Thách thức đó cũng là thách thức của con người thời đại đối với chúng ta. Mặc dù rất say mê con người và giáo lý của Đức Giêsu, rất thích tinh thần bát phúc của Ngài, và sống một cuộc đời rất phù hợp với Tin Mừng, nhưng Gandhi không theo Kitô giáo. Ông không chấp nhận Kitô giáo là đúng hơn, tốt hơn tôn giáo của ông chỉ vì lối sống của người Kitô hữu mà ông biết, tức những người Anh đang đô hộ nước ông, không hơn gì những người đồng đạo của ông, cũng tỏ ra độc ác không kém những kẻ đô hộ khác. Theo ông, nếu Kitô giáo mà đúng hơn, tốt hơn các đạo khác, ắt người Kitô hữu phải sống tốt hơn người của các tôn giáo khác. Ông thách thức người Anh là những người vừa đem Kitô giáo đến với dân tộc ông, vừa nô lệ hóa dân tộc ông: «Các anh chỉ cần sống đúng như tôn giáo các anh chỉ dạy, thì chắc chắn toàn dân Ấn Độ sẽ trở thành Kitô hữu hết». Sự thách đố này quả là nhức nhối đối với rất nhiều Kitô hữu, kể cả những người làm tông đồ.

Thời nay, chắc hẳn cũng có rất nhiều người tương tự như Gandhi, rất có cảm tình với Đức Giêsu, cũng bị hấp dẫn bởi giáo thuyết của Ngài, nhưng họ nhất định không theo Kitô giáo. Lý do: vì họ thấy người Kitô hữu, kể cả những người rao giảng Kitô giáo cho họ, chẳng hề sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu, thậm chí còn sống kém hơn cả bản thân họ

Thật mỉa mai khi chúng ta tự hào về đạo của mình là đạo yêu thương nhưng chúng ta lại sống yêu thương không bằng những người đạo khác! Chúng ta đang vô tình phỉ báng Kitô giáo bằng hành động thật sự! Tội phỉ báng này thiết tưởng còn nặng nề và tai hại hơn phỉ báng bằng lời nói!




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con hiểu tinh thần của Đức Giêsu: không phải chỉ là yêu thương những người gần gũi với mình, mà biến mọi người trở thành gần gũi bằng những hành động yêu thương cụ thể. Nhất là những người đang đau khổ, bệnh tật, nghèo nàn, thiếu thốn, bị bỏ rơi, bị áp bức, là những người đang cần đến tình yêu thương của con nhất. Xin đừng để con tin một đằng, nói một đằng, và hành động một đằng khác.

Nguyễn Chính Kết


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20/04/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 4,8-12: (12) Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ. • 1Ga 3,1-2: (2) Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. • TIN MỪNG: Ga 10,11-18
16/04/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 3,13-15.17-19: (15) Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. • Ga 2,1-5a: (3) Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. (4) Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. (5) Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo • TIN MỪNG: Lc 24,35-48
08/04/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 4,32-35: (33) Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. • 1Ga 5,1-6: (4) Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Nguồn mạch đức tin (5) Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? • TIN MỪNG: Ga 20,19-31
30/03/2018
• Cv 10,34a.37-43: (40) Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, (41) không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. • Cl 3,1-4: (1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, (2) […] chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. (3) Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. • TIN MỪNG: Ga 20,1-9
21/03/2018
Sự xuất hiện tông huấn „Amoris Laetitia“ của giáo tông Phan-sinh đã tạo nên nhiều tranh luận giữa những người công giáo. Tổng giám mục Donald Wuerl thuộc tổng giáo phận Washington giờ đây đã có được một lối áp dụng giáo huấn của tông thư, mà không gây ra những lời qua tiếng lại trong công luận.
17/03/2018
• Gr 31,31-34: (33) Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ítraen: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. • Dt 5,7-9: (8) Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; (9) và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
09/03/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • 2Sb 36,14-16.19-23: (15) Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. • Ep 2,4-10: (8) Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; (9) cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.
28/02/2018
(5 tháng Giêng Kỷ Dậu, 1789) -Vua Quang Trung đã áp dụng chiến thuật gì để chiến thắng trận Ngọc Hồi: dùng những bó rơm cuốn tròn lăn đi trước hay dùng những tấm ván để đỡ đạn? -Tại sao Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (quyển 30) và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (quyển 27) ghi chép khác nhau? -Sử nhà Thanh và sử nhà Nguyễn: bên nào chính xác hơn?
24/02/2018
1. Hai khuynh hướng tâm lý 2. Hai thứ tình yêu
15/02/2018
ĐỌC LỜI CHÚA • St 9,8-15: (11) Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa. • 1Pr 3,18-22: (18) Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi của những kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. • TIN MỪNG: Mc 1,12-15 Đức Giêsu chịu cám dỗ trước khi công khai rao giảng Tin Mừng
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC