Sự tiến hóa từ luật Cựu Ước đến luật Tân Ước

09/09/202410:01 SA(Xem: 832)
Sự tiến hóa từ luật Cựu Ước đến luật Tân Ước

Sự tiến hóa từ luật Cựu Ước đến luật Tân Ước
Con Người và Tình Yêu – Tình thương thắng bạo tàn

 aaa

Từ ngàn xưa cho đến hiện nay, không bao giờ thế giới hết chiến tranh. Chiến tranh là bạo lực, triệt hạ nhau bằng sức mạnh. Một câu ngạn ngữ La Tinh từ xa xưa, mà người ta thuộc nằm lòng «Si vis pacem, para bellum» (bạn muốn hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh).
Phải chăng hòa bình chỉ là ảo tưởng? Yêu thương, bác ái, tất cả chỉ là mơ ước hão huyền, viễn vông, không thực tế?
 
1) Bạo lực, bản năng sinh tồn
Nhìn ra thiên nhiên quả là thế thật. Quy luật mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé thì không khoan nhượng. Yếu kém là bị đào thải, chỉ có kẻ mạnh mới tồn tại.
Con người cổ đại, khi trí tuệ sơ khai chưa phát triển, sống nhờ bản năng là chủ yếu. Nghiên cứu lịch sử nhân loại thời hồng hoang, ta thấy xã hội con người có đời sống không khác thú vật là mấy: suy nghĩ thì cụ thể, nông cạn; công cụ thì thô sơ, quanh quẩn với cái ăn, cái mặc, làm sao cho no bụng bảo tồn cuộc sống là được rồi.
Luật Môisê (Khoảng 1.200 năm trước công nguyên): «Mắt đền mắt, răng đền răng» (Xh 21:24) và cả trong sách Đệ Nhị Luật: «Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân» (Đnl 19:21), đều cho rằng bạo lực là cần thiết.
Luật công bằng đòi buộc phải đáp trả tương xứng, làm cho người ta sợ mà không dám phạm tội nữa. Xã hội Do Thái thời ông Môisê là xã hội sống du mục, chăn thả súc vật. Đi đâu cũng chiếm đất, đồng cỏ của bộ tộc khác để chăn thả cừu, dê, bò. Họ phải dùng bạo lực, sức mạnh chiến chinh để làm chuyện đó và bảo toàn bộ lạc của mình. Nếu nhu nhược, chắc là đã bị kẻ thù tận diệt.
Trí tuệ phát triển, cơ chế xã hội cũng đổi thay theo bước đi lên từ thấp đến cao, từ nhận thức sơ đẳng đến tri thức phức tạp.
Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng phần đông sống bằng nông nghiệp nuôi trồng, không còn du canh du cư, cơ cấu xã hội ổn định, lớp lang thứ tự. Tuy vậy, người Do Thái vẫn tôn trọng luật Môisê đến từng chi tiết. Bạo lực, áp bức theo luật cũ vẫn được áp dụng nhân danh Giavê, mặc dù họ vẫn xưng tụng Giavê, Thiên Chúa của họ «là đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung» (Tv 85:15).
Chúa Giêsu nói: «Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình thờ phụng Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha» (Ga 16:2).
 
2) Pháp trị hay nhân trị: luật cũ, luật mới
Xã hội Do Thái, thời Chúa Giêsu, dân chúng bị một cổ hai ba tròng. Bên ngoài thì ngoại bang cai trị: sưu cao thuế nặng, lao dịch vất vả. Nhất là bên trong, thần quyền áp bức đời sống tinh thần, bọn Pharisiêu và luật sĩ, ăn trên ngồi trốc, vụ hình thức, xét nét, áp chế luật lệ xưa cũ hà khắc. Họ đã «quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi» (Cv 15:10).
Chúa Giêsu nói với những người Pharisiêu và các kinh sư: «Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa» (Mc 7:13).
Chúa Giêsu đã đem đến một tinh thần mới, làm đảo lộn tất cả những giải thích luật cũ cứng nhắc sai lệch, không đúng tinh thần và ý định Thiên Chúa: «Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân» (Mt 15:9).
Chúa Giêsu đến không phải để phá bỏ luật lệ Môisê nhưng để hoàn thiện: «Anh em đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn» (Mt 5:17). Ngài đã «sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật» (Gl 4:5).
Thật vậy, luật Môisê là pháp luật cũ, theo tinh thần «pháp luật vị pháp luật» giành cho con người sơ khai, dựa trên lẽ công bằng, trấn áp bạo lực, giết chóc mà thưởng phạt, ức chế con người. Nói chung là nền pháp trị: cưỡng chế mọi người phải tuân hành. Một luật lệ ghi khắc trên đá.
Nhưng Chúa Giêsu đến đem cho con người một cái nhìn mới, cái nhìn của sự tự nguyện, của nhân bản nhân vị, dựa trên lời mời gọi của con người tự do có lý trí, có tấm lòng. Một luật lệ được khắc ghi trên trái tim «không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người» (2 Cor 3:3).
«Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát» (Mc 2:27). Chúa Giêsu đặt con người lên trên. Luật pháp là để phục vụ con người.
Tân Ước, luật mới, là một nền nhân trị dựa trên tình thương yêu chan hòa.
 
3) Tình thương thắng bạo tàn
Nhiều người cho rằng: nhân trị chỉ là ảo tưởng. Làm gì mà có được một đất nước, trong đó tất cả là của chung, mọi người làm việc theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, con người đối đãi với nhau hoàn toàn bằng tinh thần tự giác và tình thương yêu, không hình phạt, không bạo lực. Đúng là không tưởng!
Giáo Hội không phải là một tổ chức chính trị. Giáo Hội Chúa Kitô không thuộc thế gian: «Nước ta không thuộc thế gian này» (Ga 18"36), «Anh em không thuộc về thế gian» (Ga 15:19). Vương quốc của Chúa là nước trời. Giáo Hội Chúa Kitô là một lý tưởng sống, một con đường để đi, một lối giải thoát, một exit mà đời người ai đó cũng phải qua một lần.
Vậy Đạo Chúa, đạo tình yêu là gì?
Chúa Giêsu: «Anh em đã nghe luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa» (Mt 5:38-39).
Thánh Phaolô diễn giải: «Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống… Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác» (Rm 12:14-20).
Có nghĩa là lấy ân mà báo oán. Không dùng bạo lực để đối đáp mà «Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình» (Mt 5:44).
Điều đó có hiệu quả không?
Đọc qua lịch sử nhân loại, chúng ta thấy có hai hạng người: hạng bất nhân, ác độc chủ trương lấy bạo lực làm đầu, như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Staline… Họ đã chết và tuy thành công trong ngắn hạn, nhưng điều họ chủ trương đã làm hàng triệu người chết, xã hội sau đó thì tan hoang.
Còn những nhân vật chủ trương lấy tình thương, hiền hòa làm trọng, mà đối xử với nhau, như Socrate, Phật Thích Ca, Gandhi… Họ đã kiến tạo hòa bình, đem lại hạnh phúc lâu dài thật sự cho nhân loại.
Bạo lực cuối cùng rồi thất bại; chỉ có tình yêu mới đưa ta đến tăng trưởng, tồn tại. Bạo lực có tầm nhìn ngắn hạn; chỉ có tình yêu mới trường tồn.

Kết luận:
Trong một xã hội mà người với người là lang sói, bóc lột nhau «nguy cơ của người này là cơ hội của người kia», hằm hè ganh tị, chém giết nhau, đó là những hoạt động của bản năng, thì đưa má bên này cho người ta vả cả má bên kia, quả là xuẩn ngốc.
Tình yêu hóa giải hận thù lại là đặc trưng của xã hội loài người: «lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan» là một thực tại đã thực nghiệm ở nhiều người và nhiều nơi, là một hiện thực có trong tri thức và lương tâm của đa số người.
Đến lúc nào đó sự phô trương, vô đạo đức bị xã hội lên án cho là kệch cỡm, lạc lõng và bị chối bỏ tẩy chay, như tư tưởng phân biệt màu da, chế độ nô lệ, bất bình đẳng giới, đã được loại trừ dần dần khỏi xã hội hiện đại và chỉ có tình thương yêu đồng loại, yêu thiên nhiên vạn vật mới được cổ vũ tán thưởng.
Nhưng tiến trình quyết liệt: giằng co giữa thiện và ác, giữa tình thương và hận thù đưa tính người đến đỉnh cao trí tuệ và đỉnh cao lương tri xem ra còn khó khăn, lắm gian truân.
Thời nay, đáng báo động, Satan đã xuất hiện, không cần giấu mặt.
Vào thời đại này, Giáo Hội đang gặp phải nhiều thử thách, kẻ thù là ma quỷ đang ra sức quấy phá hòng lung lạc đức tin. Nhiều người rời bỏ Giáo Hội, ta cứ tưởng Giáo Hội thoái trào không thể cứu vãn.
Nhưng như nước thủy triều đang lên. Tuy sóng vỗ, trong ngắn hạn, thì có lúc tiến lúc thoái, ngọn sóng sau nhiều khi thấp hơn ngọn sóng trước, người ta đã không thấy sức sống mãnh liệt của sự tiến hóa, sự đổi mới của Thánh Thần trong việc cải cách.

Tiếng Sa Mạc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2025(Xem: 150)
Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, tại sao Ngài lại chịu để Gioan làm phép rửa như thể Ngài là người tội lỗi? Thưa: Đúng là Ngài hoàn toàn vô tội, nhưng sứ mạng của Ngài là xuống thế để đại diện cho cả loài người tội lỗi. Một khi đã đại diện cho nhân loại tộilỗi, thì Ngài phải mặc lấy tâm tình của kẻ có tội, và hành xử như người có tội trước mặt Thiên Chúa. Chính Gioan cũng từng giới thiệu Đức Giêsu là «Đấng gánh tội trần gian» (x. Ga 1:29).
05/01/2025(Xem: 219)
Trang này gồm nhiều video được lấy từ kênh youtube https://www.youtube.com/c/AudioCôngGiáo/videos.
03/01/2025(Xem: 341)
Hiện nay, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nói chung, ít nhất có tới 50% các cuộc hộn nhân đi đến đổ vỡ, ly dị hoặc cuộc sống chung của họ đã trở nên không khác gì hỏa ngục. Chính vì thế, những bạn trẻ trước khi lập gia đình, cần được chỉ dẫn để có thể tạo lập được một gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, các Kitô hữu cũng rất cần tìm hiểu Kinh Thánh, để đọc và để hiểu biết Kinh Thánh hầu có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa để sống hạnh phúc cả cuộc đời này lẫn cuộc sống mai hâu.
01/01/2025(Xem: 342)
Theo sách Công Vụ Tông đồ (Cv 15:1), những người theo đạo Do Thái thời ấy quan niệm chỉ có những người theo đạo Do Thái, nghĩa là có chịu phép cắt bì mới được cứu rỗi. Ngày nay, nhiều người Kitô hữu cũng có quan niệm tương tự như thế. Nhưng tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay mạc khải một sự thật hoàn toàn ngược lại quan niệm ấy. Những người đi tìm và gặp được Đấng Cứu Thế hài nhi không phải là những người đạo Do Thái thông thạo Kinh Thánh, mà là người ngoại đao không có Kinh Thánh.
01/01/2025(Xem: 334)
Trong bài Tin Mừng (Ga 9:1-41) về việc Đức Giêsu làm sáng mắt một người mù bẩm sinh vào ngày sabát, ta thấy hai não trạng hay hai cung cách giữ đạo khác nhau giữa Đức Giêsu và người Pharisêu. Một đằng nhìn thấy con người để yêu thương, và còn một đằng chỉ nhìn thấy lề luật, nguyên tắc để tuân giữ. Nghĩa là một đằng quan trọng hóa con người, còn một đằng quan trọng hóa lề luật. Đó cũng là hai cách sống đạo của người Kitô hữu trong mọi thời. Cách nào hợp với ý của Thiên Chúa?
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC