Điều gì quan trọng nhất trong đời sống tâm linh?
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời, và mục đích phải đạt tới của đời người, chính là HẠNH PHÚC.
Tất cả những thứ khác như sức khoẻ, tiền bạc, kiến thức, của cải, bằng cấp, v.v... đều là phương tiện để giúp ta hạnh phúc. Phương tiện rất cần thiết, thiếu những phương tiện ấy thì cũng khó mà hạnh phúc được.
Nhưng có những người có đầy đủ tất cả những phương tiện ấy mà sao vẫn không hạnh phúc? Trái lại, cũng có những người không có được những phương tiện ấy mà họ vẫn cảm thấy cuộc đời họ hạnh phúc, tại sao vậy?
Vậy, điều quan trọng là phải phân biệt giữa mục đích và phương tiện.
Quá chú trọng đến phương tiện mà không quan tâm đến chính mục đích, quá quan trọng hoá phương tiện mà coi nhẹ mục đích, thì sẽ biến phương tiện trở thành có hại cho mục đích.
Về vấn đề này, Alexandre Dumas đã nói một câu để đời: «Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ xấu» (L’argent est un bon serviteur, mais un mauvais maître), nghĩa là chỉ nên coi tiền bạc là phương tiện để đạt được hạnh phúc, đừng biến nó thành mục đích của cuộc đời. Nó là phương tiện rất tốt, nhưng coi nó là mục đích thì nó lại biến thành mục đích xấu. Trong đời sống tâm linh cũng vậy, đừng bao giờ biến phương tiện thành mục đích, hay coi phương tiện như là mục đích. Lúc đó, phương tiện lại trở thành có hại cho mục đích.
Vì thế, trong đời sống tâm linh, chúng ta cần phải xác định được cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện, cái nào là chính yếu, cái nào là phụ thuộc.
Khá nhiều giáo sĩ và đương nhiên là vô số giáo dân không xác định được mục đích của đời sống tâm linh là gì, và phương tiện để có được đời sống tâm linh dồi dào, mạnh mẽ là gì.
Vì thế, có những vị chẳng những coi phương tiện là quan trọng hơn cả mục đích, và còn dạy người khác cũng quan niệm và làm như họ.
Cuối cùng thì họ rất hoàn hảo trong việc thực hiện những phương tiện hay những điều phụ thuộc, nhưng mục đích hay điều chính yếu của đời sống tâm linh thì… coi nhẹ, thành ra việc giữ đạo của họ trở thành «xôi hỏng, bỏng không», thành «công dã tràng»...
Trong Mt 7:21-27, Đức Giêsu cho biết điều quan trọng nhất trong đời sống tâm linh là gì. Là «thi hành ý muốn của Thiên Chúa» (câu 21) và cho thấy nhiều người được mọi người (kể cả các giám mục, linh mục) coi là đạo đức mà vẫn bị Thiên Chúa kết án (chẳng hạn như trong câu 22-23).
● Mt 7:22-27 => (21) «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (22) Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” (23) Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!
(24) “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. (25) Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. (26) Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. (27) Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
Vậy, ý muốn của Thiên Chúa là gì? Điều nào là điều quan trọng nhất trong ý muốn của Thiên Chúa? Đó là điều mọi giám mục, linh mục, giáo sĩ và giáo dân phải xác định thật rõ và chính xác.
Đức Giêsu nói quá rõ, nhưng dường như nhiều người không hiểu hay không muốn hiểu, hoặc không coi những điều Ngài nói là quan trọng.
Trước khi chịu chết, câu Ngài muốn mọi môn đệ của Ngài đặc biệt lưu ý để thực hành trong đời sống, đó là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13:34-35). Nói như vậy chưa đủ rõ sao?
Cái mới là cái có thể thay thế cái cũ. Cái mới đương nhiên là quan trọng hơn cái cũ rất nhiều. Thực hành điều răn mới này được Đức Giêsu coi là tiêu chuẩn để phân biệt hay nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài, và ai là không phải.
Một số câu khác cũng rất rõ:
● «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16:24). Thử hỏi có mấy người theo Chúa từ bỏ được «cái tôi» của mình và sẵn sàng «vác thánh giá» nghĩa là sẵn sàng chịu khổ, chịu thiệt, để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa?
● «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10:38)
● Không chỗ nào trong Thánh Kinh xác định tiêu chuẩn mà Thiên Chúa dùng để phán xét con người rõ hơn đoạn Tin Mừng Mt 25:31-46 => «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta vậy» (câu 40/45).
Thánh Phaolô và các tông đồ khác cũng có rất nhiều câu xác định cái «tâm yêu thương», tức «đức ái» hay «đức mến» là quan trọng nhất trong đời sống Kitô giáo. Cụ thể như:
● «Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13:1-3). Qua câu này, ta thấy, một việc tốt lành đến đâu, nếu không xuất phát từ cái «tâm yêu thương» thì chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa.
● «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy» (Rm 13,10).
● «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8).
● «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,14).
● «Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8).
● «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4:20).
Nhưng có được bao nhiêu Kitô hữu thật sự coi tiêu chuẩn yêu thương ấy là quan trọng nhất, kể cả các giáo sĩ?
Đức Giêsu đã chỉnh đốn những người Pharisêu khi họ quan trọng hoá điều phụ thuộc và coi nhẹ điều chính yếu: «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và sự thành thật. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.» (Mt 23:23).
Khi nghĩ về ước muốn thành lập «Nước Trời tại thế» của Chúa Giêsu, nhiều khi tôi tự hỏi và so sánh giữa hai trường hợp sau đây, thì Đức Giêsu muốn trường hợp nào hơn, và trường hợp nào có thể biến trần gian này thành «Nước Trời tại thế»?
● Trường hợp 1 => Tất cả mọi tín đồ tôn giáo và cả những người không tôn giáo đều thật sự sống yêu thương nhau, yêu thương tha nhân
● Trường hợp 2 => Tất cả tín đồ mọi tôn giáo đều hết lòng yêu mến giáo chủ của mình, luôn sốt sắng tham dự những lễ nghi của tôn giáo mình, và tuân giữ rất nhiều luật của tôn giáo mình, mà không coi trọng việc yêu thương nhau.
Chắc chắn mọi người sẽ đồng ý với tôi về trường hợp 1. Điều đó cho thấy chính chúng ta cũng nhận thấy việc yêu thương nhau là quan trọng nhất không chỉ trong Kitô giáo mà trong tất cả mọi tôn giáo.
Nguyễn Chính Kết