Người tông đồ cần quan tâm đến cả nhu cầu thể chất của dân chúng

22/07/202410:14 SA(Xem: 862)
Người tông đồ cần quan tâm đến cả nhu cầu thể chất của dân chúng

Người tông đồ cần yêu thương dân chúng để quan tâm đến cả nhu cầu thể chất của họ

aaa
Con người có nhu cầu về tâm linh, tinh thần và cả thể chất. Quan tâm đến những nhu cầu thể chất là bước đầu tiên để biểu lộ tình yêu thương của mình đến những người mà mình muốn đem Chúa đến với họ. Biểu lộ tình yêu thương của mình là điều kiện quan trọng để người khác quan tâm đến sứ điệp mà ta muốn nói với họ. Đức Giêsu đã làm gương cho các môn đệ thời của Ngài và của bao thế hệ sau đó.

1. Đức Giêsu quan tâm tới cả nhu cầu thể chất của dân chúng
Bị cám dỗ sau khi ăn chay 40 ngày, Đức Giêsu nói với Satan: «Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra» (Mt 4,4). Nghĩa là con người không chỉ sống bằng thể chất, mà còn sống bằng tinh thần. Hành động của Ngài trong đoạn Tin Mừng Ga 6:1-15 của Chúa nhật 17 Thường niên dường như muốn nói một câu đồng nghĩa như vậy, nhưng theo chiều ngược lại: «Người ta sống không nguyên bởi Lời Chúa, mà còn sống bởi bánh nữa». Nghĩa là con người không chỉ sống bằng tâm linh, tinh thần, mà còn sống bằng thể chất. Vì con người không chỉ thuần túy là tinh thần hay thần khí, cũng không chỉ là thể chất, mà là cả hai. Nên con người vừa có nhu cầu tinh thần, vừa có nhu cầu thể chất. Đức Giêsu quan tâm tới con người toàn diện, nghĩa là quan tâm tới cả nhu cầu tinh thần lẫn thể chất của họ.
Bài Tin Mừng nói trên cho thấy điều ấy. Mặc dù sứ mạng của Ngài là cứu độ nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi, nghĩa là chủ yếu về mặt tâm linh, nhưng không vì thế mà Ngài quên đi nhu cầu thể chất của con người. Thật vậy, khi «nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình», mà trời đã về chiều, chắc chắn họ cũng cảm thấy đói bụng, Ngài liền hỏi môn đệ: «Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?» (x. Ga 6:5). Thật ra, Ngài có thể để mặc họ trở về nhà với cái bụng lép xẹp, và chắc chắn chẳng ai lên tiếng trách móc Ngài vì đã để mặc họ như vậy. Nhưng Ngài không làm như vậy. Tình thương và sự nhạy cảm đối với đau khổ và hạnh phúc của con người đã thúc đẩy Ngài đáp ứng nhu cầu của họ. Họ cần nghe Ngài rao giảng, nhưng để có thể nghe Ngài, họ cũng cần phải no bụng.
Chính vì Ngài tỏ ra yêu thương họ, quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của họ, mà họ đến với Ngài, sẵn sàng nghe Ngài dạy dỗ. Nếu Ngài không làm như vậy, sẽ có nhiều người chẳng đến với Ngài và chẳng nghe Ngài dạy bảo. Ở Việt Nam, nhiều người truyền đạo trong các tôn giáo khác cũng phần nào làm tương tự như Đức Giêsu: họ mở phòng thuốc, khám bệnh, chữa bệnh và cho thuốc miễn phí, và khi thuận tiện thì nói về đạo pháp cho những ai muốn nghe.
Như vậy, Đức Giêsu không chỉ lo phần rỗi đời sau cho con người, mà còn lo cả những gì cần thiết cho đời sống hiện tại của họ nữa. Ngài cũng ra lệnh cho các môn đệ ngoài việc rao giảng Tin Mừng, còn phải giải quyết những nhu cầu thể chất và cấp bách của họ: «Anh em hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ» (Mt 10-7-8). Lo cho người ta về thể chất chính là cách biểu lộ tình thương đối với họ, đó là tạo điều kiện để lo cho họ một cách hữu hiệu về tâm linh.
Tôi có quen một vị linh mục phục vụ truyền giáo cho các dân tộc thiểu số tại Ban Mê Thuột. Đó là những vùng dân chúng rất nghèo, giáo dân phải đi thật xa hàng mấy chục cây số mới đến được nhà thờ để dâng thánh lễ và học hỏi giáo lý. Nhiều vị chủ chăn vùng ấy đã lo cho họ ăn uống cả hàng trăm người trước khi họ ra về (khi thì cơm, khi bánh mì, khi thì mì ăn liền…). Để thực hiện việc này, tháng nào vị linh mục tôi quen cũng phải đi hàng chục hay hàng trăm cây số để đến gõ cửa những nhà hảo tâm quen biết hoặc được giới thiệu để «ăn mày» dùm cho họ. Thật là một hình ảnh rất đẹp về người chủ chăn! Các vị đã thực hiện lời Đức Giêsu: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn».

2.   Nhu cầu bức thiết của con người trong những xã hội lầm than, nghèo khổ, đầy dẫy bất công áp bức

Trong những xã hội hay đất nước nghèo khổ, đầy dẫy những tệ nạn xã hội, những bất công áp bức, thì nhu cầu bức thiết của người dân rất là cụ thể. Là những người theo Chúa, tuy ta đặt rất nặng mặt tâm linh – đó là điều hợp lý – nhưng ta không thể hoàn toàn lãnh đạm hoặc không hề biết đến những nhu cầu khẩn thiết và cụ thể của người dân chung quanh ta. Thiết tưởng sống trong một đất nước càng nghèo khổ, càng đầy dẫy sự bất công áp bức, càng lan tràn những tệ nạn xã hội, thì người theo Chúa càng phải quan tâm và dấn thân nhiều hơn cho những vấn đề ấy. Nói cách khác, người theo Chúa đúng nghĩa phải quan tâm đến sự phát triển của con người, sự công bằng của xã hội, và sự tiến bộ của thế giới. Đó là một chiều kích nhân bản không thể thiếu trong việc nên thánh, hay việc nên giống Chúa Giêsu, Đấng «muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ» (Hs 6,6; Mt 9,13). Lại càng không thể thiếu trong việc tông đồ, trong việc mở mang Nước Trời.

Tông huấn Giáo Hội tại châu Á của Đức Gioan-Phaolô 2 năm 1999 viết: «Không thể cắt đứt việc thờ phượng Thiên Chúa với việc chăm sóc người yếu kém, được Kinh Thánh mô tả một cách điển hình là “cô nhi, quả phụ và ngoại kiều” (x. Xh 22,21-22; Đnl 10,18; 27,19), là những người dễ bị tổn thương nhất khi có bất công đe dọa» (Tông huấn GHTCA, số 41§2a) Tông Huấn trích dẫn lời của Thánh Gioan Kim Khẩu: «Anh em có muốn tôn kính thân thể Chúa Kitô không? Vậy thì đừng bỏ qua Ngài khi thấy Ngài trần truồng. Đừng tôn vinh Ngài với đủ thứ gấm vóc lụa là trong đền thờ, trong khi lại bỏ mặc Ngài đang run lạnh và trần truồng ngoài trời. Đấng đã từng nói “Đây là mình Thầy” cũng chính là Đấng đã nói “Các ngươi thấy ta đói mà không cho ăn”… Có ích gì khi bàn tiệc Thánh Thể thì chất nặng những chén lễ bằng vàng, trong khi Đức Kitô đang hấp hối vì đói khát? Hãy cho Ngài hết đói khát đã, rồi mới lấy những gì còn lại mà trang hoàng bàn thờ!» (Trích Tông huấn GHTCA, số 41§2b)
Chính vì để ta dễ dấn thân cho anh em đồng loại của ta hơn, đặc biệt trong những hoàn cảnh nguy hiểm của những xã hội đầy áp bức bất công mà Đức Giêsu đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải từ bỏ nhiều thứ thế gian hằng gắn bó. Ngài đã làm gương cho các môn đệ Ngài về điều ấy. Theo bài Tin Mừng nói trên, mặc dù chính Ngài đang cần nghỉ ngơi, cần ở một mình để cầu nguyện, nhưng Ngài đã quên nhu cầu của mình mà chỉ nghĩ đến nhu cầu của dân chúng. Ngài đã đón tiếp họ, lo cho họ ăn, chữa lành các bệnh tật của họ, và rao giảng Tin Mừng cho họ.
Trong cuộc sống đời thường, ta cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Ngài: đang khi cần yên tĩnh nghỉ ngơi sau cả một ngày làm việc mệt nhọc, hoặc khi đang nghỉ ngơi thì có người gọi điện thoại hoặc đến tận nhà nhờ vả ta một điều gì cần thiết. Lúc đó ta phản ứng thế nào? Có thể ta nghĩ rằng: «Mình phải nghỉ ngơi cái đã, vì có nghỉ ngơi thì mới làm việc được. Vả lại mình còn biết bao việc khác phải làm nữa. Phải yêu cầu người ta chờ mình nghỉ ngơi đã!»? Hay ta nghĩ rằng: «Người ta cần mình ngay bây giờ nên mới đến vào giờ này. Nếu không giúp họ giờ này thì có thể không còn cơ hội nào giúp họ nữa và công việc của họ sẽ bị lỡ. Thôi mình ráng hy sinh cho họ một chút, mình có thể nghỉ ngơi bù vào lúc khác cũng được mà!»? Phải công nhận nghĩ và làm được như thế là việc rất khó, đòi hỏi nhiều tình yêu và lòng bao dung.
Xin Thiên Chúa giúp ta có đủ tình yêu thương, nhất là khi ta muốn đem Chúa đến cho tha nhân, để ta có thể hy sinh thì giờ, sức lực… cho họ.
Nguyễn Chính Kết 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2024(Xem: 84)
Lề luật được lập nên vì con người, nên lề luật chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Đức Giêsu từng nói: «Ngày sabát được lập nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát» (Mc 2:27). Thánh Phaolô cũng viết: «Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt, nếu người ta sử dụng cho đúng cách» (1Tm 1:8). Sử dụng lề luật cho đúng cách là coi lề luật được lập nên vì con người, chứ không ngược lại.
01/10/2024(Xem: 63)
Điều Thiên Chúa mong muốn nhất nơi ta là gì? Đức Giêsu từng nói: «Anh em hãy nên toàn thiện, như Cha của anh em ở trên trời là Đấng Toàn Thiện» (Mt 5:48). Thánh Phêrô cũng viết: «Kinh Thánh ghi: "Hãy nên Thánh vì Ta là Thánh"» (1Pr 1:16). Vấn đề là: Phải làm gì để nên thánh? Bài này đề nghị cách nên thánh theo quan điểm của Công đồng Vatican II.
26/09/2024(Xem: 123)
Thánh Kinh được ví như bức thư Thiên Chúa gửi cho con người để tỏ cho con người biết tình yêu, quyền năng, ý muốn và chương trình của Ngài cho con người. Một người yêu Thiên Chúa thì phải năng đọc Thánh Kinh tương tự như một cô gái đang yêu một chàng trai ở xa, cô sẽ thường xuyên đọc những bức thư tình của chàng mà cô nhận được, đồng thời cảm thấy hạnh phúc vì thấy được tình yêu dạt dào và chân thật của chàng trai mà mình hết lòng yêu thương.
24/09/2024(Xem: 182)
Việc các ngôn sứ không đặc biệt ưu đãi quê hương mình, có thể cắt nghĩa rằng người ngôn sứ có sứ mạng chung, phải quan tâm đến đại cuộc chứ không thể hạn hẹp sứ mạng mình trong phạm vi gia đình, làng xã, hay quê hương, đất nước mình… nhất là một người có sứ mạng cứu thế như Giêsu.
24/09/2024(Xem: 225)
Khi lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1979 và bao nhiêu danh dự khác nữa, Mẹ Têrêxa Calcutta là một người già vừa nhỏ vừa thấp, cao không tới mét rưỡi, làn da thì nhăn nheo, dáng người xem ra chẳng chút gì hấp dẫn. Vậy mà con mắt Mẹ sáng rực toát ra sức chinh phục và sự thu hút phát ra từ một tình thương yêu vô hạn. Mẹ đã hết mực yêu thương người chồng của Mẹ là Giêsu mà Mẹ thấy hiện thân nơi những em bé và những người đau khổ chung quanh Mẹ.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC