Đức Vâng Phục trong đời sống Kitô hữu
● Đức Vâng Phục là một đức tính căn bản và trụ cột trong tổ chức Giáo Hội và trong đời sống tâm linh Kitô giáo. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu để thực hành nhân đức này một cách đúng đắn. Nhiều Kitô hữu chỉ hiểu Đức Vâng Phục theo nghĩa cạn cợt là bề trên bảo sao thì làm đúng như vậy, mà không nhìn ra mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý của Thiên Chúa. Do đó, khi vâng lời chỉ vì luật buộc, chỉ vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng khen, chứ không nhằm thực hiện thánh ý Thiên Chúa, nhất là khi biết lệnh của bề trên không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa mà vẫn cứ vâng lời, thì sự vâng lời đó không phải là nhân đức.● Vâng lời là một cách tích cực góp phần xây dựng Giáo Hội và cũng làm thăng tiến đời sống tâm linh của chúng ta, nên người Kitô hữu cần hiểu rõ Đức Vâng Phục là gì để vâng phục cho đúng.
***
Tính xã hội và tính Giáo Hội của Đức Vâng Phục
Con người là một con vật có tính xã hội, nên mọi người muốn tồn tại và phát triển đều phải sống thành xã hội. Xã hội nhỏ nhất là gia đình, lớn hơn là lớp học, trường học, cộng đoàn, quốc gia, giáo hội, và lớn nhất là thế giới. Xã hội nào cũng có thể ví như một thân thể, trong đó mỗi cá nhân là một phần thân thể. Thân thể nào cũng có một bộ óc để chỉ huy, lãnh đạo và thống nhất toàn thân thể. Sự sống còn và phát triển của toàn thân tùy thuộc vào sự sáng suốt lãnh đạo của bộ óc, và quan trọng hơn nữa là sự vâng phục của mọi phần thân thể đối với bộ óc.
Nếu các phần thân thể không chịu tuân lệnh của bộ óc, thì dù bộ óc có lãnh đạo sáng suốt tới đâu, thân thể cũng không thể tồn tại, thống nhất và phát triển tốt đẹp được. Và các bộ phận trong một thân thể như thế đương nhiên không tránh được số phận hẩm hiu, buồn thảm. Đối với xã hội, Giáo Hội, hay một cộng đoàn, sự vâng phục cũng cần thiết như vậy. Không có sự vâng phục, xã hội cũng như Giáo Hội không thể có trật tự, có sức mạnh để tồn tại và phát triển tốt đẹp và lâu dài.
Chính vì thế, các linh mục, tu sĩ, vốn là rường cột của Giáo Hội, và tất cả những ai muốn tận hiến cho lý tưởng sống trọn lành, cần phải tuyên khấn hay tự nguyện thực hành Đức Vâng Phục như một nhân đức căn bản của đấng bậc mình. Giáo dân, tuy không tuyên khấn giữ đức vâng lời, nhưng lương tâm Kitô hữu luôn buộc họ phải vâng lời những người có trách nhiệm hướng dẫn hay lãnh đạo mình: con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy, tôi tớ vâng lời chủ, thợ thuyền vâng lời giám đốc… Ngoài ra trong Giáo Hội, người giáo dân phải vâng lời giám mục, cha xứ, hội đồng giáo xứ của mình. Và trong xã hội, người dân phải tuân hành pháp luật và vâng lời chính quyền các cấp.
Nhờ Đức Vâng Phục, của giáo sĩ cũng như giáo dân, Giáo Hội mới có thể đứng vững và luôn luôn phát triển bất chấp những hoàn cảnh lịch sử hết sức khó khăn. Công Đồng Vatican II xác nhận: «Đức Vâng Phục là sức mạnh đặc biệt của các thừa tác viên Chúa Kitô, Đấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại» (TG 24,2). Nếu người ta nói: «Kỷ luật là sức mạnh của quân đội», thì ta có thể nói: «Đức Vâng Phục chính là sức mạnh của Giáo Hội».
Trong ba nhân đức của sự trọn lành Kitô hữu và của đời sống tận hiến, hai nhân đức Thanh Khiết và Thanh Bần mang nhiều tính cách cá nhân, nên có thể gọi là tư đức, còn Đức Vâng Phục rõ ràng mang nhiều tính xã hội và Giáo Hội, nên có thể gọi là công đức. Thật vậy, Đức Vâng Phục như một chất keo liên kết tất cả mọi giới, mọi cộng đoàn, mọi thành phần trong Giáo Hội lại với nhau thành một khối vững chắc và duy nhất. Vì thế, Đức Vâng Phục là nền tảng và là trụ cột nâng đỡ tòa nhà Giáo Hội. Như vậy, xét về khía cạnh xã hội và Giáo Hội, Đức Vâng Phục quan trọng hơn hai nhân đức kia. Nó là một yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của Giáo Hội. Giáo Hội Công giáo là một giáo hội phẩm trật, nên Đức Vâng Phục là nhân đức hết sức nền tảng của Giáo Hội.
Tương quan hai chiều của Đức Vâng Phục
Trong thân thể, sự vâng phục thật là quan trọng và tối cần thiết. Nhưng các phần thân thể cho dẫu có tuyệt đối vâng phục bộ óc, mà bộ óc lại không có khả năng lãnh đạo sáng suốt và khôn ngoan – chẳng hạn như trường hợp bộ óc bị bệnh – chắc chắn thân thể và mọi phần thân thể sẽ bị thiệt hại. Vì thế, hai chiều trong tương quan giữa lãnh đạo và vâng phục đều quan trọng và cả hai đều phải được thực hiện tốt đẹp.
Trong xã hội con người, hai chiều ấy tương quan với nhau vừa mật thiết vừa mang tính hỗ tương. Lãnh đạo cho dù sáng suốt tới đâu, nếu không có người vâng phục thì trở nên vô ích, chẳng làm nên tích sự gì. Còn vâng phục cho dù mau mắn và tuyệt đối đến đâu, nếu không có người lãnh đạo sáng suốt thì chẳng những không có lợi mà đôi khi còn có hại. Bề trên có lãnh đạo sáng suốt thì bề dưới mới dễ «tuân phục» (vừa tuân lại vừa phục), và bề dưới có tuân và phục thì bề trên mới phát huy hết khả năng lãnh đạo và sự sáng suốt của mình. Do đó, khi nói về Đức Vâng Phục, công bình thì phải nói đến cả hai chiều trong tương quan song phương ấy. Chỉ đòi hỏi bề dưới phải vâng phục, mà không nói tới việc bề trên phải lãnh đạo khôn ngoan sáng suốt, thì quả có phần nào thiên lệch.
Người lãnh đạo tốt phải là người vâng phục tốt
Đương nhiên, để có sự sáng suốt khôn ngoan mà lãnh đạo, chính bề trên cũng cần biết vâng phục: vâng phục Thiên Chúa. Nhưng vì Thiên Chúa không trực tiếp ra lệnh, nên con người cần phải nhận ra mệnh lệnh hay ý muốn của Ngài qua lương tri và lương tâm trưởng thành của mình, qua luật pháp của Chúa, của quốc gia, của tu viện, qua các bổn phận đột xuất và thường hằng của đấng bậc mình, cụ thể nhất qua lệnh của các bề trên và qua ý kiến của các bề dưới mình.
Như vậy, bề trên không phải là người lãnh đạo tuyệt đối, mà chỉ là người lãnh đạo trung gian giữa bề trên cấp cao hơn và bề dưới, hay là một trong nhiều trung gian giữa Thiên Chúa và những người dưới quyền mình. Như thế nghĩa là: không phải khi làm bề trên là cứ việc tùy tiện ra lệnh theo ý riêng mình, vì khi bề trên ra lệnh cho bề dưới, thì lệnh đó phải nhắm thi hành một nhiệm vụ mà bề trên cấp cao hơn đã trao phóù cho mình. Như vậy, chính khi lãnh đạo hay ra lệnh cho bề dưới, bề trên phải thi hành Đức Vâng Phục đối với bề trên cấp cao hơn. Chẳng có một thứ bề trên nào dưới trần gian này mà không có bề trên cấp cao hơn để mình vâng phục. Thiên Chúa là chính là bề trên cấp cao nhất mà tất cả mọi bề trên -cũng như mọi người -đều phải vâng phục. Nhưng chính Ngài cũng phải hành động theo bản tính Thiên Chúa của mình, vì Ngài không thể phản bội chính mình, nghĩa là Ngài cũng phải «vâng phục» chính mình, vâng phục «lương tri» hay bản tính hoàn hảo của mình. Và chắc chắn Ngài chính là mẫu gương vâng phục hoàn hảo nhất cho chúng ta.
Như vậy, ngay cả các bề trên cũng phải vâng phục, thậm chí phải là gương mẫu cho bề dưới về Đức Vâng Phục nữa. Mình có ý hướng vâng phục Thiên Chúa, vâng theo tiếng lương tâm hay bề trên của mình, thì lúc đó, lệnh của mình mới thực sự biểu hiện Thánh Ý của Thiên Chúa cho bề dưới. Nếu bề trên không chịu vâng phục Thiên Chúa, không nghe theo tiếng lương tâm hay nghe theo lệnh bề trên cao cấp hơn mình, thì lệnh mình ra cho bề dưới không phải là Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, khi tuyển chọn một người làm bề trên, ngoài những tiêu chuẩn về tài đức khác, người có trách nhiệm tuyển chọn phải chọn người nào mà mình tin tưởng rằng người đó hằng vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, sẵn sàng vâng phục bề trên cấp cao hơn, để ai vâng phục người đó thì cũng là vâng phục Thiên Chúa.
Vậy, cả người ra lệnh lẫn người thi hành lệnh, cả bề trên lẫn bề dưới, đều phải vâng phục (vâng phục Thiên Chúa, vâng phục bề trên của mình). Như thế là chẳng ai nên làm theo ý riêng mình cả. Và khi nhắm thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa, thì cả bề trên lẫn bề dưới đều thực hành Đức Vâng Phục.
Vâng phục bề trên là vâng phục Thiên Chúa
Những người được trao quyền làm bề trên của ta một cách hợp pháp, thì quyền đó phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua các vị đại diện cho Ngài ở trần gian, hoặc qua những người được các vị đại diện đó ủy quyền. Vì thế, thông thường mà nói, vâng phục bề trên chính là vâng phục Thiên Chúa.
Trong một nước, quyền lãnh đạo quốc gia được ủy thác cho Tổng Thống hay Chủ Tịch nước. Trên nguyên tắc, tất cả mọi người đều phải tuân lệnh vị nguyên thủ đó. Nhưng dân trong nước thì đông và việc nước thì vô số, làm sao vị nguyên thủ đó có thể ra lệnh trực tiếp trong từng việc cho từng người dân được? Ông phải phân quyền cho những người trung gian, đại diện cho ông trước dân chúng: trực tiếp dưới ông là thủ tướng, rồi tới các bộ trưởng, các tỉnh trưởng, huyện trưởng, xã trưởng… và cuối cùng là các chú công an xã, các ấp trưởng, tổ trưởng… Ngay cả những người lãnh đạo cấp thấp nhất này cũng đều nhận quyền hướng dẫn dân chúng từ vị nguyên thủ quốc gia đó. Vì thế, người dân tuân lệnh họ là gián tiếp tuân lệnh vị nguyên thủ, trái lệnh họ là trái lệnh vị nguyên thủ và có thể bị luật pháp trừng trị. Và vị nguyên thủ quốc gia đó lại phải vâng phục ý muốn chung của toàn dân.
Quyền bính từ Thiên Chúa xuống đến các vị bề trên -cho dù là cấp thấp nhất -của chúng ta cũng như thế. Vì thế, vâng phục các ngài là vâng phục chính Thiên Chúa, là tuân theo Thánh Ý Ngài.
Cốt tủy của Đức Vâng Phục là tình yêu
Mục đích của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa
Như đã nói trên, chẳng có ai là không phải vâng phục, dù là bề trên hay người ra lệnh. Và mọi hành vi vâng phục, cho dù là vâng phục ai đi nữa, rốt cuộc vẫn phải là vâng phục Thiên Chúa, là thi hành Thánh Ý Cha trên trời. Nếu vâng phục ai, cho dù thật mau mắn và tuyệt đối, mà không có mục đích thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, thì sự vâng phục đó không phải là nhân đức, không phải là Đức Vâng Phục.
Như vậy, cần phải phân biệt giữa sự vâng phục thông thường và Nhân Đức Vâng Phục. Sự vâng phục của tên ăn cướp đối với chủ tướng của mình không phải là Đức Vâng Phục. Cũng vậy, một bề dưới tuân lệnh bề trên chỉ vì sợ hãi, vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng là nhân đức, hoặc sẵn sàng tuân hành một lệnh trái với Thánh Ý Thiên Chúa của bề trên (mà mình đã biết rõ là sai trái) … thì đó không phải là Đức Vâng Phục. Đức Vâng Phục đòi hỏi người vâng phục phải có ý hướng muốn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa. Thiếu ý hướng đó thì hành vi vâng phục không phải là Đức Vâng Phục. Như vậy, cũng là vâng phục, nhưng có thứ đúng thứ sai, thứ có công thứ có tội, thứ là cộng tác thứ là đồng lõa, thứ là nhân đức thứ không là nhân đức.
Và nếu cốt tủy của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa thì ra lệnh cho bề dưới với mục đích thi hành đúng Thánh Ý Thiên Chúa, thì cũng chính là thực thi Đức Vâng Phục.
Ý Chúa quan trọng hơn lề luật, ý bề trên, bổn phận…
Đối tượng của Đức Vâng Phục không phải chỉ là lệnh bề trên, mà còn là vâng phục lề luật, tiếng lương tâm, là thi hành tốt đẹp những bổn phận đột xuất cũng như thường ngày của mình… Tất cả những việc ấy là những hình thức cá biệt của Thánh Ý Thiên Chúa. Làm những việc ấy chính là thi hành Thánh Ý Chúa. Đó là nguyên tắc chung.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên vẫn có thể có những trường hợp ngoại lệ, những kẽ hở của nó: những việc ấy không phải trường hợp nào cũng là Thánh Ý Thiên Chúa. Thánh Ý Thiên Chúa phải là sự thể hiện tình yêu – tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân – và thể hiện trật tự tốt đẹp trong mọi sự, mọi lãnh vực. Nhưng có những trường hợp tuân giữ đúng như luật định, làm đúng bổn phận, hay nhắm mắt vâng lời bề trên… lại là trái với tình yêu, với trật tự chung, và do đó, không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Đây là điểm tế nhị mà không phải lúc nào cũng có thể phân định được rõ ràng. Trên nguyên tắc, những khoản luật cụ thể trong luật Chúa, luật Giáo Hội, luật dòng, lệnh của bề trên, bổn phận của ta, và ngay cả lương tâm ta, đều được coi là Thánh Ý Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, không thể hoàn toàn đồng hóa chúng với Thánh Ý Thiên Chúa. Và đây có thể là những thử thách rất tế nhị để chứng tỏ ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có tinh tế hay không, hay ta chỉ yêu Chúa và tha nhân một cách hình thức, theo nguyên tắc, theo luật định. Yêu như thế không phải là yêu đúng nghĩa.
Trong Thánh Kinh ta thấy Đức Giêsu không phải lúc nào cũng tuân giữ đúng như luật Môsê dạy. Luật Môsê cấm rất ngặt làm việc hay chữa bệnh vào ngày Sabbat, nhưng có những lần Ngài lại chữa bệnh vào ngày đó (x. Mt 12,9-14; Ga 5,1-18; 9,1-34). Luật Môsê khuyên không nên giao tiếp với những người tội lỗi, xa tránh những người phung hủi kẻo bị ô uế, nhưng Ngài lại ăn uống với bọn người thâu thuế và tội lỗi (x. Lc 5,29), giao tiếp và chữa lành những người phung hủi, v. v… Tại sao? Vì tình yêu đối với tha nhân đòi hỏi Ngài phải làm theo sự thúc bách của nó, chứ không phải theo lề luật.
Đối với Ngài, Thánh Ý Thiên Chúa là tình yêu hơn là Lề Luật, cho dù Luật đó là Luật của Thiên Chúa. Khi có sự mâu thuẫn giữa lề luật và tình yêu, lúc đó lề luật không hẳn đã phản ảnh đúng Thánh Ý Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh cũng xác nhận việc giữ luật một cách máy móc không có tình yêu không làm người ta nên công chính trước Thiên Chúa (x. Rm 3,20.28; Gl 2,16). Dụ ngôn «Người Samari nhân hậu» (x. Lc 10,29-37) cũng nói lên điều ấy. Vị tư tế hay người Do Thái có thể không muốn chạm vào nạn nhân vì không muốn bị ô uế theo Luật Môsê. Nhưng Đức Giêsu không đồng ý với thái độ vị luật ấy khi tình yêu đòi hỏi phải làm khác với lề luật.
Tôi đã từng chứng kiến tận mắt một trường hợp tương tự. Vào một buổi chiều Chúa Nhật nọ, có hai anh em trong đó một người bị sốt rét rất nặng đến xin một y sĩ chữa bệnh. Đây là vùng quê, cả vùng chỉ có một ông y sĩ. Không may cho người bệnh hôm đó vì đã đến đúng lúc ông y sĩ phải đi lễ Chúa Nhật. Lúc đó lễ ở nhà thờ đã bắt đầu, ông có đi xe thật nhanh tới đó thì cũng trễ lễ mất 5,10 phút. Lễ sáng ông không đi được vì bận việc, trong ngày chỉ còn duy nhất thánh lễ này để ông thi hành «điều răn thứ ba của luật Hội Thánh», lỗi điều răn này theo Giáo Luật là tội nặng. Vì thế, bất chấp lời năn nỉ tha thiết xin cứu mạng của người nhà bệnh nhân, ông dứt khoát ra đi «để giữ trọn luật Chúa», phó thác việc sống chết của bệnh nhân cho Chúa quan phòng…
Như thế, ông y sĩ đã hành động vì lề luật chứ không phải vì yêu thương: người ta có chết thì kệ người ta, còn tôi, tôi giữ luật đã, giữ luật thì «chắc ăn» hơn. Ông giống như những kinh sư Do Thái xưa: thà để cho bệnh nhân lỡ mất cơ hội khỏi bệnh -cho dẫu là lâu năm khó chữa -còn hơn là để mình vi phạm luật ngày Sa-bát (x. Ga 5,1-18; 9,1-34). Rõ ràng Đức Giêsu không hành động như thế nếu không muốn nói là đả kích.
Đức Vâng Phục phải thể hiện Đức Ái
«Thiên Chúa là Tình Yêu» (1 Ga 4,8), và đạo của Ngài là Đạo Tình Yêu: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau» (Ga 13,35). Tất cả mọi lề luật, mọi nhân đức, mọi nghi thức, hay tiếng lương tâm… đều chỉ qui về một mối là Tình Yêu. Cốt tủy của Đức Vâng Phục là thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Mà Thánh Ý của Thiên Chúa cuối cùng cũng chỉ là làm sao để Tình Yêu được thể hiện nơi con người, trong bản thân mỗi người, trong gia đình, trong xã hội, trong Giáo Hội. Vì thế, cái làm cho hành vi vâng phục trở thành nhân đức cũng là Đức Ái, là tình yêu thương thực sự. Hành vi vâng lời nào phản lại yêu thương thì không phải là nhân đức.
Cũng trong tinh thần ấy, Thánh Âu Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm». Nghĩa là: hễ hành động do tình yêu sáng suốt thúc đẩy, thì sẽ luôn luôn hợp với Thánh Ý Thiên Chúa, cho dù hành động đó đôi khi không phù hợp với lề luật hay lệnh truyền của bề trên. Do đó, không phải cứ tuân hành lề luật cho tốt, cứ nhắm mắt làm theo lệnh bề trên là luôn luôn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Tình Yêu vẫn là yếu tố tối quan trọng để làm cho một hành động có giá trị trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: «Cho dù tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có Tình Yêu, thì chẳng ích lợi gì cho tôi» (1 Cr 13,3). Tương tự như vậy, cho dù tôi có giữ luật từng ly từng chút như các kinh sư Do Thái xưa, có luôn luôn tuân hành bề trên một cách tuyệt đối đi nữa, nếu không có Tình Yêu, thì những hành động ấy chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn «thèm lòng chứ không thèm thịt», như Đức Giêsu đã trưng dẫn lời của ngôn sứ Hôsê: «Ta muốn Tình Yêu chứ đâu muốn lễ tế» (Mt 12,7 // Hs 6,6). Do đó, vâng phục chỉ thực sự là nhân đức khi có tình yêu bên trong.
Trong cuộc sống thường ngày, khi làm cha mẹ hay bề trên, ta dễ nhận ra có một số trường hợp đặc biệt, mà con cái không vâng lời ta thì lại hợp ý ta hơn. Chẳng hạn, ngày tết, cha mẹ bảo con cái đừng tốn tiền trong việc mua lễ vật biếu tết mình vì thấy chúng nghèo. Ta không muốn việc lễ tết trở thành gánh nặng cho chúng, làm thiệt hại đến con cái của chúng, cũng là cháu chắt mình. Nhưng ta sẽ cảm thấy khá hài lòng khi chúng không làm theo lệnh ấy, vì sự bất tuân đó phát xuất từ tình yêu của chúng đối với ta. Hay như bà mẹ chồng thường la rầy nàng dâu mỗi lần nàng đi chợ mua quà về cho bà. Miệng bà la, nhưng lòng bà rất vui vì cảm thấy nàng dâu thương yêu mình: bị la rầy mà vẫn cứ mua cho mình, và bà cảm thấy thương nàng dâu hơn. Nếu nàng dâu cứ vâng lời bà thì cô không chứng tỏ được lòng quí mến của mình đối với mẹ chồng.
Đương nhiên các bề dưới không nên lạm dụng lý do đó để bất tuân lệnh bề trên. Đó chỉ là một thí dụ điển hình chứng minh rằng giữa ý muốn của Thiên Chúa và luật lệ của Ngài, giữa ý của bề trên với lệnh của bề trên không phải lúc nào cũng là một. Trong những trường hợp có sự khác biệt như thế, ta nên làm theo ý của Chúa hay ý của bề trên hơn là những luật lệ hay những lệnh truyền bên ngoài.
Đương nhiên những trường hợp này đòi hỏi nhiều tình yêu cũng như sự tinh tế mới nhận ra được.
Đức Vâng Phục đòi hỏi sự đối thoại
Đối thoại để biết rõ ý Chúa hơn
Bản chất và mục đích của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nên Đức Vâng Phục, tự bản chất, đòi hỏi phải có sự đối thoại. Nhờ đối thoại, Thánh Ý Thiên Chúa mới được nhận biết chính xác, đúng mức. Nhờ đối thoại, lệnh của bề trên mới có nhiều cơ may đúng với Thánh Ý Thiên Chúa hơn. Vì khi bề trên ra lệnh, vấn đề quan trọng không phải là lệnh của mình có được tuân hành không, mà là Thánh Ý Thiên Chúa có được thi hành hay không. Làm sao một bề trên có thể tự hào là mình luôn luôn sáng suốt, biết rõ Thánh Ý Thiên Chúa để ra lệnh, mà không cần bàn hỏi ai, nhất là bàn hỏi với những người có nhiệm vụ thi hành lệnh của mình? Sự khôn ngoan thận trọng mà bản chất Đức Vâng Phục đòi hỏi – tức Thánh Ý Thiên Chúa phải được thực hiện – buộc rằng vâng phục phải được thực hành trong đối thoại, nhất là trong những việc quan trọng, để bề dưới không chỉ «vâng» mà còn «phục» nữa.
Ý Chúa cũng được biểu hiện qua quan điểm của bề dưới
Đối tượng của Đức Vâng Phục là Thánh Ý Thiên Chúa, nên dù là bề trên hay bề dưới, ai cũng phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa mà thực hiện. Nền linh đạo cổ truyền thường chỉ nói một chiều: bề dưới phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa nơi lệnh của bề trên, mà ít nói tới bề trên cũng phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa nơi ý kiến, quan điểm của bề dưới. Tục ngữ Việt Namcó câu: «Ý dân ý Trời» nói lên tinh thần đó – đương nhiên dân ở trong câu tục ngữ này phải hiểu là đa số bề dưới, chứ không phải chỉ là một cá nhân hay một thiểu số bề dưới nào.
Trong thực tế, quan điểm của bề trên không phải lúc nào cũng đúng hơn, cũng phù hợp với Ý Chúa hơn quan điểm của bề dưới. Lịch sử Giáo Hội cũng như lịch sử các dân tộc cho ta thấy có vô số trường hợp bề dưới suy nghĩ đúng hơn, cao hơn, hợp với Thánh Ý Thiên Chúa hơn bề trên.
Đúng ra bề trên nên mong muốn cho bề dưới điều đó, và vui mừng khi thấy bề dưới được như thế, vì «con hơn cha là nhà có phúc». Vả lại, có nỗ lực giúp cho bề dưới suy nghĩ đúng hơn mình thì xã hội, thế giới, trong đó có giáo xứ, dòng tu, chủng viện, giáo phận, Giáo Hội… mới tiến hóa được. Bề trên mà lúc nào cũng nghĩ rằng chỉ có mình là đúng, thì bề dưới khó bề mà tiến lên được.
Bề trên thường suy nghĩ đúng hơn bề dưới, nhưng không phải luôn luôn.
Bề trên có năng hỏi ý kiến bề dưới, có cho phép bề dưới tham dự vào trách nhiệm mà Chúa trao phó cho mình, thì bề dưới mới khôn lên, mới phát huy sáng kiến và tinh thần ý thức trách nhiệm trong việc thi hành Thánh Ý Thiên Chúa. Một vị bề trên hành xử như vậy thường được bề dưới yêu mến, kính phục và cảm thấy vui tươi thoải mái khi vâng lời ngài. Bề trên nào không chịu tìm hiểu quan điểm, ý kiến, cách suy nghĩ của bề dưới, mà luôn luôn coi thường bề dưới, chỉ biết ra lệnh theo ý riêng và theo suy nghĩ riêng của mình, thường chỉ làm cho bề dưới hoặc bất mãn, bất phục, hoặc chỉ vâng lời như một cái máy, không cần biết đến ý Chúa mà chỉ biết đến ý bề trên thôi. Vâng lời như thế không phải là Đức Vâng Lời. Vị bề trên như thế có lẽ đã nhắm thi hành ý riêng mình hơn ý Chúa, và thường là người độc tài, độc đoán, hay bảo thủ lập trường của mình. Bề trên mà hành động như thế thì chính vị ấy đã lỗi Đức Vâng Lời.
Tuy nhiên, tâm lý đó rất dễ hiểu và dễ xảy ra, vì bề trên thường là bậc thầy của bề dưới, do sinh ra trước cả một thế hệ, nên vừa được học hỏi nhiều hơn vừa lắm kinh nghiệm hơn. Vì thế bề trên dễ nghĩ rằng mình luôn luôn nghĩ đúng hơn bề dưới. Thực ra bề trên chỉ có khả năng nghĩ đúng hơn, và thường nghĩ đúng hơn bề dưới, chứ không phải luôn luôn nghĩ đúng hơn. Thật vậy, bề trên dù có giỏi hay kinh nghiệm gấp trăm lần bề dưới, cũng không hẳn đã nhìn thấy hết được những gì bề dưới nhìn thấy. Vả lại, bề trên tuy hiểu biết và kinh nghiệm nhiều, nhưng thành kiến và định kiến cũng nhiều, tính nhậy bén thích ứng với hoàn cảnh mới không bằng tuổi trẻ, nên có thể có những vấn đề bề dưới thấy rõ và đúng hơn bề trên. Ai làm bề trên thì cũng đã từng có thời gian làm bề dưới, nên chắc chắn có kinh nghiệm rằng: thời gian đã chứng tỏ có một số suy nghĩ của mình cuối cùng lại đúng hơn của bề trên mình.
Cách nhìn của bề trên và bề dưới thường bổ túc cho nhau để thấy rõ ý Chúa hơn
Như vậy, không phải là chỉ bề trên mới có lý hay chỉ bề dưới mới có lý. Mà là bề nào cũng có lý của mình, nhưng bình thường không bề nào nhìn thấy ý Chúa một cách toàn diện cả. Bề trên thấy khía cạnh này mà không thấy khía cạnh kia, còn bề dưới thì lại thấy ngược lại. Thánh Ý Thiên Chúa là một thực tại không đơn giản, không đơn thuần một mặt, mà có thể có nhiều mặt, và thường vượt khỏi cách nhìn của loài người. Vì nhiều mặt, nên mỗi người thường chỉ thấy được một hay vài mặt, người thấy mặt này, kẻ thấy mặt kia, khó có ai thấy được mọi mặt. Muốn thấy ý Chúa một cách toàn diện hơn thì phải có đối thoại, trao đổi giữa bề trên và bề dưới, giữa những khuynh hướng khác biệt nhau để bên này thấy được cái nhìn – mà mình còn thiếu – về Thánh Ý Thiên Chúa của bên kia, và nhờ đối thoại như vậy, hai bên mới có sự thông cảm yêu thương nhau.
Việc đối thoại nên là sáng kiến của bề trên
Việc đối thoại nên khởi từ gợi ý của bề trên hơn từ bề dưới. Bề trên có chủ trương đối thoại, có thiện chí muốn nghe ý kiến của bề dưới, thì bề dưới mới dám an tâm bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình, đôi khi khác hẳn hoặc ngược hẳn với suy nghĩ của bề trên. Tâm lý của bề dưới thường rất ngại ngùng và dè dặt khi phải trình bày một ý kiến ngược lại với lệnh truyền hay với cách suy nghĩ của bề trên.
Nếu bề trên thực sự có tinh thần đối thoại để tìm ra Thánh Ý Thiên Chúa một cách khách quan hơn, thì nên kiên nhẫn nghe bề dưới trình bầy hết ý kiến của họ, rồi tự mình suy xét thêm trước khi quyết định. Dẫu sao quyết định cuối cùng cũng là do bề trên, nên bề trên có nghe bề dưới trình bày thì chẳng những không hại gì, mà còn làm cho quyết định của mình trở nên sáng suốt, khách quan hơn, do mình thấy được nhiều chiều kích của vấn đề hơn.
Đương nhiên đối thoại không nên là cách để bề trên dùng chỉ với mục đích thuyết phục bề dưới hiểu và chấp nhận lập trường đã có sẵn mà mình quyết tâm không bao giờ thay đổi, bất chấp ý kiến của bề dưới hay hoặc dở. Đối thoại phải là cách để hai bên cùng tìm Thánh Ý Chúa: mỗi bên đều nhận ra một khía cạnh nào đó của ý Chúa. Nhờ đối thoại mà cả hai bên đều thấy ý Chúa sáng tỏ hơn.
Vâng lời Thiên Chúa hơn loài người
Điều quan trọng là Thánh Ý Thiên Chúa được thực hiện, nên bổn phận của bề dưới không phải chỉ là vâng phục bề trên, mà còn phải làm cho sự vâng phục của mình, hay sự việc sẽ xảy ra trong tương lai phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa nữa. Vì khi vâng phục bề trên, ta không nhắm vâng phục chính vị bề trên ấy, mà vâng phục Thiên Chúa qua mệnh lệnh của bề trên.
Thứ linh đạo xưa chủ trương «vâng phục tối mặt» -chỉ biết đến ý bề trên chứ không cần biết đến ý của Thiên Chúa, hay hoàn toàn đồng hóa ý của bề trên với ý của Thiên Chúa – không còn hợp thời nữa. Vì thực ra, ý của bề trên không phải lúc nào cũng phù hợp với ý của Thiên Chúa, vì bề trên cũng là một con người, có thể đúng mà cũng có thể sai, có thể đẹp lòng Chúa mà cũng có thể không, có thể thánh thiện mà cũng có thể tội lỗi, có thể muốn thực thi Thánh Ý Thiên Chúa mà cũng có thể chống lại. Mà bổn phận của chúng ta là vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục bất cứ người nào khác, cho dù là vâng phục Chúa thông qua loài người.
Vì thế, khi nhận ra có sự mâu thuẫn rõ ràng giữa ý bề trên với ý Thiên Chúa, bề dưới có bổn phận phải trình bày với bề trên ý kiến của mình, để nhờ sự góp ý đó, bề trên có thể nhận ra ý của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Và với ý hướng tìm Thánh Ý Thiên Chúa, bề trên sẽ lắng nghe với tinh thần cởi mở. Biết bề trên ra lệnh sai trái mà vẫn cứ vâng phục, thì vô tình hay hữu ý, ta đã làm trái ý Chúa, hay một cách nào đó là đồng lõa phạm tội với bề trên. Do đó, khi việc vâng phục trái với lương tri hay lương tâm ta, ta không buộc phải vâng phục, và không ai có quyền hợp pháp ép buộc ta làm một điều trái với lương tâm mình.
Quyết định cuối cùng vẫn là ý của bề trên
Tuy nhiên, «vâng phục tối mặt» hay vâng phục mù quáng vẫn có giá trị của nó, nhất là khi người vâng phục chưa có đủ khả năng nhận định được đâu là phù hợp, đâu là trái nghịch với ý Thiên Chúa. Đó là trường hợp vâng phục của trẻ em, của những người chưa đủ trí khôn để phán đoán, hay của những người bối rối không dám nhận định dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Hay là trường hợp của chính chúng ta trong những phạm vi vượt khỏi khả năng phán đoán của mình. Thật vậy, trong những trường hợp đặc biệt, khi ta không xác định được Thánh Ý Thiên Chúa thế nào, thì cách tốt nhất là vâng phục bề trên, vì bề trên thường có nhiều khả năng nhận biết ý Chúa hơn ta, và có nhiều ơn Chúa soi sáng hơn ta.
Cũng vậy, trong trường hợp bề dưới đã trình bày hết ý kiến của mình nhưng bề trên lại quyết định cách khác, thì bề dưới cứ việc an tâm tuân hành ý bề trên và coi đó là Thánh Ý Thiên Chúa. Trừ trường hợp biết chắc chắn và rõ ràng rằng ý bề trên đi ngược lại Thánh Ý Thiên Chúa, lúc đó, đức vâng lời đòi buộc mình phải vâng phục Thiên Chúa hơn bề trên.
Tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X (Đà Lạt) nơi tôi có hân hạnh được tu học, mỗi lần các vị bề trên học viện họp lại với nhau để bàn về một vấn đề gì quan trọng, thì hầu như buổi họp nào cũng là một cuộc tranh luận sôi nổi, ý kiến của bất kỳ người nào, cho dù của linh mục viện trưởng cũng có thể bị phê bình một cách gay gắt, kịch liệt. Nhưng tất cả mọi phê bình, chỉ trích, phản đối, thậm chí bực tức chỉ xảy ra trong buổi họp đó, hay trong những buổi họp kế tiếp nếu chưa giải quyết xong. Một khi đã có quyết định của linh mục viện trưởng – người có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng – thì vấn đề coi như đã giải quyết dứt khoát. Tất cả mọi vị hướng dẫn khác trong học viện đều thi hành quyết định đó một cách vui vẻ, mau mắn, coi đó là Thánh Ý Thiên Chúa, và không bao giờ đưa ra phê bình chỉ trích, tỏ vẻ bất mãn hay đặt lại vấn đề với nhau nữa. Điều đáng lưu ý nữa là trước những buổi họp quan trọng như thế, thì vị giám luật hoặc giám học đã họp tất cả các chủng sinh trong học viện lại -họp chung tất cả hoặc họp theo từng lớp -để hỏi ý kiến họ về một số vấn đề có liên quan đến chính họ và đến học viện. Và những ý kiến khác nhau của họ luôn luôn được nêu lên trong những buổi họp quan trọng ấy để tất cả các vị hướng dẫn cùng cứu xét.
Được hỏi ý kiến như thế, mọi người đều cảm thấy mình được góp phần vào quyết định chung của các bề trên, vào quyết định mà chính mình sẽ phải thi hành. Được góp phần như thế, mọi người đều cảm thấy mình được trân trọng, và thấy quyết định của bề trên không phải là một cái gì hoàn toàn của người khác áp đặt trên mình. Và sự vâng phục của họ đối với những quyết định ấy trở nên ý thức hơn, tự nguyện hơn, vui vẻ hơn.
Cần đối thoại trong cầu nguyện và tìm Thánh Ý Thiên Chúa
Khi cả hai bề – bề trên lẫn bề dưới – đều nhắm thực hiện ý Thiên Chúa chứ không phải ý mình, và cả hai đều chân thành tìm hiểu ý Ngài, thì thường không có gì khó khăn trong vấn đề đối thoại. Và sự cảm thông lẫn nhau cũng trở thành dễ dàng. Trong một giáo xứ nọ, hễ cha sở và cha phó bất đồng ý kiến với nhau về cách giải quyết một vấn đề, thì thay vì tiếp tục tranh luận, cả hai đều vào nhà nguyện nửa tiếng để đặt mình trước nhan Thiên Chúa, cầu nguyện, tìm hiểu ý Ngài và xin ơn soi sáng. Kinh nghiệm của hai vị linh mục này là: nhờ cầu nguyện và tìm hiểu Thánh Ý Chúa mà sau đó hai vị luôn luôn tìm được một giải pháp ổn thỏa, sáng suốt hơn tất cả những ý kiến riêng của mỗi người trước đó, và cả hai đều cảm thấy thỏa mãn.
Kết luận
Mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa đồng thời duy trì và phát triển trật tự tốt đẹp trong đời sống cá nhân cũng như trong cộng đoàn, hay trong xã hội, Giáo Hội. Đức Vâng Phục do đó luôn luôn mang hai chiều kích: cá nhân và xã hội. Hai chiều kích đó phải hòa hợp với nhau: vừa phải làm cho đời sống cá nhân tốt đẹp, vừa phải làm cho trật tự xã hội được hoàn hảo. Tất cả đều phải được thực hiện trong tinh thần yêu thương của Đức Ái Kitô giáo.
Nếu cả bề trên lẫn bề dưới đều nhắm thực thi Thánh Ý Thiên Chúa và thể hiện tình yêu thương thì Đức Vâng Phục sẽ trở nên dễ dàng không có gì trở ngại. Đức Vâng Phục không phải chỉ là nhân đức của bề dưới, mà còn là của bề trên nữa. Khi bề trên lãnh đạo, hướng dẫn đúng ý Chúa, đúng theo đường hướng của Giáo Hội, của dòng tu, hay của bề trên cấp cao hơn mình, và quan trọng là thực hiện điều đó trong tinh thần phục vụ, yêu thương, đối thoại, thì đó chính là thực hành Đức Vâng Phục. Chính nhờ Đức Vâng Phục này mà lệnh truyền của bề trên mới trở thành Thánh Ý Thiên Chúa cho bề dưới. Và bề dưới, khi thực hành Đức Vâng Phục, không những làm cho đời sống cá nhân mình thánh thiện lên mà còn là cách xây dựng và thánh hóa Giáo Hội nữa.
Nhờ Đức Vâng Phục, các Kitô hữu sát tế ý riêng mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Hy lễ đó là hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì sát tế ý riêng cũng là sát tế chính mình. Sát tế những thứ khác không có giá trị bằng. Và đó cũng là phương thế hữu hiệu bậc nhất để tự thánh hóa bản thân. «Hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi thì mãi mãi vẫn chỉ là hạt lúa, nhưng nếu chết đi thì nó sẽ sinh hoa kết trái gấp trăm» (Ga 12,24). Đức Vâng Phục làm cho «cái tôi» của ta chết đi, nhường chỗ cho Đức Kitô ở trong ta lớn lên. Chính Đức Kitô đã nêu gương sát tế ấy cho chúng ta: «Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá» (Pl 2,8).
Nguyễn Chính Kết
Gửi ý kiến của bạn