Một vấn đề nhiều người thắc mắc
«Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (...) Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian (...) để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ» (Ga 3:16-17). Đọc câu Kinh Thánh trên, nhiều người thắc mắc: Để cứu chuộc con người, tại sao Thiên Chúa lại phải hành động một cách nhiêu khê là phải sai Con Một mình xuống thế, chịu đau khổ và chết nhục nhã trên thập giá? Ngài là Thiên Chúa quyền năng vô biên, trên nguyên tắc, Ngài chỉ cần phán một lời, thì tội lỗi con người dù to như núi lớn như biển cũng được tha hết, tại sao Ngài không làm như thế?
Tôi xin tạm giải thích thắc mắc trên theo quan điểm của một vài nhà thần học mà tôi từng đọc được. Theo các nhà thần học trên thì muốn hiểu được điều ấy, ta phải hiểu được tội lỗi của con người lớn lao thế nào, đồng thời hiểu được sự xung đột kỳ diệu giữa hai thuộc tính công bằng và yêu thương của Thiên Chúa trước tình trạng tội lỗi ấy của con người.
1. Tội lỗi của con người và sự di truyền của tội tổ tông
Muốn hiểu được chiều kích hai mặt của tội lỗi con người, ta thử làm một so sánh. Khi nói một câu xúc phạm đến người bạn ngang hàng với ta, ta chỉ bị người bạn của ta buồn giận, và ta thấy tầm mức của lầm lỗi ấy không đến nỗi quan trọng lắm. Nếu ta xúc phạm đến một người dưới quyền ta, lỗi ấy lại càng nhỏ hơn. Nhưng nếu cũng câu xúc phạm ấy ta nói với cha mẹ ta, thì tội ta nghiêm trọng hơn rất nhiều, ta bị buộc tội bất kính hay bất hiếu với cha mẹ. Nếu cũng câu xúc phạm ấy ta nói với một ông vua, thì ta mắc tội khi quân là một trọng tội, nếu không bị bay đầu thì cũng phải tù tội. Như vậy, phẩm giá người bị xúc phạm càng cao, thì tội xúc phạm ấy càng lớn, cho dù hành động xúc phạm ấy hoàn toàn giống in hệt nhau. Phẩm giá của Thiên Chúa, là Chúa tể vũ trụ, cao hơn ông vua hàng tỷ lần (tạm diễn tả như vậy cho dễ hiểu), nên tội xúc phạm đến Ngài cũng lớn hơn lên hàng tỷ lần. Thế mà tổ tông loài người đã xúc phạm đến chính Ngài.
Một minh họa khác tuy què quặt nhưng giúp ta tạm hiểu phần nào sự di truyền của tội tổ tông. Một ông phù thủy quyền năng kia có một con chó mà ông hết mực yêu thương. Một hôm, khi tình yêu dâng lên dào dạt, ông đã tận dụng quyền năng của mình biến nó thành một người như ông, đồng thời nhận nó làm con. Thế là từ đấy con chó - giờ đã thành người - có thể suy nghĩ, nói năng như con người, tuổi thọ cũng dài như con người, có khả năng làm được tất cả những gì mà một con người có thể làm được. Thật là một thay đổi và thăng tiến vĩ đại! Ông phù thủy còn dự tính sẽ truyền đầy đủ những bí quyết phù thủy cho nó, để nó cũng có tài năng biến hóa như ông, và khi ông sang bên kia thế giới, toàn bộ sản nghiệp vĩ đại của ông sẽ để lại cho nó. Và con cháu do nó sinh ra cũng đều là người và cũng sẽ được kế thừa nghề phù thủy và sản nghiệp của ông.
Nhưng một hôm vì say rượu nó đã nói những lời xúc phạm đến ông, thậm chí còn đả thương ông. Vì thế, trong cơn giận dữ, ông đã biến nó trở lại thành chó. Thế là chó lại hoàn chó! Nó không còn nói được tiếng người, không còn làm được những việc mà chỉ con người mới làm được! Không còn sống đến 7, 8 chục tuổi như con người. Không còn được ngồi bàn ăn uống như người, mà phải ăn uống theo kiểu chó, v.v... Khả năng trở nên một thầy phù thủy hoàn toàn mất. Và tệ hại nhất là con cháu của nó, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng chỉ là chó và mãi mãi là chó!
Cũng vậy, con người đã được Thiên Chúa dựng nên làm người ở bậc tự nhiên như bao thú vật khác, có điều cao hơn thú vật một chút. Nhưng không chỉ có thế, vì yêu thương con người một cách đặc biệt, Thiên Chúa đã nâng con người lên bậc siêu nhiên để trở thành con cái Ngài, có đầy đủ những khả năng tương xứng với phẩm giá ấy. Các nhà thần học gọi bản chất được nâng cao thành con cái Thiên Chúa với quyền thừa hưởng hạnh phúc vĩnh cửu là ơn siêu nhiên, và gọi khả năng được nâng cao như không phải chết, không phải đau khổ, hạnh phúc hơn, hướng thiện hơn, khôn ngoan hơn, v.v. là những ơn ngoại nhiên. Nhưng tổ tông con người đã phạm tội làm mất tất cả những ơn đặc biệt ấy - siêu nhiên cũng như ngoại nhiên - để trở lại thành con người hoàn toàn ở bậc tự nhiên. Các thế hệ sau của con người cũng không hơn gì tổ tông mình. Và vì tội lỗi ấy, con người phải đau khổ và chết, phần xác cũng như phần hồn.
2. Sự xung đột giữa hai thuộc tính công bằng và yêu thương nơi Thiên Chúa
Tôi xin trình bày khái lược và tổng hợp cách lý giải vấn đề đặt ra ở trên của nhà thần học Kazoh Kitamori (giáo sư chủng viện, người Nhật) [*] để chúng ta cùng suy niệm.
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa vừa công bằng vừa yêu thương. Vì là Thiên Chúa vô hạn và tuyệt đối, nên sự công bằng và yêu thương của Ngài cũng vô hạn. Công bằng và yêu thương là bản chất của Ngài, Ngài không bao giờ hành động ngược lại bản chất của Ngài, vì như vậy là tự phản lại chính mình. Chính vì bản chất hai mặt ấy mà Thiên Chúa trở nên khó xử. Một đằng sự công bằng đòi buộc Ngài phải phán xử tội lỗi của con người một cách hợp lý. Nếu thế thì con người phải chịu hình phạt tương xứng với tội lỗi mình.
Con người hữu hạn nên tội của con người là hữu hạn. Nhưng Thiên Chúa là vô hạn, nên tội xúc phạm đến Thiên Chúa lại là vô hạn. Tội của con người đối với Thiên Chúa vì thế có hai mặt: vừa hữu hạn lại vừa vô hạn. Tội hữu hạn thì hình phạt phải hữu hạn, tội vô hạn thì hình phạt cũng phải vô hạn. Hình phạt của con người vì thế cũng có hai mặt: vừa hữu hạn vừa vô hạn. Dù thế nào thì con người cũng bị phạt rất nặng, nên phải thiệt hại vô cùng và đau khổ rất nhiều.
Tuy nhiên, Thiên Chúa không phải chỉ là một Thiên Chúa công bằng, mà còn là một Thiên Chúa đầy yêu thương. Tình thương vô hạn của Ngài không thể chấp nhận để cho con người phải vĩnh viễn đau khổ vì chính sự công bằng của Ngài. Tình thương ấy đòi hỏi Ngài phải cứu con người cho bằng được. Nhưng thật vô cùng khó vì phải cứu thế nào để vẫn thỏa mãn được sự công bằng của Ngài.
Lúc này Thiên Chúa duy nhất dường như bị xẻ thành hai: một Thiên Chúa công bằng đòi hỏi phải xử phạt con người một cách xứng đáng, và một Thiên Chúa yêu thương đòi hỏi phải cứu con người với bất cứ giá nào. Trước sự đòi hỏi gắt gao của bản tính vừa công bằng vừa yêu thương ấy, trong nội tâm Thiên Chúa có sự xung đột vì con người. Đó chính là nỗi đau khổ của Ngài, tạm dùng từ như thế. Thiên Chúa vô cùng hạnh phúc bây giờ trở nên đau khổ vì con người. Vì là Thiên Chúa, nên đau khổ ấy cũng là vô cùng.
Sự đau khổ vô cùng ấy của Thiên Chúa được biểu lộ qua sự đau khổ cùng tột và cái chết thê thảm của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
3. Giải pháp cứu con người: Đức Giêsu chấp nhận đau khổ và chết
Vẫn theo quan điểm của Kitamori, muốn cứu con người, thì trong số con người phải có một người có địa vị xứng đáng có khả năng đại diện cho con người để đền tội thay cho cả loài người. Vì tội ấy xúc phạm đến Thiên Chúa rất cao cả, nên để đền tội cho cân xứng theo sự đòi hỏi của lẽ công bằng, người đại diện cho loài người cũng phải cao cả ở một tầm vóc nào đó xứng với sự cao cả của Thiên Chúa. Nếu không thì người ấy chỉ có thể đền tội tối đa cho một mình mình thôi, không đền thay cho cả nhân loại được.
Thật là nan giải! Làm sao trong hàng ngũ con người tội lỗi đang bị thất sủng trước Thiên Chúa có thể có được một con người như thế? Con người chắc chắn không thể làm nổi, nhưng Thiên Chúa quyền năng vô biên chắc chắn có thể. Do tình thương vô biên đối với con người thúc đẩy, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện thực hiện một sáng kiến tuyệt vời là từ ngôi vị Thiên Chúa, đã hạ mình nhập thể làm người, tức Đức Giêsu Kitô, để làm công việc đền tội ấy. Thánh Phaolô, trong thư Philípphê, đã diễn tả sự hạ mình đó như sau: «Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2:6-8).
Khi nhập thể làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu, một con người thật sự. Nhưng con người này lại hết sức cao cả, cao cả ngang hàng với Thiên Chúa, vì đó chính là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa. Vì thế, Ngài rất xứng đáng để đền tội thay cho cả nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Và để đền một cách thật cân xứng với cái tội vô cùng to lớn của nhân loại – cả tội tổ tông được di truyền và vô số tội riêng của toàn thể loài người – Đức Giêsu đã tự nguyện chịu biết bao đau khổ ở trần gian, và cuối cùng chết vô cùng nhục nhã và thê thảm trên thập giá. Công trình nghiên cứu đầy tính khoa học về tấm khăn liệm xác Đức Giêsu của bác sĩ giải phẫu học Pierre Barbet cho thấy sự đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu là cùng tột và khủng khiếp như thế nào [*]. Nhưng chính qua sự đau khổ và sự chết ấy, cả sự công bằng lẫn tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người được hoàn toàn thoả mãn. Thật là một giải quyết tài tình, qua đấy ta thấy được sự công bằng và tình yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời thấy được tội lỗi của ta trước con mắt của Thiên Chúa lớn lao như thế nào.
[*] xem https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cuoc-kho-nan-the-xac-cua-chua-gie-su-41574
Xem thêm phim «Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu» https://www.youtube.com/watch?v=yCYO4f5urAc
Kết luận
Theo nhà thần học Kazoh Kitamori, trọng tâm của Tin Mừng không phải chỉ là Đức Tin, mà là «tình yêu đã khiến Thiên Chúa phải đau khổ». Toàn bộ Tin Mừng mà chúng ta tin và rao giảng chính là «Thiên Chúa yêu thương con người» (Ga 3, 16) và yêu thương đến nỗi «hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2:7-8). Ngài yêu thương như thế vì «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4:8.16). Và tình yêu chỉ có thể chứng tỏ bằng hy sinh, nghĩa là bằng sự chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi. Nếu Ngài không hề chấp nhận đau khổ khi thấy con người hư hỏng và rơi vào đau khổ, thì làm sao có thể nói được rằng Ngài yêu thương con người?
Thật vậy? Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đã trở nên đau khổ, đó chính là điều ngôn sứ Giêrêmia, vị ngôn sứ «nhìn thấy» trái tim của Thiên Chúa một cách rất sâu sắc, đã diễn tả: «Chúa phán: Trái tim Ta rạn nứt ra» (Gr 31:20). Nỗi khổ ấy Ngôn sứ Hôsê đã diễn tả bằng hình ảnh một người chồng đau khổ vì bị người vợ mà mình rất yêu thương phản bội, nhưng dù vậy vẫn tiếp tục yêu thương (x. Hs 2:4-25). Cho dẫu bị con người phản bội, Thiên Chúa vẫn yêu thương và hy sinh tận cùng cho con người qua Đức Giêsu: «Người đã phải mang lấy những vết thương để chúng ta đã được chữa lành» (Pr 2:24b). Trước tình yêu của Ngài như thế, chúng ta đã đáp trả thế nào?
Nguyễn Chính Kết
Gửi ý kiến của bạn