TÂM SỰ NGƯỜI CÔNG CHÍNH

18/05/20241:18 CH(Xem: 1740)
TÂM SỰ NGƯỜI CÔNG CHÍNH

TÂM SỰ NGƯỜI CÔNG CHÍNH

(Mt 1,18-24)

(đọc trong lễ Thánh Giuse ngày 19-03, vào ngày 18-12 mỗi năm

và vào Chúa nhật IV Mùa Vọng năm A)

 

Văn bản Thánh Kinh

            Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, Mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời Chúa đã phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

             

Giải thích + Suy niệm

            Nếu ai đã từng xem cuốn phim “Đức Giê-su thành Na-da-rét” của đạo diễn Franco Zeffirelli (sản xuất năm 1977) chắc còn nhớ phân cảnh Thánh Giu-se nằm mơ thấy Đức Ma-ri-a bị ném đá chết vì tội ngoại tình. Nếu không thì cũng đã có lần được xem một vở kịch diễn lại bài Tin Mừng hôm nay, trong đó có cảnh Thánh Giu-se khắc khoải, lo âu, dằn vặt, thậm chí xấu hổ, trước sự kiện Đức Ma-ri-a mang thai mà ông chẳng biết nguyên do. Đó là những tình tiết lâm ly, bi đát, đầy kịch tính, làm khán thính giả bồi hồi xúc động, nhưng có nằm trong nhãn giới của tác giả Tin Mừng chăng? Ngoài ra, ý tưởng “tố giác” (ám chỉ Giu-se nghi ngờ -mà nghi bậy- Ma-ri-a ngoại tình, hoang thai) nằm bên cạnh ý tưởng “công chính” (một danh hiệu vinh quang, hiếm người được Kinh Thánh trao tặng) đã khiến nhiều học giả phải lý luận vòng vo đủ cách, trưng dẫn bản văn đủ kiểu để hòa hợp hai ý tưởng này. Tất cả những cái đó, theo các nhà chú giải hiện đại, là do cách dịch chưa đúng về một vài từ ngữ trong văn bản.

            1. Khúc mắc tâm tư.

            Mở đầu bản văn bằng câu “Đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô” và bằng chi tiết “Trước khi hai ông bà về chung sống, Ma-ri-a đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, Mát-thêu đã muốn chứng minh cho độc giả Do-thái của mình thấy làm sao Đấng Cứu Thế sinh ra thiếu cha trần gian mà vẫn thuộc về dòng dõi Do-thái và con cháu Đa-vít được (trong lúc Lc 1,26-38 thì chỉ trình bày mầu nhiệm cưu mang đồng trinh cho độc giả lương dân hiểu). Việc lạ lùng này, chắc hẳn Đức Ma-ri-a đã tỏ lộ cho người bạn đời yêu quý (bà chị họ Ê-li-sa-bét mà còn được biết nữa là, vì thiên thần đâu có cấm Ma-ri-a tiết lộ: x. Lc 1,39-45). Với hai lý do: cho ông chia sẻ niềm vui và vinh dự của bà là được chọn làm mẹ Con Đấng Tối Cao, hai là để Giu-se khỏi suy nghĩ lung tung dông dài, nhất là rồi đây Ma-ri-a sẽ vắng nhà nhiều tháng. Ngoài ra, việc Mát-thêu khẳng định đầy đủ sự kiện nhiệm mầu ấy ngay từ đầu bài Tin Mừng (ông chẳng viết đơn giản: “Ma-ri-a đã có thai”) hàm ý Giu-se đã biết rõ công chuyện. Thế nhưng việc tỏ lộ này đặt ông vào một hoàn cảnh khó xử.

            Theo nhiều nhà chú giải Công giáo hiện đại, khi kết hôn với nhau, hai ông bà chắc dự tính sẽ có con với nhau một cách bình thường (Cựu Ước luôn cho hôn nhân là tốt đẹp và con cái là hồng ân cao cả, còn không có chồng hoặc có chồng không con là tủi nhục lớn lao), đồng thời cầu mong con họ sẽ được Thiên Chúa chọn làm Đấng Thiên Sai (Mê-si-a) như bao mộng ước của mọi gia đình và mọi thiếu nữ Do-thái thời đó. Thế nhưng, đang lúc chưa chung sống như vợ chồng, Ma-ri-a đã được sứ thần báo tin cho biết Thiên Chúa đã chọn bà làm mẹ Đấng Thiên Sai, nhưng bà sẽ sinh con một cách nhiệm lạ -do quyền năng Chúa Thánh Thần- vì thai nhi đó chính là Con Thiên Chúa! Đây là điều mà Cựu Ước cũng như hai ông bà không thể ngờ nổi.

            Đứng trước mầu nhiệm cao cả này, Giu-se đâm băn khoăn. Từ nay, Thiên Chúa đã can thiệp vào mối dây liên hệ của đôi bạn, đã sử dụng Ma-ri-a như phương tiện để thực hiện kế hoạch lớn lao của Người. Từ nay Ma-ri-a đã trở thành một vật thánh, thuộc quyền sở hữu của Đấng Tối Cao. Giu-se tự nghĩ mình không có quyền động đến nàng nữa. Và dù không động đến nhưng nếu tiếp tục chung sống trong một nhà, tới lúc con nàng sinh ra, chắc thiên hạ sẽ nói là con của đôi bạn. Để cho ai nấy lầm tưởng như thế là một sự bất công với Thiên Chúa, vì Hài nhi là con của Người mà. Công bố chuyện này cho thiên hạ ư? Ai mà tin nổi! Có dấu chứng nào về một chuyện lạ lùng xưa nay chưa từng gặp như vậy? Vả lại đây là bí mật giữa Thiên Chúa với Ma-ri-a mà Người đâu đã tỏ ý định hãy loan truyền nó cho bá tánh! Thế là Giu-se dự tính ra đi, ra đi âm thầm, để mặc Thiên Chúa đích thân giải quyết mọi chuyện. Ông xử sự như bao người công chính trong Cựu Ước là run khiếp trước sự hiện diện của Đức Chúa và không dám đoạt lấy một thành quả bởi tay Người. Vả lại, hiểu cách tự nhiên tức thời, công chính, công bình -hay just, juste trong tiếng Anh tiếng Pháp- có nghĩa là của ai thì trả cho người ấy, không vi phạm quyền lợi và sở hữu của tha nhân. Chính cách dịch mới: “Giu-se là người công chính và không muốn tiết lộ chuyện bà” hoàn toàn hỗ trợ cho lối giải thích vừa nói trên đây. Từ Hy-lạp dùng ở đây là “deigmatisai”, tương đương với từ “paradeigmatisai”. Nhưng trong lúc “paradeigmatisai” có nghĩa là “tố giác, bêu nhục” thì “deigmatisai” lại chỉ có nghĩa là “tiết lộ, bày tỏ”, theo Giáo phụ Origène, Giám mục Eusèbe de Césarée và Linh mục Paul Joüon, SJ, thành viên Viện Kinh thánh Giáo hoàng, tác giả cuốn “L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ, traduction et commentaire du texte grec tenant compte du substrat sémitique” (Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô, dịch và chú giải bản văn Hy-lạp, có lưu ý tới ảnh hưởng của tiếng Xê-mít).

            Lối giải thích cho rằng Giu-se công chính chiếu luật (vâng lời Lề luật) là không ổn, vì chả có luật nào buộc phải ly dị hôn thê mới bị coi như là ngoại tình cả (x. Đnl 22,13-21.23-27 chỉ liên hệ tới hôn nhân hoàn hợp, như Đnl 24,1 làm chứng). Đàng khác, nếu âm thầm ly dị Ma-ri-a, thì Giu-se lại càng bất tuân Lề luật, vì chứng thư ly dị chỉ có giá trị pháp lý khi mang tính cách chính thức công khai (Đệ Nhị Luật có nói đến việc ly dị tổ chức ở cửa thành). Thành ra đây là sự công chính tôn giáo, sự công chính đòi hỏi Giu-se tôn trọng công trình Thiên Chúa nơi Ma-ri-a và cấm ông không được đoạt lấy công lao của một hành động thần linh.

            2. Gỡ mối tơ vò.

            “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông”. Thiên Chúa cuối cùng đã can thiệp: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng sợ [Hy ngữ: phobethes] đón Ma-ri-a vợ ông về”. Đến đây, các nhà chú giải hiện nay đề nghị cách dịch khác cho từ Hy-lạp gar mà xưa nay vẫn chỉ dịch là “vì” (“Vì người con bà cưu mang…”) và cho từ Hy-lạp  mà xưa nay vẫn chỉ dịch là “và” (“và ông phải đặt tên…”). Từ “gar” còn có nghĩa: “vì vẫn biết, quả thật, hẳn nhiên, phải rồi”, và thường gặp trong Tân Ước (x. Mt 18,7; 1Cr 9,19; 1Tx 2,20…) ; từ “dé” cũng còn có nghĩa “nhưng”: “Vì vẫn biết/hẳn nhiên người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, nhưng ông phải đặt tên con trẻ”. Từ “vẫn biết/hẳn nhiên” nói lên một sự thật mà Giu-se đã rõ (nên đây không có chuyện thiên thần mặc khải mầu nhiệm cưu mang đồng trinh cho ông lúc này). Ma-ri-a sẽ sinh con, “nhưng” Giu-se sẽ đặt tên cho con trẻ. Đặt tên (quyền của người cha theo pháp luật Do-thái) là thừa nhận kẻ được đặt tên như con của mình. Rồi con đẻ hay con nuôi đều có giá trị như nhau trước Do-thái pháp luật, nghĩa là con nuôi cũng hoàn toàn thuộc về dòng dõi cha nuôi với mọi quyền lợi và nghĩa vụ y như con đẻ. Cách giải quyết của Thiên Chúa thật tài tình: lợi dụng một điều khoản trong luật pháp Do-thái (con nuôi # con đẻ, mà chắc Người đã từ lâu xui khiến cho có), Thiên Chúa hoàn tất lời Thánh Kinh: Đấng Thiên Sai sẽ thuộc dòng dõi Đa-vít dù là con của một trinh nữ, với Thiên Chúa là Cha.

            Còn một lý do thực tế: cần phải tạm thời che giấu mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể (khó chấp nhận khi chưa có ngôn hành khẳng định của chính Đức Giê-su) bằng cách để thiên hạ lầm tưởng Giu-se là cha đẻ của Người. Sự hiện diện của Thánh Giu-se trong ngôi nhà Na-da-rét còn cần thiết để bảo vệ thanh danh Đức Trinh Nữ cũng như để chăm sóc nuôi dưỡng Ấu Chúa và Mẹ Người.

            Đến đây, ta có thể hiểu rõ thêm nữa về sự công chính của Thánh Giu-se: đó là sự thức tỉnh nội tâm đối với Thiên Chúa, một sự thức tỉnh vốn giúp ngài có khả năng đón nhận và hiểu rõ sứ điệp, dẫn ngài tức khắc tới chỗ vâng phục. Dẫu cho đến nay ngài đã bối rối trước các chọn lựa khác nhau của mình, giờ đây ngài biết đâu là đường lối hành động đúng đắn. Là một người công chính, ngài vâng theo các mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy.

            3. Hiểu ra mầu nhiệm.

            “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ: ‘Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà. Vậy là bên cạnh Đức Ma-ri-a, bà Ê-li-sa-bét, Thánh Giu-se nay cũng hiểu: vừa là con Thiên Chúa, vừa là con loài người, Đức Giê-su đúng là Em-ma-nu-en thật (x. Is 7,14). Ngay cả cho dù không thực sự mang cái tên độc đáo này, Người vẫn là Em-ma-nu-en, như toàn bộ Tin Mừng sẽ cố gắng minh chứng, là Thiên-Chúa-ở-cùng-nhân-loại trong chính bản thân Người. Hai bản tính trong một ngôi vị này khiến Người có thể đền tội xứng đáng, đầy đủ cho chúng ta và nhất là có thể thần hóa chúng ta, làm chúng ta nên con Thiên Chúa, thông phần bản tính Người: “Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa” (thánh Athanasiô), “Thiên Chúa đã làm người, để biến chúng ta thành thần linh” (thánh Irênê). (Tương tự chúng ta vì là vật chất và tinh thần nên có thể tinh thần hóa vật chất vậy).

             

            Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế.

            Cập nhật tháng 5-2024

          Tham khảo: Nil Guillemette SJ, Notes exégétiques pour servir à l’étude des péricopes liturgiques selon Saint Matthieu. Tài liệu ronéo. Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt xuất bản trước năm 1975.

TÂM SỰ NGƯỜI CÔNG CHÍNH

 

Nadarét, chàng Giuse thợ mộc

Đính hôn cùng thôn nữ Maria.

Rõ đẹp đôi, duyên thắm, tình mặn mà,

Hai quả tim chung nhịp lòng yêu Chúa.

Dạ canh cánh lời ngàn xưa đoan hứa:

Từ một gia đình trong đám Tuyển dân

Sẽ sinh ra Đấng Cứu độ gian trần,

Đôi bạn trẻ thầm ước mình được chọn.

Và này đây, đã đến thời làm trọn

Lời tiên báo, Gáp-ri-en xuống trần,

Bay vào tận Na-da-rét cô thôn,

Gặp vị hôn thê vẫn còn trinh nữ.

“Chào bà đầy ân sủng, lời thiên sứ.

Ơn Trên nay đã khấng tuyển chọn bà

Làm thân mẫu Con Thiên Chúa Ngôi Cha

Sinh Thánh Tử nhờ Thánh Thần can thiệp”.

Trí ngỡ ngàng, dạ khiêm nhu khôn xiết

Vẫn “xin vâng” giữa ngàn sóng hân hoan.

Rồi vội vã loan báo với phu quân,

Vừa chia sẻ, vừa ngừa ngăn nghi hoặc.

Chàng Giuse bỗng lâm vào trầm mặc:

“Không xong rồi! Thiên Chúa đã nhúng tay.

Ái thê ta, Người giành hẳn từ đây,

Để thực thi chương trình bao nhiệm lạ.

Sống công chính, của ai thì phải trả:

Sao còn dám chạm vật thánh Trời Cao?

Con Thiên Chúa, chẳng lẽ nhận vơ vào,

Để thiên hạ tưởng lầm là quý tử?

Bí mật thần linh này, loan khắp xứ

Mình có tự quyền hành động được chăng?

Giả sử được phép, lấy đâu chứng bằng

Điều hi hữu, xưa rày chưa từng gặp?

Thôi mình cứ bỏ đi là thượng sách,

Dẫu lòng đau vì tan vỡ cuộc tình!

Để mặc Thiên Chúa, ta cứ làm thinh!

Tùy ý Người ra tay và định liệu!”

“Này Giuse, hãy nghe lời thánh triệu:

Đúng là Tối Cao Thiên Tử hóa thân,

Maria thụ thai bởi Thánh Thần,

Nhưng ông hãy cứ rước về làm vợ.

Còn thêm nhiệm vụ nữa, nào hãy nhớ:

Lầy phụ quyền đặt tên trẻ sơ sinh,

Để đưa nó vào dòng tộc của mình,

Hầu ứng nghiệm lời Thánh Kinh tiên báo.

Cứ để bàn dân thiên hạ kháo láo:

Vợ con ông đấy, cho yên cửa nhà.

Bày tỏ điều mầu nhiệm, chuyện còn xa!

Việc trước mắt, hãy giữ gìn Gia thất.

Maria son trẻ, cần dẫn dắt,

Ấu Chúa phải được chăm sóc bảo toàn!

Hỏi có bàn tay nào mạnh mẽ hơn?

Này Giuse, kíp tuân hành mệnh lệnh!”

Lm P.PVL Tháng 5-2024 

Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế.

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12/12/2024(Xem: 40)
Thế giới có nhiều dân tộc khác nhau, với những ngôn ngữ và những nền văn hóa khác nhau. Muốn đem Tin Mừng cứu rỗi đến cho các dân tộc khác với dân tộc của mình, mình phải diễn tả Tin Mừng ấy bằng ngôn ngữ của họ, và trình bày Tin Mừng ấy theo cung cách văn hóa của họ. Ngày nay, nền văn hóa giữa các dân tộc không còn khác biệt quá xa như xưa, nhưng lại có sự khác biệt về quan niệm, cách suy tư giữa thế hệ cha với thế hệ con. Việc phúc âm hóa của thế hệ cha cho thế hệ con cũng phải biết thích ứng với quan niệm và cách suy tư của thế hệ con. Đó chính là HỘI NHẬP VĂN HÓA THEO CHIỀU DỌC.
08/12/2024(Xem: 146)
Mọi Kitô hữu đều được mời gọi trở nên thánh thiện, đạo đức, hoàn hảo. Sự thánh thiện, đạo đức, hoàn hảo Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng nào? Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi này trong câu Tin Mừng Mátthêu 23:23 b: «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bằng, nhân ái và chân thật». Lòng đạo không xây dựng trên nền tảng ấy không phải là lòng đạo thật, sự thánh thiện mà thiếu bất kỳ tính chất nào trong 3 yếu tố nền tảng ấy đều không phải là thánh thiện thật.
07/12/2024(Xem: 167)
Trong đời sống Ki-tô giáo, việc cầu nguyện là việc không thể thiếu được. Có thể nói, người Ki-tô hữu nào không cầu nguyện, thì không phải là Ki-tô hữu đích thực. Cầu nguyện là kết hợp với Chúa, nguồn sức mạnh, nguồn hạnh phúc, nguồn ân sủng. Trong Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Đức Gioan-Phaolô II đã xác nhận: tương lai của Giáo Hội, của công cuộc truyền giáo, tùy thuộc phần lớn vào việc cầu nguyện hay chiêm niệm.
07/12/2024(Xem: 188)
Một đứa con chỉ biết xin và năn nỉ cha mẹ ban cho nó đủ thứ nó cần, nó muốn, nhưng không hề quan tâm xem cha mẹ có muốn gì hay cần gì nơi nó không. Nó nhờ cha mẹ làm đủ thứ thì được, nhưng khi cha mẹ nhờ nó làm điều gì thì nó làm lơ. Ta nghĩ sao về người con ấy? --- Liệu đó có phải chính là thái độ của ta đối với Thiên Chúa không? Đó có phải là thái độ của ta khi ta cầu nguyện không?
06/12/2024(Xem: 188)
Đức Giêsu từng kêu gọi chúng ta, người Kitô hữu: «Anh em hãy nên trọn lành như Cha của anh em trên trời là Đấng Trọn Lành» (Mt 5:48), và Kinh Thánh cũng có lời chép: «Anh em hãy nên thánh, vì Ta là Thánh» (1Pr 1:16). Sở dĩ chúng ta có thể nên thánh vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên giống như Ngài, nên chúng ta mới có tiềm năng nên thánh, tương tự như chỉ có hạt lúa mới có tiềm năng trở thành cây lúa, hay hạt sầu riêng mới có thể trở thành cây sầu riêng.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC