“Con đường công nghị” - Lược sử một cuộc tìm kiếm của Giáo hội Công giáo Đức

22/12/20199:00 CH(Xem: 2299)
“Con đường công nghị” - Lược sử một cuộc tìm kiếm của Giáo hội Công giáo Đức

“Con đường công nghị” - Lược sử một cuộc tìm kiếm của Giáo hội Công giáo Đức

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

 

Bùi Đức Thái


Hiếm có một sự kiện của Giáo hội trong những năm qua lại gây ồn ào như thế. Một số nhà quan sát thì cho rằng “đã có Anh giáo, nay có thể có Đức giáo”. Tình hình quan trọng đến mức, chính Đức Thánh cha Phanxicô viết thư cho Giáo hội Đức, rồi sau đó Bộ trưởng thánh bộ giám mục cũng có thư gửi chính thức, với văn phong rất sắc bén, cùng với một chứng nhận chính thức của Hội đồng tòa thánh về giải thích văn bản luật.

Cũng không có sự kiện nào vừa qua lại gây ra phân cực như thế.

“Con đường công nghị” là một chiến dịch lớn trước mắt kéo dài 2 năm, nhằm cải tổ toàn bộ đời sống của Giáo hội Đức. Tập trung vào 4 chủ đề:

  • Quyền lực và phân quyền trong Giáo hội, tức vấn đề chủ nghĩa giáo sĩ trị.

  • Vấn đề độc thân của linh mục

  • Luân lý tình dục của giáo hội

  • Vai trò phụ nữ trong giáo hội

Tất cả đều là những vấn đề nhậy cảm hàng đầu của Giáo hội hiện nay. Nhưng trên hết, người ta chú ý rất nhiều đến cách mà Giáo hội Đức, thông qua HĐGM, muốn bàn và giải quyết các vấn nạn trên đây. Cơ chế, mà thông qua đó HĐGM Đức muốn cải tổ Giáo hội tại nơi, là “Con đường công nghị”. Thành phần của “Con đường công nghị” gồm có số lượng giám mục và giáo dân từ Ủy ban Trung ương giáo dân Công giáo Đức (ZdK) với tỉ lệ ngang nhau, việc này thật sự hiếm có trong Giáo hội Công giáo. Nhưng quan trọng hơn nữa là vấn đề các quyết định, nghị quyết của “Con đường công nghị” sẽ có tính ràng buộc đến đâu đối với các cơ quan và các giáo phận thuộc Giáo hội Đức.

Bản nội qui cũng đã được HĐGM Đức và ZdK thông qua, trong đó khẳng định các quyết định của đại hội Con đường Công nghị phải có được 2/3 số phiếu những người có mặt, trong đó phải bao gồm 2/3 các giám mục đồng ý. Các nghị quyết của đại hội Con đường Công nghị tự thân không có giá trị pháp lý. Những nghị quyết có các đề tài liên quan đến một qui định của Giáo hội hoàn vũ phải được chuyển đến Tòa thánh.

Vào ngày Chúa nhật 1/12/2019 vừa qua “Con đường công nghị” của Giáo hội Công giáo tại Đức đã được bắt đầu. Thế nhưng, cho đến đó là cả một con đường dài và gập gềnh. Bài này đưa ra một cái nhìn toàn cảnh những sự kiện nào đã đưa tới quá trình cải tổ này. 

 

Khởi đầu là các con số đầy kịch tính: Sau khi những trường hợp lạm dụng bị khám phá tại trường trung học Canisius-Kolleg (thuộc dòng Tên) ở Berlin vào năm 2010, và sau đó tại nhiều nơi khác, các giám mục đã phản ứng rất kiên quyết và HĐGM đã phát động một cuộc điều tra lớn. Các nhà nghiên cứu đã lục soát hồ sơ của các giáo phận cho khoảng thời gian từ 1946 đến 2014 để tìm kiếm các nghi ngờ lạm dụng. Kết quả đã được công bố vào tháng chin năm 2018: ít nhất 3.677 người liên quan và 1.670 người bị cáo buộc. Nguyên do, theo các nhà nghiên cứu là do: luật độc thân của linh mục, chủ nghĩa giáo sĩ trị và luân lý tình dục của giáo hội. Công bố của tài liệu được gọi là hồ sơ MHG (gọi theo tên viết tắt các địa danh Mannheim, Heidelberg và Gießen nơi có các đại học tham gia công trình) đã gây ra cho thế giới công giáo sự “xấu hổ để quay mặt đi” (lời của hồng y Reinhard Marx, chủ tịch HĐGM Đức) và khủng khiếp (theo giám mục phụ trách Stephan Ackermann) tới mức vị giám đốc chương trình nghiên cứu chờ đợi sẽ có sự từ chức của các giám mục. Sau đó không có vụ từ chức nào. Nhưng trong buổi trình bày hồ sơ, việc đã rõ ràng: phải có các hệ quả.

Một trong những hệ quả là trong phiên họp toàn thể đầu năm của Hội đồng Giám mục tại Lingen vào tháng 3/2019, các giám mục đã quyết định “Con đường công nghị” (1). Ngay từ đầu các giáo dân đã có mặt, được đại diện bởi Ủy ban Trung ương giáo dân Công giáo Đức (gọi tắt là ZdK). Hội nghị Hỗn hợp, kể từ Thượng hội đồng Würzburger (1971-1975) bao gồm 10 giám mục đại diện Hội đồng Giám mục và 10 đại diện của ZdK, thường xuyên được nhóm họp, nay được mở rộng thêm với một số thành viên để sửa soạn cho quá trình cải tổ.

Các đề tài của Con đường công nghị hướng mạnh theo các phát hiện của những nhà nghiên cứu: quyền lực của giáo sĩ, luật độc thân của linh mục và luân lý tình dục của Giáo hội. Đồng thời, vào cuối thời kỳ “Con đường công nghị” thì cần phải đạt được các kết quả có tính ràng buộc. Chủ tịch ZdK Thomas Sternberg khẳng định đây là điểm then chốt. Theo ông, “nếu như chỉ là quá trình trao đổi với một kết quả để mở thì sẽ là sự thất bại. Bây giờ mọi người muốn nhìn thấy sự cải cách.” Đề tài về sự ràng buộc của các kết luận sẽ còn có một vai trò quan trọng trong những tháng kế tiếp.

e4rY8dMSWxBUU0ozIksXO9YmD3wSsiqO4D_GXQzo3V3-OyiDYvdYHxCyva_EIWTVdz3lvKpMEk4zCY39xqPvHDaeOXCXfxXNPFm2zU3IAoR4bTnV1SD6kmjU54HxELSGl0B8jIRrEJM-rL2e0Q

Bild: © KNA/Julia Steinbrecht

Chủ tịch HĐGM Đức, hồng y Marx (trái), và Chủ tịch Ủy ban Trung ương giáo dân Công giáo Đức (ZdK), giáo sư Thomas Sternberg (phải), trong buổi họp báo về “Con dường công nghị”

 

Điều đối với nhiều phụ nữ vẫn còn thiếu trong việc kiến tạo qui trình: cũng nói về vai trò của họ trong Giáo hội. Họ nhận được sự ủng hộ đầu tiên của Franz-Joseph Bode, giám mục Osnabrück. “Chúng ta không thể bỏ qua vấn đề về phụ nữ” ngài phát biểu vào tháng năm khi đề cập về những sửa soạn cho “Con đường công nghị”.

Sự phê phán ngay từ đầu

Nhưng ngay từ giai đoạn lập kế hoạch đã cho thấy, tinh thần khác biệt trong nội bộ Hội đồng Giám mục. Vì các giám mục không bỏ phiếu cho “Con đường công nghị” trong phiên họp tháng ba đã lên tiếng tương đối nhanh. Vị chủ chăn của giáo phận Ausburg, sau đó về hưu, đã giữ khoảng cách với qui trình cải cách, và nói rằng “Con đường công nghị” sẽ không làm thay đổi số lượng người ra khỏi giáo hội.” Một sự đổi mới Giáo hội chỉ có thể đạt được qua sự hoán cải cá nhân, hướng về Thiên Chúa và một cuộc sống từ đức tin và từ các phép bí tích. Vị chủ chăn của giáo phận Regensburg Rudolf, giám mục Voderholzer cảnh báo sự phân ly trong Giáo hội: ai muốn tạo mới một giáo hội, kẻ đó “bước tới con đường hủy diệt”. Cả hồng y Reiner Maria Woelki cũng đưa ra âm điệu tương tự như thế.

Tuy vậy, những người phản đối con đường cải cách đã được đưa ra vẫn là thiểu số trong các giám mục (2). Đại diện quan điểm đa số đã lên tiếng ngay sau đó, than phiền rằng “Con đường công nghị” đã bị làm cho dở đi trước khi được bắt đầu – theo như Tổng giám mục Heiner Koch (Tổng giáo phận Berlin). Một số giám mục khác đã đi chi tiết hơn vào các phê phán cụ thể. 

Trong bầu khí không thống nhất này, một bức thư của Đức Giáo hoàng đã đến với những người công giáo Đức. Bức thư mang lại sự rõ ràng được hy vọng từ Vatican thì ít, mà mồi lửa thêm cho các quan điểm khác nhau thì nhiều hơn. Trong một bức thư “gửi nhân dân lữ hành Đức” vào tháng sáu, một mặt Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh ý nghĩa của tính công nghị, đồng thời cảnh báo về sự thống nhất trên toàn cầu của Giáo hội. Người ta không chỉ nên nói về các cấu trúc, mà cần cả về Phúc âm hóa. Văn bản được diễn đạt chung chung, theo cách mà người ủng hộ lẫn người phản đối “Con đường công nghị” đều cảm thấy được khẳng định.

Độc lập với cuộc tranh luận công khai, qui trình tiếp tục được hoàn thiện. Hội nghị chung đầu tháng bảy đã vừa quyết định về một bản thảo đầu tiên cho Qui chế, cũng như bổ sung thêm một diễn đàn thứ tư, về vai trò của phụ nữ nữa. Sự thôi thúc của nhiều nữ giáo dân đã được nhường bước. Kể cả công việc sửa soạn của các diễn đàn cũng nên có tiến nói tham gia ở vị trí cao của phụ nữ. Vì Hội đồng Giám mục và Ủy ban Trung ương giáo dân Công giáo Đức (ZdK) đã thống nhất về đỉnh đôi cho lãnh đạo các nhóm, mỗi nhóm có một giám mục và một đại diện giáo dân đứng đầu.

Điều quan trọng là đạt được “sự thống nhất, không phải sự nhất trí”, hồng y Marx đã nói ngay từ trước, liên quan đến các quyết định có thể đạt được sau các quá trình cải cách. Không vị chủ chăn nào bị bắt buộc phải áp dụng các kết quả của cuộc đối thoại cải cách vào giáo phận của minh. Như thế đã rõ, thay vì một “sự ràng buộc” theo ý nghĩa giáo luật thì chủ yếu là sự tự cam kết luân lý của các giám mục mà thôi.

R_Hvco9IG32Qa7l_wGAGKfqYqfVaOgA9zJs8E7yZ9IK3-_Ndh0Pm3l_qAdmuoFin4l9JuhSKrqoC8p4RPj6pqQsB2YMJaBANVF_6C6VcWCWDaM6AME1lygK2tAmrIjYMXTxU3m7azr6ZAXt1xw

Bild: © Evandro Inetti/Pool/CNS photo/KNA

Trong một bức thư “gửi nhân dân lữ hành Đức” vào tháng sáu, một mặt Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh ý nghĩa của tính công nghị, đồng thời cảnh báo về sự thống nhất trên toàn cầu của Giáo hội.


 

Hai bức thư từ Roma

Nhưng trong khi đó, cuộc tranh luận về nội dung qui trình đối thoại vẫn tiếp diễn. Nhóm “Maria 1.0” – thành hình để phản ứng lại phòng trào phụ nữ “Maria 2.0” – đòi hỏi một diễn đàn nữa, theo đó đề cập đến Tân Phúc âm hóa. Giám mục Heiner Wilmer của giáo phận Hildesheimer cho rằng “nhiều thắng lợi”, nhưng diễn đàn này không được thành lập. (3)

Đầu tháng chin các kế hoạch đã đi vào chi tiết. Ngoài những vấn đề khác, Đại hội toàn thể năm 2020 và 2021 sẽ được họp tại Frankfurt, chủ tâm là giữa nước Đức. Ngoài ra, năm 2021 thành phố thủ phủ của bang Hessen này cũng là địa điểm của đại hội đại kết của giáo hội – cũng đồng thời là một điểm nhấn.

Rồi, bức thư mới của Vatican đã tạo ra cảm giác mạnh – lần này với lời lẽ sắc bén. Bộ trưởng Bộ giám mục Vatican Marc Ouellet than phiền về bản thảo Qui chế chưa được biểu quyết của “Con đường công nghị”. Nội qui xác định các ủy ban, các qui trình, các đề tài thảo luận, các phương pháp quyết định và các túc số biểu quyết. Ở Roma người ta lo ngại về sự bình đẳng giữa các giám mục và các giáo dân khi ra các nghị quyết, có thể “không phù hợp với thành phần nào của giáo luật”. Một điểm khác liên quan đến sự chọn lựa đề tài cho các diễn đàn. Bức thư cũng kèm theo cả bản báo cáo của Hội đồng giáo hoàng về giải thích các văn bản luật. Văn bản này cho biết, trong các diễn đàn có các vấn nạn không chỉ liên quan đặc biệt đến Giáo hội ở Đức, mà trước hết là liên quan đến Giáo hội hoàn vũ. Các vấn đề đó “với rất ít các ngoại lệ, không phải đối tượng của các nghị quyết và quyết định của một giáo hội riêng lẻ, mà không vi phạm vào các cân nhắc của Đức Thánh cha”.  

 

QT5KZqz6-_9v-axyELExX4bBsM8ZzOyHFqO4Hah-ksQeNiDrPRBvQSwD4lAxSJ8BOABLDHq5ReioMhKrFDXQnZJdi-LUQRmjq1HtCqJfBeezpDmmXah-gvrtEIN9zuBW0MMpXrVZTJn2Scfp-w

Bild: © KNA/Harald Oppitz

Giám mục Rudolf Voderholzer chủ trương loại ra những đề tài thuộc huấn quyền như phong chức thánh cho phụ nữ.

 

Thư của Ouellet cũng nhân cơ hội để khuyếch trương một phản đề xuất về Qui chế của Tổng giám mục Woelki và giám mục Voderholzer. Các vị này chủ trương  loại ra những đề tài thuộc huấn quyền như phong chức thánh cho phụ nữ. (4) Thẩm quyền quyết định về việc này lẽ ra chỉ được nằm trong tay của các giám mục. Nhưng bản thảo này đã bị bác bỏ với đa số áp đảo của hội nghị Ban Thường trực  (của HĐGM) vào tháng tám (5). 

 

Vẫn giữ “Con đường công nghị”

Phản ứng của Hội đồng Giám mục đối với bức thư mới nhất từ Roma được đưa ra cách chậm chạp, cho rằng: nhìn nhận của Vatican đặt cơ sở trên một bản thảo đã cũ. Các nghị quyết chỉ được hình thành một mặt bởi ít nhất hai phần ba của tất cả những đại biểu hiện diện, mặt khác là của các giám mục. Bản thân Hồng y Marx bảo vệ “Con đường Đồng nghị” trên báo FAZ (Frankfurter Allgemeine Zeitung): Sẽ giúp ích hơn nếu như Vatican tìm một cuộc trao đổi trước khi gửi văn bản đi. Đồng thời, Hội đồng Giám mục và ZdK trả lời thư tháng sáu của Đức Giáo hoàng – và một cách có thể cảm nhận rõ, tìm cách làm phẳng những gồ ghề. Trong đó nêu lên là người ta quyết tâm kiến tạo “Con đường” như “qui trình tâm linh”. Và hướng về Đức Giáo hoàng: “Chúng con gắn bó với Đức Thánh cha trong “tâm tình của Giáo hội” vì chẳng những chúng con luôn quan tâm đến sự thống nhất của cả Giáo hội, lẫn tình trạng địa phương và vì sự tham gia của cả cộng đồng dân Chúa đối với chúng con có tầm quan trọng lớn lao.”

Rồi mỗi bên ủng hộ và chống đối “Con đường Đồng nghị” gôm riêng lại với nhau trong Hội nghị Hội đồng giám mục mùa thu tại Fulda vào tháng chín – nửa năm sau khi “Quá trình” được quyết định. Các mặt trận vẫn gay go: Trong khi số đông các giám mục khẳng định ý chí đối với Quá trình cải cách, thì một số chốt giữ sự bảo lưu quan điểm của minh – bao gồm cả phát biểu có thể sẽ không đi theo “Con đường công nghị”. Tuy vậy, số đông các giám mục Đức đã biểu quyết ủng hộ bản thảo Qui chế được đệ trình (6). Phiên họp toàn thể của ZdK cũng đã quyết định thông qua vào cuối tháng mười một.

Vào ngày Chúa nhật thứ nhất mùa vọng, “Con đường Đồng nghị” đã được bắt đầu, khá là khiêm tốn, không có liên hoan họp mặt lớn. Hội nghị toàn thể sẽ chỉ họp 2 lần trong năm tới; công việc giữa đó được thực hiện bởi các Diễn đàn đồng nghị. Tổng cộng Qui trình kéo dài 2 năm, nhưng đã không được lập kế hoạch xuyên xuất cách cứng ngắc. Trên Con đường chắc chắn còn ẩn nấp nhiều ngạc nhiên.

(Theo https://www.katholisch.de 03/12/2019)


Ghi chú:

(1) Theo thông cáo báo chí của HĐGM Đức thì vào ngày cuối của phiên họp đầu năm 11-14/3/2019 tại Lingen, toàn thể Hội đồng Giám mục Đức (69 vị từ 27 giáo phận) đã biểu quyết với sô phiếu nhất trí tiến hành “Con đường Đồng nghị” cùng với ZdK.

(2): Trong hội nghị toàn thể 23-26/9/2019 Hội đồng Giám mục Đức đã biểu quyết thông qua bản Qui chế cho “Con đường công nghị”.

(3) HĐGM Đức trong phiên họp tháng 9/2019 đã bác bỏ đề nghị này. Thông cáo của HĐGM cho biết ”Các giám mục chúng tôi thống nhất trên quan điểm rằng, Phúc âm hóa là trung tâm sứ mệnh của Giáo hội đương nhiên cũng sẽ nằm ở trung tâm Con đường công nghị. Một số giám mục gợi nhắc đến các thực tế mà Giáo hội nằm trong đó với các nỗ lực Phúc âm hóa của mình. Đồng thời đã từ lâu có nếp gẫy giữa cuộc sống và học thuyết, hoặc cả đến sự “lạc hóa” của Giáo hội cũng cảm nhận được rõ. Chính vì thế chúng tôi đặt giá trị trên sự đối thoại và chúng tôi chắc chắn rằng Con đường công nghị với tư cách là một quá trình tâm linh sẽ hữu ích, để tìm thấy lại nhau và là một dấu chỉ mạnh mẽ của Giáo hội gửi đến công chúng.”

(4) Hai vị không bác bỏ hoàn toàn các đề nghị thay đổi về cấu trúc của Con đường công nghị, bao gồm cả sự tham gia của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK. Tuy nhiên, kế hoạch của hai vị nhấn mạnh đến sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và với Giáo Hội toàn cầu, và ưu tiên cho việc truyền giáo. Các ngài yêu cầu rằng các cuộc thảo luận trong công nghị này phải có sự hiện diện của các quan chức Tòa Thánh như Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Hội Đồng Giáo Hoàng Tân Phúc Âm Hóa.

(5) Ủy ban thường trực HĐGM đã quyết định với số phiếu là 21/3. 

(6) Theo quy chế, tham dự công nghị sẽ có tối đa là 230 người, gồm 69 GM cùng với 69 thành viên Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, và 82 tham dự viên còn lại gồm các tu sĩ, các tín hữu Công Giáo trẻ, trong số này có 15 người dưới 30 tuổi, ít nhất 10 phụ nữ, ngoài ra có các đại diện của các Cộng đoàn Công giáo mới không có đại diện trong Ủy ban trung ương giáo dân Công giáo Đức. Chủ tịch đoàn gồm có ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM, và Giáo sư Thomas Sternberg, Chủ tịch Ủy ban trung ương giáo dân Công giáo Đức, Đức Cha Franz-Josef Bode, GM giáo phận Osnarbrueck, Phó Chủ tịch HĐGM và 1 trong 4 Phó chủ tịch của Ủy ban trung ương giáo dân, sẽ giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch công nghị. 




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC