Các Giám Mục ở CHLB Đức Được Bầu Chọn Ra Sao?

18/08/20198:28 SA(Xem: 2465)
Các Giám Mục ở CHLB Đức Được Bầu Chọn Ra Sao?

Viết từ nước Đức

Phạm Hồng-Lam


Các Giám Mục Ở CHLB Đức Được Bầu Chọn Ra Sao?



Chiều chủ nhật ngày 7 tháng 7 năm 2019 giám mục giáo phận Augsburg chúng tôi dâng thánh lễ giã từ giáo phận, sau 9 năm được Tòa Thánh cử từ một giáo phận nhỏ nhất nước thuộc vùng Đông Đức cũ, mới được thành lập sau ngày thống nhất hai miền vào năm 1994 (giáo phận Görlitz với 30 ngàn giáo dân), sang lãnh đạo giáo phận Augsburg (gần 1,3 triệu giáo dân) thuộc bang Bayern. Ông đã tới tuổi hưu của một giám mục (75). Sau khi nhận được quyết định chấp thuận của giáo tông Phan-sinh, ông dâng lễ tạ ơn từ giã giáo dân và ngay ngày hôm sau lái xe về lại giáo xứ quê hương cũ, để „xin làm một chân phụ tá cho linh mục chánh xứ“ tại đó.

Tôi đã có lần nói chuyện với Giám Mục (Ts. Konrad Zdarsa). Một con người rất khiêm tốn, ít nói, dễ mến. Ông cho hay, trước đây ở bên Đông ông có liên hệ với một số người Việt và rất thích ăn món Việt!

Kể từ hôm được Tòa Thánh ra quyết định cho nghỉ hưu, giáo phận Augsburg ở vào tình trạng trống tòa (Sedisvakanz). Vì việc bổ nhiệm giám mục mới ở Đức thường phải đợi từ 6 tháng tới một năm hay lâu hơn, nên quyền hành giám mục giáo phận thoạt tiên tự động được chuyển sang cho vị giám mục phụ tá cao tuổi nhất, nếu không có giám mục phụ tá, chuyển sang cho vị trưởng của Hội Đồng Lãnh Đạo (HĐ - Domkapitel) của giáo phận. Ở Đức, mỗi giáo phận đều có một HĐ, gồm khoảng trên mười vị được bầu hay chọn bởi giám mục chính tòa; mỗi người phụ trách một lãnh vực công tác phụ giúp giám mục chính tòa. Đây là một thứ nội các của giáo phận. Trong vòng 8 ngày, vị đại diện chuyển tiếp này phải tổ chức họp HĐ bầu lên một vị Giám Quản chính thức (Administrator), để tạm thời lãnh đạo giáo phận trong thời gian trống tòa. Trong suốt thời gian này Giám Quản không được thay đổi gì về nhân sự và chính sách mục vụ trong giáo phận. Đôi khi, vì một lí do nào đó, Vatican sẽ chỉ định trực tiếp vị giám quản, thường là một giám mục của một giáo phận lân cận tạm thời lãnh đạo, và vị này được gọi là Giám Quản Tông Tòa.  


Đức tin vững vàng, hạnh kiểm tốt, đạo đức 


Việc bầu chọn một giám mục vốn là chuyện không đơn giản. Nhưng ở Đức lại càng không đơn giản so với thế giới công giáo hoàn vũ. Lí do là vì nước này đã kí với Vatican một loạt hiệp ước (Konkordat) khác nhau.

Trước hết ai là ứng viên thích hợp cho vai trò giám mục? Giáo luật (Can. 378 §1 năm 1983) cho biết: Người thích hợp là người “phải trổi vượt về đức tin vững vàng, hạnh kiểm tốt, đạo đức, nhiệt thành với các linh hồn, thông thái khôn ngoan và các nhân đức nhân bản, và có những tài năng khác giúp mình có đủ sức chu toàn giáo vụ“. Ngoài ra người này cần có tiếng tốt, ít nhất 35 tuổi và đã làm linh mục ít nhất 5 năm; ông cũng cần thông thạo Kinh Thánh, thần học và giáo luật; tốt nhất có bằng tiến sĩ hoặc ít ra bằng cử nhân (Lizentiat), để có thể dạy trong các đại chủng viện hay học viện.

Theo giáo luật, đây là lúc làm việc của Sứ Thần tòa thánh tại quốc gia liên hệ. Ông lập ra một danh sách các ứng viên thích hợp cho giáo phận vừa trống ngôi. Sự thường, ông nhận các đề nghị của các giám mục chính tòa của các giáo phận khác và của vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục sở tại. Ông cũng có thể lấy í kiến của các linh mục hay giáo dân „thường, nhưng nổi tiếng về khôn ngoan trong cuộc sống“. Sau đó gởi danh sách ứng viên về Bộ Giám Mục. Bộ bàn chọn và cuối cùng đưa lên giáo tông để ngài quyết định phê chuẩn.

Đó là luật chung cho Giáo Hội hoàn vũ.

Còn ở Việt Nam, vì không ở trong tình trạng bình thường và một thời gian dài không có sự hiện diện của sứ thần tòa thánh, nên việc lựa chọn và lập danh sách ứng viên có khi do vị giám mục giáo phận tự biên tự diễn (và hậu quả là có người không xứng, vì được chọn theo kiểu „con ông cháu cha“) và có khi cũng thông qua vị chủ tịch HĐGM.


Hiệp ước với Phổ, Baden và Bayern


Nhưng luật chung trên đây có khoản (Can. 377, §4) ghi rằng, luật đó chỉ áp dụng, „khi không có một quy định nào khác về mặt giáo luật“. 

Ở Đức (và Thụy-sĩ cùng với 4 giáo phận ở Áo) lại có nhiều „quy định khác“ như thế qua một loạt hiệp ước Vatican đã kí với nước Phổ (1929; hiệu lực cho 15 giáo phận phía bắc trên tổng số 27 giáo phận ở Đức), với bang Baden (1932; hiệu lực cho bốn giáo phận Freiburg, Dresden-Meißen, Rottenburg-Stuttgart và Mainz) và với bang Bayern (1924, hiệu lực cho tất cả giáo phận trong bang và cho giáo phận Speyer bên ngoài tiểu bang). 

Ba hiệp ước này, sau khi nước Phổ biến mất sau thế chiến thứ nhất, được xác nhận lại và mở rộng thêm bởi hiệp ước Vatican kí với Đế Quốc Đức (1933) dưới thời Hitler nắm quyền. Các hiệp ước này tới nay vẫn hiệu lực, và các giáo phận đều bị ảnh hưởng bởi một trong các hiệp ước đó.

Các hiệp ước quy định, chính Hội Đồng Lãnh Đạo trong mỗi giáo phận liên hệ phải lập danh sách ứng viên giám mục cho giáo phận mình. HĐ có thể tham khảo í kiến các đại diện giáo dân, dòng tu và linh mục trong việc chọn ứng viên. Song song với danh sách ứng viên của HĐ giáo phận liên hệ, các giám mục và HĐ các giáo phận nằm trong hiệp ước liên hệ cũng có quyền đề nghị ứng viên cho giáo phận đang trống ngôi. 

Riêng hiệp ước Baden quy định, trong danh sách ba ứng viên được chấp thuận luôn phải có một người thuộc giáo phận. Vì thế bốn giáo phận trực thuộc thỉnh thoảng đã có được giám mục vốn là người của giáo phận mình. 

HĐ và các nơi gởi danh sách về Tòa Thánh. Bộ Giám Mục lược duyệt, loại dần chỉ còn ba người. 

Từ đây ba hiệp ước lại có những quy định khác nhau. 

Hiệp ước Bayern dành quyền chọn giám mục kế vị cho Tòa Thánh. Giáo Tông chỉ cần chọn lấy một trong danh sách ba ứng viên cuối cùng và bổ về cho giáo phận, sau khi hỏi qua í kiến của chính quyền thuộc tiểu bang liên hệ. Việc hỏi í kiến này xưa nay chỉ là việc làm có tính cách hình thức, vì chính quyền vốn không muốn bị lôi cuốn vào chuyện nội bộ của Giáo Hội.

Hiệp ước Phổ và Baden quy định, Tòa Thánh gởi danh sách ba ứng viên được họ chấp thuận về lại cho HĐ giáo phận liên hệ, để HĐ tự chọn cho mình một trong ba vị. Nếu trước đó có ứng viên nào không được Tòa Thánh chấp thuận, thì danh sách cứ trao đi chuyển về cho đến khi có được ba vị lọt vào mắt xanh của Vatican.

Các hiệp ước trên đây là do hoàn cảnh đặc thù ở Đức. Dưới thời Cộng Hòa Weimar với thủ tướng Bismark, nước Đức trải qua cuộc „chiến tranh văn hóa“, trong đó Giáo Hội công giáo bị chính quyền (tin lành) gây khó dễ. Nên các hiệp ước là một nỗ lực bảo vệ quyền lợi Giáo Hội công giáo. 

Trong tương lai sẽ không có những hiệp ước loại này nữa. 

Giáo luật số 377, §5 cũng khẳng định: „Trong tương lai sẽ không cho các chính phủ dân sự quyền và đặc ân trong việc chọn, chỉ định, giới thiệu hoặc chỉ định các giám mục“ 


Augsburg, ngày 16.07.2019

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC