Người dịch sách Biển-đức XVI. ra tiếng Việt

17/04/20198:26 SA(Xem: 2564)
  • Tác giả :
Người dịch sách Biển-đức XVI. ra tiếng Việt

csm_Pham2_05_95b76161cf

Bài đăng trên trang Hiệp Hội truyền thông Michelbund trong tổng giáo phận München-Freising  và trên tờ báo của Tổng Giáo Phận.

https://mk-online.de/meldung/alles-gute-fuer-bien-duc-xvi.html

KÍnh mời quý độc giả tham khảo bản tiếng Việt dưới đây do anh Phạm Hồng Lam dịch theo yêu cầu của BBT:


Người dịch sách Biển-đức XVI. ra tiếng Việt

 

Cầu Chúc Giáo Tông Biển-đức XVI. Được Mọi Điều Tốt Lành Cho

 

Người công giáo việt nam có một tên gọi riêng cho Benediktus XVI. Hồng-Lam Phạm, người dịch sách của ngài, sống tại Bayern, thành phố Augsburg,  gởi lời chào nhân dịp sinh nhật của cựu Giáo Tông.

München – Khi Hồng Lam Phạm kể chuyện đời mình cho khách nghe, ông lấy chiếc hải bàn cũ ra từ ngăn tủ, đứng giải thích trước tấm bản đồ đi biển đã cũ treo trên tường, rồi lôi ra một vài cuốn sách khỏi kệ. Người công giáo dấn thân và cựu học sinh của một chủng viện thuộc giáo phận Kontum đã trốn khỏi Việt Nam cộng sản bằng ghe vào năm 1980. Ông là người người trưởng ghe chịu trách nhiệm cho 36 người trẻ đi cùng. „Là trưởng, nhưng tôi chẳng biết gì chuyện hải hành“. Ghe trực chỉ Singapur. Sau một cơn giông bão, họ nhận ra chiếc trực thăng của con tàu cứu người nổi tiếng Cap Anamur, và mọi người đã được cứu thoát. Sau đó Hồng Lam Phạm về sống tại Augsburg, học Tâm Lí, Xã Hội và Chính Trị Học, có được việc làm ở Caritas và – đã dịch mười hai cuốn sách của Joseph Ratzinger. Trong một phòng bán sách cũ của Caritas ông đã tìm được tác phẩm Salz der Erde (Muối Cho Đời) và nhận ra ngay: „đây quả là một nhà tư tưởng lớn“.

 

Tài liệu tham khảo bắt buộc trong các chủng viện

 

Từ đó ông không thể nào rời Joseph Ratzinger được nữa. Cứ chiều tối sau khi đi làm về, cuối tuần và trong những ngày nghỉ người cha của ba đứa con vật lộn với con chữ. Ông say mê những lập luận của Joseph Ratzinger nói về Truyền Thống và Tân Tiến. „Ngài đã có được một hình ảnh tuyệt vời, khi ví Hiện Tại và Tương Lai như hai dòng nước ngược gặp nhau tạo nên một con xoáy dữ dội, và rồi ở đó ta chỉ còn thấy bèo bọt nổi lên.“ Hồng Lam Phạm bị ấn tượng trước sự trình bày sáng sủa Joseph Ratzinger về Thần Học qua hình ảnh con xoáy đó và về việc ngài nhấn mạnh tới giá trị của Truyền Thống; không có Truyền Thống thì chẳng có gì mới cả. Hồng Lam Pham cũng đã dám liều dịch tác phẩm tiêu biểu „Đức Tin Ki-tô Giáo. Hôm Qua, Hôm Nay và Ngày Mai“ của Joseph Ratzinger. Để được chỉ dẫn thêm về các khái niệm thần học, ông đã cùng làm việc chung với một linh mục Việt Nam. Bản dịch đã được chào đón tại quê hương. „Trong các chủng viện và các dòng tu cuốn sách đã trở thành tài liệu tham khảo bắt buộc“.

 

Benediktus được gọi thành Biển-đức

 

Hồng Lam Phạm gặp nhiều khó khăn trong việc dịch các chuyên ngữ thần học. Nhưng về chữ Việt thì chẳng khó khăn lắm. Việt Nam là quốc gia độc nhất trong vùng Đông Á có ngôn ngữ dùng mẫu tự La-tinh. Hồng Lam Phạm hãnh diện cho hay: „Qua sự giúp đỡ của một nhân viên làm việc tại Vatican, giáo tông Benedikt XVI. cũng đã tự tay viết đầu đề bằng tiếng Việt cho một cuốn sách dịch.“ Ngài viết lên một tờ giấy, từ đó phóng lớn rồi in vào bìa sách. Người dịch sách đã chưa bao giờ diện kiến với Giáo Tông, mà chỉ thấy ngài xa xa, „khi ngài về thăm Bayern“ lần đầu.

Nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng gì tới sự ngưỡng mộ của ông đối với Giáo Tông. Ngay các Ki-tô hữu người Việt cũng mến mộ vị Giáo Tông từ chức. Có khoảng tám triệu người công giáo ở Việt Nam, chiếm tỉ lệ trên dưới bảy phần trăm dân số. Họ cũng đã có một tên gọi tiếng Việt cho Giáo Tông. Franziskus được người Việt gọi là Phanxicô, Benediktus XVI. được Việt hóa thành Biển-đức XVI. Phạm giải thích: „Chúng tôi chỉ Việt hóa một vài danh xưng nào thật ưu ái đối với chúng tôi mà thôi.“

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 92 Hồng Lam Phạm cầu chúc vị cựu Giáo Tông có được sinh lực, sức khỏe “và mong ngài tiếp tục viết“. Có thể rồi đây sẽ gởi thêm cho ngài một quà tặng. Từ mấy tháng nay Hồng Lam Phạm nghỉ hưu, và giờ đây ông có nhiều thì giờ hơn trong việc đưa thần học của Joseph Ratzinger tới gần với đồng hương của mình.

 

Alois Bierl

Trưởng biên tập của Sankt Michelbund.

16.04.2019

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC