Có Chăng Một „Mô Hình-Trung Quốc“ Cho Phát Triển Kinh Tế?

30/11/20186:10 SA(Xem: 2370)
Có Chăng Một „Mô Hình-Trung Quốc“ Cho Phát Triển Kinh Tế?

Có Chăng Một „Mô Hình-Trung Quốc“ Cho Phát Triển Kinh Tế?



Người dịch: Sự phát triển ngoạn mục của kinh tế trung quốc trong nhiều chục năm qua đã khiến thế giới tự hỏi: Có chăng một Mô Hình Trung Quốc cho việc phát triển kinh tế?Nay tiến trình phát triển đó đã hết đà và đang đi vào ngưng đọng. Lãnh đạo nước này đang phải đứng trước bài toán nan giải. Vì tin vào sự hiện diện của Mô Hình Trung Quốc nên họ đang tìm cách gia tăng quyền lực chỉ huy của nhà nước và đẩy mạnh khu vực kinh tế quốc doanh, với hi vọng kinh tế sẽ tiếp tục bay cao. Nhưng có thật kinh tế trung quốc phát triển là nhờ bàn tay trấn áp và chỉ huy của nhà nước? Hiện nay tại Trung Quốc đang diễn ra một tranh luận sôi nổi về đề tài này giữa một bên là thiểu số trí thức và bên kia là đa số nắm chính quyền.

Sau đây là quan điểm của Zang Weiying, giáo sư Đại Học Peking. Năm 2002 ông được tôn là „nhà kinh tế của năm“. Nội dung này (bài dưới đây chỉ là một tóm tắt) được ông thuyết trình cho sinh viên ngày 14.10.2018. Bài thuyết trình sau đó được đưa lên trang mạng của Đại Học và được nhiều hệ thống thông tin xã hội chia sẻ. Mấy hôm sau nó đã bị xóa khỏi mạng. Die Zeit ngày 15.10,2018. Phạm Hồng-Lam dịch.



Một thực tế không thể nào chối cãi được, đó là kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua đã phát triển ngoạn mục và nhờ đó đã nâng cao cuộc sống người dân rất nhiều. Nhưng phải giải thích sự phát triển ấy như thế nào? Hiện nay chúng ta có hai thuyết: Một thuyết cho rằng, đó là nhờ Mô Hình Trung Quốc. Một thuyết khác bảo, là do bắt nguồn từ một mô hình phát triển phổ quát chung.

Thuyết Mô Hình Trung Quốc dựa trên lập luận này: Sự phát triển của Trung Quốc có được là do sự kết hợp đặc biệt của một chính quyền trung ương mạnh, của những công ti quốc doanh lớn và một chính sách công nghiệp có viễn kiến. Những người theo thuyết thứ hai, trái lại, cho rằng, sự phát triển đó là dựa trên những quy luật chung, mà lịch sử thành công ở các quốc gia khác cũng đã minh chứng. Ở đây ta có thể kể tới cuộc công nghiệp hoá ở Anh và Pháp, tới sự phát triển của Đức sau thế chiến II., tới sự trỗi dậy của Nhật và một số con rồng á châu khác. Nước nào cũng thế, chính các lực thị trường và tinh thần sáng tạo cũng như sẵn sàng chấp nhận rủi ro của doanh nhân là động lực thúc đẩy sự phát triển.

Cắt nghĩa sự thành công của đất nước chúng ta bằng Mô Hình Trung Quốc là một việc làm không những đi ngược lại các thực tế, mà còn bít lối tương lai. Trái lại, có nhiều điểm cho thấy khuôn mẫu phổ quát chung là có căn cứ, và ngoài ra chúng cho thấy Trung Quốc đã được hưởng lợi nhờ những tiến bộ kĩ thuật, mà các nước kĩ nghệ tây phương đã tạo ra trong 300 năm qua.

Kể từ cuộc mở cửa và đổi mới kinh tế của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã kinh qua ba cuộc cách mạng kĩ nghệ, mà các quốc gia phương tây đã phải cần tới 250 năm: khám phá ra việc sản xuất hàng loạt nhờ máy hơi nước và khung dệt, sử dụng điện năng và máy nổ và cuộc tự động hoá nhờ máy vi tính. Là kẻ đi sau, Trung Quốc được nhiều cái lợi: chẳng cần phải nhọc công kiếm tìm mà vẫn được hưởng hoa trái của những phát kiến kĩ thuật do niềm vui thực nghiệm và những hi sinh to lớn của các nước khác tạo ra.

Viện Nghiên Cứu Kinh Tế quốc gia ở Peking đã đưa ra một bảng chỉ tiêu về sự phát triển thị trường. Viện này đo chính xác tiến độ các diễn tiến tái cơ cấu của các công ti quốc doanh trung quốc theo hướng thị trường. Dựa theo bảng này, từ năm 1997 tới 2014 độ „thị trường hoá“ ở Trung Quốc đã vươn lên 10 điểm từ 4,01 tới 8,19. Chỉ có năm 2009 là đi xuống: dịp đó, vì khủng hoảng tài chánh, nhà nước đã đổ 586 tỉ đô-la để phục hoạt kinh tế.

Tuy nhiên mức độ thị trường hoá thay đổi mạnh tùy theo từng vùng. Các tỉnh ven biển phía đông như Zheijang, Jiangsu và Guangdong đứng đầu bảng thống kê, rồi tới miền trung trung quốc, cuối bảng là vùng phía tây. Trước năm 2007 lượng tổng sản phẩm quốc nội ở miền đông luôn tăng nhanh hơn các miền khác. Năm 2007 xu thế quay ngược lại: Các tỉnh miền tây tăng nhanh nhất, miền đông trở về cuối bảng. Cả các chỉ số khác từ mười năm qua cũng minh chứng rằng, mức độ thị trường hoá càng cao, mức phát triển kinh tế càng thấp.

Từ đó phải chăng ta có thể rút ra kết luận: Có một „mô hình trung quốc phía tây“, để phía đông có thể học hỏi? Không. Đơn giản là miền tây khởi hành sau và đã có được những lợi thế của kẻ đi sau. Mọi số liệu của 40 năm qua cho thấy mối tương quan tích cực này: Ở đâu kinh tế nhà nước mở ra cho thị trường, ở đó tổng sản phẩm quốc gia tăng nhanh hơn.

Điểm yếu của thuyết „Mô Hình Trung Quốc“ nằm ở chỗ này: Thị trường hoá là một tiến trình tiệm tiến đầy năng động. Ta không thể rút ra được những hệ quả, nếu không quan tâm tới lịch sử của một giai đoạn phát triển nào đó.

Còn có các chỉ số khác. Chẳng hạn ta có thể so sánh tương quan con số công nhân viên nhà nước với lượng công nhân viên chung của cả nước hoặc xem phần của khu vực nhà nước trong khối tài sản kĩ nghệ. Khắp nơi ở Trung Quốc đều cho ta kết quả này: Nhà nước càng mạnh, sự phát triển càng thấp. Ngược lại: Ở đâu nhà nước rút lui nhường chỗ cho tư doanh, ở đó kinh tế phát triển nhanh hơn.

Sự phát triển của Trung Quốc trong 40 năm qua phần lớn nhờ vào những thuận lợi của những quốc gia kĩ thuật đi sau. Cả doanh nghiệp trung quốc lẫn tây phương đều hưởng lợi nhờ khoảng phát triển chênh lệch này. Giờ đây, vì không còn nhiều chỗ cho lối „giao dịch làm ăn“ này nữa và vì Trung Quốc đã đạt được sự phát triển của nó, nên cần phải có thêm sáng kiến, nếu muốn tiếp tục phát triển.

Các nhà kinh tế thường đo lực sáng tạo dựa trên ba yếu tố: mức đầu tư cho công tác nghiên cứu và sáng tạo, lượng bằng sáng chế và lượng sản phẩm mới trong toàn bộ doanh nghiệp. Trong nhiều chục năm qua Trung Quốc đã có những tiến bộ trên các mặt này. Tuy nhiên vẫn còn có những chênh lệch lớn giữa các miền. Ở đây các số liệu cũng cho thấy: Ở đâu khu vực nhà nước mạnh, ở đó có ít khả năng sáng tạo. Và ngược lại.

Những thí dụ trên đây cho thấy „Mô Hình Trung Quốc“ không tương hợp với các thực tế. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trước hết dựa vào việc mở cửa thị trường, nhờ vào tinh thần doanh nghiệp tư nhân và vào các phát kiến kĩ thuật mà phương tây đã đạt được trong 300 năm qua.

Giải thích sự thành công của 40 năm qua bằng Mô Hình Trung Quốc là một việc làm không những đi lạc hướng, mà còn tạo nguy hại vô cùng cho tiến trình phát triển của Trung Quốc bởi hai lí do:

Thứ nhất: Về mặt đối nội việc tuyên truyền cho một „Mô Hình Trung Quốc“ sẽ cản bước tương lai của chúng ta. Nhắm mắt theo nó có nghĩa là tiếp tục đẩy mạnh các đại công ti quốc doanh, tiếp tục tăng cường quyền lực nhà nước và tin tưởng vào chính sách công nghiệp của nhà nước. Như vậy là đi ngược lại tiến trình mở cửa và đổi mới đã có. Đường lối này rốt cuộc sẽ dẫn tới ngưng đọng kinh tế.

Thứ hai: việc tuyên truyền cho „Mô Hình Trung Quốc“ sẽ tạo nên phản ứng báo động và chống đối nơi người ngoài. Nó dẫn tới sự vong thân giữa Trung Quốc và phương tây và thế nào cũng gây nên sự đối đầu giữa hai phía. Cái không khí bất thân thiện mà chúng ta hiện nay đang rơi vào cũng là hậu quả gián tiếp của chính sách này. Phương tây coi „Mô Hình Trung Quốc“ đồng nghĩa với chế độ tư bản nhà nước, một chế độ không tương hợp với nền thương mại lương thiện trong một thế giới hoà bình. Vì thế, theo cái nhìn của phương tây, không thể nào để cho cái chế độ đó tiếp tục hoành hành.

Chẳng có cái „Mô Hình Trung Quốc“. Nhưng việc diễn giải sai về dữ kiện có thể tạo ra những dữ kiện mới. Khi thấy một người chạy nhanh và người đó không có tay, ta đi đến kết luận, nhờ không có tay nên người đó chạy nhanh, thì điều đó cũng có thể có nghĩa là mình đang hô hào người khác chặt tay đi để mà chạy.

Nhiều nhà chuyên môn lầm rằng, Trung Quốc phát triển là nhờ chế độ tư bản nhà nước. Sai. Sự phát triển của Trung Quốc không phải nhờ chế độ tư bản nhà nước, mà là do việc họ chẳng quan tâm gì tới chế độ đó.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC