Thư ngỏ của Bộ Trưởng Bộ Các Giám Mục gởi Tổng Giám Mục C.M.Viganò

11/10/20189:42 CH(Xem: 2324)
Thư ngỏ của Bộ Trưởng Bộ Các Giám Mục gởi Tổng Giám Mục C.M.Viganò
Thư ngỏ
của Bộ Trưởng Bộ Các Giám Mục
gởi Tổng Giám Mục C.M.Viganò


Bạn đồng sự Carlo Maria Viganò thân mến,


Trong lá thư sau cùng của Anh gởi tới các cơ quan truyền thông, trong đó Anh tố cáo giáo tông Phan-sinh và giáo triều Roma, Anh có yêu cầu tôi hãy nói lên sự thật về các sự kiện mà Anh nghĩ đó là những dấu chỉ của một sự suy đồi bản địa đã thấm vào trong hàng giáo phẩm – và ngay cả vào trong những cấp cao nhất. Với sự cho phép của Giáo Tông và với tư cách Trưởng Bộ Giám Mục, ở đây tôi muốn đưa ra chứng từ cá nhân của mình về những gì có liên quan tới McCarrick, Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu của giáo phận Washington, và các liên lạc nghe nói đã có giữa ông và giáo tông Phan-sinh.

Đó là những gì mà Anh đã dùng để làm căn cứ cho những tố cáo công khai của Anh và để Anh yêu cầu đức Thánh Cha từ chức. Tôi viết chứng từ này dựa trên nền những liên lạc cá nhân và trên các tài liệu lưu trữ của Bộ Giám Mục. Các tài liệu này hiện đang được rà soát kiểm tra, để làm sáng tỏ trường hợp đáng buồn này.

[Trước hết, vì mối quan hệ hợp tác vốn tốt đẹp giữa chúng ta khi Anh là sứ thần tại Washington, cho phép tôi nói với Anh với tất cả tâm thành, rằng quan điểm hiện tại của Anh đối với tôi thật không thể nào hiểu nổi và cực kì đáng trách, không chỉ vì nó gieo rắc rối loạn nơi dân Chúa, nhưng  những cáo buộc công khai của Anh cũng làm tổn hại nghiêm trọng tới danh tiếng của các giám mục, những người kế vị các Tông Đồ] (*). Tôi nhớ về cái thời mà tôi còn được Anh trân trọng và tin tưởng. Nhưng giờ đây tôi phải xác nhận rằng, tôi không còn phẩm cách gì nữa trong con mắt của Anh – chỉ vì tôi vẫn tiếp tục trung thành với những đường lối của đức Thánh Cha trong công tác phục vụ Giáo Hội mà ngài giao phó cho tôi. Phải chăng sống kết hợp với người kế vị thánh Phê-rô chẳng phải là dấu chỉ mình đang vâng lời đức Ki-tô, Đấng đã chọn ngài và đang nâng đỡ ngài? Tôi hiểu thông điệp Amoris Laetitia, tài liệu mà Anh chỉ trích, trên nền tảng sự trung thành với truyền thống sống động, mà giáo tông Phan-sinh vừa mới đây đã minh chứng qua việc ngài cho sửa giáo lí công giáo về án tử hình.

Nhưng ta hãy trở về với các dữ kiện. Anh nói, Anh đã thông báo cho giáo tông Phan-sinh vào ngày 23 tháng Sáu năm 2013 về trường hợp của McCarrick trong một buổi hội kiến mà Phan-sinh lần đầu tiên đã mở ra với Anh và với các sứ thần tòa thánh. Tôi có thể mường tượng, là đức Thánh Cha hôm đó đã phải đối diện với một lượng thông tin miệng và chữ viết cùng với một lượng người và cảnh huống lớn lao như thế nào. Tôi không tin McCarrick: một Tổng Giám Mục già về hưu 82 tuổi, từ bảy năm nay chẳng còn giữ một trách vụ nào nữa - đã mong muốn gặp ngài, như Anh viết. Vì thế, trong những huấn giáo chữ viết, mà Bộ Giám Mục trao cho Anh hôm khởi đầu sứ vụ của Anh vào năm 2011, cũng đã không có một chữ nào đề cập tới McCarrick – tôi chỉ thông báo miệng cho Anh về tình trạng của vị Giám Mục nghỉ hưu này, một người đang phải chấp hành một số điều kiện và hạn chế nào đó vì những đồn đoán về hạnh kiểm của ông trong quá khứ.

Kể từ khi tôi làm trưởng Bộ này vào ngày 30 tháng Sáu năm 2010, tôi đã không bao giờ đưa trường hợp của McCarrick vào trong các buổi diện kiến với giáo tông Biển-đức XVI. hay giáo tông Phan-sinh. Tôi chỉ đề cập tới trường hợp này kể từ sau khi ông ấy bị loại ra khỏi Đoàn Giáo Trụ (Hồng Y).

Để tránh xẩy ra tiếp những lời đồn đãi, cựu Giáo Trụ đã nghỉ hưu từ tháng Năm 2006 này đã được yêu cầu cặn kẽ, là không du hành đây đó nữa và không xuất hiện trước công luận. Bảo những biện pháp này là „các hình phạt“ do giáo tông Biển-đức XVI. đã ra cho ông và đã được giáo tông Phan-sinh xóa bỏ là sai. Sau khi duyệt lại các tài liệu thư khố, tôi không thấy có tài liệu nào mang chữ kí của hai giáo tông liên quan tới vụ việc này, và cũng chẳng thấy một ghi chú nào của vị tiền nhiện của tôi là giáo trụ Givanni Battista Re sau khi tiếp kiến giáo tông, trong đó nói tới việc đe dọa hình phạt kỉ luật bắt im lặng và rút vào đời sống riêng đối với tổng giám mục nghỉ hưu McCarrick cả.

Lí do là vì, khác với sự hiểu biết của ngày nay, thời đó đã không có đủ chứng cớ buộc tội đương sự. Do đó Bộ đã có một quyết định thận trọng và đã có những lá thư, trong đó tôi và vị tiền nhiệm của tôi – thông qua việc chuyển tin của sứ thần Pietro Sambi và sau đó của chính Anh - đã cảnh cáo McCarrick hãy lui vào cuộc sống cầu nguyện và thống hối, vì ơn ích cho chính ông và cho Giáo Hội.

Giả như chúng tôi đã có được những nguồn tin khác và có được những thông tin mới và quyết định về hạnh kiểm của đương sự, thì chúng tôi đã có những biện pháp kỉ luật mới cho ông. Cũng như rất nhiều người khác tôi hi vọng rằng, các cuộc điều tra hiện nay ở Washington và ở giáo triều, vì sự tôn trọng các nạn nhân và vì công lí, sẽ sớm có được cái nhìn toàn diện nghiêm chỉnh về các diễn tiến và hoàn cảnh của trường hợp đau buồn này, để trong tương lai không còn xẩy ra những trường hợp như thế nữa.

Tại sao McCarrick lại cứ được thăng tiến?

Tại sao nhân vật trong Giáo Hội này, một người mà ngày nay ta nhận ra có những mâu thuẫn như thế, lại được tiếp tục thăng tiến nhiều lần, ngay cả được đưa lên vị trí tổng giám mục giáo phận Washington và được đội mũ giáo trụ? Chính tôi cũng ngỡ ngàng điều đó, và phải xác nhận rằng, là đã có những lầm lẫn trong tiến trình bổ nhiệm đối với trường hợp này. Ở đây không cần đi vào chi tiết, nhưng ta cũng phải hiểu, là các quyết định của giáo tông dựa trên các thông tin có được trong một thời điểm nhất định và chúng là kết quả của một phán đoán cẩn trọng, nhưng không phải là không thể sai lầm.

Tôi coi là bất công, khi Anh cáo buộc những người có trách nhiệm về tiến trình quyết định trước đây là hư đốn; trong trường hợp cụ thể này, lẽ ra trước khi đưa ra cáo buộc Anh cần phải tìm hiểu kĩ hơn mấy chứng cứ do các người chứng cung cấp. Ngoài ra tổng giám mục McCarrick cũng đã phản biện một cách tài tình trước những gì người ta cáo buộc ông.

Mặt khác, ở Vatican có thể có những người có sai phạm trong vấn đề tình dục hoặc họ ủng hộ một quan điểm tính dục trái với giá trị của Tin Mừng. Nhưng điều đó không cho phép chúng ta đưa ra những kết luận tổng quát hoá hoặc tố cáo người này người kia – kể cả chính giáo tông – là bất xứng hoặc đồng loã. Chính những người phục vụ chân lí phải là người tìm cách chống lại sự vu khống và phỉ báng chứ!

Anh cựu Sứ Thần thân mến, tôi muốn nói thẳng với Anh: Tôi thật không thể nào tin và hiểu nổi việc Anh cáo buộc giáo tông Phan-sinh đã cố tình che đậy một nhân vật lạm dụng tình dục nào đó, và vì thế đã đồng loã với vòng tha hoá càng ngày càng lan rộng trong Giáo Hội, và như vậy ngài không còn xứng đáng để tiếp tục chương trình cải tổ của mình với tư cách là người mục tử tối cao trong Giáo Hội.

Tôi không thể nào hiểu được, từ đâu Anh lại đưa ra sự cáo buộc quái đản thiếu mọi bằng chứng đó. Giáo tông Phan-sinh chẳng có liên quan gì tới việc cất nhắc McCarrick (lên làm giám mục coi sóc giáo phận, ghi chú của người dịch) ở New York, Metuchen và Washington. Ngài là người đã cất tước giáo trụ khỏi đương sự, khi ngài có được bằng chứng đáng tin cậy về lời tố cáo lạm dụng tình dục một trẻ vị thành niên.

Tôi cũng chưa bao giờ nghe giáo tông Phan-sinh đề cập tới vị tự xưng là cố vấn của giáo tông đó khi ngài bổ nhiệm các giám mục ở Hoa-kì – mặc dù đối với một vài vị thân tín trong giáo triều ngài chẳng bao giờ dấu diếm những chuyện như thế. Tôi đoán Anh không có cảm tình với một vài người trong số những vị đó và các bạn của Anh, những người vốn chia sẻ cách diễn giải các sự kiện của Anh, cũng không thích họ. Nhưng việc Anh lợi dụng vụ bê bối lạm dụng tình dục ở Hoa-kì để giáng một đòn dữ dội và chẳng đáng một tí nào lên uy tín đạo đức của thượng cấp của mình là Giáo Tông Roma, quả là điều đáng ghê tởm.

Tôi có may mắn hàng tuần được gặp và trao đổi nhiều lần với giáo tông Phan-sinh về việc bổ nhiệm giám mục và những vấn đề liên quan tới việc hành xử sứ vụ của họ. Tôi hiểu khá rõ thái độ và hành vi của ngài đối với con người và đối với những vấn đề: nhiều bác ái vị tha, thương xót, thành tâm và quan tâm lắng nghe, như chính Anh hẳn cũng đã cảm nhận được. Khi đọc hết đoạn thông điệp – được coi là tâm linh – cuối cùng của Anh, trong đó Anh cười cợt đức Thánh Cha và hồ nghi về đức tin của ngài, tôi thấy nó quả thật là cay cú, nếu không nói là phạm thượng! Điểm này không thể nào đến từ Thánh Linh.

Người anh em thân mến, tôi muốn thật sự giúp Anh tìm lại sự hiệp nhất với người vốn là bảo đảm khả mục cho việc hiệp nhất của Giáo Hội công giáo. Tôi biết, con đường phục vụ Tòa Thánh của Anh có trải qua cay đắng và thất vọng. Nhưng Anh không thể kết thúc cuộc đời linh mục của mình trong sự chống đối công khai và đầy tai tiếng như thế, một sự chống đối gây thương tích đau đớn cho Giáo Hội; Anh bảo, Anh phục vụ Giáo Hội tốt hơn, song thật ra Anh đang làm cho dân Chúa chia rẽ và rối loạn trầm trọng hơn!

Tôi không thể trả lời Anh khác hơn điều này: đừng trốn tránh nữa, hãy chấm dứt nổi loạn và trở về làm lành lại với đức Thánh Cha chứ đừng tiếp tục gây hấn ngài. Làm sao Anh có thể dâng thánh lễ và có thể đọc tên ngài khi xướng kinh tiền tụng?  Làm sao Anh có thể lần hạt, có thể kêu cầu tổng lãnh thiên thần Mi-ca-e và mẹ Maria, đồng thời kết án kẻ mà hai Đấng ấy che chở và đồng hành mỗi ngày trong công tác phục vụ can đảm và nặng nề của ngài?

Nếu như Giáo Tông không phải là con người của cầu nguyện; nếu như ngài hám tiền bạc, thiên người giàu tránh người nghèo; nếu như ngài không mệt mỏi bỏ công sức ra dùng lời và cử chỉ để rộng lượng an ủi những người đau khổ; nếu như ngài không nỗ lực bằng mọi cách, để loan báo và thông truyền niềm vui tin mừng cho tất cả những người ở khắp mọi biên cương và ở trong Giáo Hội; nếu như ngài không đưa tay ra cho những gia đình, cho những người già bị bỏ rơi, cho những kẻ đau yếu tinh thần lẫn thể xác, đặc biệt cho những người trẻ trên đường tìm hạnh phúc, thì có lẽ ta nên thay ngài bằng một ai khác, một người – mà theo lời Anh – có khả năng ngoại giao và chính trị hơn. Nhưng tôi thì không thể nghi ngờ gì về con người toàn vẹn của ngài, về sự hi sinh vì công việc và nhất là về đặc sủng và bình an mà ngài đã nhận được do ân sủng của Thiên Chúa và do sức mạnh của Đấng Phục Sinh.

Viganò thân mến, như một câu trả lời cho sự xúc phạm bất công và vô lí của Anh tôi đi đến kết luận như thế này: lời cáo buộc của Anh là một câu truyện dàn dựng với tính toán chính trị; nó chẳng có một yếu tố nền tảng nào có thể quy lỗi cho Giáo Tông; nhưng – tôi nhắc lại – nó tạo tổn thương nặng nề cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Cầu xin Thiên Chúa giúp mau chóng chữa lành nỗi bất công này và cầu mong cho giáo tông Phan-sinh vẫn tiếp tục được công nhận như là chính ngài: một người chăm sóc tinh thần tuyệt vời, một người cha cương quyết và thương xót, một hồng ân tiên tri cho Giáo Hội và thế giới. Mong rằng ngài sẽ tiếp tục công cuộc cải tổ truyền giáo, mà ngài đã bắt đầu, với niềm vui và lòng tin tưởng – được an ủi bởi lời cầu nguyện của dân Chúa và bởi sự đoàn kết mới mẻ của toàn thể Giáo Hội, kết hiệp với đức Maria, Nữ Vương Mân Côi thánh.


Giáo trụ Marc Ouellet

Trưởng Bộ Các Giám Mục

Ngày lễ Mân Côi, 7.10.2018


* […] Trong các bản dịch tiếng Pháp và Anh có đoạn này. Trong bản tiếng Đức không có.


(Phạm Hồng-Lam dịch theo bản tiếng Đức trên www.vaticannews.va/de)


 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC