Vụ "9/11" của Giáo Hội Công Giáo

17/09/20189:29 SA(Xem: 2513)
Vụ "9/11" của Giáo Hội Công Giáo
Vụ "9/11“ của Giáo Hội Công Giáo


Bài thuyết trình của tổng giám mục Georg Gänswein nhân buổi ra mắt cuốn sách của Rod Dreher „Phương Án Của Biển-đức – Một Chiến Lược Cho Ki-tô Hữu Trong Một Xã Hội Hậu Ki-tô Giáo“. Dreher là một tác giả người Hoa-kì; ông vào đạo Công Giáo năm 1993, nhưng đã chuyển sang Chính Thống Giáo năm 2006 vì những vụ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội công giáo. TGM Gänswein hiện giữ chức vụ Trưởng Nhà Giáo Tông, có thể nói có vai trò như một bộ trưởng nội vụ. TGM đồng thời cũng là thư kí riêng của cựu giáo tông Biển-đức XVI.


Tôi hoan hỉ nhận lời mời tới căn nhà sang trọng này, để giới thiệu sách của tác giả Rod Dreher đến từ Hoa-kì, một tác giả tôi đã nghe nói tới rất nhiều. Lí do kích thích tôi tới đây là thánh phụ Biển-đức ở Nurcia, đường lối của ngài được Rod Dreher trình bày trong cuốn sách của ông. Nhưng tôi cũng rất cảm động vì cái thời điểm được mời chiều tối hôm nay tại Roma, để chúng ta cùng có dịp gặp gỡ một tác giả gan dạ. 

Vì hôm nay là ngày 11 tháng 9, một ngày mà từ mùa thu năm 2001 người Hoa-kì chỉ còn gọi là „nine/eleven“, để tưởng nhớ lại cái bất hạnh kinh hoàng, qua đó các thành viên của tổ chức khủng bố Al Kaida đã cướp nhiều máy bay chở đầy hành khách và dùng chúng như những trái tạc đạn tấn công tại New York và Washington trước con mắt toàn thế giới. Tôi càng cúi mình trước cơn bão truyền thông trong mấy tuần qua nói về cuốn sách của Rod Dreher, thì sau khi bản phúc trình của Đoàn Bồi Thẩm về lạm dụng ở Pennsylvania được phổ biến, tôi lại phải tin rằng, cuộc hội ngộ chiều tối hôm nay như là một cảnh thiên định, qua đó Giáo Hội công giáo cũng phải thất kinh nhìn về cái „nine/eleven“ của chính mình, dù rằng thảm hoạ này không những chỉ liên hệ tới một thời điểm, mà với nhiều ngày nhiều năm và với vô số nạn nhân.

Quý vị đừng hiểu sai tôi. Tôi không muốn dùng các nạn nhân và con số của các cuộc lạm dụng trong lòng Giáo Hội công giáo để sánh với tổng số 2.996 nạn nhân vô tội đã phải chết trong cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và ở Pentagon.

(Cho tới nay) chưa ai dùng máy bay chở đầy hành khách để tấn công Giáo Hội của đức Ki-tô. Nhà thờ thánh Phê-rô cũng như các nhà thờ chính toà ở Pháp, Đức hoặc Í vẫn còn đó; chúng vẫn luôn là biểu tượng của nhiều thành phố trong thế giới tây phương từ Firenze qua Chartres cho tới Köln và München.

Tuy nhiên: Các tin tức trong thời gian qua từ Hoa-kì cho chúng ta thấy rằng, có không biết bao nhiêu tâm hồn đã bị các linh mục công giáo gây thương tích từ nan y tới chết chóc; chúng nói lên một thông điệp nguy hiểm, như thể là toàn bộ các nhà thờ ở Pennsylvania sụp đổ cùng một lúc với „Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Vô Nhiễm“ ở Washington D.C.

Ở đây tôi nhớ lại lời của giáo tông Biển-đức XVI., khi được tháp tùng ngài tới thăm Thánh Địa Quốc Gia của Giáo Hội công giáo tại Hoa-kì ngày 16.04.2008. Lời ngài tôi tưởng văng vẳng như mới hôm qua đây. Tại đây Biển-đức đã cố đánh thức các giám mục địa phương bằng những lời lẽ mủi lòng và, gập mình trước „nỗi xấu hổ sâu xa“, ngài nói tới „việc lạm dụng tình dục các trẻ vị thành niên bởi các linh mục“ và tới „nỗi đau kinh khủng, mà các cộng đoàn của quý Anh Em phải chịu, khi các giáo sĩ đã phản bội lại bổn phận và nhiệm vụ linh mục của họ bằng những hành vi vô luân quá trầm trọng đến như thế“.

Nhưng như ta thấy, những lời đó có lẽ đã chẳng mang lại kết quả. Việc than trách của đức Thánh Cha cũng như những tuyên xưng môi miệng của phần lớn các thành phần phẩm trật đã không thể cản ngăn được sự dữ.

Và giờ đây Rod Dreher hiện diện giữa chúng ta, với cuốn sách của ông mở đầu bằng câu: „Không ai đã nhìn thấy trận lũ lớn đang tới.“ Trong lời cám ơn, ông đã đặc biệt hướng nhiều tới giáo tông Biển-đức XVI. Và nơi nhiều phần cuốn sách tôi có cảm tưởng ông đang âm thầm trao đổi với vị cựu Giáo Tông, khi đề cập tới khả năng phân tích tiên tri của ngài: „Vị Giáo Tông trước đây đã nói vào năm 2012, cuộc khủng hoảng tinh thần đang tấn công phương tây là biến cố trầm trọng nhất kể từ khi Đế Quốc Roma sụp đổ vào cuối thế kỉ thứ năm. Khắp nơi tại phương tây ánh sáng ki-tô giáo đang lụi tắt.“

Vì thế quý vị cho phép tôi tiếp sau đây dùng một vài lời do miệng Biển-đức XVI. nói ra, mà tôi vẫn luôn nhớ tới, để giới thiệu cuốn sách của ông Dreher. Trên chuyến bay tới Fatima ngày 11.05.2010, ngài nói với các kí giả tháp tùng: „Chúa đã nói với chúng ta rằng, Giáo Hội luôn luôn phải chịu đau khổ bằng nhiều cách cho đến ngày tận thế… Trong những cái mới, mà chúng ta có thể khám phá ra hôm nay (trong bí mật thứ ba của thông điệp Fatima), có sự kiện này, là giáo tông và Giáo Hội không những bị tấn công từ bên ngoài. Nhưng đau khổ của Giáo Hội đến từ ngay trong lòng giáo hội. Chúng đến từ những tội lỗi nằm sẵn trong Giáo Hội. Ai cũng biết điều đó, nhưng hôm nay chúng ta thấy nó quả thật dưới một dạng đầy kinh sợ: Cuộc bách hại Giáo Hội lớn nhất không do các kẻ thù bên ngoài, song trổi lên từ tội lỗi trong lòng giáo hội.“

Lúc đó Biển-đức đã là giáo tông từ năm năm rồi. Hơn năm năm trước đó, ngày 23.03.2005 giáo trụ (hồng i) Ratzinger đã dẫn đường thánh giá ngày thứ sáu tuần thánh ở thao trường Kolosseum thay giáo tông Gio-an Phao-lô II. đang nằm chờ chết, và ngài đã suy gẫm ở chặng thứ 9: „Chúa ngã xuống đất lần thứ ba; điều này có khiến chúng ta cũng nghĩ tới sự đau khổ dường nào của chính Chúa Ki-tô vì Giáo Hội của Người không? Đã bao nhiều lần bí tích Thánh Thể đã bị lạm dụng, biết bao lần Người đã phải bước vào trong những tâm hồn trống rỗng và bẩn thỉu? Đã bao lần chúng ta dự lễ cho chính chúng ta mà thôi, hoàn toàn chẳng nhận ra Chúa? Biết bao lần chúng ta bóp méo và xuyên tạc lời Người? Chúng ta đưa ra bao nhiêu là lí thuyết, nhưng chẳng có chút đức tin gì trong đó; bao nhiêu là lời nói trống rỗng. Có bao nhiêu là dơ bẩn trong Giáo Hội và chính nơi những kẻ thuộc về Người trong chức linh mục? Bao nhiêu là kiêu căng và tự mãn? Tất cả những cái đó đều hiện lên trong đường thương khó của Người. Sự phản bội cảu các môn đồ, sự đón nhận mình và máu của Người cách bất xứng quả là niềm đau tận cùng chọc xuyên trái tim của Đấng Cứu Độ. Chúng ta chỉ có thể thốt lên tự đáy lòng sâu thẳm: Kirie eleison – Xin Chúa cứu vớt chúng con!“

Qua thánh Gio-an Phao-lô II. chúng ta học được rằng, sự đại kết chân thực và toàn thành trong giờ phút lịch sử của chúng ta là sự đại kết của các thánh tử đạo, từ đó trong cơn túng quẫn ta có thể van xin sự cầu bầu của thánh Edith Stein và thánh Dietrich Bonhoeffer trên trời. Nhưng giờ đây chúng ta biết, là cũng có một sự đại kết của khốn cùng và của phong trào tục hóa cũng như một sự đại kết của không tin và của nạn chạy trốn tập thể khỏi Thiên Chúa và khỏi Giáo Hội xuyên khắp mọi tôn giáo.

Và một đại kết của nỗ lực che lấp Chúa nói chung. Vì thế giờ đây chúng ta chỉ thấy vũng xoáy của hai dòng nước chuyển biến thời đại, điều mà Dreher đã mô tả một cách tiên tri một năm trước đây ở Hoa-kì. Ông đã nhìn thấy cơn hồng thủy đang tới!

Nhưng ông cũng xác tín rằng, Thiên Chúa bị che lấp không có nghĩa là không còn Thiên Chúa nữa, mà chỉ là việc nhiều người không còn nhận ra Thiên Chúa, vì người ta đã dựng quá nhiều bức mành che lấp Người. Ngày nay đó là mành che được đan kết bằng tội lỗi, bằng phạm pháp và bằng tội ác xuất phát từ trong lòng giáo hội; những thứ đó đã che mất sự hiện diện chói sáng của Người đối với nhiều người.

Thứ Giáo Hội quần chúng (Giáo Hội của đa số dân chúng, chú của người dịch) mà chúng ta đã sinh ra trong đó, loại mà ở Hoa-kì chưa bao có như bên Âu châu, đã biến mất từ lâu trong tiến trình che mờ đó. Quý vị nghe ra bi thảm?

Lượng người rời bỏ Giáo Hội thật bi thảm. Nhưng điều khác còn bi thảm hơn. Theo những điều tra mới nhất, chỉ còn 9,8% tín hữu tham dự thánh lễ chủ nhật trong tổng số người công giáo chưa ra khỏi Giáo Hội ở Đức.

Điều này làm tôi lại nhớ tới cuộc tông du đầu tiên của giáo tông Biển-đức hôm 29.05.2005 sau ngày được bầu, khi ngài nhắn nhủ đám đông đa số là thanh thiếu niên tụ tập trên bờ biển Adria: Ngày chủ nhật là „lễ phục sinh mỗi tuần“, nó nói lên căn cước của cộng đoàn ki-tô giáo và là tâm điểm cuộc sống và trọng tâm sứ mạng của Ki-tô hữu. Đề tài của Đại Hội Thánh Thể („Không có chủ nhật, chúng tôi không thể sống được“) gợi chúng ta nhớ về năm 304, khi hoàng đế Diokletian ra án tử hình đối với những Ki-tô hữu nào sở hữu Kinh Thánh, tụ tập nhau dâng lễ ngày chủ nhật và cung ứng phòng ốc cho những cuộc tụ tập đó.

„Nhưng ở Abitene, một làng nhỏ trong nước Tunisie ngày nay, có 49 người đã bị bắt vào một hôm chủ nhật, khi họ tụ tập dâng thánh lễ trong căn nhà của Octavius Felix và như vậy là vi phạm luật của Hoàng Đế. Người ta đưa họ tới Karthago để ông toàn quyền Anulius thẩm tra. Khi được hỏi, tại sao họ dám vi phạm lệnh Hoàng Đế, có một anh tên là Emeritus đã trả lời một câu thật lạ: Anh nói: „Sine dominico non possumus“. Có nghĩa là: Chúng tôi không thể sống được, nếu không cùng nhau dâng lễ vào ngày chủ nhật. Chúng tôi như thế sẽ không có sức, để đối diện và vượt qua được những khó khắn hàng ngày. Sau những tra tấn dã man, cả 49 tín hữu ở Abitene đều bị giết. Như vậy họ đã lấy chính máu mình để minh chứng cho niềm tin của họ. Họ chết, nhưng đã chiến thắng. Giờ đây chúng ta tưởng nhớ tới họ trong vinh quang của Chúa Ki-tô phục sinh.

Có nghĩa là điều mà chúng ta thời còn nhỏ học được trong cái gọi là Giáo Hội quần chúng quả thật là cái dấu chỉ đặc trưng cao quý nhất của Ki-tô hữu, đó là „bổn phận đi lễ ngày chủ nhật“. Và bổn phận này còn xưa cũ hơn mọi Giáo Hội quần chúng. Như vậy thì giờ đây Giáo Hội quả thật đã từ lâu rơi vào một cuộc khủng hoảng tận thế, cái khủng hoảng mà cha mẹ tôi lúc còn sống cũng đã nhận ra, khi ông bà nói tới „sự kinh tởm và phá hoại đền thánh“ – và điều này có lẽ mỗi một thế hệ của lịch sử giáo hội đều nhận ra ở chân trời của nó.

Nhưng thời gian qua thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy như mình đang trở về thời thơ ấu – trở về bên lò rèn của cha tôi ở miền rừng núi Schwarzwald, ở đó những tiếng búa nện trên đe chẳng bao giờ dứt; nhưng giờ đây cha tôi không còn có mặt đó nữa; xưa ở bên ông, tôi cảm thấy an tâm như được ở trong vòng tay của Thiên Chúa.

Những ý nghĩ trên đây chẳng phải là một mình tôi có. Tháng Năm vừa rồi giáo trụ Willem Jocobus Eijk, Tổng Giám Mục giáo phận Utrecht của Hòa-lan, cũng thú nhận rằng, cái khủng hoảng hiện tại làm ông liên tưởng tới cơn „thử thách cuối cùng của Giáo Hội“, như nó được mô tả trong điều giáo lí số 675; thử thách này Giáo Hội phải kinh qua trước khi đức Ki-tô tái lâm, nó như một cuộc thử thách làm „rung chuyển đức tin của nhiều người“. Đoạn giáo lí đó còn viết: „Sự truy nã diễn ra suốt trong cuộc lữ hành của Giáo Hội trên trần thế sẽ làm lộ ra cái `mầu nhiệm của sự dữ`.“

Cả Rod Dreher cũng biết cái „mầu nhiệm sự dữ“ này. Ông thấu hiểu nó như một tay phù thủy. Các trình thuật của ông trong những tháng vừa rồi đã minh chứng điều này, trong đó ông cũng đã soi sáng thấu đáo có lẽ hơn bất cứ một kí giả nào về chuyện tai tiếng của cựu Tổng Giám Mục giáo phận Newark và Washington. Nhưng ông không phải là một phóng viên viết phóng sự điều tra. Ông cũng không phải là tay viễn tưởng, mà là một nhà phân tích tỉnh táo, đã từ lâu theo sát tình hình của Giáo Hội và thế giới, nhưng đồng thời vẫn giữ cái nhìn đầy yêu thương như của đứa trẻ về thế giới.

Do đó Dreher cũng chẳng đưa ra một thiên tiểu thuyết về ngày tận thế như cuốn „Chúa Tể Thế Giới“ nổi tiếng của giáo sĩ người Anh Robert Hugh Benson năm 1906 vốn gây rúng động thế giới ăng-lô xắc-xông. Sách của Dreher có thể nói giống như một cuốn cẩm nang thực dụng hướng dẫn cách đóng một con thuyền Nô-ê, vì ông biết rằng, sẽ chẳng có con đập nào có thể ngăn nổi cơn hồng thủy đang nhấn chìm không phải mới hôm qua đây thế giới ki-tô giáo tây phương, trong đó theo ông, dĩ nhiên cũng gồm luôn cả Hoa-kì.

Có ba cái khác giữa Dreher và Benson: Dreher là một người Mĩ ròng, nên thực tế hơn ông người Anh Benson ở Cambridge thời trước thế chiến I. vốn hơi chút buồn rầu. Thứ hai Dreher xuất thân từ Luoisana vốn là vùng được thử thách nhiều với bão bùng. Và thứ ba Dreher không phải là giáo sĩ, mà là một giáo dân; bản phân tích của ông không do ai khác ủy thác, mà do chính ước muốn và lòng đạo uyên nguyên của mình đối với Nước Chúa. Như vậy ông là một người hành động hoàn toàn phù hợp với con người của Phan-sinh, vị Giáo Tông có lẽ có một không hai ở Roma vốn cho rằng, tâm điểm của khủng hoảng giáo hội hiện nay chính là khủng hoảng của giáo sĩ. Và như vậy lúc này là thời điểm của những người giáo dân tự tin, nhất là những người làm việc trong các hệ thống truyền thông công giáo mới và độc lập, như Rod Dreher trước mặt chúng ta là một thí dụ.

Lối diễn tả dễ dàng của ông có lẽ có liên hệ với truyền thống kể chuyện tao nhã của những tiểu bang miền nam ở Hoa-kì, mà ta nhận ra nơi Mark Twain như một khuôn mặt hàng đầu thế giới. Như tôi đã nói với quý vị, là thời gian qua tôi cứ mơ đi mơ lại về thời niên thiếu nơi lò rèn của cha tôi với những tiếng búa dập trên đe không dứt, thì ở đây tôi cũng phải thú nhận, cuốn sách dễ đọc và quan trọng này cũng lắm lúc đưa tôi trở về với thế giới phiêu lưu của tuổi thiếu niên, nơi đó tôi mơ được sống với Tom Sawyer và bạn của nó là Huck Finn.

Nhưng nơi Rod Dreher không phải là những giấc mơ, nhưng là những dữ diện và phân tích, mà ông đã kết dệt thành thơ như những câu sau: „Con người tâm lí đã chiến thắng hoàn toàn và giờ đây nó trấn ngự nền văn hoá của chúng ta – trong đó có hầu hết các giáo hội – cách thật vững vàng, như trước đây các dân Ostgoten, Westgoten, Vandalen và những dân tộc xâm lăng khác đã chiếm lĩnh phần còn lại của Đế Quốc Roma Phía Tây.“

Hay: „Các nhà khoa học, các thẩm phán, các ông hoàng bà chúa, các học giả và nhà văn của chúng ta tìm cách giật sập đức tin, gia đình, trật tự phái tính và ngay cả cái định nghĩa `con người là gì´. Đám mọi rợ thời đại hôm nay của chúng ta đã lấy những bộ quần áo kiểu và điện thoại số để thay thế cho da thú vật và ngọn dáo của thời quá khứ.“

Ông bắt đầu chương 3 cuốn sách với những dòng này: „Ta không thể du lịch về quá khứ, nhưng ta có thể du hành tới Nurcia.“ Tiếp đó ông viết – rất thời sự mà đầy tiên tri, nhưng hoàn toàn không chút nham hiểm: „Một truyền tụng kể rằng, khi tranh luận với một giáo trụ, Napoléon đã nhắc nhở cho vị này hay, là ông ta có khả năng phá tan Giáo Hội.“

Vị giáo trụ trả lời: „Thưa ngài, chúng tôi – các giáo sĩ – đã ra sức làm điều đó từ 1800 năm nay , mà vẫn không nổi. Và ngài cũng sẽ chẳng thành công đâu.“

„Bốn năm sau khi các tu sĩ biển-đức bị đuổi ra khỏi tu viện của họ ở Nurcia, Đế Quốc của Napoléon vỡ tan tành, và chính vị Hoàng Đế ngạo mạn bị đi đày. Trái lại ngày nay những bài thánh ca gregorian lại được cất lên tại thành phố quê hương của thánh Biển-đức…“. Nhưng cũng chính nơi đây vừa qua chúng ta đã nghe tiếng gầm của cơn địa chấn từ lòng đất trong tháng Tám 2016 làm rung chuyển thành phố, và chỉ trong phút chốc đã san bằng ngôi thánh đường của Thánh Nhân chỉ trừ còn mặt tiền. Cũng gần vào khoảng thời gian này cơn lũ cũng đã tràn ngập thành phố thượng nguồn sông Mississippi nơi quê hương của Rod Dreher.

Có hai cảnh bi kịch quan trọng bản lề nằm đầu và cuối cuốn sách, như đầu và cuối một kịch bản phim về chuyện thiên đình – và cũng như muốn nói lên một luận đề, mà Dreher đã đề cập ngay ở chương đầu: „Thực tế hoàn cảnh của chúng ta quả thật đáng báo động, nhưng chúng ta không được rơi vào hoảng loạn. Có một ân phúc tiềm tàng trong cuộc khủng hoảng này, nếu chúng ta chịu nhìn ra nó… Có lẽ cơn bão đang tới là một phương thế Thiên Chúa dùng để cứu chúng ta.“

Trong những ngày qua chúng ta nghe nhiều người nói tới chữ địa chấn để ám chỉ cuộc sụp đổ trong Giáo Hội; tôi giờ cũng muốn dùng chữ „nine/eleven“ để diễn tả tình trạng Giáo Hội đang trải qua.

Rod Dreher mô tả câu trả lời của các tu sĩ ở Norcia trước thảm họa đã làm tan hoang tu viện nơi quê hương của thánh Biển-đức chỉ bằng mấy câu, mà tôi muốn lặp lại ở đây vì sự thâm trầm của nó:

„Bằng cách này các tu sĩ biển-đức ở Nurcia đã trở thành dấu chỉ cho thế giới, dấu chỉ mà, khi viết cuốn sách này, tôi đã không nhìn ra được trước. Trận địa chấn xẩy ra trong đêm, nhưng khi các tu sĩ vẫn còn thức giữ giờ kinh. Họ tháo chạy ra khỏi nhà, tụ tập nhau tránh nạn trên công viên của tu viện.

Ngoảnh nhìn lại cha Cassian nhận ra cơn địa chấn có lẽ được xem là dấu chỉ của cuộc sụp đổ của nền văn minh phương tây, nhưng trong đêm hôm đó còn có một dấu chỉ thứ hai nữa, đong đầy hi vọng. Dấu chỉ thứ hai này là cuộc tụ họp muôn người chung quanh bức tượng thánh Biển-đức trên công viên và họ cùng nhau cầu nguyện. Đó là con đường duy nhất để tái xây dựng.“

Sau lời chứng của cha Cassian tôi muốn tiết lộ với quý vị, là kể từ sau khi rút lui ngày 28.02.2013, Biển-đức XVI. cũng tự coi mình là một tu sĩ già ngày đêm cầu nguyện cho Giáo Hội mẹ, cho người kết vị của mình là giáo tông Phan-sinh và cho ngai thánh Phê-rô do chính đức Ki-tô thiết lập.

Từ tu viện Mater Ecclesiae sau nhà thờ thánh Phê-rô, nếu đọc tác phẩm của Rod Dreher, có lẽ người tu sĩ già sẽ phản ứng bằng cách nhắc nhở chúng ta về bài diễn văn của ngài đọc tại Collège des Bernadins, trong tư cách đương kim Giáo Tông, trước những vị trí thức ưu tuyển nước Pháp. Đó là ngày12.09.2008, cách đây đúng mười năm. Ở đây tôi muốn trích lại vài đoạn hầu quý vị:

Trong cuộc đổ vỡ văn hóa lớn gây ra do những đợt di dân thế giới và do tiến trình hình thành những trật tự quốc gia mới, các tu viện là nơi để kho tàng văn hóa cũ sống sót, và cũng tại nơi đây một nền văn hóa mới dần dần được hình thành. Biển-đức XVI. lúc đó đã nói như thế và tự hỏi: „Nhưng chuyện đó diễn tiến ra sao? Cái gì thúc đẩy người ta bước vào các tu viện? Họ muốn gì? Họ sống ra sao? Điều phải nói trước hết và rất thực tế, là họ đã chẳng nghĩ gì tới chuyện làm văn hóa hay chuyện lưu giữ một văn hóa đã mất. Động cơ của họ thật đơn giản: quaerere Deum – kiếm tìm Thiên Chúa. Trong cơn hỗn mang thời đại, xem ra chẳng còn gì có thể đứng vững nữa, họ làm điều cơ bản nhất: nỗ lực tìm kiếm cái vĩnh viễn tồn tại, cái vĩnh viễn có giá trị, tìm kiếm chính sự sống. Họ đi tìm Thiên Chúa. Họ muốn thoát ra khỏi cái không quan trọng để tìm tới cái nền tảng, tới cái thật sự duy nhất quan trọng và đáng cậy. Họ tìm cái rốt ráo đàng sau cái tạm bợ…

Tìm kiếm Thiên Chúa và để Người gặp mình, đó là điều ngày nay cũng không kém cấp thiết hơn ngày xưa. Một nền văn hóa thuần túy thực chứng vốn tìm cách đẩy Thiên Chúa vào lãnh vực riêng tư chủ quan, vì coi đó không phải là câu hỏi khoa học, hẳn nói lên sự đầu hàng của lí trí; lí trí đã từ chối những khả thể cao nhất của nó và như thế có nghĩa là nhân bản đổ vỡ, kéo theo những hậu quả có thể rất trầm trọng. Tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng lắng nghe Người, đó là nền tảng hình thành nên văn hóa phương tây và ngày nay đó vẫn là nền tảng của một nền văn hóa đích thật.“

Đó là quan điểm của giáo tông Biển-đức XVI. nói ngày 12.09.2008 về cái „phương án“ đích thật của thánh Biển-đức ở Nurcia. Dựa theo đó, tôi chỉ còn nói được về sách của Rod Dreher, là tác phẩm không đưa ra một lời giải đã sẵn nào cả; nó không cung cấp một chìa khóa vạn năng cho mọi cánh cửa, những cánh cửa đã từ lâu rộng mở cho chúng ta nhưng giờ đây lại bị đóng sầm chặt lại. Nhưng nội dung sách đã cho chúng ta một thí dụ đích thật về cái mà giáo tông Biển-đức XVI. trước đây đã nói về tinh thần của thánh Biển-đức. Đó là một sự tìm kiếm Thiên Chúa thật sự, Thiên Chúa của I-sa-ác và của Gia-cóp, một Thiên Chúa đã tỏ lộ khuôn mặt người phàm qua dung mạo của đức Giê-su ở Na-da-ret.

Vì thế ở đây tôi còn liên tưởng tới chương 4,21 của luật thánh Biển-đức. Tuy không nói ra, nhưng điều luật này đã như một cung nhạc nền xuyên suốt cuốn sách của Rod Dreher và tạo hồn cho nó. Đó là câu nổi tiếng: „Nihil amori Christi praeponere.“ Nghĩa là không có gì vượt cao hơn tình yêu đức Ki-tô. Đó là chìa khóa cho sự thành công có một không hai của lịch sử tu viện tại phương tây.

Thánh Biển-đức ở Nurcia là ngọn hải đăng trong cuộc chuyển cư các dân tộc, khi ngài cứu Giáo Hội khỏi rơi vào dòng biến loạn của thời đại, và nhờ vậy một cách nào đó đã tạo một cái nền mới cho văn hóa phương tây.

Nhưng giờ đây chúng ta lại chứng kiến một cuộc di dân thế giới nữa, đã diễn ra lên tục từ hàng chục năm nay, không chỉ riêng ở Âu châu mà trên khắp thế giới, như giáo tông Phan-sinh đã nhận ra và không ngừng thôi thúc đánh thức lương tâm chúng ta. Vì thế lần này mọi sự cũng không khác gì lần trước.

Nếu lần này Giáo Hội không biết kêu cầu ơn Chúa để đổi mới, thì cả nền văn hóa của chúng ta lại sẽ bị lâm nguy. Nhiều người cho rằng, Giáo Hội của đức Giê-su Ki-tô chẳng còn có thể vực dậy nổi được nữa sau cơn tai ương tội lỗi này, một tai ương gần như nhấn chìm cả Giáo Hội.

Và cũng chính vì thế mà giờ đây là thời điểm thích hợp cho việc xuất hiện tác phẩm của Rod Dreher đến từ Baton Rouge, Louisana. Buổi ra mắt sách tại một địa điểm gần mộ các thánh tông đồ và giữa đêm đen gần như nuốt trửng Giáo Hội chiều tối nay mang tới cho chúng ta một thông điệp: „Giáo Hội không chết, Giáo Hội chỉ đang ngủ và đang nghỉ ngơi.“

Mà không chỉ có thế. Xem ra Dreher còn muốn nói cho chúng ta hay là Giáo Hội „còn trẻ“ nữa. Ông nói điều đó cách sung sướng thoải mái, như giáo tông Biển-đức trong ngày nhận chức 24.04.2005, khi ngài nhớ lại sự đau đớn và cái chết của vị tiền nhiệm thánh Gio-an Phao-lô, mà ngài có dịp cộng tác lâu năm. Từ công trường thánh Phê-rô ngài nói với tất cả chúng ta:

„Xuyên qua nỗi buồn về cơn bệnh và cái chết của Giáo Tông chúng ta nhận ra một điều lạ lùng: Giáo Hội vẫn sống. Và Giáo Hội còn trẻ. Giáo Hội mang trên mình tương lai của thế giới và chỉ vẽ cho từng người trong chúng ta con đường bước tới tương lai. Giáo Hội sống. Chúng ta thấy điều đó, và chúng ta cảm được niềm vui mà đấng Phục Sinh đã hứa cho những kẻ đi theo Người. Giáo Hội sống – vì đức Ki-tô sống, vì đức Ki-tô đã thật sự sống lại. Qua cơn đau trên khuôn mặt của đức Thánh Cha trong những ngày phục sinh, chúng ta nhìn ra được huyền nhiệm đau khổ của đức Ki-tô và đồng thời đụng chạm được các vết thương của Người. Nhưng trong tất cả những ngày này chúng ta cũng đụng chạm được Đấng Phục Sinh trong ý nghĩa thâm sâu của nó. Chúng ta có quyền vui mừng, sự vui mừng mà Đấng Phục Sinh đã hứa cho chúng ta như hoa trái nở ra sau một khoảnh khắc đêm đem.“

Giáo Hội được thành lập do Đấng Phục Sinh chiến thắng. Sự thật này cũng nói lên điều này: Giáo Hội sẽ chẳng yếu đi hay bị tan vỡ vì biến cố tai ương „nine/eleven“ của Sa-tăng.

Vì thế phải thú thật, là trước cuộc khủng hoảng không còn dấu diếm được với ai hôm nay tôi cũng cảm thấy đó như là một hồng ân, bởi vì nó rốt cuộc không trở thành một nỗ lực đặc biệt nào đó cho chúng ta, nhưng nó „giải phóng sự thật“, như Chúa đã hứa với chúng ta.

Trong niềm hi vọng này tôi coi tác phẩm của Rod Dreher như cuộc „thanh tẩy trí nhớ“, một nhiệm vụ mà thánh Gio-an Phao-lô II. đã ủy thác cho chúng ta, và vì thế trên nhiều phương diện tác phẩm đã giúp tôi có được những gợi ý tuyệt vời. Suốt mấy tuần qua chẳng có gì an ủi tôi nhiều hơn cuốn sách. Cám ơn quý vị đã lắng nghe.


Tổng giám mục Georg Gänswein

© 2018 KATHPRESS, Wien, Áo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC