CHÚNG TA LÀ NGÔN SỨ

15/07/201812:26 CH(Xem: 2741)
CHÚNG TA LÀ NGÔN SỨ
Bài giảng lễ Công lý và Hòa bình
(8/7/2018)
CHÚNG TA LÀ NGÔN SỨ

Hôm nay, chúng ta được mời gọi cùng hiện diện để cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cách riêng cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm sẽ phải ra tòa vào ngày 10/7 tới đây.

Có một sự trùng hợp thú vị là, ngày chúng ta cầu nguyện cho các nhà hoạt động xã hội đang bị tù đầy bất công, thì Lời Chúa ngày hôm nay cũng nhắc tất cả chúng ta về sứ mạng Ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chúng ta chịu phép rửa tội.

Chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, chúng ta là các ngôn sứ của Chúa. Tất cả chúng ta không trừ một ai: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Chúng ta tự hào vì như ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Thiên Chúa biết tôi từ khi tôi còn trong dạ mẹ. Từ dạ mẹ ngài đã thánh hiến tôi và đặt tôi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 4,1). Tất cả chúng ta ngồi đây, trong tư cách Ki tô hữu, chúng ta có quyền từ hào mà nói rằng: “Thiên Chúa biết tôi từ trọng dạ mẹ và ngài đã đặt tôi làm ngôn sứ cho chư dân”.

Chúng ta là ngôn sứ, thì cũng có nghĩa là, chúng ta phải lên tiếng, phải chấp nhận đau khổ, bị khinh khi ngay trên chính quê hương mình vì đã can đảm nói tiếng nói của sự thật, của lẽ phải, của lương tri – như Chúa nói trong bài Tin mừng hôm nay.

Chúng ta là ngôn sứ - điều ấy cũng có nghĩa là, chúng ta phải dõng dạc, can đảm lên tiếng trước những bất công. Chúng ta phải biết khóc thương cho dân tộc mình như các ngôn sứ trong Cựu ước đã khóc thương cho dân tộc họ khi dân phải lưu đầy: “Trên bờ sông Babilon, ta ra ngồi nức nở, mà tưởng nhớ Sion. Trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn…Bài ca kính Chúa Trời làm sao ta hát nổi, nơi đất khách quê người” (Tv 137).

Chúng ta là ngôn sứ điều ấy cũng có nghĩa là chúng ta phải đứng về phía sự thật, như chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến thế gian để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Chúng ta là ngôn sứ, điều ấy cũng có nghĩa là chúng ta phải lên tiếng, lúc thuận cũng như lúc nghịch, can gián nhà cầm quyền để họ biết sám hối quay về, như ngôn sứ Êdêkien được Chúa mời gọi lớn tiếng can gián và kêu gọi dân cứng đầu hãy quay về với chính đạo mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất hôm nay hay như ông Gioan Tẩy giả - vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, đã can đảm lên tiếng can gián Hêrôđê khi nhà vua cố tình vi phạm điều luật luân lý là lấy vọ của em trai mình.

Hôm nay, trong ngày cầu nguyện cho các nhà hoạt động xã hội sẽ phải ra hầu tòa ngày 10/7 tới đây, trong bối cảnh rất nhiều nhà hoạt động xã hội bị bắt bớ, đánh đập, khủng bố cách bất công; nhất là trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương, ngoại xâm đe dọa từng ngày, sự sống còn của dân tộc ngàn cân treo sợi tóc; với tư cách và trách nhiệm của một ngôn sứ của Chúa, chúng tôi muốn ngỏ lời:

1. Với những nhà lãnh đạo đất nước

Đây là những tâm sự của một công dân có đức tin; tin rằng:  Thiên Chúa là Đấng đã trao cho mọi người dân Việt Nam mảnh đất hình chữ S này làm gia nghiệp muôn đời, vì thế, mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, đảng phái chính trị; chúng ta đều cùng chia sẻ chung một vận mệnh, một dòng máu, một hạnh phúc, một khổ đau; đến độ, vô cảm với đất nước thì cũng là vô tâm với chính mình, với gia đình và con cháu mình.

Đất nước chúng ta hôm nay, bị chia rẽ trầm trọng, mạnh ai nấy sống, hèn nhát trước ngoại bang, độc ác với anh em, tham lam vô độ; non sông Việt Nam tụt hậu so với các nước, kể cả tụt hậu so với Lào và Camphuchia…chắc hẳn quý vị biết rõ, tất cả bắt đầu từ chỗ, chúng ta đã chấp nhận một ý thức hệ lầm lạc: “ý thức hệ cộng sản”. Thứ ý thức hệ “coi vật chất là trên hết” này đã giết chết mọi giá trị tinh thần, ngay cả những giá trị đạo đức căn bản, cận thân nhất là tình nghĩa gia đình, tình đồng đạo, tình anh em. Thứ ý thức hệ này, trước hết đã làm cho chính bản thân quý vị trở thành những “vong nô” trên quê hương mình, biến quý vị vô tình trở nên những Ích Tắc, những Lê Chiêu Thống, khi bằng mọi giá chủ trương “còn đảng, còn mình”. Thực ra, đảng có thể còn, nhưng đảng còn thì non sông sẽ mất, dân tộc sẽ ngày càng điêu linh và sự hy sinh của cha ông hơn bốn ngàn năm chỉ như là hoài niệm.

Chúng tôi thiết nghĩ, như các vị lãnh đạo Giáo hội chúng tôi đã từng gửi tứi quý vị những lời tâm huyết trong lá thư Góp ý về Hiến pháp 2013, ngày 1/3/2013, các ngài đã tha thiết kêu gọi, hãy can đảm bỏ đi điều 4 trong Bản hiến pháp, vì đó là điều luật vi hiến. Chính “sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất – thể hiện tại điều 4 bản Hiến Pháp, đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam” suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Theo các ngài, “Đây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật.” Vì thế, cũng theo các ngài, nếu cần một nền tảng, để xây dựng và phát triển đất nước, thì “đó phải là truyền thống văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, chứ không phải một hệ ý thức nào khác. Truyền thống văn hóa ấy đã được hình thành trải qua nhiều thế kỷ, giúp dân tộc Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước, kiến tạo lối sống đầy tính nhân văn. Nền văn hóa đó chính là nền tảng cho đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, những tư tưởng mới có thể và cần được đón nhận để bổ túc cho phong phú, nhưng không thể thay thế. Có như vậy mới mong giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc giữa những thay đổi mau chóng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay.”

Quý vị biết rõ, tiến trình dân chủ hóa đất nước là một tiến trình không thể đảo ngược. Sự phản ứng quyết liệt của người dân khắp các tỉnh thành trong cả nước vào ngày 10/6 liên quan tới Luật Đặc khu, vừa qua là một ví dụ. Đẩy thuyền là dân, thì lật thuyền cũng là dân. Bạo lực cách mạng mà quý vị đang áp dụng, những bất công mà quý vị đang gây ra cho người dân – những chủ nhân đích thật của đất nước, không phải là giải pháp. Hãy ngừng tay, đừng để cho máu đồng bào vô tội tiếp tục đổ xuống trên đất Mẹ Việt Nam này chỉ để duy trì quyền lực và bổng lộc. Quý vị biết rõ, tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn lòng nhân ái là tôn tại mãi. Hãy hạ cánh tay bạo lực xuống, để đất nước còn có tương lai.

2. Với những giáo dân Công giáo

Hôm nay, Chúa nhắc tất cả chúng ta về sứ mạng ngôn sứ, là trở nên chứng nhân của Chúa giữa một xã hội Việt Nam bị tổn thương do tội lỗi, nhất là thứ tội lỗi đã trở thành hệ thống, trở thành một “cơ chế tội ác” – một cơ chế được xây dựng trên một hệ ý thức sai lầm.

Trong một hoàn cảnh như vậy, hơn lúc nào hết, xã hội đang cần nhiều ngôn sứ, nhưng chúng ta sẽ không thể “là ngôn sứ” và “làm ngôn sứ”, nếu chúng ta không tích cực tham gia vào việc dấn thân và quản lý xã hội.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Quan tâm tới các Vấn đề Xã hội, nói rằng “Các con cái của Giáo hội phải là mẫu gương và là những người hướng đạo, vì họ được mời gọi theo chương trình đã được chính Chúa Giêsu công bố trong Hội đường Nagiaret: “Hãy loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn…công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm…” (Lc 4, 18-19). Vai  trò của họ - giáo dân, là làm sinh động các thực tại trần thế và sống trong trần thế như những chứng nhân và như những chuyên viên xây dựng hòa bình và công lý” (47).

Như vậy, việc dấn thân trong xã hội hay việc tham gia vào đời sống chính trị để cải tạo xã hội là một trong những nhiệm vụ then chốt của chúng ta, những Kitô hữu giáo dân. Đức thánh Cha Phanxicô, tại buổi đọc kinh chung với các giáo hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, ngày 16 tháng 9 năm 2013, đã nói: “Người giáo dân tốt là người biết quan tâm tới chính trị. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng “Tôi không có gì để làm trong lĩnh vực này, họ đã quản lý hết rồi…”. Trái lại, “tôi phải có trách nhiệm trong việc quản trị của họ, và tôi phải làm những điều tốt nhất để họ quản trị cho thật tốt nhất. Tôi phải làm hết sức mình bằng cách tham gia vào chính trị theo khả năng của tôi.”

Đó là lời của vị cha chung của chúng ta. Trong thực tế, sẽ chẳng có cuộc sống nào tốt đẹp cho chúng ta, nhất là cho con cái chúng ta, nếu chúng ta tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước tình hình hình bi đát của đất nước hôm nay.

Vì thế, trong ngày chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho nhà cầm quyền Việt Nam, biết sám hối lỗi lầm; nhất là cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta, là các Ki tô hữu, xin cho chúng ta, sống tình liên đới với mọi người, tích cực làm chứng cho Chúa qua việc sống sứ mạng ngôn sứ mà Chúa đã ủy thách cho chúng ta; bởi vì, như Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới mà chỉ có những con người, cùng với Chúa Giê su dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến những “vùng ven” và đi vào giữa những lấm lem của cuộc đời mới thay đổi được. Các con cũng hãy đi vào chính trị nữa, hãy đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo nhất. Tất cả các con là Giáo hội. Vậy thì, hãy đoan chắc rằng Giáo hội này được biến đổi, rằng Giáo hội vẫn còn đang sống, bởi vì Giáo hội thừa nhận chính mình bị thách thức bởi những tiếng kêu than của những người bị tước đoạt, bởi tiếng kêu của những người khốn cùng và bởi những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.” (Dẫn nhập cuốn Docat)

Xin Chúa chúc lành cho Đất nước Việt Nam chúng con. Amen!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC