Mỹ cần Ấn Độ trở thành một cường quốc

31/12/20176:43 SA(Xem: 2913)
Mỹ cần Ấn Độ trở thành một cường quốc

Mỹ cần Ấn Độ trở thành một cường quốc

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã tái xuất hiện như một cường quốc, nhưng vị thế của Ấn Độ thì lại không rõ ràng mấy.

Mir Sadat
asia


Thời đại hậu đệ nhị thế chiến đánh dấu sự khởi đầu của một trật tự thế giới mới: Pax Americana. (hòa bình trên thế giới với sự thống lãnh của Hoa Kỳ). Kể từ đó, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò trung tâm trong các vấn đề thế giới bằng cách định hình các thể chế và các quy tắc điều chỉnh cộng đồng quốc tế, đồng thời đã đề xướng xúc tiến các giá trị cốt lõi của mình như nhân quyền, dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và các đồng minh đã đối đầu với duy nhất một địch thủ có tính quy ước. Sau đó, Hoa Kỳ đã có ý định toàn cầu hóa trật tự quốc tế ấy bằng cách hội nhập những đối thủ, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc, với hy vọng họ sẽ không phá rối hệ thống này. Các cuộc đánh phá vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã đánh dấu một sự chuyển đổi không ngờ, từ tình trạng an ninh của cộng đồng quốc tế, quản trị toàn cầu và thị trường thế giới trong thập niên 90 tới tình trạng hậu-9/11, trong đó các thế lực phi chính phủ và các quốc gia bất chính có thể sử dụng loại chiến tranh bất xứng không quy ước gây bất ổn về chính trị và kinh tế toàn cầu.

Việc thúc đẩy kết nối các thị trường thế giới với nhau trong thập niên 90 đã bị thất bại thê thảm vào năm 2007. Trong năm đó cuộc khủng hoảng kinh tế đã lan rộng trên hệ thống toàn cầu, dẫn đến sự phá hủy tài chính chưa từng thấy trong nội địa các nước cũng như trên trường quốc tế. Kể từ đó, triển vọng đưa các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc vào một hệ thống quốc tế chịu ảnh hưởng lớn của Hoa Kỳ đã bị sút giảm. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này có thể buộc Hoa Kỳ phải đưa ra các quyết định khó khăn, đặc biệt là đối với chiến lược cưỡng ép của Trung Quốc đang làm suy yếu lợi ích của Mỹ ở vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương. Bài viết này đề cập đến ý nghĩa địa chiến lược của Ấn Độ đối với các lợi ích của Hoa Kỳ, vai trò của Ấn trong khu vực Ấn Độ-Thái bình Dương và đưa ra các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.


Tầm quan trọng của địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương


Hoa Kỳ đã dùng thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" để phản ánh một địa hình mới của vùng Ấn- Á,  vốn có tính chiến lược do được bao bọc bởi Ấn Độ ở phía tây, Hoa Kỳ ở phía đông, Nhật Bản ở phía bắc, và Úc ở phía Nam. Đối với Ấn Độ, cấu trúc Ấn Độ-Thái Bình Dương xác nhận hình ảnh của mình như là một cường quốc, xứng đáng được tôn trọng. Đối với Hoa Kỳ, cấu trúc Ấn Độ-Thái Bình Dương phản ánh trách nhiệm rộng lớn của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ và nền tảng của uy lực Hoa Kỳ về hàng hải. Đối với Nhật Bản, nó là rào cản cho việc Trung Quốc trở thành quốc gia chiếm ưu thế ở vùng Đông Á. Về phía Úc, nó thể hiện bản chất hai đại dương của nước Úc và củng cố vị trí của Tây Úc trong liên minh này. Đối với cả ba quốc gia, cấu trúc Ấn Độ-Thái Bình Dương khẳng định những nỗ lực của mỗi nước nhằm tăng mối quan hệ với một Ấn Độ đang lên. 

Vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương chiếm hơn 51 phần trăm bề mặt trái đất và bao gồm khoảng một nửa dân số thế giới. Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có nhiều người sinh sống hơn bất cứ nơi nào khác trên hành tinh này. Liên Hiệp Quốc đã dự đoán rằng đến năm 2050 thì cứ trong mười người sẽ có 7 người sinh sống ở đây. Điều này giải thích tại sao phần lớn các thành phố trong số 38 thành phố lớn (có dân số trên 10 triệu người) tọa lạc ở đó. Hơn nữa, bảy trong số các thị trường phát triển nhanh nhất nằm ở khu vực này. Hàng năm, có 100.000 tàu thương mại đi xuyên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua eo biển Malacca- khoảng 25% thương mại thế giới. Các ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội cũng được phát triển theo đà kinh tế phồn thịnh.

Bảy trong số mười quân đội lớn nhất trên thế giới hiện nằm ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và 26 trong số 36 quốc gia trong vùng có quân đội. Hầu hết các nước này có quân đội chủ yếu nhưng cũng đang gia tăng khả năng hải quân của họ. Đặc biệt là Ấn Độ đang thiết kế việc hiện đại hóa quân sự của mình nhằm tăng trưởng các lực lượng bộ binh và hải quân để trở thành một cường quốc.


Ấn Độ như một cường quốc


Vào tháng 8 năm 2017, Ấn Độ được xếp hạng trong số bốn quân đội hàng đầu thế giới. Ấn Độ có quân đội tại ngũ lớn thứ hai thế giới với khoảng 1,4 triệu nhân sự. Số quân dự bị, gần 2,8 triệu người, gần gấp đôi số nhân viên tại chức. Năm 2016, Ấn Độ có ngân sách quốc phòng lớn đứng hàng thứ năm chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ả-rập Saudi.


Trong năm năm qua, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Sau Nga, Hoa Kỳ là nước cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ hai cho Ấn Độ. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã tăng cường mua sắm từ các công nghệ và các công ty quốc phòng của Hoa Kỳ - từ hầu như không có gì lên đến hơn 14 tỷ đô la trong các hệ thống chủ lực. Sự tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ phụ thuộc vào một loạt các công nghệ về hàng không, hoán chuyển và hạt nhân, hàng hải và hàng không quốc phòng.

Theo các nguyên tắc của “Chiến dịch sản xuất tại Ấn Độ", Ấn Độ đang cân bằng sự mua sắm này với việc sản xuất quốc phòng nội địa để tiêu dùng trong nước và doanh thu quân sự nước ngoài. Ngoài ra, Ấn Độ đã tham gia các cuộc tập trận chung và đào tạo với Nhật Bản và Hoa Kỳ, và, với vai trò là thành viên của các hội đàm về an ninh bốn bên, cả ba đang cùng tái tập trận với Úc.


Với mục đích chiếm cương vị tối ưu trên Ấn Độ Dương, việc Ấn Độ sẵn sàng huy động các lực lượng ra ngoài vùng biên giới đã trở nên then chốt trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và giữ gìn trật tự hiện có trong khu vực. Để hỗ trợ mục tiêu này, Ấn Độ muốn tăng doanh số bán vũ khí hàng năm từ 150 triệu đô-la lên 3 tỉ đô-la mỗi thập kỷ. Ấn Độ sẽ cần phải gia tăng các dịch vụ và số lượng người mua hàng trong khu vực một cách triệt để.

Ấn Độ không cho rằng sự hợp tác hàng hải của mình với các quốc gia trong vùng và các nước có lực lượng hải quân hùng mạnh được lèo lái chỉ bởi nhu cầu bảo đảm các tuyến đường biển hoặc để chống cướp biển, buôn bán súng ống và buôn lậu. Cơ bản là các động thái hàng hải của Ấn Độ là nhằm để thể hiện rõ sự hùng mạnh và đồng đẳng với Trung Quốc. Ấn Độ đang trên đường tăng trưởng và đòi hỏi một nơi chốn cần thiết để thỏa mãn các tham vọng quân sự và kinh tế của mình.


Là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ là hơn 2 ngàn tỷ đô la, vượt qua ít nhất hai nền kinh tế thành viên của nhóm G7. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dự đoán rằng, đến năm 2029, Ấn Độ sẽ trở thành thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự sụt giảm ở Nga, Trung Quốc và Ba Tây sẽ làm tăng thị phần của Ấn Độ trong GDP toàn cầu.


Địa lý khu vực của Ấn Độ và dân số trẻ tuổi mang lại những thách thức và cơ hội cho sự tăng trưởng kinh tế. Liên Hiệp Quốc dự báo rằng đến năm 2024, Ấn Độ sẽ trở nên đông dân hơn Trung Quốc, chủ yếu là do cấu trúc tuổi trẻ hơn. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ được ước tính từ 130 đến 400 triệu người, và các phỏng định gần đây cho thấy tầng lớp này đang tăng tiến và nắm giữ thị trường. Nếu muốn cải thiện thương mại và các mối quan hệ kinh tế, thì Ấn Độ sẽ cần phải tăng khả năng tiếp cận thị trường.


Các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ


Chiến lược của Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump chủ trương nên nhằm bảo vệ hệ thống toàn cầu hiện tại – vốn không vẹn toàn như các quy luật của mọi trò chơi – nghĩa là chống lại tình trạng  cướp phá mà không cần phải gây mâu thuẫn với các đối thủ gần như đồng đẳng với mình. Hoa Kỳ cần thúc đẩy tính hiện thực và các thuộc tính mạnh mẽ trong cách tiếp cận với các liên kết nhiều uy thế hơn và các hệ thống quốc tế. Hoa Kỳ phải nhận ra điều này bằng cách thừa nhận rằng không lâu nữa một trật tự toàn cầu tự do sẽ không chỉ bao gồm tất cả các cường quốc lớn. Hoa Kỳ cần phải mạnh dạn hiểu rằng cần phải có những nỗ lực vất vả để bảo vệ trật tự hiện tại chống lại những thách thức từ các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Điều này đòi hỏi phải thực hiện các bước khó khăn nhưng cần thiết, chẳng hạn như tăng cường uy thế và các biện pháp ngăn chặn của Hoa Kỳ ở các vùng Đông Âu và Tây Thái Bình Dương. Nó bao gồm việc tập hợp cổ động các đối tác cũ và mới nhằm chống lại mối đe doạ do chủ nghĩa bá quyền khu vực gây ra. Nó cũng có nghĩa là tỏ sự sẵn lòng để đối phó với những thách thức của các nước có chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã tái xuất hiện như một cường quốc, nhưng vị thế của Ấn Độ thì không rõ ràng lắm. Điều quan trọng là Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ cần hành động theo phương châm "tự do và mở rộng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương" mà họ đã chọn để thúc đẩy lợi ích chung trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải tiếp tục mời gọi các lực lượng quốc phòng của Ấn Độ vào các cuộc đối thoại khu vực, các cuộc tập trận quân sự, đồng thời hỗ trợ Ấn Độ cải thiện việc tích hợp các thiết bị sẵn có nhập từ Nga, Anh, Pháp, Đức, Israel, Nhật Bản và Mỹ. Ấn Độ phải giảm sự phụ thuộc vào việc mua bán vũ khí quân sự của Nga. Hoa Kỳ phải hỗ trợ doanh số quân sự với giá phải chăng cho Ấn Độ, đặc biệt là khi nước này trở nên hợp nhất hơn trong các hoạt động với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Để hỗ trợ cho Chiến lược của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Nam Á, Hoa Kỳ phải giúp Ấn Độ thoát khỏi mối quan ngại với Pakistan bằng cách tiếp tục áp lực với Islamabad về tầm quan trọng của việc ngăn chặn Taliban và các tổ chức khủng bố khác đang nhắm mục tiêu vào Ấn Độ và các lợi ích kinh tế của nó ở Nam Á và Trung Á. Điều quan trọng là giảm bớt gánh nặng ở sườn phía tây của Ấn Độ bằng cách buộc Pakistan làm nhiều hơn, để Ấn Độ có thể tập trung vào phía đông.


Những nỗ lực quân sự với Ấn Độ phải được kết hợp bằng những nỗ lực ngoại giao và kinh tế. Ấn Độ không phải là thành viên của Nhóm 7 (G7), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), hay Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), là tổ chức kinh tế quan trọng nhất của châu Á. Trong nhiều năm nay, cả các nhà phân tích Ấn Độ và Mỹ đã nêu lý do ủng hộ cho việc Ấn Độ gia nhập vào một hoặc tất cả các tổ chức này.


Hoa Kỳ nên hỗ trợ cho việc Ấn Độ trở thành thành viên của G7, hỗ trợ nỗ lực để trở thành thành viên  thường trực không có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC), và hỗ trợ nỗ lực gia nhập APEC của Ấn Độ . Trong khi Trung Quốc có thể chịu thử những nỗ lực này,  Pakistan sẽ phản ứng dữ dội  vì một Ấn Độ có quyền lực sẽ đe dọa sự tồn tại của Pakistan. Một Ấn Độ được nâng cấp sẽ cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và gửi một thông điệp mạnh mẽ về chế độ dân chủ, các hoạt động tự do hàng hải và thương mại mở rộng. Một nước  Ấn Độ dân chủ và đa dạng - một quốc gia cung ứng sự thịnh vượng kinh tế cho người dân – sẽ là một mô hình thay thế cho các mô hình độc tài hiện đang thu hút các quốc gia đang phát triển.


Tiến sĩ Mir Sadat là một sĩ quan hải quân hiện đang được trực thuộc Trưởng Bộ phận Điều Hành Hải quân. Ông có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm về các chủ đề địa chiến lược ở Trung Đông / Nam Á. Ý kiến của ông là của riêng ông và không phản ánh chính sách hoặc quan điểm chính thức của Hải quân Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ hoặc bất kỳ phòng ban hay cơ quan nào của Hoa Kỳ.

25 tháng 12 năm 2017


Phạm Thiên Phước diễn dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC