Tin Mừng Gio-an: Bản Tin Mừng Lạ Lùng Nhất

27/12/20179:07 SA(Xem: 2135)
Tin Mừng Gio-an: Bản Tin Mừng Lạ Lùng Nhất

Tin Mừng Gio-an:

Bản Tin Mừng Lạ Lùng Nhất


bWvMISR-5K7mTVHG0XTSg7PgvBSsEzdhIZF8mgZsaA41itU6FY8dbYpFSHXmV92VDWvnvPlvjGJkBF5h0oKo3ow8CossY01KVP9_MDSIUnpcEdlJ_m5Cv_063nMmeHntGNlSD7Ml



Tin Mừng Gio-an hoàn toàn khác với các bản Tin Mừng còn lại trên mọi bình diện: Nó mở đầu một cách khác, được viết với một văn phong khác và có nhiều chi tiết mà trong các bản Tin Mừng khác không có. Cho tới nay đây là bản văn lạ nhất trong bốn bản văn. Không chỉ lạ vì nguồn gốc tác giả chưa rõ, mà cả về văn chương lẫn tư tưởng thần học của nó.

Đây là bản Tin Mừng được viết trễ nhất – hình thành trong khoảng từ năm 80 tới 100 sau công niên. Nó trước hết không phải là bản văn dành cho những kẻ nhập môn: Muốn hiểu nó, cần phải nắm vững trước các kiến thức về đức Giê-su trong các Tin Mừng „nhất lãm“ (của Mát-thêu, Luca và Mác-cô);  Tin Mừng này kể chuyện với những trọng điểm hoàn toàn riêng – đặc biệt nó nhấn mạnh tới niềm xác tín đức Giê-su Ki-tô là Lời nhập thể của Thiên Chúa. Đây là Tin Mừng nặng tính „thần học“ nhất, nhưng được viết với văn phong đơn giản dễ hiểu và rất đậm chất tâm linh – vì thế, theo nhà Tân Ước học Thomas Söding, bản văn này cũng thích hợp cho những kẻ nhập môn và đặc biệt cho việc dạy giáo lí.

 

Tin Mừng Gio-an có những lôi cuốn lạ lùng, là vì trong đó đức Giê-su đã có những lời thật rõ ràng về chính Người như „Thầy là đường, là sự thật và là sự sống“ (Ga 14,6), „Thầy là cây nho, anh em là cành“ (Ga 15,5) và „Tôi là bánh trường sinh; ai đến với tôi sẽ không bao giờ đói nữa" (Ga 6,34). Bên cạnh những câu độc thoại và phát biểu về mình, còn có những cuộc đối thoại nổi tiếng, chẳng hạn cuộc trò chuyện với chị phụ nữ ở Samarita bên giếng Gia-cóp (Ga 4), với chị Maria Mác-đa-la trong vườn sau khi Người phục sinh (Ga 20) hoặc như việc Người gạn hỏi ba lần về tình yêu của ông Phê-rô đối với Người trong phần đoạn cuối của Tin Mừng.  


Chỉ dấu phép lạ đồng thời cũng là sự phê bình việc tin vào phép lạ


Trong số bảy „dấu chỉ“ được trình thuật trong Tin Mừng Gio-an chỉ có ba xuất hiện trong các Tin Mừng nhất lãm. Phép lạ nổi tiếng nhất và cũng là đầu tiên trong Tin Mừng Gio-an là chuyện nước hoá thành rượu trong tiệc cưới ở Ca-na (Ga 2), và phép lạ cuối cùng là việc đánh thức La-da-rô (Ga 11). Ở đây Tin Mừng đặt vấn đề cho chính lòng tin vào phép lạ: „Còn những điều (chỉ dấu) được chép ở đây là để anh em tin rằng, đức Giê-su là vị Thiên Sai con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống bởi danh Người“ (Ga 20,31). Bởi vì các „dấu chỉ“ hàm chứa í nghĩa thần học, nên chúng thường là cơ hội để đức Giê-su giảng dạy hoặc chính Người nói „Nếu không thấy các dấu chỉ và phép lạ, thì anh em chẳng tin“ (Ga 4,48).

Ngay phần mở đầu Tin Mừng đã là lạ: Trong khi Mát-thêu khởi đầu với gia phả của đức Giê-su, Lu-ca với biến cố giáng sinh và Mác-cô với phép rửa, thì Gio-an bắt đầu với một câu nổi tiếng có một không hai trong lịch sử văn chương: „Khởi đầu là Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa.“ Tinh tuý của bài ca này muốn nói lên rằng, đức Giê-su đã hằng có nơi Thiên Chúa Cha (đã hiện hữu từ trước) và đã làm người (nhập thể), điều này vốn luôn là í định của Thiên Chúa và Người đã hoàn tất sự tạo dựng của mình. Những chương tiếp mô tả các việc làm của đức Giê-su ở trần thế và sự mạc khải cho dân chúng (chương 2 tới 10). Chương 11 và 12 là một dẫn nhập vào bước đường thương khó: Đức Giê-su đánh thức dậy bạn mình là La-da-rô vốn đã chết từ bốn ngày và Người lên đường đi Giê-ru-sa-lem. Tiếp đó, sau cảnh rửa chân cho các môn đệ, là một bài giảng huấn dài trong khuôn khổ bữa tiệc li (cho tới chương 16) và một lời nguyện quan trọng lên Thiên Chúa Cha. Những gì diễn ra trong chương 13 tới 17 không có trong các Tin Mừng nhất lãm.


http://cf.katholisch.de/fotolia_121372463_subscription_xxl_bearb.jpg?width=750&mode=max

Thánh sử Gio-an được diễn tả bằng biểu tượng chim Ưng trong Tu Viện Gio-an trên đảo Patmos.  Fotolia.com/tauav


Cả việc thương khó, cái chết và phục sinh (chương 18 tới 20) cũng mang những nét cá biệt và đậm nét bi kịch riêng. Cảnh phiên toà xem ra như một vở kịch được liên kết bởi những ngoại cảnh và nội cảnh, trong đó xuất hiện một Phi-la-tô hoang mang đang tranh luận với đức Giê-su về vương quốc của Người và về sự thật. Qua câu „Này là Người - ecce homo" của Phi-la-tô ta thấy rõ, nạn nhân nhục nhã kia không chỉ là Thiên Chúa, mà cũng là một con người thật, một con người vẫn giữ được nhân phẩm của mình.


http://cf.katholisch.de/fotolia_121369246_subscription_xxl_bearb.jpg?width=750&mode=max

Bảng chỉ lối tới Hầm Khải Huyền trên đảo Patmos ở Hi-lạp



„Môn đệ yêu quý“ là tác giả Tin Mừng?


Cảnh thương khó trong Tin Mừng Gio-an đề cập nhiều lần tới người môn đệ yêu quý của đức Giê-su: „Khi đức Giê-su nhìn thấy Mẹ và bên cạnh đó có môn đệ mình yêu quý, Người nói với Mẹ: „Này Bà, đấy là con Bà!" (Ga 19,26). Trong phần cuối của Tin Mừng, chương 21, có nói, môn đệ này là người làm chứng „tất cả điều đó“ và đã viết lại những điều này. Từ đó Giáo Hội có truyền thống tin rằng, người môn đệ không tên tuổi kia là tác giả của Tin Mừng. Lúc đầu bản văn không có tên tác giả; từ thế kỉ thứ 2 nó được mang tên là „Tin Mừng của Gio-an“. Khoảng năm 108 giáo phụ I-rê-nê ở Lyon đã đồng hoá người môn đệ yêu quý kia với Gio-an, con ông Xê-bê-đê, người vốn được đề cập tới trong Tin Mừng nhất lãm, và với vị trưởng giáo (Presbyter) Gio-an, tác giả của các bức thư mang tên Gio-an trong Tân Ước và cũng là tác giả của Khải Huyền, cuốn sách sau cùng của Kinh Thánh.  

Vị Gio-an tông đồ được nói đến trong Tin Mừng nhất lãm trước hết là một trong những môn đồ của Gio-an Tẩy Giả, trước khi ông đi theo đức Giê-su. Gio-an và người anh là Gia-cô-bê xuất thân từ làng Betsaida và hai anh em hành nghề chài lưới. Cả hai đều rất nóng tính, được đức Giê-su gọi là „những đứa con của sấm sét“ và cả hai cùng với Phê-rô là những người gần gũi nhất với đức Giê-su. Ta không biết gì chắc chắn về số phận sau này của Gio-an. Truyền tụng cho rằng, ngài lãnh đạo Giáo Hội ở Ê-phê-sô và bị lưu đày tới đảo Patmos trong cuộc thanh trừng Ki-tô giáo dưới thời hoàng đế Domitian (năm 95 sau công nguyên); ở đó ngài viết Sách Khải Huyền và mất vào năm 100. Nhưng trong Giáo Hội vẫn luôn có sự nghi ngờ, không chắc rằng tông đồ thánh sử Gio-an cũng là tác giả của Sách Khải Huyền: Ngay từ giữa thế kỉ thứ 3 giám mục Đi-ô-ni-xê ở Alexandria đã cho hay, văn phong và nội dung của bản Tin Mừng và của Sách Khải Huyền hoàn toàn không phải là một.


Rượu Gio-an: Phong tục trong ngày lễ kính Thánh Nhân


Những nhà diễn giải Kinh Thánh theo khuynh hướng phê bình lịch sử hiện nay đưa ra nhiều lí chứng chống lại việc đồng hoá của truyền thống và cho rằng, Tin Mừng thứ tư và các thư của Gio-an được viết bởi một „trường phái Gio-an“. Chẳng hạn, họ lập luận rằng, nhân vật môn đệ yêu quý không có bằng chứng lịch sử và vị tông đồ Gio-an cũng là một nhân vật khả nghi, bởi vì nội dung với những suy tư thần học và nhiều lời tự thuật trong bản Tin Mừng thứ tư không cho thấy đó là trình thuật của một người chứng tá đồng thời với đức Giê-su thật sự. Và cuối cùng, cũng theo họ, có ít nhất là thêm một tác giả nữa, người này đã thêm vào chương 21 để tạo cho người đọc tin rằng, người môn đệ yêu quý là tác giả của Tin Mừng.

Nghĩa là còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về bản Tin Mừng thứ tư. Nhưng nhiều tín hữu trong các nước Đức, Áo và Thuỵ-sĩ lại có một sở thích hoàn toàn khác trong ngày lễ kính thánh Gio-an tông đồ (27 tháng 12): Họ mang rượu tới nhà thờ (rượu Gio-an) để được linh mục làm phép và sau đó rót cho nhau uống. Phải chăng tục này có liên hệ với phép lạ hoá rượu đầu tay ở Ca-na của đức Giê-su? Hay xuất phát từ câu „Thầy là thân nho, anh em là cành“? Không phải: Theo một truyền thuyết từ thời Trung Cổ thì thánh Gio-an bị buộc phải uống thuốc độc chết, vì không chịu tế lễ cho vị thần trong một đền thờ ở Ê-phê-sô. Và Thánh Nhân nghe đâu đã cầm thánh giá đánh vào miệng chén và thuốc độc đã biến thành con rắn chạy mất, và ngài sau đó đã uống rượu trong chén.


Agathe Lukassek. Phạm Hồng-Lam dịch.

Trích www.katholisch.de/aktuelles/aktuelle-artikel/das-theologischste-evangelium

ngày 27.12.2017

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC