Tổng thống Trump có kế hoạch như thế nào để chận bước Trung Quốc ở Biển Đông
Đó là, gia tăng sự hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam.
Phạm Thiên Phước diễn dịch
Bill Gertz
Đã từng là những kẻ thù gai góc của nhau, ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam đang gia tăng hợp tác quốc phòng và tình báo khi đối mặt với việc xâm lấn biển càng lúc càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã mở ra cho thấy kế hoạch sử dụng một chính sách ngoại giao kín đáo và các cuộc đàm phán hậu trường nhằm ngăn chặn nỗ lực chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc, khi họ tiến hành một chiến dịch bí mật xây dựng trên các hòn đảo và quân sự hóa các đảo này. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào những ngày 10- 12 tháng mười một , ông Trump đã hứa hẹn tăng cường mạnh mẽ việc hợp tác an ninh, bao gồm việc gia tăng hỗ trợ quân sự và, một việc thật đáng ngạc nhiên, là, hợp tác tình báo.
Bản tuyên bố chung Hoa Kỳ-Việt Nam vạch ra một mối quan hệ mới, trong đó “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng hai quốc gia sẽ tăng cường và từng bước mở rộng hợp tác an ninh và tình báo, tăng cường chia sẻ thông tin và liên kết huấn luyện về các vấn đề quan tâm của cả hai bên,”
Sự hợp tác về củng cố an ninh mạng - mà cả hai nước đang là đối tượng của tin tặc Trung Quốc –, là một mối quan tâm chính của cả hai quốc gia, cũng sẽ được đẩy mạnh. Hai bên sẽ trao đổi các đoàn đại biểu và chia sẻ thông tin “nhằm thúc đẩy một không gian mạng mở rộng và an toàn.” Phía Việt Nam cũng đang mưu cầu một sự hợp tác chặt chẽ hơn về các vấn đề an toàn hàng không, an ninh và chống khủng bố.
Một quan chức cấp cao của tòa Bạch Ốc trong phái đoàn cho biết vấn đề Trung Quốc xâm lấn Biển Đông và quân sự hóa các hòn đảo tân tạo nằm trong chương trình nghị sự của ông Trump với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, và khẳng định rằng “thông điệp nhất quán rất rõ ràng của Tổng Thống về tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ được tuyên bố một cách mạnh mẽ và rõ ràng,”
Quan chức này nói thêm rằng Tổng Thống Trump cũng sẽ lên tiếng về sự quan ngại của Hoa Kỳ về việc “quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông.”
Bản tuyên bố chung cho biết “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh về tầm quan trọng chiến lược của việc tiếp cận tự do và không hạn chế ở Biển Đông đối với cộng đồng quốc tế , tầm quan trọng của việc thương mại hợp pháp không bị cản trở, về sự cần thiết phải tôn trọng tự do hàng hải và không phận, và các ứng dụng hàng hải hợp pháp khác.”
Không chỉ đích danh Trung Quốc, bản tuyên bố này đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực tránh “những hành động leo thang, quân sự hóa các hòn đảo đang tranh chấp, và những yêu sách hạn chế tự do hàng hải một cách trái phép.” đồng thời cũng tái khẳng định về những nỗ lực để thảo ra một quy tắc ứng xử cho Biển Đông và cho tất cả các bên tranh chấp trong việc minh định những đòi hỏi chủ quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế.
Ông Quang cho biết ông chia sẻ quan điểm của ông Trump về các diễn biến gần đây ở Biển Đông và lưu ý rằng Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán.
Trong một nỗ lực nhằm đối phó với chương trình của Hoa Kỳ, sau cuộc viếng thăm của ông Trump, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một chuyến thăm chính thức của riêng mình.
Ông Tập đã gặp Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và sau đó phát biểu rằng mối quan hệ giữa đảng và nhà nước rất vững chắc, như Tân Hoa Xã đã đưa tin. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết Việt Nam đã đồng ý “thúc đẩy hơn nữa” mối quan hệ song phương.
Ông Tập công bố rằng cả hai nước nên bảo vệ hợp tác hữu nghị nhưng không có đề cập gì về các loại hợp tác quốc phòng và tình báo như trong bản tuyên bố chung được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh của ông Trump.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra trong tháng 4 năm 2016 khi Công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc cho chuyển một giàn khoan tới vùng biển gần cửa Vịnh Bắc Bộ, gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2014 Trung Quốc đã di chuyển thiết bị khoan đến gần vùng biển Việt Nam, khiến Hà Nội phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dời giàn khoan này.
Việt Nam và Trung Quốc ra tuyên bố chung ngày 13 tháng mười một cam kết rằng cả hai nước sẽ tránh các hành động như vậy trong tương lai.
Về phía ông Trump thì, trong các phát biểu tại Việt Nam, có ý không bàn nhiều về các tranh chấp trên biển. Ông nhấn mạnh về các kế hoạch tăng cường thương mại nhưng không đề cập đến các chiến dịch quân sự hóa trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc .
Chiến dịch đó bao gồm việc xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác tuyên bố có chủ quyền ; và trên quần đảo Trường Sa, nơi Philippines và Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tuần hành tàu chiến gần các hòn đảo để tỏ sự không thừa nhận việc Trung Quốc khẳng định các đảo này thuộc vùng lãnh hải của mình.
Trong các tuyên bố, ông Trump chú trọng về việc mất cân bằng thương mại 32 tỷ đô la giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và đồng thời công bố 12 tỷ đô la trong các thỏa thuận thương mại song phương.
Một mục chính trong chương trình nghị sự của tổng thống Hoa Kỳ trong chuyến thăm châu Á 10 ngày của ông là mưu cầu một sự hỗ trợ trong khu vực, nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và ông đã nhận được sự ủng hộ từ phía Việt Nam. Bản tuyên bố chung cho biết cả hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự “lo ngại sâu sắc” về mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.
Cách tiếp cận của tổng thống Trump đối với Việt Nam dường như có ý sử dụng thương mại và tăng cường hợp tác quốc phòng với nước Đông Nam Á này nhằm gây sức ép khiến Trung Quốc dừng bước trong việc xâm chiếm và yêu sách chủ quyền hống hách trên hầu hết biển Đông.
Bill Gertz là một nhà báo và tác giả, đã viết về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia trong nhiều thập kỷ. Ông là tác giả của sáu cuốn sách về an ninh quốc gia, bao gồm iWar: Chiến tranh và Hòa bình trong kỷ nguyên thông tin (Threshold Editions).