Khi Tà Ác chiến thắng: 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga

03/11/201710:48 CH(Xem: 5446)
Khi Tà Ác chiến thắng: 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga

Khi Tà Ác chiến thắng: 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga
lenin_gregg-678x375

Monument to Lenin in St. Petersburg (deno/us.fotolia.com); Soviet flag (dimbar76/us.fotolia.com).

Cuộc cướp chính quyền của Bolshevik vào năm 1917 nên là một dịp để hiểu rõ bản chất phi đạo đức và giả dối của chủ nghĩa Mác.



Một trăm năm trước đây vào ngày 25 tháng 10, một phong trào chính trị Marxist do một nhà hoạt động chính trị trí thức tên là Vladimir Lenin đã tiến hành cuộc đảo chánh thành công chống lại Chính phủ lâm thời yếu ớt của nước Nga. Hầu hết mọi người tin rằng Bolsheviks sẽ bị lật đổ một cách nhanh chóng. Dường như không ai nhận ra rằng nó đánh dấu sự khởi đầu của một trong những chế độ tàn ác nhất trên thế giới, một hệ thống tồn tại cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.


Những tác động của cái được gọi là cuộc Cách mạng Tháng 10 đã không thực sự được nhận biết vào thời điểm đó. Một phần vì, như nhà sử học Richard Pipes đã viết trong thiên sử thi Cuộc Cách Mạng Nga (1990), "phương Tây coi Nga nằm ở ngoại vi của thế giới văn minh", là một đất nước nằm  "giữa một cuộc thế chiến hủy hoại chưa từng thấy". Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, các bậc thầy cộng sản mới của Nga đã chỉ cho thấy họ sẽ duy trì và mở rộng quy tắc của chủ nghĩa này như thế nào, khi họ tìm cách thực hiện giấc mơ Marxist.


Một hệ phái phi đạo đức


Sự lật đổ Chính phủ lâm thời của Nga bởi Lenin và cách mạng Bolsheviks hóa ra là một động thái đẩy sập tất cả các lá bài của nhà cái. Trái ngược với các thần thoại sau này của Cộng sản, Cung điện Mùa đông ở St Petersburg đã không bao giờ bị tấn công. Sau vài chống cự yếu ớt, nó đã bị tràn ngập bởi đám quỷ hôi của và cướp bóc. Nhưng Moscow lại là chuyện khác. Cuộc xáp chiến từng nhà khốc liệt đã kéo dài đến ngày 2 tháng Mười Một.


Trong tường thuật của ông về cuộc đảo chính Bolshevik, Pipes chỉ ra rằng hầu hết mọi người không quan tâm đến những gì đang xảy ra. Đây là kết quả do Lenin và đồng nghiệp của ông, Leon Trotsky, đã mô tả thành công cuộc đảo chánh Bolshevik, như là sự tiếp quản của công nhân và quân đội Liên Xô: các tổ chức hoạt động như một loại chính phủ song song trong những tháng trước cuộc đảo chánh.


Đó chẳng phải là lời gian dối đầu tiên được tuyên truyền bởi những người Bolshevik. Ngay từ đầu, chủ nghĩa Cộng sản đã kiên quyết, và các nhà theo chủ nghĩa Mác đã tin rằng cứu cánh luôn biện minh cho phương tiện. Bằng cách này, họ ngụ ý là họ không nhận thấy bất kỳ một hạn chế đạo đức nào khi nói đến việc thâu tóm và sử dụng quyền lực để thực hiện mục tiêu của họ.


Chính Lenin đã minh họa cho điều này. Hành động của Lenin sẵn sàng dối trá, thả lỏng nạn trộm cắp hàng loạt và cho phép xử tử những người bị coi là một mối đe dọa đối với cuộc Cách mạng Bolshevik, chỉ khác với Stalin về quy mô. Giống như Stalin, Lenin, qua cách trinh bày của sử gia Pipes, là "Một người xa lạ với những day dứt đạo đức."


Nhưng từ đâu đã phát sinh ra nạn phi đạo đức căn bản? Lenin không phải là người độc ác. Ông không phải là loại quan chức mà bạn tìm thấy trong tất cả các hệ thống độc tài: những người thích thú việc tra tấn hoặc giết người hoặc giám sát các hoạt động như vậy. Lenin, như sử gia Pipes vẫn lập luận, chỉ đơn giản thờ ơ vô cảm với những đau khổ của người khác; sự vô tâm của ông đối với nỗi khốn khổ của tha nhân phản ánh niềm tin Cộng sản của ông.


Đây là một lý do tại sao tôi luôn coi những tuyên bố đại để như "Ngân là một người Cộng sản chân thành, nhưng cô ấy là một người tốt" thực sự là ngây thơ, ngu xuẩn và nguy hiểm - tương tự như gợi ý rằng "Trọng là một người phát-xít Đức Quốc Xã chân thành, nhưng ông ấy là một người tốt".


"Để trở thành một Đảng viên Cộng sản thì phải chấp nhận nhân sinh quan về con người cũng giống như những kẻ phát-xít Đức Quốc Xã đã được thuyết phục. Cụm từ "chủ nghĩa nhân bản của chủ nghĩa Mác-xít" (mà bạn vẫn nghe thấy trong các giảng đường ở Tây Âu và California hoặc các phái chính trị Cánh Tả) là thực sự tự mâu thuẫn cũng giống như "chủ nghĩa nhân bản Đức Quốc xã" vậy.


Những người viết tiểu sử có cảm tình cũng như ác cảm của Lenin đều đồng ý rằng sự chấp nhận chủ thuyết Marx của ông liên quan đến sự toàn tâm chấp nhận sự kết hợp của chủ nghĩa duy vật và quan điểm biện chứng lịch sử của chủ thuyết Marx. Sự kết hợp của những ý tưởng này dẫn đến những kết luận rõ ràng và náo loạn.


Thứ nhất, một nhà triết học duy vật thực sự không nghĩ rằng có điều gì đặc biệt về con người. Các biểu thức như "nhân phẩm", "quyền", "trách nhiệm", vv ... là các cấu trúc trống rỗng trong thế giới vật chất. Thay vào đó mọi con người chỉ là "vật chất". Như vậy, giống như bất kỳ đối tượng vật chất khác, chúng có thể được định hình và xử lý tùy thích theo ý định của những người khác. Và cách duy nhất để xác định ai sẽ là người nắn đúc và tận diệt trong thế giới này là tác nhân thâu tóm được quyền lực để làm điều đó và là tác nhân ít cân nhắc đắn đo nhất để sử dụng nó. Sự song song giữa những ý nghĩa của chủ nghĩa triết học duy vật trong Chủ nghĩa Cộng sản và sự tôn vinh hư vô của chế độ Quốc xã trong quyền lực của những người Quốc xã, thật là rõ ràng.


Vậy quan điểm của Mác xít về lịch sử nạp vào đâu ở đây? Tư duy Cộng sản chính thống cho rằng lịch sử là do những thay đổi trong phương tiện sản xuất và quyền sở hữu của nó. Vào một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ đi đến cuối cùng của lịch sử: thiên đường không tưởng của cộng sản sẽ xuất hiện sau khi giai cấp vô sản đạt được sự thống trị và xóa bỏ tài sản cá nhân, tiền bạc, sự phân biệt đẳng cấp, và nhà nước (vâng, có cả chiều kích vô chính phủ trong Chủ nghĩa cộng sản).


Khó khăn mà người dân trải nghiệm trong một chặng đường của quá trình này thì được diễn giải chính xác như thế này: Con người chỉ là vật chất qua đó lịch sử hoạt động.


Đó là lý do tại sao Lenin không hề do dự, ví dụ, như bởi nỗi khốn cùng của những người nông dân bị ảnh hưởng bởi nạn đói xảy ra vào những năm 1890 ở vùng Volga, nơi gia đình ông ta sống. Lenin phản đối việc giúp đỡ những nông dân nghèo đói vì ông nghĩ rằng sự trợ giúp như vậy sẽ cản trở phong trào của họ tới thành phố để tìm kiếm lương thực và việc làm. Bất cứ thứ gì thúc đẩy sự hấp thụ của họ vào giai cấp vô sản đô thị - vốn là động cơ của cuộc cách mạng tất yếu - thì được hoan nghênh - thậm chí ngay cả nạn đói. Lenin rốt cuộc chỉ thêm vào đó một niềm tin, rằng một đội tiên phong dẫn dắt bởi những người như ông có thể đẩy nhanh điều tất yếu, nếu có đủ điều kiện nổi lên.


Theo nghĩa này, những diễn tiến tiếp theo dưới chế độ Cộng sản - Khủng Bố Đỏ Lenin ; Các vụ thanh trừng tàn bạo của Stalin; hàng triệu người bị tàn sát trong Cách mạng Văn hóa Mao; sự diệt chủng do Khmer Đỏ tạo ra ở Campuchia; Các trại tập trung của Castro và các đội xử bắn do chủ tịch cánh tả hiện đại người Argentina tên là Che Guevara đứng đầu, vv ..., không phải là những sai lệch. Chúng đã tuôn chảy một cách hợp lý từ sự hội nhập của Chủ nghĩa Cộng sản vào chủ nghĩa triết học duy vật, quan điểm biện chứng lịch sử và niềm tin chắc chắn của Lenin, rằng đảng có thể đẩy nhanh điều tất yếu. Lenin chỉ thoải mái hơn và sẵn sàng chấp nhận mình trong quỹ đạo này hơn là một số nhà Marxist khác.


Một tôn giáo giả tạo


Trong việc bác bỏ đạo đức và sẵn sàng làm chuyện tà ác - vô vàn vô số điều ác - để đạt được những mục tiêu mong muốn, tính cách tội phạm và khủng bố của chủ nghĩa Mác đã bị phơi trần. Bản thân Lenin đã quen thuộc với sự thiếu vắng các hạn chế của Karl Marx trong lĩnh vực này. Như Marx đã viết trong Neue Rheinische Zeitung tháng 5 năm 1849, "Khi đến lượt chúng ta, chúng ta sẽ không phải bào chữa cho sự khủng bố."


Tuy nhiên, trong tất cả chủ nghĩa duy vật căn bản của nó, chủ nghĩa Mác đã được Lenin và các nhà lãnh đạo Bolshevik khác tại Nga tiếp nhận, còn đi xa hơn thế nữa. Nó trở nên một loại tôn giáo: thực thế, một niềm tin triệt để không khoan nhượng đối với bất cứ ai không đồng quan điểm.


Cái nhìn sâu sắc này được giải thích rõ ràng trong thông điệp thứ hai, Spe Salvi của Đức GH Bênêđíctô XVI. Tông huấn này đã được xuất bản vào tháng 11 năm 2007, gần 90 năm sau ngày Bolsheviks nắm trọn quyền hành năm 1917.  Thời điểm đó, tôi cho rằng, không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên.


Như tiêu đề của thông điệp cho thấy, nó tập trung vào ý niệm hy vọng trong Kitô giáo. Ở một mức độ nào đó, điều này liên quan đến sự phân biệt về cách hiểu biết về ý niệm hy vọng trong Kito giáo và cách hiểu của những người khác.


Theo Đức Thánh Cha Benedict XVI, Marx đoạt lấy chân trời hy vọng được đưa ra bởi viễn cảnh về cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, và biến nó thành một lý thuyết cứu rỗi thế giới về chính trị và kinh tế. Marx sau đó đã giao cho chính mình, theo lời của Benedict, "cái nhiệm vụ khởi động điều mới mẻ này, và như ông nghĩ, để bước vào lịch sử hướng tới sự cứu rỗi." Benedict viết, có một đường thẳng nối liền giữa sự phát triển của tôn giáo thế tục này và Cách Mạng Tháng Mười 1917. "Cuộc cách mạng thực sự đã được diễn tiến", Đức Giáo hoàng nhận xét, "theo cách triệt để nhất ở Nga."


Để làm điều này, chúng ta có thể thêm vào các lĩnh vực khác trong đó chủ nghĩa Marxism bắt chước Kitô giáo. Chế độ cộng sản có sách thiêng liêng như Das Capital, và các nhà tiên tri như Marx và Engels. Họ sở hữu tổ chức giáo hội riêng của họ (Đảng Cộng sản) với các giáo sĩ có phẩm trật riêng (đảng viên, Uỷ ban Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng bí thư), các nhà thần học (các nhà lý thuyết Mác), các thánh (như Che Guevarra) và các học thuyết riêng của họ mà đảng viên không thể đi lạc mà không đánh rơi tính chính thống của họ. Các hệ thống cộng sản thậm chí đã có phiên bản riêng của họ về thời cánh chung: Thành Jerusalem mới của Chủ nghĩa Cộng sản. Bạn càng nhìn, thì sự giống nhau với Kitô giáo càng rõ ràng hơn.


Nhưng, theo nhận định của GH Benedict, có hai lỗ hổng chết người trong tất cả những điều này. Thứ nhất là sự hiểu lầm của Marx về cách chuyển tiếp từ những gì được cho là một nhà nước trung gian - chế độ độc tài của giai cấp vô sản - sang chủ nghĩa cộng sản. "Lenin," Benedict nói, "phải đã nhận ra rằng các luận văn của ông thầy Marx đã không cho hướng dẫn cách làm thế nào để tiến hành" (SS 21). Điều đó mở ra cánh cửa cho thời trung gian trở nên vĩnh viễn: tức là, khủng bố và tội phạm có hệ thống cứ kéo dài.


Một cách cơ bản hơn, Benedict nói rằng gót chân Achilles - điểm yếu của chủ nghĩa Marx lại hóa ra là niềm tin cốt lõi của nó. Vì nếu bạn là một nhà triết học duy vật thực sự, bạn không thể tin tưởng vào ý chí tự do hay sự lựa chọn tự do. Tại sao? Bởi vì đây là những đặc tính phi vật chất rõ rệt của con người. Bạn không thể sờ chạm vào ý chí tự do. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nó tồn tại bất cứ khi nào chúng ta thực hiện sự lựa chọn tự do cho một điều này thay vì điều khác.


Do đó, nhờ chủ nghĩa triết học duy vật của mình, Marx và tất cả những người theo ông, trong quá khứ và cả hiện tại đã đánh mất cái tầm nhìn của một điều gì đó. "Ông đã quên", Benedict viết, "con người và ông quên mất sự tự do của con người. "Vì thế, Marx cũng" quên rằng tự do luôn luôn hàm chứa tự do cho cái ác "(SS 21).


Quan điểm của Benedict là khả năng sai lầm và tội lỗi của con người là một phần của cái giá gắn liền với quyền tự do lựa chọn giữa thiện và ác. Điều này không chỉ có nghĩa là không có thiên đàng hạ giới. Nó cũng còn có nghĩa là tranh đấu để tạo ra một thế giới hòan hảo trên đời của chủ nghĩa Marx và những người đồng hành với nó, luôn dẫn đến sự hủy diệt.


Khủng bố, khủng bố, và càng nhiều khủng bố


Chẳng bao lâu sau cuộc cướp chính quyền của Lenin vào năm 1917,  thế giới đã chứng kiến chết chóc và sự tàn phá khốc liệt. Tuy các phần tử Bolsheviks không phải là những người khởi xướng chủ nghĩa khủng bố của nhà nước, nhưng tầm mức khủng khiếp do Lenin và những người theo ông thực hiện đã vượt xa mức tàn bạo của chế độ độc tài Jacobin của Pháp, khi đã giết hàng ngàn "kẻ thù của Cách mạng Pháp" giữa năm 1793 và 1794.


Khủng Bố Đỏ không chỉ đơn thuần là kết quả của cuộc nội chiến nhấn chìm nước Nga sau cuộc Cách mạng Bolshevik. Chủ nghĩa khủng bố là vấn đề về chính sách của nhà nước do người Bolsheviks đặt để. Như Trotsky (chính ông là người ủng hộ khủng bố hàng loạt đã tuyên bố rằng "kẻ thù của chúng ta sẽ phải đối mặt với án tử hình chứ không phải nhà tù") sau này Lenin đã phản đối việc bãi bỏ án phạt tử hình và đã thành công. Lý luận của ông rất đơn giản: "Làm sao ta có thể thực hiện một cuộc cách mạng mà không có hành quyết?"


Trong cuộc họp nội các vào tháng 2 năm 1918, trong một buổi thảo luận về cách đối phó với "những người phản cách mạng", Lenin quay sang trao đổi với Isaac Steinberg, Chủ tịch Ủy ban Công lý Xã hội không thuộc cánh Bolshevik, và hỏi: "Ông có thực sự tin là chúng ta có thể chiến thắng mà không có khủng bố cách mạng chăng? "


Khi cuộc tranh luận tiếp tục, sự nóng giận của Steinberg tăng lên do các đề xuất của Lenin nhằm thay thế những quy trình luật pháp với "lương tâm cách mạng". Cuối cùng Steinberg đã nổi nóng và thốt lên, "Vậy tại sao chúng ta lại phải phiền phức với cái Ủy ban Tư pháp? Hãy thẳng thắn gọi nó là Uỷ ban Xóa bỏ Xã hội và dẹp nó đi!" Lenin đã phản ứng :" Rất đúng. . . chính xác là như thế. . . nhưng chúng ta không thể nói ra điều đó."


Ở đây chúng ta đối mặt với bản chất thực sự tàn ác của chủ nghĩa Mác được tháo xích bởi cuộc Cách mạng Bolshevik. Chủ nghĩa cộng sản cho phép và thậm chí còn tung hô việc đình chỉ và đàn áp các quy tắc mà nền đạo  đức phổ thông tuyệt đối nghiêm cấm như lừa dối, trộm cắp, giết người hoặc ghen tị.


Một thế kỷ trước, những con người tin vào những điều đó đã cưỡng chiếm một đế chế đã gần ngã quỵ. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của những lựa chọn mà, theo Sách Đen của Chủ nghĩa Cộng sản (1997), đã dẫn đến cái chết của khoảng 85 đến 100 triệu con người trong thế kỷ 20. Chủ nghĩa phi đạo đức đã đem đến những biển máu, và đặc tính thực sự của chủ nghĩa Mác mà từ đó dòng thác phi đạo đức này tuôn chảy ra, là những gì chúng ta nên ghi nhớ trong dịp trăm năm Cách mạng tháng Mười.


Đôi khi, hóa ra, tà ác đã thắng.


Dr. Samuel Gregg is Research Director at the Acton Institute. He has written and spoken extensively on questions of political economy, economic history, ethics in finance, and natural law theory. He is the author of many books, including Becoming Europe (2013) and For God and Profit: How Banking and Finance Can Serve the Common Good (2016).


Phạm Hương Sơn diễn dịch

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC