Anh Quốc: Brexit Về Đâu?

25/09/201710:09 CH(Xem: 1718)
Anh Quốc: Brexit Về Đâu?

Anh Quốc: Brexit Về Đâu?

 

Từ tháng sáu tới nay đã qua bốn lần họp giữa đại diện Anh và Liên Âu (EU) để giải quyết việc Brexit, mà chẳng đi tới đâu cả.

Sau lần họp vừa rồi, đại diện Âu châu thẳng thừng nói ra sự „thất vọng“ và „hết kiên nhẫn“ của mình.

Mà dù có hay không có được kết quả, thì tới ngày 29 tháng 3 năm 2019, đúng 12 giờ đêm, Anh và EU cũng phải chính thức chia tay, đó là hạn định không đổi của luật.

 

Tại sao bế tắc? Trước hết do bất đồng về nghị trình.

EU nhất quyết yêu cầu trước tiên phải giải quyết xong ba trọng điểm, sau đó mới bàn tới tương lai trao đổi thương mại giữa Anh và thị trường nội địa EU.

Ba trọng điểm đó là: Anh phải xác định về quyền lợi của 3 triệu người dân EU hiện đang có mặt ở Anh, xác nhận khoản nợ theo luật mà mình phải trả cho EU khi từ giã và vấn đề biên giới giữa Ái-nhĩ-lan – Bắc Ái-nhĩ-lan.

Phía Anh, trái lại, muốn được EU thảo luận về hiệp định thương mại trước rồi mới bàn tới ba điểm kia. Quả thật phía Anh tới giờ vẫn chưa có một quan điểm rõ ràng nào về chuyện chia tay. Kết quả Brexit đến với họ quá bất ngờ. Thành phần bảo thủ quá khích muốn „giành lại sự độc lập quốc gia“ cho nước Anh, nhưng họ đã chẳng tính tới hậu quả. Giờ đây, càng đi vào nội dung, họ càng thấy nó không đơn giản, thành ra cứ dùng dằng lần lữa. Một đàng muốn chia tay hẳn (hart Brexit), để được hoàn toàn tự do không bị chi phối bởi quyền lực của EU và để triệt để ngăn cản cũng như tống bớt người ngoại quốc đang có mặt hoặc sẽ vào đất nước mình, mặt khác lại muốn chân trong chân ngoài, hầu tiếp tục có được những quyền lợi kinh tế với EU như xưa nay vẫn có (soft Brexit). „Hart Brexit“ thoả mãn được „Great Britain first“, nhưng phải đối diện với những nguy cơ kinh tế khó lường. „Soft Brexit“ tránh được các bất lợi kinh tế, nhưng lại phải tiếp tục mở cửa, không có được „độc lập“ hoàn toàn.

 

Về số nợ. Uỷ Viên Ngân Sách của EU cho biết, theo hiệp ước của các nước EU đã kí năm 2013, trong đó có Anh, thì Anh phải tiếp tục đóng góp trọn phần vào ngân sách EU cho tới năm 2020 và sau đó phải đóng góp một phần cho tới năm 2023. Số nợ có thể từ 40 tới 100 tỉ Âu kim. Cho tới nay Anh tìm vẫn tránh né vấn đề này.

Về biên giới Bắc Ái-nhĩ-lan. Sự thường, sau khi chia tay, thì phải đóng cửa biên giới giữa Ái-nhĩ-lan (thành viên EU) và Bắc Ái-nhĩ-lan (phần đất thuộc Anh). EU yêu cầu phải lập bốt canh và hàng rào quan thuế. Nhưng Anh muốn tiếp tục để thả lỏng, với lí do rằng, đây là phần đất quá tế nhị vì những đụng độ tôn giáo (công giáo – tin lành) trước đây; sợ rằng việc đóng bốt có thể lại làm dấy lên hận thù tôn giáo thủa trước. EU trái lại lí luận, nếu không đóng, thì việc Anh rời EU cũng như không, vì hàng hoá EU vẫn có thể tự do tiếp tục vào Anh qua ngõ này. Lại nữa, nếu không đóng, thì đây sẽ là lối vào tự do cho những người tị nạn muốn tiếp tục đổ vào Anh, một trong những lí do đã khiến cho Anh quyết định Brexit. Điểm này làm cho lí lẽ mở cửa của Anh trên đây trở nên thiếu khả tín.

Về quyền lợi công dân EU trên nước Anh. Lúc đầu, Anh đưa ra giải pháp như sau: Anh sẽ ấn định một hạn thời điểm. Những ai từ hạn đó cho tới lúc Brexit đã sinh sống ở Anh 5 năm sẽ được cấp giấy cư trú vô hạn; những ai chưa tới hạn sẽ được tiếp tục cho tới 5 năm nhưng không bảo đảm sẽ nhận được cư trú vô hạn. Dĩ nhiên sau Brexit là chấm dứt mọi tự do thông thương lao động. EU muốn tất cả những người đã có mặt cho tới lúc Brexit phải có được phép cư trú dài hạn.

Mới đây có một tài liệu nội bộ 82 trang của chính phủ bị xì ra báo chí. Có thể đây sẽ là đề nghị mới của chính phủ Anh đưa ra cho EU. Trong đó có những điểm chính như sau: 1. Chấm dứt tự do thông thương lao động sau Brexit. 2. Những lao động có chuyên môn đã sống 5 năm sẽ được tiếp tục ở lại. 3. Những lao động không chuyên môn chỉ được làm việc tối đa 2 năm. 4. Những ai muốn đưa thân nhân vào đoàn tụ phải có thu nhập tối thiểu 20.400 Âu kim/năm. EU đương nhiên cũng sẽ bác bỏ đề nghị này, vì theo họ, nếu không có tự do thông thương lao động, thì sẽ không có tự do lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ và tài chánh. Đối với EU, đây là bốn cột trụ tự do nền tảng, không thể tách rời: Nếu Anh không chấp nhận tự do thông thương lao động, Anh sẽ không được vào thị trường chung âu châu.

Ngoài ba trọng điểm trên, còn có một điểm không kém quan trọng nữa: vai trò của Toà Án Âu Châu. Phía „hart Brexit“ muốn sau Brexit Anh sẽ chấm dứt mọi liên hệ với Toà Án Âu Châu. EU thì muốn công dân của mình vẫn tiếp tục có thể yêu cầu Toà Âu Châu xét xử, nếu quyền lợi của họ bị xâm phạm. Ngày 11 tháng 9 vừa qua Quốc Hội Anh đã thông qua „Luật Ra Khỏi EU“, một bước cụ thể đầu tiên về mặt pháp lí cho việc chia tay. Luật này một mặt chấm dứt hiệu lực của nền luật pháp EU trên đất Anh sau khi Brexit, mặt khác cho phép chính phủ đưa 12.000 quy định của EU hội nhập vào hệ thống luật pháp của mình, để tranh tình trạng hỗn loạn khi Brexit tới.

Nhưng mọi chuyện hãy còn rất mông lung và gay go.
EU đang chuẩn bị những biện pháp cho trường hợp sẽ không có được thoả hiệp nào cho Brexit cả.

Phạm Hồng-Lam
Augsburg, 24.09.2017

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC