Có cách nào để đương đầu với chiến lược cưỡng chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông?

21/09/20177:31 CH(Xem: 2537)
Có cách nào để đương đầu với chiến lược cưỡng chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông?

Có cách nào để đương đầu với chiến lược cưỡng chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông?


Koh Swee Lean Collin

Phạm Thiên Phước diễn dịch

znnkyIBscU9KbUYyovgCAj4dqgLKZ6lhfEQy6qPRLX8ouBrtu-7MyAdS_1EZPKTd0SCKajbzLgAmOl8q8haj8mCrXmxKo00UyRe20I2ISUGWBEjPLEkcEhRtKxvCWq06oPGfT-7g


Việc Trung Quốc và Ấn Độ giải quyết căng thẳng bế tắc tại biên giới Doklam đã khiến nhiều người cảm thấy hứng khởi để bình bàn rằng có cách chống lại được chiến lược cưỡng chế của Bắc Kinh.    Một số người thì cho rằng, tính cho cùng, Ấn Độ có thể được coi như là một đối thủ ngang cơ với Trung Quốc về lực lượng, đặc biệt là về mặt quân sự. Cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu lỡ những xung khắc biên giới tái diễn, họ sẽ cẩn trọng không để việc leo thang quân sự xẩy ra đến quá mức gây ra chiến tranh, hoặc tệ hơn nữa, dẫn đến xung đột nguyên tử.

Cách Ấn Độ đối phó với chiến lược cưỡng bức của Trung Quốc thật thú vị. Nhưng  trường hợp các  đối thủ khác trong vị thế yếu kém hơn Bắc Kinh thì sao?Cụ thể là các quốc gia vùng Đông Nam Á ở Biển Đông . Khu vực này gồm nhiều quốc gia nhỏ và yếu, không có hàng loạt các loại vũ khí hùng hậu như Ấn Độ và cũng chẳng có các hình thức đòn bẫy chiến lược khác. Vì vậy rất dễ để chúng ta đi đến kết luận rằng các nước này là mồi ngon để Bắc Kinh thực hiện thành công chiến lược cưỡng chế của họ.

Có thật là các quốc gia Đông Nam Á là những miếng mồi ngon cho Trung Quốc?

Trên thực tế, mới đây Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra một thông cáo chung về Biển Đông, nhưng tựu chung chỉ là một cái phủi tay đánh nhẹ dành cho Bắc Kinh. Thêm vào đó, cả hai bên đã chính thức thỏa thuân về khuôn khổ của một bản dự thảo về Quy tắc ứng xử,  nhằm giải quyết các tranh chấp, sau khi có những thông tin về việc một số tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thitu của Phi luật Tân. Một tàu kiểm ngư của Phi Luật Tân cũng được cho là đã bị sách nhiễu.

South_China_Sea_Dispute_5

Điểm khác biệt  giữa phản ứng của Manila trước thông tin này và sự phản đối mạnh mẽ, dứt khoát của Tân Đề Li (New Dehli) khi chống lại việc Trung Quốc dồn nỗ lực hầu thay đổi hiện trạng tại Doklam, chính là ở đây. Theo đúng bài bản phò Bắc Kinh của  chính phủ Rodrigo Duterte, ông Alan Peter Cayetano, Bộ trưởng Ngoại giao của Phi Luật Tân, không xác nhận cũng chẳng phủ nhận báo cáo này. Thay vào đó, ông ta đánh giá thấp tầm quan trọng của nó và phát biểu rằng "Sự hiện diện của các tàu này tự nó không có ý nghĩa gì,"  

Người ta có thể dễ dàng cảm thông với Manilla về việc ráng bỏ qua trò hề mới của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, bởi vì quốc gia này đang phải đối đầu với những thách thức an ninh trước mắt khác như khủng bố và trùm ma túy. Ông Duterte đã từ bỏ Washington để đến cầu thân với Bắc Kinh hầu có viện trợ và đầu tư cho mục đích phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng toàn lãnh thổ, mà ông từng quảng bá rầm rộ và đã đề bạt trong  Diễn đàn “Con đường Tơ lụa”, được tổ chức bởi người bạn mới hào phóng của mình, chủ tịch Trung Quốc  Tập Cẩn Bình.

Nói một cách đơn giản, một xung đột ở Biển Đông sẽ chẳng ích lợi gì cho chính phủ của ông. Duterte và các cộng sự thân thiết đồng quan điểm, chẳng hạn như Cayetano, không muốn gây xáo trộn để có nguy cơ khiến Bắc Kinh rút lại những lợi lộc đã hứa. Do đó điều không thể tránh khỏi là Phi Luật Tân sẽ phải chịu nhượng bộ Trung Quốc, không những chỉ  là việc phải gác lại một chiến thắng pháp lý đạt được tại tòa án trọng tài quốc tế ; và nếu cần, còn phải chịu đựng trong im lặng một “chiến lược cưỡng chiếm gặm nhấm từ từ”, như ông Robert Haddick đã ví von, mà Bắc Kinh thường sử dụng nhằm làm mòn mỏi đối thủ của mình trong vùng biển tranh chấp.

Chiến lược cưỡng chế của Trung Quốc

South_China_Sea_Dispute_5 (1)


Duterte không phải là người  duy nhất rơi vào trường hợp này. Thủ tướng Mã Lai, ông Najib Razak,  đứng trước một cuộc tổng tuyển cử đang sắp sửa xảy ra, cũng đã quay sang Bắc Kinh để được viện trợ và đầu tư hầu củng cố vị thế  của đảng cầm quyền của ông. Najib đã cố gắng hết sức để lấy lòng Trung Quốc, chẳng hạn như thông qua trò “ngoại giao bằng sầu riêng.” Ông không những ra lệnh cấm các nhà phê bình trong nước lên tiếng khi họ lo sợ rằng ông ta đang bán đứng chủ quyền của Mã Lai để đổi lấy sự hào phóng của Trung Quốc, mà thậm chí còn có thái độ mập mờ – nấp dưới danh nghĩa giữ thái độ hòa hoãn - về việc Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng duyên hải gần các nơi thuộc thẩm quyền biển của Mã Lai.

Đây có phải là phần số của các quốc gia nhỏ và yếu như Phi Luật Tân và Mã Lai, có nghĩa là phải chịu khuất phục trước chiến lược cưỡng chế của Trung Quốc? Ban Cố vấn An ninh Quốc tế trong bản báo cáo vào tháng 1 năm 2017 cho Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã định nghĩa phương pháp cưỡng chế là “việc một quốc gia sử dụng các cách thức để thúc đẩy lợi ích của mình và đánh bại các đối thủ bằng hành vi sử dụng các công cụ quyền lực, thường có tính chất không tương xứng và không minh bạch, khác với những gì thường được nhận biết áp dụng trong lực lượng quân đội.” Chương trình  xây dựng đảo của Trung Quốc ở biển Đông  là một ví dụ như vậy, chưa kể đến kế sách ngoại giao bằng đe dọa quân sự, gồm cả việc sử dụng các lực lượng dân quân giả dạng ngư dân của họ.

Manila và Kuala Lumpur thuộc vào loại các đối thủ hiền lành mà Bắc Kinh rất ưa thích – loại đối thủ luôn tránh không dám leo thang các cuộc tranh chấp của mình vượt qua "lằn đỏ" dẫn đến chiến tranh, và cũng không cản trở việc tìm kiếm lợi ích của Trung Quốc. Nhưng trước khi bắt đầu giả định rằng những phản ứng của Mã Lai và của Phi Luật Tân đối với Trung Quốc được coi là một thông lệ ở Đông Nam Á, thì chúng ta phải xét xem  liệu việc lẫn lộn hai khả năng, một mặt là duy trì quyền lợi và chủ quyền của mình và mặt khác là thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, sẽ là điều tất phải xẩy ra.  

Nam Dương và Việt Nam, hai quốc gia có quyền lợi khá lớn ở Biển Đông, đã chứng minh rằng không nhất thiết phải có sự nhập nhằng như vậy. Thoạt nhìn, hai quốc gia này,vừa thiếu tiền tệ vừa hạn chế về tài nguyên,  rất có thể đã là nơi dễ ăn để Trung Quốc thực hiện những trò hề cưỡng chế . Nhưng không phải vậy.

Nam Dương trả đòn Bắc Kinh

Phải nói rằng, quan hệ Trung-Nam Dương đã nở rộ trong một thập kỷ qua hoặc lâu hơn. Jakarta  không những có các khoản đầu tư từ Bắc Kinh, mà thậm chí đã mua vũ khí của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nam Dương đã chứng tỏ mình không dễ bị hiếp đáp khi xảy ra một xung đột tàu cá hồi tháng ba năm 2016. Năm đó lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã đâm chiếc tàu cá Kway Fey10.078 của họ vào một tàu tuần duyên Nam Dương, ngay trong trong vùng biển thuộc thẩm quyền tài phán của Jakarta ngoài khơi quần đảo Natuna. Thay vì coi thường sự việc này, Tổng thống Joko Widodo, trước nguy cơ giải pháp Hàng hải Toàn Cầu Fulcrum của mình bị trật đường rầy bởi bất cứ điều gì nếu không  giải quyết được sự xâm lấn của Bắc Kinh, đã đến quần đảo Natuna bằng tàu chiến.

Để tỏ rõ là Jakarta sẽ không chịu đựng hơn nữa những hành vi vô lý từ Bắc Kinh, Hải quân Nam Dương  đã tăng cường tuần tra tại đảo này. Trong tháng sáu cùng năm đó hải quân Nam Dương đã bắn cảnh cáo một số tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Natuna,   làm một ngư dân bị thương. Bắc Kinh lên tiếng phảnđối, nhưng Jakarta đã không hề bối rối. Phát ngôn viên hải quân Nam Dương, Đo đốc Đệ nhất Edi Sucipto sau đó đã phát biểu rằng “Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động cương quyết chống lại các tàu nước ngoài, bất kể lá cờ và quốc tịch nào của họ, khi họ có hành vi xâm phạm lãnh thổ Indonesia.” Kể từ đó, không có một báo cáo nào khác về việc vi phạm của Trung Quốc .

Tiếp theo đó thì chẳng có hậu quả gì lớn. Việc đầu tư của Trung Quốc vào Nam Dương đã không bị ảnh hưởng; trên thực tế, những khoản đầu tư này đã tăng 291 phần trăm trong chín tháng đầu năm 2016, và đã đạt đến 1,6 tỷ đô la vào tháng giêng năm sau. Tuy nhiên, Jakarta muốn cho Bắc Kinh thấy rằng không nên đùa giỡn với Nam Dương. Vào tháng 10 năm 2016, Jakarta đã tìm thêm các khoản đầu tư của Nhật Bản và một tháng sau đó, tuyên bố dành ưu tiên cho Nhật Bản để lập một dự án tàu cao tốc. Tháng 1 năm sau, cả hai nước đều nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Bắc Kinh đã tính toán một cách sai lầm trong việc sử dung chiến lược cưỡng chế  với Nam Dương,  như những gì đã làm hồi tháng 3 năm 2013, và như thế đã đẩy nước này trở thành đối thủ của mình.

Các mối quan hệ song phương dần dần được phục hồi,  Nam Dương  đã có thêm được nhiều mối đầu tư từ Trung Quốc. Đồng thời, quốc gia này cũng không xao lãng việc bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông, thậm chí đã đổi tên một phần biển là Biển Bắc Natuna. Ngoài việc lên tiếng phê phán hành động này, Bắc Kinh đã chẳng làm gì khác để trả đũa.

Cuộc đấu tranh của Việt Nam chống lại Trung Quốc

Còn Việt Nam thì sao? Từ lịch sử cổ đại, quốc gia can cường này đã duy trì được thành tích chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Các cuộc đụng độ của hải quân ở Biển Đông vào năm 1974 và 1988 có thể đã khiến Hà Nội mất hy vọng trong việc chống lại Bắc Kinh tại vùng biển đang tranh chấp. Tuy nhiên, khi Trung Quốc đặt giàn khoan biển sâu, HD-981, trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển Việt Nam và gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5 năm 2014, Hà Nội đã có phản ứng quyết liệt - và ít nhất cũng tương đương với chiến lược cưỡng chiếm của Bắc Kinh. Việt Nam đã cẩn thận tránh không điều động các lực lượng quân sự để đối mặt với Trung Quốc, mà thay vào đó đã triển khai các tàu tuần hành duyên hải và kiểm ngư và thậm chí cả lực lượng dân quân đánh cá của họ.

Sự bế tắc này kéo dài cho tới khi có cuộc đàm phán cửa hậu, chủ yếu là giữa hai đảng cộng sản, khiến cả hai bên phải nhượng bộ vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, Hà Nội cũng nên hãnh diện, dù phải trả giá đắt. Sự bế tắc dằng dai này đã khiến Việt Nam phải gác lại việc bảo trì thường xuyên cho các tàu tuần duyên và kiểm ngư, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của bộ phân này. Nếu sự bế tắc này kéo dài hơn nữa thì, Việt Nam, vốn đã thua kém về lực lượng, có thể đã nhượng bộ trước. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đã được đền bù. Bắc Kinh đã phải bắt đầu tôn trọng một đối thủ yếu kém xưa cũ của mình.

Sau bế tắc này Việt Nam đã không bị ảnh hưởng gì. Mối liên kết kinh tế với Trung Quốc, đặc trưng bởi thâm hụt thương mại có lợi cho Trung Quốc, đã không ngăn cản Việt Nam có đôi lúc thách thức người hàng xóm phía bắc mạnh mẽ của mình. Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2014, các cấp lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi thăm viếng và ký nhiều hiệp định, bao gồm cả hợp tác quốc phòng an ninh và hàng hải chặt chẽ hơn. Đặc biệt lạ lùng là một hiệp ước kêu gọi công ty ONGC Videsh của Ấn Độ  "mở rộng sự hiện diện ở Việt Nam và củng cố hợp tác giữa hai nước trong việc thăm dò và trong các lĩnh vực khác thuộc ngành năng lượng". Chúng ta chắc không quên việc Trung Quốc đã triển khai giàn khoan dầu để trả đũa việc Việt Nam đã đồng ý tăng thêm một số vị trí khác ngoài khơi cho công ty Ấn Độ, trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.

Trong những năm sau đó, Việt Nam tiếp tục tăng gia hợp tác với các đối thủ của Trung Quốc như Ấn Độ và Nhật Bản mà không không phải chịu đựng những đòn trả đũa của Trung Quốc. Trong thực tế, thương mại biên giới song phương  vẫn tiếp tục phát triển. Đáng chú ý là, thương mại với tỉnh Quảng Tây tăng vọt lên đến 8,6 phần trăm so với cùng kỳ năm trước, lên gần 6,9 tỷ đô la trong nửa  năm đầu 2015 - mức cao nhất so với bất kỳ thành phố biên giới nào ở Trung Quốc. Đến đầu năm 2017, Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội; Hà Nội đã tăng xuất khẩu hơn 34,4 phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù  đã phải ngưng  khoan trong vùng biển tranh chấp sau khi bị Bắc Kinh đe doa, Hà Nội tiếp tục tháchthức Trung Quốc về vấn đề Biển Đông,đặc biệt là trong cuộc họp ASEAN gần đây nhất ở Manila.

Trong chính trị thế giới Hòa bình không phải là chuyện tự nhiên mà có

Indonesia và Việt Nam cho thấy rằng, thật có thể phân chia giữa việc kiên quyết bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của minh ở biển Đông, và việc thúc đẩy các liên kết kinh tế với Bắc Kinh.  Các nước nhỏ hơn và yếu hơn rất có thể tính toán chuyển hướng leo thang về cho phía dự tính áp dụng chiến lược cưỡng chiếm bằng cách tăng khả năng xung đột. Tất nhiên phương cách này cũng có chiều không ổn, vì nó được đặt trên tiền đề tính toán chính trị rằng có thể giảm nguy cơ chiến tranh bằng cách thực hiện các bước để giảm ngưỡng cho chiến tranh.

Tuy vậy, nó làm nổi bật sự sai lầm của việc tin rằng hòa bình sẽ tự nhiên mà tới trong chính trị thế giới. Đây là lúc mà Manila và Kuala Lumpur nên học hỏi từ các nước láng giềng của họ về cách chống trả lại chiến lược cưỡng chế của Bắc Kinh bằng một sự quyết tâm rõ rệt.

Koh Swee Lean Collin hiện nghiên cứu với Chương trình An ninh Hàng hải, tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Phạm Thiên Phước diễn dịch

Đăng tải trên The National Interest (http://nationalinterest.org)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC