Tìm Hiểu Vụ Án Mạng Kim Jong Nam (phần II)

20/09/20179:16 CH(Xem: 2043)
Tìm Hiểu Vụ Án Mạng Kim Jong Nam (phần II)

“Nó phải bị thanh toán, và cần thanh toán thật sớm, bất cử ở đâu.”

 

 


Nghi can Đoàn Thị Hương (trái) và Siti Aisyah (phải)

 

Kuala Lumpur, Mã-lai.
Tam giác vàng.

 

Đó là cái tên người ta vẫn gọi về thành phố của cơ may, của tội lỗi, của cặp tháp đôi Petronas, của các khách sạn, nhà hàng ăn, quán nước và các tiệm nhảy này. Khu người Hoa, các chợ của người Ấn và kể cả Koryo-won là một nhà hàng ăn cho những người Bắc Hàn sành sõi – ở đây thứ gì cũng có. Siti Aisyah và Kim Jong Nam đều yêu Tam Giác Vàng như nhau.

Pê-kinh là nơi vợ và hầu hết con cái của ông cư trú; Ma-cao là nơi ở của người tình với những yêu sách ngày càng cao. Một tay hai nải đó đã làm cho Nam rỗng túi. Nam nợ một Casino tới 15.000 Mĩ-kim trong nhiều tuần lễ và tên ông bị đưa vào sổ đen. Và từ khi ông mạnh miệng phê bình chính sách của người em trước một nhà báo nhật („Hoặc là chế độ chịu cải cách và đi dần tới lụn bại, hoặc là không chịu cải cách và do đó sẽ sụp đổ.“), ông bị Jong Un ra sức truy lùng triệt để. Vị trưởng tình báo của Nam Hàn trực tiếp cảnh báo ông về một lệnh giết người với nội dung như sau: „Nó phải bị thanh toán, và cần thanh toán thật sớm, bất cử ở đâu.

Nam rất không an tâm về chuyện này. Ông gởi cho người em một điện thư, mà tình báo Nam Hàn đọc được, với giọng van xin: „Hãy rút những người của em về, hãy tha cho anh và gia đình! Không còn chỗ nào an ninh cho gia đình anh. Có lẽ chỉ còn con đường tự tử là lối thoát.“ Và ông khẳng định với em, là mình sẽ hoàn toàn không đeo đuổi một í đồ chính trị nào.

Sở dĩ Nam thấy Kuala Lumpur còn là nơi an toàn nhất, là vì một nguyên do đặc biệt: Ở đây có một văn phòng đại diện ngoại giao của Bắc Hàn – và vị đại sứ là một người bạn của Nam và vị này cũng là người thân thuộc của dòng họ nhà Kim. Khi không còn tiền trả cho khách sạn, Nam tới qua đêm tại nhà khách của đại sứ quán. Và với số tiền chu cấp của Trung Quốc, thỉnh thoàng ông còn có thể lai vãng các ổ điếm và trang trải những chi phí ở đó. Trung Quốc muốn nuôi ông như một lá bài trong cuộc cờ chính trị lớn có thể xẩy ra.

Nhưng những tin tức từ Bình-nhưỡng trong tháng 12 năm 2013 càng trở nên đe doạ. Khác với ông nội và cha mình, Kim Jong Un bắt đầu nghi ngờ và thanh toán cả những thân nhân trong gia đình. Un cho kết án và giết người cậu, tướng Jang Son Thaek, nhân vật từ lâu được kể là người quyền lực thứ hai trong nước. Và Jang Yong Chol, đại sứ ở Mã-lai, cũng bị triệu hồi và lôi ra cho đội hành quyết xử bắn. Một màn chào trắng trợn cho Nam?

Trong lúc đó Siti Ajsyah, người phụ nữ trẻ từ Indonesia, vui hưởng những tự do của một thành phố lớn với những đêm thâu nhảy nhót, với những li nước trái cây Bloody Mary. Nhưng cô gặp khó khăn trong việc tìm công ăn việc làm. Rốt cuộc cô tìm được một chân bồi phòng trong Flamingo, một khách sạn thuộc hạng trung. Lương trả chẳng bao nhiêu. Và rồi cô nhận ra, có thể kiếm tiền khá hơn, nếu chuyển sang phòng đấm bóp cũng của khách sạn. Qua một khoá cấp tốc, cô học được một ít kĩ thuật đấm bóp, nhưng cũng chẳng giỏi giang gì. Đa số khách hàng muốn có một hình thức thư giãn đặc biệt và sẵn sàng bỏ thêm vài đô-la cho cái gọi là „happy ending“.

Với số tiền có được, Siti mua sắm quần áo, mĩ phẩm, các loại trang sức hợp thời. Lâu lâu cô gởi về cho bố mẹ chút tiền, cứ mỗi sáu tháng lại về thăm ông bà và đứa con một lần.

Mùa thu 2016, theo lời cô kể sau này với luật sư, một người đàn ông trẻ tới gặp cô ở Beach Club của Kuala Lumpur, một điểm tụ tập thú vị của những thương gia giàu có. Người này tự xưng là John và cho biết, anh ta là một nhà đạo diễn người nhật-bản. Anh ta rất hào phóng, dễ thương, nhưng, như anh nói với cô, anh không phải là loại đàn ông chỉ muốn kéo cô lên giường. Anh hỏi cô muốn tham gia đóng phim hài không. Đây chỉ là những hoạt cảnh vui, xịt nước hoa hoặc xoa dầu trẻ em lên mặt những người đi đường trong ngày mừng sinh nhật của họ. Những cảnh này sẽ được kín đáo thu hình bằng máy điện thoại cầm tay và các „nạn nhân“ sau đó sẽ được mời ra sân khấu, và bí mật hài hước được giải mã. Động tác này phải được thử đi thử lại nhiều lần. Mỗi lần quay được trả 100 Mĩ-kim.

Dĩ nhiên Siti thích tham gia. Cô muốn có tiền – vả lại còn được lên truyền hình, nổi tiếng, tại sao không!

Siti đóng thử với các vai phụ, do John và một người bạn của anh tên James cung ứng, lúc thì quay trong hai siêu thị, lúc tại nhà ga Kuala Lumpur, một lần ở phi trường Phnom Penh nước Cam-bốt. Cô tập cho hết run sợ trước những động tác thật nhanh đối với người lạ. Và theo yêu cầu của các đạo diễn, sau mỗi lần tập phải rửa tay. Tại sao, John và James không cho biết lí do.

Đồng thời với Siti Aisyah, hai người lạ cũng tìm được một người đóng phim thứ hai: Đoàn Thị  Hương, người Việt. Cô người Việt này cũng xuất thân từ một làng quê nghèo với lực học dở dang, đang kiếm sống trong một quán Bar-Karaoke bên rìa khu đèn đỏ tại Kuala Lumpur. Hình như cô cũng đã được lên truyền hình vài phút trong cuộc thi „Việt Nam tìm siêu sao“, nhưng đã bị loại ngay vòng đầu.

Siti nói, lần đầu tiên cô gặp Đoàn Thị Hương là ngày hành động tại phi trường.

Viện Công Tố tin rằng, hai người đã quen biết nhau cách đó trước một tháng, vào tháng giêng.

Siti nói, cô thực tập diễn xuất một mình.

Viện Công Tố tin rằng, hai cô đã tập chung với nhau – và Viện buộc phải đưa ra những nghi vấn vì có những điểm trùng hợp nơi dạng hình, lí lịch, cách tuyển mộ, các công tác của hai người.

Sau độ hơn chục lần quay thử, Siti muốn được xem cảnh chiếu thực trên truyền hình. Nhưng hai đạo diễn khuyên kiên nhẫn và cho hay sắp sửa sẽ có một màn xuất hiện lớn. Cuối tháng giêng 2017 Siti lại về thăm con và bố mẹ. Mẹ cô nhớ lại: „Nó nói, ai đó khuyến khích nó đóng phim chọc cười người khác. Tôi không an tâm, nhưng nó chỉ nói: Mọi chuyện chẳng có gì phiền toái, chẳng phải lo gì, nhưng con cũng cần sự đồng ý của mẹ. Và tôi cho phép nó làm.“

Màn diễn sắp tới gây háo hức và kích động cô bao nhiêu, thì nó lại mang hậu quả vô đạo đức cho thế giới bấy nhiêu, một thế giới mà cô đã quay lưng lại với nó.

Ngày 12 tháng 2 Siti mừng sinh nhật với các bạn gái trong quán cà-phê Hard Rock tại Kuala Lumpur. Ngày hôm sau cô lên đường ra phi trường thực hiện lần quay cuối.

Kim Jong Nam đã có mặt ở Mã-lai hơn một tháng. Câu hỏi đặt ra: Tại sao? Ông làm gì ở đây trong những ngày đó? Người thân của ông là vị đại sứ đã chết. Cũng không phải ông tới đây để gặp người bạn tốt của mình là chủ tiệm ăn Koryo-won. Và hai người hộ tống, vẫn thường bên cạnh ông trước đây, giờ đây biệt tăm biệt tích. Hình ảnh ghi lại trong các máy thu hình trong phi trường cho thấy mặt ông thêm húp híp và thân hình vốn mập lại phì nộn hơn trước. Chỉ có hai điểm ông và người em đang trị vì ở Bình-nhưỡng giống nhau: thân xác quá kí và dáng bề ngoài thiếu cuốn hút, ngoài ra chẳng có gì chung khác.

Nhưng xem ra Nam tới Mã lần này với một niềm hi vọng: Theo các cơ quan điều tra của Mã sau này cho tờ báo nhật Asahi Shimbun hay, trong túi đeo vai đen của Nam ở phi trường có đựng 120 000 Mĩ-kim, được gói từng xấp giấy một trăm sạch sẽ. Qua sự tìm hiểu của các nhân viên điều tra, trong những ngày cuối ở khách sạn có dấu hiệu Nam đã gặp một ai đó. Có thể người lạ này đã đút một cơ phận thu dữ kiện (USB-Stick) vào máy điện toán của Nam để nạp những thông tin – và người đó đã trao lại cho Nam một cái rương nhỏ. Người lạ xuất hiện bên Nam này, theo tình báo địa phương cho biết, là một nhân viên của CIA đến từ Bangkok.

Một số tiền lớn như vậy cho một ít dữ kiện thông tin hay sao? Có lẽ số tiền là cho những gì khác nữa. Phải chăng giờ đây ông anh cả muốn công bố yêu sách nắm quyền của mình ở Bình-nhưỡng, muốn làm nhục thằng em? Phải chăng Nam sẵn sàng đứng ra lãnh đạo một chính phủ lưu vong, như yêu cầu từ lâu nay của nhóm đối lập ở Anh? Gần đây các tình báo phương tây cũng ghi nhận có sự liên lạc mật thiết giữa Nam và chính quyền Trung Quốc, là kẻ muốn xây dựng Nam thành một nhân vật nắm quyền thay thế Un ở Bình-nhưỡng.

Như vậy phải chăng vì sự thay đổi quan điểm chính trị này mà Bình-nhưỡng đã gấp rút thực hiện âm mưu thanh toán của mình?

Có nhiều lối đi giao nhau ở Terminal 2 sáng ngày 13.02.2017. Bốn người đàn ông trong hậu trường, những kẻ buộc phải theo dõi toàn bộ diễn tiến, biến mất. Còn lại một người chết và hai cô gái thủ phạm bỡ ngỡ: Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương. Cô Hương lúc đó bận chiếc áo lót ngắn tay có in chữ LOL (Laughing Out Loud = Cười cho đã); sau màn quay phim, cô thanh thoải bắt một chiếc Taxi đi vào thành phố. Còn cô Siti đi mua sắm và sau đó tiếp tục công việc của mình ở phòng đấm bóp, như đã chẳng có gì xẩy ra.

 

Kuala Lumpur. Ngoại ô Cheras.
Văn phòng luật sư Gooi & Azura

 

Chính quyền Indonesia có lẽ đã không thể tìm cho công dân Siti Aisyah của mình một luật sư nào có khả năng hơn Gooi, 61. Trong văn phòng mình ở ngoại ô thủ đô, ông Gooi đang đếm những trường hợp ông đã giúp bị can thoát án tử hình. „Trong 15 vụ tôi đã giúp cho 14 người thoát án tử, trừ một trường hợp duy nhất“, vừa nói ông vừa lấy ngón tay cào lên gáy cuốn sách luật, vật trang hoàng duy nhất trong văn phòng của ông.

Vị luật sư đã nhiều lần vào nhà tù nổi tiếng Sepang ở ngoại ô thủ đô để trao đổi với nữ thân chủ của mình. Cô nhận diện ra „John“ và „James“ trên các ảnh chụp. Đó là hai trong bốn người Bắc Hàn xuất hiện ở phi trường. Tên thật của họ là Hong Song Hay, 34 và Ri Jiu, 30. Cả bốn người này đã có lệnh truy nã quốc tế. Nhưng cũng khó thực hiện lệnh này, vì Bắc Hàn không phải là thành viên của Interpol.

Luật sư Gooi vô cùng bực mình, vì Mã-lai đã để cho mấy người rõ ràng có liên quan tới âm mưu giết người này bay về Bắc Hàn. Theo ông, như vậy cơ may lớn truy tìm sự thật đã bị vuột khỏi tầm tay. Giờ đây có nguy cơ phiên toà trở thành một màn diễn đè nặng lên thân chủ của ông; chính phủ Mã muốn kết thúc sự việc cho nhanh, chẳng cần điều tra thêm.

Và Mã-lai đúng là một địa điểm tuyệt vời cho những tay phạm pháp: Chính quyền mã-lai là một trong rất ít chính quyền cho phép các cán bộ bắc hàn ra vào mà không cần phải có hộ chiếu; họ muốn theo đuổi một chính sách đu giây giữa đông và tây và Kuala Lumpur được coi là một tụ điểm gặp gỡ cho tình báo của mọi quốc gia. Ai có tiền, có thể mua ở đây đủ mọi thứ – sổ thông hành, súng ống, trốn tránh. Cảnh sát và nhân viên quan thuế dễ đút lót; họ hành động theo gương các chính trị gia của họ.

Từ nhiều tháng nay chính quyền đang bị một sức ép nặng nề do vụ tai tiếng tham nhũng của ông Thủ Tướng: Trong trương mục tư của thủ tướng Najib Razak bỗng nhiên xuất hiện 681 triệu Mĩ-kim từ một quỹ quốc gia. Razak cho hay, đây là số tiền do Quốc Vương Ả-rập Sau-đi biếu cho ông để chống lại bọn hồi giáo cực đoan. Chẳng ai tin. Các cơ quan hoa-kì cũng đang điều tra về việc rửa tiền có liên quan tới vụ này. Vì thế lúc này không phải là lúc thuận lợi cho các chính trị gia quyền lực nhất nước này và cho Công Tố Viện vốn lệ thuộc vào chính quyền của Mã, để có thể làm khó dễ với bất cứ chính quyền nào từ đông sang tây.

Luật sư nói: „Thân chủ của tôi và cô bạn người việt của cô chỉ là những trợ cụ, những vật tế thần“. Ngôn ngữ lóng tình báo của Hoa-kì gọi những nhân vật mang tính cách trợ cụ như thế là „lizard tails“, đuôi thằn lằn. Rụng thì rồi sẽ mọc lại, không có người này làm thì có thể kiếm người khác.

Nhưng Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương cũng có thể là những người duy nhất phải chịu trách nhiệm trước toà án về vụ giết người. Trong hoàn cảnh này liệu luật sư Gooi có chắc là mình sẽ thắng kiện không? Cũng không thể loại trừ được việc các chứng cứ bị gian lận, các bị cáo bị ép cung.

Lúc này, mỗi lần được chở đi lấy cung, thân chủ của ông luôn phải bận áo vét chống đạn. Nhưng theo lời luật sư, cô rất tự tin, trong lá thư vừa rồi gởi cho gia đình, cô viết: „Mẹ thương, mẹ đừng thất vọng. Nay mai con sẽ về lại với mẹ!“ Cô cũng nhắn qua luật sư của mình cho báo ZEIT, là cô sẽ được „trắng án“. Toà án vừa mới quyết định, sẽ bắt đầu mở phiên toà vào ngày 02 tháng 10 tới. Phán quyết sẽ ra trước Giáng Sinh.

 

Nơi ẩn trốn.
Đâu đó giữa Macao, Mostar và Le Havre.

 

Kim Han Sol

 

Một trong những người sẽ đặc biệt hồi hộp khi theo dõi phiên toà: Kim Han Sol, con trai cả của nạn nhân bị giết. Theo luật, cậu có thể là người thừa kế ngai vàng tại Bình-nhưỡng – và như vậy có thể trở thành mối nguy hiểm cho ông chú đang ngự trị tại đây.

Sol 22 tuổi, sinh tại Bình-nhưỡng, nhưng gần như suốt đời lớn lên bên ngoài quê hương; cậu có một nhận thức khác khẳn nhận thức thông thường của một thanh niên bắc hàn: Cậu học trong các đại học ở Mostar thuộc Bosnien và ở Le Havre thuộc Pháp, bận quần áo bò đúng mốt và tai đeo một hạt kim cương nhỏ. Cậu nói tiếng Anh trôi chảy như một công dân thế giới – và là mẫu hình có thể vươn tới cho giới trẻ của đất nước hiện đang bị khép kín.

Cách đây 5 năm Sol có một cuộc phỏng vấn duy nhất với một đài truyền hình phần-lan. Trong đó cậu gọi người chú không nhớ mặt của mình là một „nhà độc tài“ và ước mong sao cho Nam và Bắc Hàn thống nhất, để „mở ra một tương lai tốt hơn cho dân chúng“. Cậu nói về „giấc mơ một ngày nào đó được trở lại quê hương một lần“. Có thể thực hiện được giấc mơ không, cậu chẳng nói.

Đầu tháng 3 xuất hiện trên mạng toàn cầu một cuốn phim bí ẩn dài 40 giây. Trong đó Sol tự giới thiệu ngắn gọn về mình và nói tới vụ ba mình bị giết ở Kuala Lumpur. Cậu cho hay, đang sống „an toàn“ với mẹ và em gái và cám ơn những ân nhân giúp gia đình cậu. Không biết ai là người bảo vệ gia đình Sol và ai là người đã tung phim lên mạng, để cho thế giới biết Sol còn sống – có lẽ là do tình báo của Nam Hàn, của Trung Quốc hay của Hoa-kì? Sứ điệp của cuốn phim có lẽ là để cảnh cáo Kim Jong Un: Coi đây, tôi còn sống và đang theo dõi kĩ hành vi của ông. Tôi có mặt khắp nơi mà đồng thời cũng không ở đâu cả.

Chẳng biết sứ điệp đó có ảnh hưởng gì trên nhà độc tài ở Bình-nhưỡng không. Mặc cho các quyết nghị của Liên Hiệp Quốc và những biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo An, Un vẫn tiếp tục thử hoả tiễn, vẫn tiếp tục đẩy mạnh chương trình bom nguyên tử. Ai mở miệng chỉ trích, Un trừng phạt nghiệt ngã. Bằng mọi cách Un buộc tổng thống Hoa-kì ngồi vào bàn đối thoại „ngang hàng“. Người dân bắc hàn bị thế giới khinh miệt đến thế nào, Un cũng chẳng màng – trái lại: biệt lập với thế giới là một phần trong lối cai trị của Un.

Các chuyên gia chính trị của Nam Hàn, Nga, Trung Quốc, Hoa-kì – tất cả mọi quan sát viên – đều nghi ngờ khả năng Kim Han Sol một ngày nào đó sẽ chiếm được ngai vàng ở Bình-nhưỡng và mở cửa cho đất nước mình. Nhiều người cho rằng, cũng như cha mình, cậu cũng sẽ là người suốt đời bị săn đuổi. Dù trốn nơi góc trời chân bể nào hay được ai che chở, ở đâu những tay giết người cũng có thể mò tới được.

 

 Phạm Hồng Lam 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC