Tính đa dạng và khác biệt tất yếu trong vũ trụ vạn vật

15/04/202510:58 SA(Xem: 313)
Tính đa dạng và khác biệt tất yếu trong vũ trụ vạn vật

Tính đa dạng và khác biệt tất yếu 

trong vũ trụ vạn vật

aaa

Vạn vật mà Thiên Chúa tạo dựng trong vũ trụ - trong đó có con người - thì mỗi người mỗi vật đều khác biệt, không ai giống ai, không vật nào giống vật nào. Hai chiếc lá trên cùng một cành, mới nhìn thì thấy chúng giống y hệt nhau, nhưng nhìn kỹ từng chi tiết mới thấy chúng khác biệt nhau. Chúng còn khác biệt ở chỗ chúng mọc ở hai vị trí khác nhau; khi rụng, chúng rụng vào hai thời điểm khác nhau, và có khi được gió cuốn đi đến hai vị trí cách nhau rất xa. Cũng vậy, hai viên gạch vừa xuất xưởng về đại thể thì giống y hệt nhau, nhưng về chi tiết thì có nhiều khác biệt. Số phận của hai viên gạch cũng có thể khác xa nhau. Khi được xếp thành một đống, có viên xếp tuốt bên trong, có viên ở tận bên ngoài. Khi được bán thì viên đến nhà này viên đến nhà khác. Trong tay thợ xây thì viên còn nguyên, có viên bị chặt bớt; có viên ở dưới đáy nền nhà, có viên ở tít trên cao.
Thế giới thì có cả hàng chục ngàn loại hoa khác nhau, mỗi loại một mầu sắc, một vẻ đẹp riêng. Nếu tất cả mọi bông hoa trên thế giới đều giống hệt nhau, nghĩa là chỉ có một loại hoa duy nhất, cho dù là loại hoa hết sức đẹp, thì chắc chắn vẻ đẹp của thế giới sẽ giảm đi rất nhiều, và thế giới sẽ trở nên buồn tẻ hơn biết bao...
Vật vô tri mà còn khác biệt như vậy huống gì con người. Hàng chục tỉ người trên thế giới qua các thế kỷ thì mỗi người mỗi vẻ, chẳng ai giống ai. Ông Trời quả là có biệt tài vô song trong việc tạo ra sự khác biệt. Khác biệt nhất là vân tay, nhờ vậy mà các cơ quan an ninh có thể xác định được chính xác tội phạm có vân tay để lại trên đồ vật là ai, không thể lộn qua người khác được.
Khác biệt là điều rất tự nhiên và tất yếu xảy ra khi người ta ở những vị thế khác nhau, sống trong những môi trường khác nhau, được giáo dục khác nhau… Thật vậy, giả như có một phép mầu nào đó biến tôi thành hai người y hệt nhau, không khác nhau một điểm nhỏ nào cả về tinh thần lẫn vật chất, thì khi tôi vừa biến thành hai, lập tức hai «cái tôi» ấy bắt đầu tiến trình khác biệt nhau. Trước hết, chúng phải chiếm hai chỗ khác nhau trong không gian, không thể chiếm cùng một chỗ được. Nếu hai «cái tôi» ấy bắt đầu đi đến những nơi khác nhau, gặp những người khác nhau, ăn uống những thứ khác nhau, làm những công việc khác nhau, sống trong những môi trường và hoàn cảnh khác nhau, nếu sau một năm hai «cái tôi» ấy gặp lại nhau thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn chúng không còn giống hệt nhau như khi vừa mới «phân thân» được. Chúng sẽ có những khác biệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Do gặp những chuyện khác nhau, nên những hiểu biết của chúng phải khác nhau, vì thế chúng sẽ quan niệm khác nhau và sẽ không luôn luôn đồng quan điểm với nhau. Một số vấn đề chúng không đồng ý với nhau, nên chúng cãi nhau, tranh biện với nhau. Do đó, sự khác biệt là tất yếu!
Nếu tôi lại được phân thành 10, thành 100, 1000, thì tất cả những «cái tôi» ấy, sau một thời gian sống trong những môi trường khác nhau, ắt sẽ biến thành những con người khác nhau. Theo triết lý Đông phương, bản chất của vũ trụ vạn vật là «Nhất bản tán vạn thù» và «vạn thù quy nhất bản». Nghĩa là nguyên thủy chỉ có một gốc, và cái gốc ấy bị phân tán thành nhiều thể khác biệt nhau; nhưng tất cả những cái khác biệt nhau ấy đều quy về cái gốc nguyên thủy kia. Đó chính là nguyên lý của sự khác biệt trong vạn vật vũ trụ.
Nói về sự khác biệt về trình độ nơi con người. Thế giới gồm 8 tỉ người tương tự như một cái thước dài 8 ngàn cây số, với vô số gạch nhỏ chia thành 8 tỉ milimét, mỗi người ví như một gạch nhỏ ấy được xếp theo thứ tự về trình độ. Mức độ gần hay xa nhau của các gạch nhỏ ấy cũng vô cùng khác biệt: Có những gạch rất gần nhau, nhưng cũng có những gạch xa nhau vời vợi. Cũng vậy, trình độ hay mức độ giữa người với người cũng vô cùng khác biệt: có những người giống nhau ở rất nhiều điểm, nhưng có những người khác xa nhau về đủ mọi mặt.
Những điều vừa kể trên cho thấy: không thể chỉ căn cứ vào sự khác biệt để luận đúng-sai được (xin nhấn mạnh chữ chỉ). Nếu tôi đúng thì không thể kết luận rằng ai khác với tôi ắt là sai. Tôi đi bằng hai chân là đúng. Nhưng con chó đi bằng bốn chân, con nhện tám chân, chân của loài rết biến thiên từ dưới 20 đến trên 300… đều đúng cả. Nếu bị gãy một chân nên tôi phải chống gậy và đi một bằng chân thì cũng không thể nói là sai; vì nếu bạn biết tôi bị cụt chân mà nghe ai nói tôi vẫn đi bằng hai chân thì đương nhiên bạn sẽ bảo người ấy nói sai.

Thế nhưng điều rất lạ là người ta đa số căn cứ vào sự khác biệt để luận đúng sai. Một khi cho mình là đúng, hay cho một điều gì là đúng, thì bất kỳ ai hay điều gì khác với mình hay khác với điều ấy thì đều hẳn nhiên bị cho là sai, và hễ càng khác biệt thì càng sai. Từ đó phát sinh não trạng tự kiêu, độc đoán, hoặc buồn phiền, thất vọng như tâm trạng của Khuất Nguyên: «Đời đục cả chỉ một mình ta trong, đời say cả chỉ một mình ta tỉnh» [*].

[*] Xem thêm bài “Tâm sự của Khuất Nguyên” trong trang https://vietbestforum.com/thread-753-page-5.html.

Về não trạng hay cách lý luận này, cụ Nguyễn Duy Cần viết: «Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải làm sao ta dám nghĩ dám làm… Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu. Tào Tháo, một tên gian hùng đệ nhất xưa kia, cũng vẫn tin mình là thế thiên hành đạo, mà trái bom nguyên tử trên Hiroshima, giết một loạt sáu trăm ngàn người… cũng chỉ là một việc làm hết sức nhân đạo: sát nhất miêu cứu vạn thử… Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này, thật là một câu nói khám phá được cả một tâm sự loài người.» [*]

[*] Cũng trích từ bài “Tâm sự của Khuất Nguyên” trong trang https://vietbestforum.com/thread-753-page-5.html.

Các chế độ độc tài trên thế giới đều phát sinh từ kiểu lý luận hay não trạng độc đoán ấy. Nếu cứ theo kiểu lý luận ấy thì một khi tự cho mình là đúng, ắt phải kết luận kẻ khác mình là sai. Rồi một khi nắm được quyền lực trong tay, ắt nhiên mình sẽ bắt mọi người «gọt chân cho vừa giày», «chặt chân cho vừa giường», ai mà sống không đúng như khuôn khổ mà mình cho là đúng, thì phải ép sao cho họ vừa khít với khuôn khổ của mình.

Trong đoạn trên, cụ Nguyễn Duy Cần viết: «Dầu là một kẻ ngu… cũng vẫn tin việc mình là phải». Ngu mà thế, huống gì kẻ không ngu!? Vì thế càng giỏi, càng khôn thì càng cho mình là phải. Và chính vì thế, người ta cứ cãi lộn nhau hoài, rồi sinh ra chia rẽ, hận thù và muôn vàn đau khổ...

Vậy thì ai là kẻ không cho mình là phải? − Chỉ những ai suy nghĩ và rút ra kết luận từ cái thực tế ấy mới biết nghi ngờ chính những điều mình đang cho là đúng, là phải: Có thật là nó đúng, nó phải không? Có nhận ra rằng cái đúng cái phải của người khác không giống cái đúng cái phải của mình, thì mình mới sẵn sàng lắng nghe những cái đúng, cái phải của người khác.

Tôi biết 1000 điều, người khác cũng biết 1000 điều. Nhưng 1000 điều tôi biết không phải là 1000 điều người kia biết. Vậy thì suy nghĩ hay cái đúng của tôi làm sao giống như suy nghĩ hay cái đúng của người kia được? Một người khác nữa lại biết đến 1 triệu điều, hẳn nhiên cái đúng của người này không giống cái đúng của tôi và người kia. Nếu tôi có quyền hành trong tay nên dùng quyền để bắt buộc người biết 1 triệu điều phải suy nghĩ và chấp nhận cái đúng của tôi, thì làm sao người ấy chấp nhận được?

Một cậu bé học tiểu học nghe cô giáo nói: «Các em không được lấy số nhỏ trừ số lớn, điều đó là phi lý.  Vì khi các em chỉ có 10 cái kẹo thì không thể ăn tới 11 cái được». Em thấy cô giáo nói hết sức hợp lý. Một hôm, mở tập toán của người anh đang học trung học, em thấy có nhiều bài toán lấy số nhỏ trừ số lớn, em liền kết luận «chắc như bắp»: ông anh mình đúng là không hiểu gì về toán cả, rõ ràng ông ấy dốt hơn mình! − Đấy! Nhiều khi ta cũng dựa vào những lý lẽ mình cho là đúng để phán quyết cả những người có trình độ cao hơn mình là sai, chỉ vì mình thấy những điều họ nói không phù hợp với lý lẽ của mình!

Cái tính mà cụ Nguyễn Duy Cần mô tả «Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải làm sao ta dám nghĩ dám làm… Dầu là một kẻ ngu, cũng vẫn tin việc mình là phải», cái tính ấy chính là nguyên nhân phá hỏng tất cả mọi sự hiệp nhất hay đoàn kết trong tất cả mọi tập thể trong lãnh vực chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội, v.v... Cái não trạng ấy rất phổ biến trong hầu hết mọi người, không chỉ người ngu, mà cả những người trí thức, thậm chí những triết gia, những nhà thần học, v.v... đều mắc phải. Chỉ những người biết phản tỉnh, ý thức được tính đa dạng, sự khác biệt mang tính tất yếu trong vũ trụ vạn vật, để biết nghi ngờ, để xét lại cách nghiêm túc những kiến thức của mình, những điều mình từng cho là đúng, mới may ra thoát khỏi cái não trạng phổ biến từng là nguyên nhân gây nên chia rẽ, xung đột, mất hiệp nhất và đoàn kết trong mọi tập thể suốt bao thế kỷ nay.

Muốn hiệp nhất hay đoàn kết để có sức mạnh, chúng ta cần bỏ cái não trạng ấy. Cần phải nghĩ rằng khác với mình vẫn có thể đúng, thậm chí có thể đúng hơn mình, nhất là khi họ có trình độ suy tư hay kinh nghiệm cao hơn mình. Nhiều trường hợp mình tưởng người ta rõ ràng là sai, nhưng thật sự họ lại đúng và hợp lý hơn mình. Đừng để mình rơi vào trường hợp người em tiểu học lại chê người anh trung học là dốt hơn mình như đã kể ở trên.

Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14/04/2025
Có những giáo dân đóng vai trò lãnh đạo một hội đoàn, một đoàn thể, như Legio, Liên Minh Thánh Tâm, Cursillo, Các bà Mẹ Công giáo, v.v... Những giáo dân cao cấp này cũng nên biết các linh mục quản xứ mong muốn gì nơi mình. Bài này là tâm sự của một linh mục nói lên niềm mong ước hay hy vọng nơi những giáo dân cao cấp ấy thế nào.
04/04/2025
Mời bạn đọc 3 câu chuyện khiến bạn có thể suy nghĩ và rút ra được những bài học rất quan trọng cho việc đối nhân xử thế trong cuộc đời mình. Trong việc đối nhân xử thế, chúng ta hãy cố gắng học cách lắng nghe, nên cho người khác có cơ hội để giải thích. Có như vậy, mới giúp chúng ta tránh được nhiều điều khiến ta phải hối tiếc sau này.
26/03/2025
Chúng ta đối xử với cha mẹ của chúng ta thế nào? và cha mẹ của chúng ta đã đối xử với chúng ta thế nào? Câu chuyện «Cây Táo và đời một người» mô tả một cách tượng trưng cách ứng xử của chúng ta với cha mẹ, và của cha mẹ đối với chúng ta, dù đó là cha mẹ ở trần thế, hay Cha Mẹ ở trên Trời.
14/03/2025
Magiê là một trong những khoáng chất mà chúng ta không phải lúc nào cũng nghĩ đến, nhưng nó đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì hoạt động trơn tru của cơ thể. Có chín dấu hiệu tinh tế báo cho ta biết cơ thể ta bị thiếu chất magnesium.
13/03/2025
Hạnh phúc, bình thường, rất đơn sơ, thế mà vô số người không đạt được. Có những siêu minh tinh màn bạc, như Marilyn Monroe, Robin Williams, v.v... rất giàu có, danh tiếng, được mọi người yêu quý, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng họ đã chán đời, không hạnh phúc, thậm chí đau khổ, và đã tìm giải thoát bằng tự tử. Tại sao vậy? -- Vì không biết đủ!
09/03/2025
Chuyện kể về một cô giáo trẻ thời VNCH trước 1975, nhưng tiếp tục dạy Pháp văn tại một trường học ở Đà Nẵng sau năm 1975 dưới chế độ CSVN. Trước 1975, cô có người yêu đã đính hôn là một phi công VNCH. Nhưng sau 1975, cô không còn gặp người yêu lần nào nữa. Và câu chuyện kể về lớp học của cô sau 1975 và những chuyện xảy ra sau đó.
08/03/2025
Ngày 20 tháng 10 – Ngày Phụ nữ Việt Nam – là một dịp để mỗi chúng ta nhìn lại vai trò và vẻ đẹp của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt là trong lòng đức tin Công giáo. Họ là những người không chỉ là cột trụ của gia đình mà còn là hiện thân của sự khéo léo, dịu dàng và lòng kiên nhẫn theo phong cách truyền thống Á đông.
27/02/2025
Thánh Kinh có nói: “Mọi việc dưới gầm trời đều có thời của nó. Có thời sinh ra thì cũng có thời chết đi. Có thời trồng thì cũng có thời phải nhổ (nhổ vật đã trồng). Có thời giết thì cũng có thời cứu sống. Có thời phá đổ thì cũng có thời xây dựng, v.v... ” (Gv 3:1-8). Theo tinh thần đó, có thời làm việc thì phải có thời nghỉ ngơi và vui chơi. Tuân theo luật tự nhiên ấy thì mọi sự đều tốt đẹp, trái với luật đó thì không tốt: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”.
12/02/2025
Người ta chỉ hạnh phúc khi ý thức được những điều quý giá mình đang có. Biết bao nhiêu kẻ giàu sang phú quý, hoặc đạt đến tuyệt đỉnh danh vọng hay quyền lực, mà đâu cảm thấy mình hạnh phúc. Biết bao người mong ước có được phần nào những gì họ có mà không được. Thế mà những người đang có những thứ ấy lại chẳng thấy mình hạnh phúc. Tại sao vậy? Chỉ vì họ không ý thức những thứ quý giá họ đang có.
12/02/2025
Trong cuộc đời, nhiều khi ta cảm thấy mình chẳng hạnh phúc, chính vì thế mình khao khát hạnh phúc mà chẳng được. Cho tới khi mình mất tất cả những gì mình đang có, mình thấy khổ hơn bao giờ hết. Lúc ấy mình mới mong có được sống trong cảnh mình đã có trước đây, mình mới thấy thời ấy mình hạnh phúc biết bao. Vậy, hãy ý thức cái hạnh phúc mình đang có, đừng để khi mất rồi mình mới biết cái mình đã có là hạnh phúc.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC