Bài học từ việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ

06/03/202511:31 SA(Xem: 408)
Bài học từ việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ

Bài học từ việc Chúa Giêsu

chịu cám dỗ

 aaa

 

1. Đức Giê-su bị ma quỉ cám dỗ về những điều gì?

Chỉ cần đọc qua bài Tin Mừng Lc 4:1-13 là chúng ta biết ngay Đức Giêsu bị ma quỉ cám dỗ về những điều gì. Trước hết ma quỉ dụ dỗ Đức Giê-su dùng quyền năng của Con Thiên Chúa để thỏa mãn nhu cầu ăn uống sau bốn mươi ngày chay tịnh. Rồi ma quỉ đem quyền hành và vinh hoa phú quí lợi lộc trần gian ra cám dỗ Người, với điều kiện là muốn có tất cả những thứ ấy thì Chúa phải lụy phục nó. Sau cùng ma quỉ dụ dỗ Đức Giê-su ỷ vào tư cách là Con Thiên Chúa mà làm những chuyện kinh thiên động địa không cần thiết, cốt cho «thiên hạ mắt» thán phục.
 
2. Tại sao Đức Giê-su lại để cho ma quỉ cám dỗ?
Chúng ta không nên suy diễn theo cách chủ quan cá nhân mà vẽ ra các lý do của các cám dỗ. Tốt nhất chúng ta tìm ngay trong chính bản văn Tin Mừng. Có một chi tiết nhỏ, nhưng có ý nghĩa để chúng ta xác định vì lý do gì mà Đức Giê-su bị ma quỉ cám dỗ (tức là để cho ma quỉ cám dỗ). Lu-ca viết: «Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về, được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa đến bốn mươi ngày, chịu quỉ cám dỗ» (Lc 4:1). Cũng về sự kiện này Mác-cô viết cách rõ và mạnh hơn: «Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ…» (Lc 1:12). Thế có nghĩa là việc Đức Giê-su sống chay tịnh bốn mươi ngày trong hoang địa cũng như việc Người bị Xa-tan cám dỗ, thử thách là nằm trong chương trình kế hoạch của Thiên Chúa, vì những việc ấy đã được thực hiện dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa (Thần Khí đẩy Người…). Nói cách khác, chính Đức Giê-su trong tư cách là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ mà trần gian đang chờ mong, phải trải qua thử thách, để Người xác định tấm lòng trung thành của mình đối với Thiên Chúa và đối với sứ mạng cứu độ chúng sinh bằng con đường hy sinh, tự hủy của Thập Giá.
 
3. Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ của ma quỉ bằng cách nào?
Đứng trước cả ba cám dỗ của ma quỉ, chúng ta thấy Đức Giê-su đều dựa vào Thánh Kinh là Lời Hằng Sống và Chân Thật của Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật, để khước từ khẳng định!
a) Khước từ một cách hiểu Kinh Thánh hẹp hòi, vụ lợi. Khước từ các lời dụ dỗ đường mật, ngon ngọt của Xa-tan. Khước từ những thứ phù phiếm, chóng qua và nguy hiểm như quyền hành thế gian và lợi lộc vinh hoa phú quí gắn liền với quyền hành ấy.
b) Khẳng định một cách hiểu Lời Chúa chính xác, sâu xa và hướng thượng. Khẳng định vị trí độc tôn của Thiên Chúa trong tâm hồn và cách sống vâng phục hiếu thảo tuyệt đối của kẻ làm con.
 
4. Những cám dỗ của Đức Giê-su có liên hệ gì với những cám dỗ ­­của người Ki-tô hữu và của Giáo hội Ki-tô ngày nay?
Có nhiều người khi đề cập đến bất cứ lời nói hoặc việc làm nào của Đức Giê-su, của Đức Mẹ hay của các thánh thì đều cho rằng Chúa, Đức Mẹ, các thánh… nói lời ấy hay làm điều ấy là để làm gương cho chúng ta. Có lẽ cách giải thích kiểu ấy có cái gì quá hời hợt và không đầy đủ. Chúng tôi nghĩ Đức Giê-su có nói/làm lời/việc gì thì trước hết là Người nói/làm lời/việc ấy là để đáp ứng các nhu cầu có thật của chính bản thân Người và của những người chung quanh liên hệ trực tiếp đến biến cố lúc bấy giờ. Sau này các thánh Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an khi viết Phúc Âm có chép lại những việc này việc nọ, có ghi lại những lời này lời kia của Chúa thì cũng là để truyền đạt lại một cách trung thành các lời nói và việc làm của Đức Giê-su cho cộng đoàn tín hữu của mình và cho các thế hệ mai sau. Nói tóm lại các lời nói, việc làm cũng như các biến cố, các chuyện kể trong bốn Phúc Âm tự thân có giá trị, không cần (nhưng không loại trừ), không cần phải kèm theo mục đích giáo dục hay làm gương cho người khác mới có giá trị. Hiểu như thế, chúng ta mới dành thời gian, tâm trí mà suy nghĩ, học hỏi để hiểu chính xác và sâu sắc các dòng, các trang của bốn Sách Phúc Âm.
Mặt khác, khi người Ki-tô hữu muốn sống theo tinh thần và lệnh truyền của Chúa hoặc muốn bước theo Chúa thì chắc chắn 100% là sẽ gặp phải những vấn đề y như Đức Giê-su đã gặp. Họ sẽ phải trải qua những thử thách cam go, những cám dỗ quyết liệt để khẳng định sự chọn lựa và quyết tâm của mình. Và khi ấy thì họ sẽ đọc những chuyện của Phúc Âm không chỉ như các chuyện thời xưa mà như là các chuyện thời nay; không phải như là chuyện của người khác mà là chuyện của chính mình họ. Vậy thử hỏi người Ki-tô hữu và Giáo Hội (=cộng đoàn) Ki-tô ngày nay có thể gặp phải những thử thách, cám dỗ nào?
Thực trạng của thế giới ngày nay, rất nhiều người làm nô lệ – tự ý hay bị bắt buộc – cho miếng ăn miếng uống. Ở Hoa Kỳ hàng hóa, thực phẩm ê-hề, thừa thãi và người ta phung phí một cách dễ sợ! Trong khi đó trên thế giới: ở Phi Châu, Mỹ châu La Tinh và một số nước Á Châu trong đó có Việt Nam ta, biết bao nhiêu triệu người thiếu ăn thiếu mặc, thậm chí chết vì đói, vì lạnh, vì bệnh tật. Ở cả hai bán cầu của trái đất này con người đều nghĩ tới miếng ăn, miếng uống, tới các nhu cầu thiết yếu của đời sống: nhưng ở một bán cầu người ta nghĩ đến cách làm sao hưởng thụ cho thật nhiều, thật sướng các tiện nghi và của cải, trong khi ở bán cầu kia người ta chỉ ước ao có đủ miếng ăn áo mặc để sống. Nhu cầu ăn uống là một nhu cầu tự nhiên và chính đáng. Nhưng để có được miếng ăn và để biết cách ăn tương xứng với phẩm giá con người lại là cả một vấn đề. Và loài người, dù văn minh tiến bộ đến độ có thể bay lên không gian và sống ở trên đó… vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản này.
Tôi nhớ đến «Dụ ngôn ông nhà giầu anh La-da-rô nghèo khó» trong Phúc Âm Lu-ca 16:19-31 và cho rằng chúng ta không chỉ có thể hiểu dụ ngôn này ở cấp độ cá nhân, mà còn có thể hiểu ở cấp độ cộng đoàn và cấp độ quốc gia nữa. Đó là cơn cám dỗ thứ nhất.
Quyền hành và vinh hoa, phú quí trần gian – trong chừng mực nào đó– cũng là một nhu cầu tự nhiên và chính đáng. Nhưng mấy ai hiểu được quyền hành có ý nghĩa gì và giá trị đích thực của vinh hoa phú quí là thế nào? Nhìn vào đời sống chính trị của các quốc gia chúng ta thường thấy những giá trị cao quí như tự do, dân chủ, công bằng xã hội và hòa bình… nhiều khi chỉ là những từ rỗng tuếch, vô nghĩa; vì các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia tham quyền cố vị, độc tài, áp bức hoặc lừa gạt dân chúng để hưởng lợi cá nhân, gia đình và phe nhóm! Nhìn sâu vào đời sống Giáo hội, nhất là Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng ta, chúng ta cũng thấy rằng: quyền hành và vinh hoa phú quí cũng là những thứ «rất hấp dẫn» đối với nhiều người lãnh đạo, giáo dân cũng như giáo sĩ. Bài học Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ đêm thứ Năm Tuần Thánh vẫn là bài học có tính thời sự nóng bỏng đối với các môn đệ thời nay của Đức Giê-su! Trong Đạo cũng như ngoài đời, một khi say mê quyền hành và vinh hoa phú quí thì người ta rất dễ dàng làm nô lệ cho những thế lực có thể «ban» quyền hành và vinh hoa phú quí ấy cho mình. Xa-tan đã nói với Đức Giêsu: «Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, quyền hành ấy đã được trao cho tôi, tôi muốn trao cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông» (Lc 4:6-7). Đó là cơn cám dỗ thứ hai.
Một cám dỗ nữa – cám dỗ thứ ba – mà người Ki-tô hữu và Giáo Hội Ki-tô thường gặp là tội huênh hoang và phô trương, là tội tự cao tự đại và kiêu căng. Lịch sử Ki-tô giáo 2000 năm đã in đậm dấu ấn của những tội lỗi ấy. Vào dịp Năm Thánh 2000 Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã chính thức và long trọng nhìn nhận những tội lỗi ấy của Giáo Hội và đã khẩn cầu Thiên Chúa và nhân loại thứ tha cho Giáo hội về những tội lỗi ấy. Bài học ấy của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đáng lẽ ra phải được mỗi người, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận và cả Giáo Hội Việt Nam chúng ta đem ra học tập và làm theo. Ở phạm vi từng cá nhân cũng như cộng đoàn, nhiều khi chúng ta làm việc thiện hay việc đạo đức chỉ vì muốn người khác thấy việc chúng ta làm mà cảm phục ca tụng chúng ta; nhiều việc chúng ta làm chỉ để tỏ ra «ta đây», chứ chúng ta chẳng làm với tấm lòng thành để tôn kính Thiên Chúa và yêu thương đồng loại!
Nếu chúng ta ý thức được những cám dỗ mà mỗi ngưỡi, mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu có thể và thường gặp như trình bày ở trên, thì chúng ta sẽ đọc đoạn Tin Mừng về Đức Giê-su chịu cám dỗ trong Lc 4:1-13 với một cảm nhận và một khám phá mới. Các cám dỗ của Đức Giê-su trong hoang địa rất giống với các cám dỗ trong cuộc đời của chúng ta. Thật ra Đức Giê-su không chỉ bị cám dỗ, thử thách trong hoang địa mà Người còn bị cám dỗ trong suốt cuộc đời của Chúa. Lu-ca kết thúc chuyện kể trên bằng một câu rất gợi ý: «Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỉ bỏ đi, chờ đợi thời » (Lc 4:13). Dựa vào lời trên, chúng ta hiểu rằng: Keo này quỉ chịu thua và bỏ đi, nhưng quỉ sẽ rình rập cơ hội khác để thử thách và cám dỗ Chúa. Đối với mỗi người và mỗi cộng đoàn Ki-tô cũng thế. Bài học chúng ta rút ra được là phải biết tỉnh thức và cảnh giác!
 
Nguyện:
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô nhìn vào cách Chúa sống, cách Chúa đấu tranh chống các cơn cám dỗ, cách Chúa chọn lựa con đường hy sinh tự hủy để thể hiện sự vâng phục đối với Chúa Cha và lòng thương yêu đối với loài người, chúng con vô cùng cảm kích và cảm thấy được an ủi rất nhiều. Chúng con dâng lên Chúa lời cảm tạ! Chúng con dâng lên Chúa tâm tình biết ơn của chúng con! Chúng con xin Chúa ban cho chúng con ơn tỉnh thức và cảnh giác thiêng liêng. Chúng con xin Chúa chúc lành và hỗ trợ cho những cố gắng, những phấn đấu của chúng con để chúng con biết sống theo Chúa, biết sống giống Chúa, biết sống đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh & mọi lãnh vực cuộc đời, Amen!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16/03/2025(Xem: 104)
Người càng ý thức sự bất toàn của mình thì càng khiêm nhường và cố gắng hoàn thiện hơn, nên càng trở nên công chính, thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Trái lại, người thường tự mãn về sự đạo đức hay thánh thiện của mình, thì càng khó thấy được sự bất toàn của mình, nên ít giá trị trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói: Người thánh thiện thì không tự mãn, còn người tự mãn thì không bao giờ thánh thiện.
15/03/2025(Xem: 140)
Cách đây trên 2000 năm, Đức Giêsu đã chỉnh lại cách thờ phượng Thiên Chúa khác với cách thờ phượng trong Cựu Ước, vốn chuộng hình thức bên ngoài, đặt nặng không gian và thời gian. Cách mới của Đức Giêsu đặt nặng nội dung hơn hình thức, nội tâm hơn ngoại cảnh, bằng tâm hôn hơn thể chất… Chúng ta đã cập nhật cách thờ phượng của chúng ta theo cách mà Đức Giêsu đề nghị chưa?
14/03/2025(Xem: 190)
Việc Đấng Cứu Thế sinh ra đã được các ngôn sứ loan báo trong Kinh Thánh, khiến toàn dân Do Thái mong Ngài đến hàng thế kỷ. Nhưng khi Đấng Cứu Thế sinh ra tại Do Thái, các Tư tế, Kinh sư, Luật sĩ, là những người đọc, hiểu và giải thích Kinh Thánh, lại chẳng nhận ra Ngài, thậm chí còn thù nghịch với Ngài và giết Ngài. Vậy khi Ngài đến lần thứ hai như Ngài đã báo trước, trường hợp tương tự có thể xảy ra không?
10/03/2025(Xem: 380)
Chúng ta được dựng nên giống Thiên Chúa, theo hình ảnh Ngài. Hình ảnh đây chắc chắn không phải theo nghĩa vật chất, mà hoàn toàn theo nghĩa tâm linh. Chúng ta giống Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta có thần tính. Nhưng thần tính của chúng ta được Thiên Chúa thông ban cho (x. 2Pr 1:4), nhưng nó chỉ ở dạng «mầm», nó cần được phát triển bằng nỗ lực «nên thánh» của chúng ta.
06/03/2025(Xem: 324)
Nhiều Kitô hữu coi cám dỗ như một tai họa, như một điều xấu xa… mà không ý thức được thứ cám dỗ tự nhiên xảy đến cần thiết thế nào trong đời sống tâm linh. Tuy nhiên, những cám dỗ do chính mình tìm đến lại rất có hại . Vì thế, cần phân biệt rõ rệt hai thứ cám dỗ ấy: một thứ do Chúa cho phép xảy đến, và một thứ do chính mình tìm nó, muốn nó.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC